Truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

Thảo luận trong 'Hà Tĩnh' bắt đầu bởi dinhvinh07, 24 Tháng mười một 2010.

  1. Offline

    dinhvinh07

    • Friends

    • Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến!
    Số bài viết:
    337
    Đã được thích:
    269
    Điểm thành tích:
    220
    Hà Tĩnh mình thương!

    Là một vùng quê nằm trên dải đất miền Trung thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng Hà Tĩnh thường được coi là nơi 'Địa linh nhân kiệt'. Trong khó khăn gian khổ, con người đã vươn lên tạo dựng được một đời sống tinh thần phong phú, để lại cho muôn đời sau những giá trị văn hoá to lớn và tên tuổi của các bậc danh nhân tiêu biểu. Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng văn chương, khoa bảng và cũng rất đổi anh hùng. Tất cả những truyền thống văn hoá đó sẽ mãi là di sản quý báu đang được lưu giữ và phát huy.

    Hà Tĩnh có lịch sử khá sớm, những di khảo cổ học cho thấy các quần cư của người Việt cổ đã tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Cuộc sống sản xuất, đấu tranh với thiên tai, giặc dã khiến con người nơi đây vừa gan dạ, vừa lạc quan yêu đời, gắn với một nền văn nghệ dân gian dồi dào mà đậm đà chân chất. Từ truyện kể dân gian, truyện cười, những sự tích về núi sông đến các hình thức giao lưu bằng nghệ thuật múa, hát dân ca, kể chuyện ... thật phong tình và mộc mạc. Quanh núi Hồng Lĩnh còn có cả một kho tàng văn hoá tiềm ẩn đang được khơi dậy; truyền thuyết núi Hồng với 99 ngọn đang là nguồn cảm tác của thi ca và đưa ta về câu chuyện có phải đây là quê hương của người Việt cổ?.

    Núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn cùng sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu và sông La, sông Lam là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ và cũng là cái nền làm nên giai điệu dân ca sâu lắng. Núi Hồng Lĩnh là một trong số ít các địa danh được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế. Những tên núi, tên sông Hà Tĩnh không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là nơi tích tụ nguyên khí, sản sinh ra các bậc hiền tài.
    Phía đông Hồng Lĩnh là làng Tiên Điền của đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Phía tây nam núi Hồng lĩnh là làng bát cảnh Trường Lưu của dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng. Hai làng văn hiến ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh ấy đã tạo nên một "Hồng Sơn văn phái" có ảnh hưởng lớn đến văn hoá lịch sử nước ta hồi cuối thế kỷ XVIII.

    Hà Tĩnh có nhiều làng nổi tiếng về văn hoá, khoa bảng và làng nghề truyền thống. Các làng Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương.
    Đây là quê hương của các danh nhân lịch sử, những nhà cách mạng của đất nước như: Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học; Nguyễn Thiếp giỏi lý học; Lê Hữu Trác ''Thần y' (gốc Hải Dương);

    Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế; Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh những nhà giáo xuất sắc; và Nguyễn Du - thi bá của muôn đời... Thời hiện đại, vùng đất này cũng là nơi sinh trưởng của Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Tứ và nhiều tên tuổi lớn khác... Đây cũng là quê hương của hai nhà hoạt động cách mạng: Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập.

    Hà Tĩnh còn có nhiều làng văn nghệ nổi tiếng trong vùng như: làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trương Lưu, hò ví dặm Đan Du, Phong Phú... Nhiều làng nền nếp, phong lưu có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục như: Kim Chuỳ, Hội Thống, Đan Trường, Kim Đôi, Phù Lưu Thượng... Các làng truyền thống với những giọng hò nổi tiếng quanh núi Hồng Lĩnh, ven dòng sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã để lại cho vùng quê Hà Tĩnh và đất nước những áng thơ văn bất hủ, những trước tác quý gía và những khí phách kiên trung. Đó là những di sản Văn hoá tiêu biểu bồi đắp cho tâm hồn người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ và mai sau.

    Phát huy truyền thống văn hoá của quê hương, trong 10 năm sau tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ngành, các cấp sự nghiệp văn hoá thông tin Hà Tĩnh đã từng bước phát triển và giành được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cuộc vận động làng xã, khối phố văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan công sở văn minh đã được các cấp các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ. Phong trào văn nghệ, thể thao phát triển, Các di tích Lịch sử , văn hóa được bảo tồn. Các khu di tích Đại thi hào Nguyển Du, Tổng bí thư Trần Phú, Ngã ba Đông Lộc đã trở thành những bảo tang độc lập mang tầm cỡ quốc gia. Đó cũng là niềm tự hào lớn của người dân Hà Tĩnh.

    Để giữ gìn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể của quê hương, ngành Văn hoá Thông tin đã sưu tầm và biên soạn các công trình nghiên cứu, các tác phẩm nghệ thuật, hình thành 'Tủ sách Văn hoá Hà Tĩnh'. Các sách đã xuất bản đáng chú ý là: Địa chí huyện Can Lộc, Địa chí huyện Kỳ Anh, Từ điển Hà Tĩnh, Yên hội thôn chí, Hương ước Hà Tĩnh, Tác giả Hán - Nôm Hà Tĩnh, Danh nhân Hà Tĩnh, Non nước Hồng Lam, Dân ca Nghệ Tĩnh, Ca trù Cổ Đạm, Giai thoại Nguyễn Công Trứ, Làng cổ Hà Tĩnh, Tranh minh hoạ Truyện Kiều, Thơ Hà Tĩnh thế kỷ 20, Văn Hà Tĩnh thế kỷ 20...
    viethung_9x thích bài này.

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí