Thật bất hạnh khi tuổi thơ tôi đã nhiều lần gặp mẹ mà tôi không hề biết, để rồi năm tháng qua đi, mỗi lần nhớ đến mẹ, long tôi cuộn đâu như dao cắt. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Gò Nổi - Điện Bàn. Lúc chừng 6-7 tuổi tôi thường chơi bắn bi trên con đường làng Lãnh Đông và hay ùa chạy mỗi khi có bà Sáu “điên” (tức bà Sáu Chúc) đi đến tìm con. Nhiều lúc chúng bạn xúm lại đẩy tôi đến gần bà nói: “mẹ mi đó, mẹ thằng Bình đó”, tôi khóc lóc chạy về thì mẹ tôi tức tốc tìm đến lũ bạn, la lối ồn ào cả xóm. Từ đó, mẹ cấm tuyệt đối không chơi bời với bạn bè trong xóm, nên tôi vẫn trốn đi nên bị mẹ đánh nhiều trận đòn khiếp sợ. Dân làng nhiều người đã khóc và lao vào che chở cho tôi. Sau đó tôi phải bỏ học, hằng ngày ra đồng mót khoai mót lúa, có lúc theo người lớn lên tận Diêm Sơn đón củi, lăn lộn giúp gia đình nên tuổi thơ của tôi trôi qua nhanh chóng. Năm 1966, tôi lên đường nhập ngũ lúc vừa 14 tuổi. Vào đơn vị được mấy ngày thì được bạn bè cho hay bà Sáu “điên” đi tìm con trước đây ở quê nhà là mẹ ruột của tôi, còn người mà tôi tưởng là là mẹ thì chỉ là mẹ nuôi thôi. Tôi bàng hoàng sửng sốt! Nhớ lúc còn nhỏ, nhiều người đã nói với tôi như vậy nhưng tôi không tin. Phải chăng vì thế mà gia đình tôi hay căng thăng mỗi khi ai đó nói tôi là con của người này, người nọ? Ngày ngày tôi nghiền ngẫm những điều bạn nói, càng tin đó là sự thật, rồi lại trách mình: sao lại quá ngây ngô, cứ nghĩ người ta treo chọc, vô tình không biết một sự thật đau lòng như thế! Quá bức xúc, đến nỗi tôi muốn về ngay quê nhà tìm mẹ, nhưng địch vẫn còn đang đóng ở quê tôi nên không thể nào về được. Trời ơi! Người mà tôi chạy trốn lại là mẹ ruột của tôi, tôi cố tìm trong kí ức của mình có còn gì về hình bóng mẹ, xong chỉ có nhiều nước mắt. Những buổi sáng trên đỉnh Trường Sơn cao ngút, tôi cố nhìn xa xăm để thấy được Gò Nổi thân yêu, ở đó tôi có hai người mẹ: người có công sinh, người có công dưỡng, đang sống trong khói lửa mịt mùng. Chiến trường Quảng Đà sau tết Mậu Thân thật ác liệt, tôi vừa bị thương, vừa thiết đói, ghẻ lở, nhưng vết thương lòng về người mẹ con đau đớn hơn. 28/3/1975, đơn vị tôi tiếp quản Hội An. Tối hôm đó tôi thức trắng cả đêm, nôn nao, thầm hỏi: “mẹ đang ở nơi nào?”. Trên đường vào Đà Nẵng, trưa 29/3/1975 ngổn ngang mọi thứ, súng vẫn còn nổ trong nội thành. Tôi tìm đến khu Đông Giang, An Hải nơi mà dân Gò Nổi tản cư ra sống ở đây và tìm được nhà ông Lê Ngọc Châu, anh ruột bà Sáu Chúc. Ông xác nhận bà Sáu Chúc chính là mẹ ruột của tôi, ông là cậu ruột tôi. Đồng thời ông cũng báo một hung tin: mẹ ruột tôi không còn nữa. Cha tôi và ông bà nội ở Mã Châu, Duy Xuyên đã tản cư trước khi Pháp đến. Khi mẹ sinh tôi ra, phát bệnh tâm thần, bồng bế tôi đi khắp đường làng, không ai ngăn được. Lúc gần 1 tuổi, mẹ đi tăm đã bới cát chôn tôi tới cổ để tôi khỏi bò ra nước thì cô Sáu Phận lẳng lặng đến bồng tôi về giao cho chị dâu – tức má nuôi của tôi – chăm sóc. Vì bên ngoại tôi khó khăn nên thấy yên tâm khi đã có người nuôi nấng tôi, mặt khác cũng sợ đem tôi về thì mẹ tiếp tục bồng tôi trốn đi nên không đặt vấn đề xin lại. Vì thất lạc tôi mà bệnh tâm của mẹ càng thêm trầm trọng, phá phách, đi lại không ai giữ nỗi. Mẹ thất thểu đi tìm tôi trong gần tám năm như thế (1952 – 1960). Ngày mẹ qua đời, tôi đang sống trong nhà mẹ nuôi cách đó gần 1km, vì bên nuôi sợ sau này tôi tìm về nơi ruột thịt nên không ai cho tôi biết để về chịu tang mẹ. Sau ngày giải phóng, tôi nỗ lực đi tìm mộ mẹ nhưng chiến tranh đã làm nơi đây tan nát, không còn dấu tích gì, tôi đã xây ngôi mộ gió ở nghĩa trang tộc Lê để có nơi về thắp hương tưởng nhớ mẹ. Tôi cũng đã đi tìm kiếm ông bà nội nhưng chẳng có kết quả gì. Mẹ nuôi tôi cũng thật cơ cực, tần tảo nuôi người mẹ chồng mù lòa hai mặt. Còn cha nuôi đi tập kết, có vợ con ở miền Bắc, khi hòa bình lại dắt nhau vào sống ở Sài Gòn. Sau 1975, tôi vào phường 10, quận 11, tp HCM gặp cô Sáu Phận để hỏi nhưng chỉ biết sơ qua là cha mẹ nuôi tôi không có con trai, lúc đó bà nội nuôi đã mù lòa hai mắt, nên cô đem tôi về cho mẹ tôi nuôi để sau này có người dẫn dắt giúp bà. Sau giải phóng, tôi đã xin cô, chú đưa bà nội về quê chăm sóc, bà mất tại quê nhà năm 1978, còn mẹ nuôi tôi cũng qua đời trong cơn bão Xangsane hồi tháng 10 – 2006. Từ khi biết mình là con nuôi, cứ sợ mẹ buồn nên tôi chưa dám hỏi một điều gì, cũng không cho mẹ biết là tôi đã tìm về bên ruột thịt. Tôi chỉ biết động viên an ủi và giúp mẹ. Giờ đây, tuy đã có gia đình, êm ấm sống bên vợ con nhưng tâm trạng của tôi vẫn luôn đau buồn. Mỗi lần về quê đi trên đường từ Cẩu Đen đến Bảo An, tôi luôn nghĩ đấy là con đường mà ngày nào mẹ ẵm tôi đi. Đất Gò Nổi vần còn nhiều người biết mẹ tôi, nhiều người còn nhớ bà hay nói câu: “mẹ ăn, con bú” khi được ai đưa thức ăn cho. Cảm ơn tất cả ông bà, cô bác đã dành từng chén cơm, manh áo, giúp đỡ cho mẹ tôi có sức sống chống chọi với bệnh tật, vượt qua đói rét cho đến phút cuối. Đặng Thái Bình.