Bức tranh di động 2013

Thảo luận trong 'Thông tin công nghệ' bắt đầu bởi vtn1, 15 Tháng một 2014.

  1. Offline

    vtn1

    • Windows 3.0

    Số bài viết:
    2.379
    Đã được thích:
    82
    Điểm thành tích:
    40
    Khốc liệt cuộc chiến smartphone, tablet lấn dần PC, laptop “cuốn” vào trào lưu “2-trong-1”, cuộc đổ bộ của những thiết bị đeo được... là những mảng màu nổi bật trong bức tranh di động năm 2013.
    Nhiều xu hướng công nghệ di động định hình trong năm 2013 và sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2014. Trước hết có thể thấy rõ là nền tảng di động đã trở thành “chuyện của ba nhà” Android – iOS – Windows Phone. BlackBerry 10 cùng các mẫu smartphone Q10, Z10 đang dần bị loại khỏi cuộc chơi. Trong khi đó thiết bị dựa trên các nền tảng di động mới Ubuntu, Firefox OS, Tizen được trình làng tại MWC 2013 diễn ra hồi cuối tháng 2/2013 đến giờ vẫn là “tiềm năng”. Theo số liệu quý 3/2013 của IDC, Android gần như áp đảo thị trường smartphone với doanh số chiếm tới 81% thị phần; Windows Phone mới chỉ đạt 3,7% thị phần smartphone nhưng đang nhăm nhe thu hẹp khoảng cách với iOS khi thị phần của iPhone đã bị kéo xuống dưới 13%. Trên trận địa máy tính bảng (tablet), iPad của Apple cũng đang thu hẹp dần thị phần, chỉ còn 29,6% so với miếng bánh 40,2% thị phần của 1 năm trước.
    Smartphone đua cấu hình, màn hình lớn và giá rẻ
    Smartphone đua cấu hình từ vài năm trước và năm qua lại tiếp tục so kè “nhanh hơn, chất lượng hình ảnh cao hơn” với sự trợ giúp của loạt SoC 4 nhân thế hệ mới: Qualcomm Snapdragon 800 và 600, Nvidia Tegra 4, Samsung Exynos 5 Octa (8 nhân), TI OMAP 5. Các “bom tấn” HTC One, LG Optimus G Pro, Samsung Galaxy S4 lần lượt ra đời nửa đầu năm 2013 đều sử dụng SoC Snapdragon 600 để khai thác sức mạnh của CPU 4 nhân Krait 300, và các bộ thu phát sóng chuẩn kết nối mới nhất 4G LTE, Wi-Fi 802.11ac tích hợp sẵn không những giúp thiết bị tiết kiệm điện năng hơn so với thiết kế modem tách riêng mà còn dành thêm được khoảng không cho thiết kế pin lớn hơn. Màn hình lớn hơn 5 inch hỗ trợ Full HD 1080p trở thành tiêu chuẩn của smartphone cao cấp đời mới, đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho những dịch vụ hình ảnh độ nét cao trên mạng di động. Cuộc đua chip 4 nhân trong thế giới smartphone Android tiếp tục sôi động vào nửa cuối năm với loạt “bom tấn” mới Galaxy S4 LTE-Advanced và Galaxy Note 3 của Samsung, G2 và Vu 3 của LG, Sony Xperia Z1… mạnh mẽ hơn với SoC Snapdragon 800 tích hợp CPU 4 nhân Krait 400 và GPU Adreno 330. Tuy nhiên, trong cuộc đua cao cấp mới, các nhà sản xuất thiết bị di động tỏ ra không mặn mà với chip cao cấp của Nvidia và TI.
    [IMG]
    Cấu hình smartphone ngày càng mạnh theo hướng “nhanh hơn, chất lượng hình ảnh cao hơn”.
    Trong khi cuộc đua phía Android đang diễn ra “ồn ào” thì Apple tạo ra bước ngoặt công nghệ khi đem vi xử lý 64-bit di động đầu tiên lên iPhone 5S ra mắt cuối tháng 9. Thêm nữa là cảm biến nhận diện dấu vân tay Touch ID cũng mở ra trào lưu mới cho bảo mật di động. Kết quả là chỉ trong 3 ngày đầu công ty đã bán được 9 triệu iPhone mới (gồm cả 5S và 5C), vượt gần gấp đôi kỷ lục 5 triệu máy do iPhone 5 lập năm trước. iPhone 5S trở thành smartphone bán chạy nhất thế giới ngay trong tháng 10/2013, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint. Việc Apple ra mắt chip A7 có kiến trúc 64-bit khiến nhiều đối thủ bất ngờ trở tay không