Apple và Samsung tiếp tục dẫn đầu cuộc đua di động, nhưng sức ép đang gia tăng từ các hãng Trung Quốc, trong khi BlackBerry đã bên bờ vực thẳm, Nokia thì bị Microsoft thôn tính. Có được mảng thiết bị di động của Nokia, liệu Microsoft có xoay chuyển được tình thế? Khởi đầu cho chuỗi sự kiện công nghệ quan trọng của năm 2013, triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2013 được mở màn bằng bài phát biểu của CEO Qualcomm Paul Jacobs về xu hướng kết nối qua di động. Bài phát biểu quan trọng thường niên này trước đây thường do các thủ lĩnh của Microsoft đảm trách kể từ năm 1995, thuyết trình về xu hướng phần cứng, phần mềm với PC là trung tâm. Giờ đây, di động đã trở thành nền tảng công nghệ lớn nhất của nhân loại gắn kết mọi người, mọi thứ trên toàn thế giới lại với nhau dưới nhiều hình thức tương tác, giải trí, cộng tác, chia sẻ thông tin qua mạng Internet toàn cầu. Cũng tại CES 2013, các hãng đua nhau trình diễn smartphone đời mới, trang bị chip “khủng” 4 nhân, màn hình trên 5 inch…, báo hiệu một năm khốc liệt trên chiến trường smartphone. Và thực tế, báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho thấy, smartphone đã khẳng định xu hướng tiêu dùng chủ đạo khi chiếm hơn nửa số điện thoại di động được bán ra trên toàn cầu trong quý 3/2013, đạt 250,2 triệu máy với mức tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm trước. IDC dự báo, trong năm 2013 doanh số bán smartphone trên toàn cầu sẽ vượt 1 tỷ máy, chiếm 65% thị phần thiết bị kết nối thông minh (gồm PC, tablet và smartphone). Các đại gia công nghệ đang dốc toàn lực cho cuộc chiến smartphone, nhưng thị trường vẫn đang chịu sự chi phối của Apple, Samsung và Google. Gartner cho biết Samsung và Apple đóng góp lớn trong tổng doanh số smartphone bán ra trên toàn cầu quý vừa qua, với thị phần lần lượt là 32,1% và 12,1%. IDC ghi nhận, Android đã chiếm 81% thị phần doanh số smartphone toàn cầu. Trong khi đó, theo một báo cáo mới đây của ngân hàng Canaccord Genuity, smartphone chỉ đem lợi nhuận về cho Apple và Samsung, các nhà sản xuất thiết bị khác hầu như đều thua lỗ. Cuộc đua tái cấu trúc Khắc nghiệt của cuộc chiến smartphone là mọi thứ thay đổi quá nhanh với những sản phẩm có vòng đời ngắn ngủi. Ngoài Apple mỗi năm ra mắt một sản phẩm iPhone cao cấp (iPhone 5C là một ngoại lệ), các hãng khác, tiêu biểu là Samsung, hàng năm tung ra cả loạt mẫu smartphone tấn công cùng lúc trên nhiều dải phân khúc thị trường. Dù vậy phản ứng thị trường không như mong đợi khiến hầu hết các đại gia công nghệ phải vật lộn trong cơn khốn khó. Tiếp theo sự biến mất trước đây của thương hiệu Siemens, mảng di động của Ericsson và Motorola bị thôn tính, mới đây nhất là Nokia, có vẻ như danh sách sẽ còn kéo dài đang chờ nhiều tên tuổi lớn. Gây bất ngờ nhất năm qua là thương vụ Microsoft thâu tóm mảng thiết bị di động của Nokia. 7,5 tỷ USD có thể là cái giá “bán mình” quá rẻ của một công ty đã nhiều năm thống trị làng di động thế giới, nhưng dù sao thì Nokia cũng quá may mắn khi đẩy được mảng kinh doanh thiết bị di động đang ngập chìm trong thua lỗ để tập trung cho các mảng kinh doanh khác. Microsoft đang trong tình thế cần tăng lực cho cuộc chiến di động để không bị tụt lại quá xa phía sau các đối thủ cạnh tranh. Sự tăng trưởng chưa được như mong đợi của Windows Phone, thất bại của Surface RT với mức lỗ 900 triệu USD do hàng