Có một lữ khách trẻ tuổi tình cờ gặp một người lớn tuổi rất hiểu thiền lý ở trên thảo nguyên, anh ta hỏi cụ già: “Ông sống ở đây có tốt không?” Cụ già hỏi ngược lại: “Quê hương của cháu như thế nào?” … Người lữ khách nói: “Tệ lắm, vừa bế tắc, vừa lạc hậu” Cụ già vội nói: “Vậy cháu mau đi đi, ở đây và quê của cháu rất giống nhau”. Sau đó lại có một lữ khách khác đến, cũng hỏi cụ già câu như vậy, cụ già cũng hỏi ngược lại một câu như đã hỏi thanh niên trước, lữ khách mới đến trả lời một cách thâm tình: “Quê cháu rất tốt, đồng ruộng khe suối, cỏ cây nhà cửa, lại có người thân xóm giềng, đều làm cho cháu rất nhớ”. Cụ già bèn nói: “Ở đây cũng đẹp như ở quê của cháu vậy”. Có một người bên cạnh nghe như vậy cảm thấy nghi ngờ không hiểu, hỏi cụ già: “Tại sao cùng một câu hỏi giống nhau, mà cụ lại trả lời khác nhau một trời một vực như thế?” Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”. Khi một cái ly đựng sữa, người ta sẽ gọi nó là ly sữa. Khi cái ly đựng nước người ta gọi nó là ly nước. Chỉ khi nó không đựng gì cả người ta mới gọi nó là cái ly. Tương tự như thế, khi con người trong lòng có quá nhiều thành kiến, ham muốn danh vọng, tiền bạc, quyền thế, cũng không phải là chính mình. Con người thường ham muốn quá nhiều, cho nên khó có thể thật sự là chính mình. nguồn sưu tầm