kịp. Câu chuyện giám đốc marketing Anand Chandrasekher của Qualcomm bị mất chức vì xem chip 64-bit di động là vô nghĩa và gọi đây chỉ là "chiêu trò marketing" của Apple không rõ thực hư thế nào, nhưng thực tế Qualcomm đã vội đính chính phát biểu của ông này là không chính xác. Nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ cần có thời gian để phần mềm đuổi kịp phần cứng, phát huy thế mạnh của kiến trúc 64-bit, nhưng về mặt tiếp thị thì có thể gọi đây là màn “vô đối”, và Apple bỗng nhiên gây sức ép lên toàn ngành công nghiệp. Dĩ nhiên các đối thủ không thể im lặng. Qualcomm mới đây đã công bố chip di động hỗ trợ 64-bit đầu tiên có tên Snapdragon 410, hứa hẹn sẽ bán ra từ nửa cuối năm 2014. Đây là dòng chip nhắm vào các dòng smartphone thuộc phân khúc giá rẻ và tầm trung. Samsung cũng vội tuyên bố sẽ có chip 64-bit trong năm 2014. Các nhà sản xuất chip di động lớn khác như Nvidia hay Broadcom được cho là sẽ giới thiệu chip di động 64-bit đầu năm và bán vào cuối 2014. Không những chậm hơn Apple một năm, Qualcomm, Samsung và các đối thủ khác còn phải đối mặt với thách thức cung cấp chip đáp ứng cho nhiều mẫu máy khác nhau.
    Phân khúc smartphone cao cấp năm qua còn diễn ra cuộc đua camera “khủng”. Camera tích hợp trên Nokia Lumia 1020 có cảm biến lên tới 41MP, với Lumia 1520 là 20MP; Xperia Z1 được Sony trang bị camera 20,7MP; G2 và Vu 3 của LG, Galaxy Note 3 và S4 của Samsung đều được trang bị camera 13MP. Những mẫu smartphone có camera ít “chấm” hơn như camera 4MP trên HTC One hay 8MP trên iPhone 5S được các nhà sản xuất công bố đã trang bị công nghệ tiên tiến làm tăng chất lượng ảnh. Theo HTC, camera 4MP trên HTC One đảm bảo chất lượng ảnh chụp nhờ cảm biến có kích thước tương đương khi so với các camera 13MP của các smartphone khác. Apple cũng cải tiến cảm biến với điểm ảnh lớn hơn cho iPhone 5S. Gạt qua một bên những quảng cáo thổi phồng về công nghệ camera tích hợp trên smartphone, có một thực tế là smartphone đang đe dọa sự tồn vong của nhóm máy ảnh ngắm chụp.
    Không chỉ “nóng” ở phân khúc cao cấp, nhu cầu smartphone tăng cao tại những thị trường mới nổi, đặc biệt là những quốc gia đông dân như Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi người mua quan tâm nhiều tới giá, thúc đẩy phân khúc smartphone giá rẻ tăng trưởng mạnh với sự góp sức của nhiều nhà cung cấp chip giá rẻ như MediaTek, Rockchip hay Allwinner. Thậm chí Qualcomm cũng đang trở lại với phân khúc chip giá rẻ. Smartphone tầm trung và phổ thông đa dạng mẫu mã, mức giá trải rộng phổ biến từ dưới 150 – 300 USD tạo cơ hội sở hữu cho số đông người tiêu dùng. Tiêu biểu như Lumia 520 của Nokia bán chạy nhờ giá hợp lý cho smartphone thương hiệu mạnh có cấu hình tốt. Tại thị trường Việt Nam, với mức giá khi mới lên kệ 3,8 triệu đồng, sau hai lần giảm giá sốc nay giá bán Lumia 520 chỉ còn dưới 3 triệu đồng kéo theo Samsung, HTC cũng phải giảm giá mạnh trong cuộc đua cạnh tranh cho các mẫu smartphone Galaxy Trend, HTC 8S.
    Phablet năm qua đã trở thành một xu hướng chủ đạo, tạo nên phân khúc quan trọng lấp vào khoảng trống giữa smartphone màn hình lớn trên 5 inch và tablet cỡ nhỏ (7 – 8 inch). Những mẫu phablet “đỉnh” như Xperia Z Ultra, Galaxy Note 3, Lumia 1520… khiến nhiều người tiêu dùng mơ ước. Màn hình rộng hơn đem lại trải nghiệm tốt hơn, nhất là về mặt hình ảnh, tuy nhiên sẽ tốn pin hơn. Nhưng các nhà sản xuất smartphone có cách giải quyết của mình. Nokia với mẫu Lumia 1520 màn hình 6 inch trong thử nghiệm đàm thoại ở chế độ 3G đạt đến 28 giờ, và duy trì được gần 13 giờ lướt web liên tục qua kết nối Wi-Fi.
    Tablet trên đà vượt doanh số PC
    IDC dự báo doanh số bán tablet trên toàn cầu sẽ đạt 221 triệu máy trong năm 2013, tăng gần 54% so với năm 2012. Nhưng iPad không còn cơ hội khuynh đảo thị trường như những năm trước khi đạo quân đông đảo Android đã phủ rộng trên nhiều phân khúc từ 7 – 10 inch. Ngoài ra còn phải kể đến sự tham gia của Microsoft với hai mẫu Surface RT và Surface Pro đã bước sang thế hệ 2. Nokia cũng đã kịp giới thiệu Lumia 2520 trước khi mảng thiết bị di động thuộc về Microsoft.
    [IMG]
    IDC dự báo doanh số tablet sẽ vượt PC (gồm để bàn và laptop) trong quý 4/2013.
    Theo đánh giá của IDC, 2 năm trở lại đây, xu hướng tablet cỡ nhỏ (7 – 8 inch) nổi lên đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Nhưng sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phablet trong năm qua đã đẩy người tiêu dùng trở về với phân khúc máy tính bảng màn hình lớn, bởi họ khó có thể chấp nhận tốn tiền cho cả phablet và tablet cỡ nhỏ khi sự khác biệt giữa màn hình 6 inch và 7 inch là không đáng kể. Xu hướng mới buộc các nhà sản xuất phải cải tiến để tạo ra sự khác biệt cho tablet của mình.
    Apple chinh phục thị trường với iPad Air 9,7 inch, mỏng và nhẹ (bản Wi-Fi chỉ nặng 469 g), thêm sức mạnh xử lý của chip A7 64-bit. Kindle Fire HDX cả hai phiên bản 7 và 8,9 inch đều được Amazon tăng độ phân giải màn hình lên mức “khủng”. Nexus 7 thế hệ 2 của Google do Asus sản xuất thì đặc sắc với cấu hình mạnh giá siêu rẻ. Microsoft đặt nhiều kỳ vọng vào những cải tiến của phiên bản Surface Pro 2.
    Nhiều chuyên gia nhận định, sự trở lại với tablet cỡ lớn của người tiêu dùng sẽ có thể tác động tích cực tới tablet chạy Windows vốn có thế mạnh với màn hình lớn hơn. IDC dự báo, tới năm 2017, Microsoft sẽ tăng thị phần trên thị trường tablet lên mức 10,2% từ mức 3,4% hiện nay. Theo công bố của IDC hồi tháng 12/2013, Android và iOS sẽ lần lượt chiếm 61% và 35% thị phần tablet toàn cầu trong năm 2013, tỷ lệ này của một năm trước lần lượt là 52% và 45,6%. Trong một báo cáo khác, IDC dự báo doanh số tablet sẽ vượt PC (gồm để bàn và laptop) trong quý 4/2013. Theo nhiều chuyên gia phân tích thị trường, tablet ngày càng được ưa chuộng, nhiều người đã có thói quen dùng để mua sắm hay giải trí thay thế cho PC bởi dễ dùng và tiện mang đi sử dụng mọi nơi, cấu hình tablet ngày càng mạnh và ứng dụng phong phú.
    Laptop “cuốn” vào trào lưu “2-trong-1”
    Trước sức tấn công mạnh mẽ của tablet, thị trường PC đang có nhiều chuyển dịch. Ultrabook, nhóm laptop siêu mỏng và nhẹ chạy Windows, được Intel khởi xướng từ hơn 2 năm trước nay đang chuyển sang xu hướng thiết kế lai giữa laptop với tablet, còn gọi là thiết bị “2-trong-1”, với bộ xử lý Core i thế hệ mới nhất (Haswell). Các nhà sản xuất PC đua theo xu hướng này và vẫn tự tin khi tablet cho đến nay đang thiên về giải trí, trong công việc chưa thể thay thế được laptop cấu hình mạnh với bàn phím cứng QWERTY truyền thống. Những mẫu thiết kế lai nổi bật thời gian qua như Surface Pro 2 của Microsoft, Vaio Tap 11 của Sony, IdeaPad Yoga 2 Pro của Lenovo… sử dụng chip Haswell chạy Windows 8, đáp ứng nhu cầu linh hoạt của người dùng.