tồn kho buộc Microsoft phải chuyển mình nhanh hơn. Hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã công bố chuyển hướng thành công ty thiết bị và dịch vụ. Quyết định rời bỏ ghế CEO trong vòng 12 tháng tới của Steve Ballmer nằm trong kế hoạch của Microsoft cho cuộc chiến mới bên ngoài lãnh địa PC sở trường. Có một thực tế là doanh số PC toàn cầu đã sụt giảm 6 quý liên tiếp kể từ quý 2/2012. Cùng cảnh khốn đốn vì ngủ quên trên chiến thắng, nhưng cựu hoàng smartphone BlackBerry thậm chí còn không bán nổi mình với cái giá “bèo” 4,7 tỷ USD. Sau nhiều lần hoãn ra mắt, hệ điều hành BlackBerry 10 được giới thiệu hồi đầu năm 2013 cùng những smartphone chạy trên nền tảng mới Q10, Z10 không đủ sức thuyết phục thị trường phát triển quá nhanh, đã dập tắt mọi hy vọng trở lại của nhà sản xuất Canada. Với khoản đầu tư mới 1 tỷ USD từ một nhóm các nhà đầu tư, BlackBerry dưới sự lèo lái của thuyền trưởng mới là cựu CEO Sysbase John Chen không rõ sẽ cặp bến bờ nào. Sysbase vốn là công ty phần mềm chuyên về cơ sở dữ liệu và phát triển ứng dụng di động cho doanh nghiệp (đã bị SAP thôn tính vào năm 2010) nên giới quan sát nhận định dù smartphone làm nên tên tuổi BlackBerry nhưng có lẽ sẽ không còn chỗ trong chiến lược mới của Chen vạch ra cho công ty. Thế lực mới đến từ Trung Quốc Thị trường rộng lớn từ quốc gia đông dân nhất thế giới đang tạo đà tăng trường cho các nhà sản xuất thiết bị di động địa phương. Những thế lực cũ đang trên đà thoái trào thì xuất hiện những thế lực mới. Nhu cầu smartphone đang tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc tạo đà tăng trưởng nhanh cho các công ty sản xuất thiết bị di động của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Theo Gartner, Lenovo đã vượt lên chiếm vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới trong quý 3 vừa qua. Một nhà sản xuất Trung Quốc khác là Huawei đứng thứ 5, nhưng bám sát LG của Hàn Quốc với thị phần thua kém chỉ 0,1%. Đáng lưu ý là trong vòng 1 năm qua Apple đã để mất hơn 2% thị phần, chỉ còn giữ 12,1% thị phần smartphone toàn cầu trong quý vừa qua, theo Gartner. IDC lý giải nguyên do thị phần iPhone ngày càng thu hẹp là bởi nhu cầu smartphone giá rẻ tăng cao cùng xu hướng phablet mới nổi được nhiều hãng sản xuất Android đáp ứng với nhiều mức giá và đa dạng sản phẩm. Giá rẻ, thiết kế linh hoạt theo nhu cầu thị trường là thế mạnh của các công ty Trung Quốc trong khi cấu hình và tính năng của điện thoại Android đã bắt đầu có sự tương đồng giữa nhiều nhà sản xuất. Lenovo, Huawei và ZTE là những tên tuổi tầm quốc tế, nhưng những cái tên như Xiaomi có vẻ còn xa lạ với thế giới. Tuy vậy lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc của Xiaomi vượt cả iPhone. Quý 2/2013, thị phần Xiaomi tại Trung Quốc đạt 5%, so với 4,8% của Apple. Xiaomi thậm chí còn ôm tham vọng tiến ra thị trường toàn cầu khi mới đây đã mời được cựu phó giám đốc Google, ông Hugo Barra, về đầu quân cho mình. Các công ty Trung Quốc đang tấn công mạnh vào phân khúc giá rẻ, gây sức ép lên toàn ngành. Nhưng điều cản bước các sản phẩm Trung Quốc khi tiến ra thị trường thế giới là bị nhiều nước xem như mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Bản đồ di động không ngừng thay đổi Apple đang phát huy lợi thế hệ sinh thái kết hợp hoàn hảo phần cứng và phần mềm để giữ chân người dùng, điều mơ ước của bất kỳ công ty nào. Những ứng dụng độc quyền như kho nhạc iTunes, gọi điện FaceTime, tin nhắn iMessage và rất nhiều ứng dụng dành riêng cho iOS của các nhà phát triển khiến ai đã dùng iPhone, iPad sẽ không muốn chuyển sang nền tảng khác vì không muốn mất những gì đã quen dùng. Dĩ nhiên quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt Apple đưa vào sản phẩm với vai trò là người tạo ra xu hướng. Chẳng hạn như công nghệ nhận dạng dấu vân tay và chip xử lý 64-bit trên iPhone 5S đã đem đến thành công lớn, ít nhất là về mặt tiếp thị. iPhone 5S là sản phẩm bán chạy nhất thế giới trong tháng 10 vừa qua, và Apple lần đầu tiên giành được vị trí thương hiệu smartphone lớn thứ ba tại Trung Quốc, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research. Ai có thể hạ được Samsung, Apple? Các chuyên gia phân tích tại Gartner khuyên Samsung tới đây cần chú ý cải thiện thiết kế cho những sản phẩm tương lai của họ. Để giữ được lòng trung thành của khách hàng cần tạo sự khác biệt, nếu không một khi khách hàng không muốn dùng Galaxy nữa thì đã có vô số lựa chọn thay thế từ Sony, HTC, LG… Mọi chiến thắng của Samsung đang gắn liền cùng Android nhưng chắc hẳn công ty không muốn quá lệ thuộc vào Google khi đang cố tạo ra nền tảng riêng. Bada không đi đến đâu nhưng Tizen với sự hỗ trợ lớn từ Intel đang là kỳ vọng của đại gia điện tử Hàn Quốc. Những diễn biến trong năm qua đối với HTC phản ánh một thị trường smartphone đầy bất trắc. Từng là nhà sản xuất smartphone Android tiên phong và vươn lên vị trí thứ 3 thế giới vào quý 3/2011, chỉ sau Samsung và Apple, nhưng rồi kết quả kinh doanh của công ty Đài Loan tuột dốc không phanh, dù những “siêu phẩm” như HTC One được đánh giá cao về thiết kế, được xếp là sản phẩm của năm. HTC tung ra nhiều mẫu điện thoại mới nhưng tiếp thị không xứng tầm, giá cao, thời lượng pin thấp khiến sản phẩm của hãng thiếu tính cạnh tranh. Quý 3 vừa qua, HTC công bố khoản lỗ lên đến 101,3 triệu USD. Có vẻ như danh sách các tên tuổi “bán mình” đang chờ điền tiếp cái tên HTC. Tại Nhật Bản, các công ty điện tử bao gồm cả Sony chậm đổi mới, ôm đồm chế tạo đủ loại thiết bị đã hoàn toàn thất thế trước Apple và Samsung trên chiến trường smartphone, mặc dù các sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản luôn được bảo chứng là hàng chất lượng cao. Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn nguồn từ hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel ComTech, cho biết iPhone đã chiếm tới 76% doanh số smartphone ở Nhật Bản trong tháng 10. Được sự trợ giá mạnh từ các nhà mạng viễn thông di động địa phương cùng ngân sách chi cho quảng cáo dồi dào của Apple, iPhone trở thành smartphone bán chạy nhất tại Nhật Bản, chiếm tới 37% thị phần trong quý 2 và 3, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ theo hãng nghiên cứu Kantar là 36%. Bài học thất bại, thậm chí tới mức phải bán mình, từ những đại gia mải mê trên đỉnh cao mà không nhận ra xu hướng mới, chậm thay đổi có thể ứng với bất cứ công ty nào trong một thị trường công nghệ cao đang diễn ra những thay đổi quá nhanh. Thành công cũng đang chờ đón những công ty sáng tạo, để rồi bản đồ di động không ngừng được vẽ lại. PC World 01/2014 Nguồn: PC WORLD VN
so sánh 2 cái này thì SAM SUNG trội hơn Aple về độ phổ biển, tuy nhiên cũng không nói trước được điều gì về việc ai sẽ đánh đổ được 2 ông lớn này. sroviet.us