    Ultrabook kiểu mới “2-trong-1” cũng có thêm triển vọng được thiết kế mỏng và nhẹ hơn khi tích hợp chip Atom Bay Trail, như chiếc Transformer Book T100 của Asus. Atom thế hệ mới, dựa trên vi kiến trúc Silvermont, sản xuất theo qui trình 22 nm, hỗ trợ cả nền tảng Android và Windows, được Intel kỳ vọng sẽ tăng sức cạnh tranh với chip nền ARM đang được dùng chủ yếu cho các loại máy tính bảng.
    Tuy nhiên, hạn chế cố hữu của laptop trang bị chip Intel chạy Windows nói chung vẫn là chưa tiện cho di động, vì khối lượng chưa đủ nhẹ và thời lượng pin chưa đủ dùng thoải mái cả ngày, điều mà Apple đã làm rất tốt cho mẫu Macbook Air. Giá cao cũng là một vấn đề đối với laptop chạy Windows. Nhiều nhà sản xuất phần cứng PC đổ lỗi do Windows 8 dù đã nâng cấp lên phiên bản Windows 8.1, nhưng xem ra Microsoft vẫn chưa bắt kịp thời đại di động với màn hình cảm ứng là trung tâm. Trong khi đó, một số hãng đang cân nhắc hướng tới việc sản xuất Chromebook chạy Chrome OS của Google khi thị trường PC gặp khó. Hệ điều hành Chrome OS của Google có ưu điểm là hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, với các ứng dụng trực tuyến là chủ yếu, nên máy không cần phải trang bị cấu hình mạnh, dẫn tới thiết kế có thể đáp ứng tiêu chí nhẹ và rẻ.
    [IMG]
    Xu hướng thiết kế laptop siêu mỏng và lai giữa laptop - tablet trước sức ép mạnh mẽ của tablet
    Cuộc đổ bộ của thiết bị đeo được
    Những thông tin về kính thông minh, đồng hồ thông minh trong năm qua cho thấy trận chiến thiết bị đeo được (wearable) mới mở ra hứa hẹn sẽ khốc liệt. Một thế hệ mới có thiết kế thời trang, tích hợp nhiều cảm biến thông minh, khả năng kết nối và tương tác liền mạch, như kính thông minh Google Glass cùng loạt đồng hồ thông minh Pebble, Smartwach 2 của Sony, Galaxy Gear của Samsung… đang thi nhau đổ bộ xuống thị trường. Ngay nhà sản xuất chipset Qualcomm cũng gây bất ngờ với chiếc smartwatch mang tên Toq.
    Google Glass có thiết kế thời trang, nhưng thực hiện được nhiều tác vụ căn bản của một chiếc máy tính, như cho phép người đeo xem nội dung trực tuyến ngay trước mắt, truy cập email, chỉ dẫn đường, chụp ảnh, quay video và chia sẻ tức thời lên mạng… Những chiếc đồng hồ thông minh có khả năng kết nối với smartphone nền iOS hoặc Android có khả năng thông báo các cuộc gọi tới và hiện danh tính người gọi; hiện tin nhắn và email mới nhận được; khởi động và điểu khiển nghe nhạc phát ra từ smartphone, cập nhật Facebook, Twitter mới nhất, chạy các ứng dụng…
    Pebble hiện có khoảng 100 ứng dụng, với Galaxy Gear khoảng 60, Sony SmartWatch 2 có hẳn một hệ sinh thái với hơn 300 ứng dụng nằm trên Google Play. Pebble cũng đã hứa sẽ mở riêng kho ứng dụng cho chiếc đồng hồ cùng tên của mình vào đầu năm 2014, để tạo điều kiện cho các nhà phát triển phân phối ứng dụng dành cho Pebble và giúp người dùng tiện tìm kiếm. Với sự tham gia của các ông lớn Google, Samsung, Sony, Qualcomm, tới đây sẽ thêm Microsoft, Apple…, trận chiến thiết bị có thể đeo hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm tới.
    [IMG]
    Thiết bị thông minh đeo trên người hứa hẹn tạo ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
    [IMG]

    Nguồn: PC WORLD VN
    XopMagic thích bài này.
  2. Offline

    nvphuong

    • Windows 95

    Số bài viết:
    38
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    110
    Ủng hộ cho Windows phone... một HĐH mới đơn giản, dễ dùng và đầy tiềm năng. Android dùng nhiều và thấy bt quá.:D

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí