Kinh nghiệm du học cho người mới bắt đầu

Thảo luận trong 'Đời sống sinh viên' bắt đầu bởi lee2010, 1 Tháng mười hai 2010.

  1. Offline

    lee2010

    • Thành Viên Mới

    Số bài viết:
    4
    Đã được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    0
    Mình đang tìm hiểu các thông tin về du hoc Singapore và đọc được bài này. Bài viết tuy dài nhưng rất bổ ích cho các bạn có ý định du học như mình . Nếu bạn là người kiên nhẫn hãy đọc hết bài viết sẽ có nhiều điều thú vị mà bạn chưa từng biết.

    Mặc dù điều kiện đầu vào của các trường đều đăng trên website, nhưng thật sự họ cần xem học bạ, bảng điểm của bạn mới quyết định nhận hay không và có nên học dự bị hay không.

    Mình hay đọc bài về những mảng du học, điều đầu tiên mình thấy là phần lớn người hỏi (bài viết) hay người trả lời (comment) điều rất chung chung mà không nêu lên cụ thể chi tiết và chưa đủ kiến thức tổng hợp phân tích mọi vấn đề khi làm hồ sơ du học.

    Mặc dù điều kiện đầu vào của các trường đều đăng trên website, nhưng thật sự họ cần xem học bạ, bảng điểm của bạn mới quyết định nhận hay không và có nên học dự bị hay không. Điểm trung bình thôi chưa đủ mà phải xem các môn liên quan tới ngành bạn chọn là bao nhiêu. Mình không biết bạn đang học năm mấy, bạn bỏ ra bao nhiêu tiền để đi du học. Số tiền bỏ ra chênh lệch rất lớn nếu như biết chắc trình độ Anh văn của bạn tới đâu hay là bảng điểm của bạn.

    “Trường của em là trường của Australia nên sẽ không mấy khó khăn khi tiếp tục học lên cao ở Australia”. Điều này chưa hẳn đúng. Đi nước ngoài có hai phần riêng biệt, xin thư mời nhập học ở trường thì rất dễ, trường này không được thì mình xin trường khác phù hợp với học lực hay tài chính; phần quan trọng thứ hai là xin visa, nhiều du học sinh bên Australia thì comment kiểu "qua Australia vì đẹp", một số thì bảo là "bên Mỹ rẻ lắm chỉ cần 100 triệu là đủ". Xin thưa, với nguồn tài chính bên này yếu, không chứng minh nguồn thu nhập được thì lấy gì mà nộp hồ sơ xin visa. Còn cụ thể rẻ là bao nhiêu, trường nào, vùng nào và bằng cấp ra sao… phải chỉ rõ ra mới biết đường mà lần.

    Mình không cần biết là bạn học trường nào, miễn là bạn đáp ứng đủ điều kiện thì có thể xin visa được và trình độ tiếng Anh của bạn như thế nào để qua bên đó hiểu và cảm nhận được bài giảng của thầy cô giáo. (Một số bạn học trường quốc tế nhưng chưa chắc giỏi Anh văn bằng các trường công). Không bàn cãi là học trường nào tốt hay xấu ở Việt Nam, mà hãy cho mình biết bằng cái công cụ đo lường chất lượng Anh văn của bạn bằng cái bằng IELTS hẳn hoi.

    Mỗi ý kiến thì sẽ mỗi khác, nhưng ngành thiết kế đồ họa (graphic design) ở Mỹ, Anh, Italy, Australia, New Zealand, Canada hay Singapore gì thì mình thấy vẫn tốt. Quan trọng nhất vẫn là thực lực của bạn, cứ 10 bạn học ngành này thì 5 bạn giỏi 5 bạn dở, đó không phải do nước hay do trường mà do bạn có chịu học hay không và bạn học có nổi hay không. Điều quan trọng bây giờ là tiếng Anh của bạn phải tương đối tốt, hoặc nếu chưa đủ thì phải sang nước ngoài học tiếng Anh (điều này sẽ tốn một số tiền không nhỏ chút nào).

    1. Học lực:

    - Mỹ, Australia, New Zealand, Canada: Điểm trung bình lớp 12 phải từ 6,0 trở lên, tốt nghiệp trung bình khá (nếu muốn sang đó học đại học, còn nếu muốn học thạc sĩ thì tương tự bảng điểm đại học cũng trung bình khá trở lên. Còn nếu dưới 6,0 thì cụ thể là bao nhiêu để có cách chứng minh thu nhập và tài chính mạnh hơn, hoặc là bạn sẽ đi du lịch nước ngoài trước khi qua nước đó học, cụ thể là đi Thái Lan, Singapore, Trung Quốc (chỉ cần đi một nước còn đi nhiều thì tốt), để cho hồ sơ của mình đẹp. Nói chung làm kĩ thì visa đậu gần như 100%, sơ sài hay không hiểu bản chất xử lý từng bộ hồ sơ cụ thể thì khả năng rớt visa rất lớn.

    - Anh, Italy, Singapore: học lực bạn miễn trên 5,0 là ok. Một số bạn chỉ học xong lớp 11 vẫn có thể đi học dự bị rồi lên thẳng đại học được.

    - Anh văn thì tùy theo trường, tùy theo nước mà có bắt buộc bạn có bằng Ielts hay không.

    2. Tài chính:

    a/ Chứng minh tài chính:

    Điều này sẽ phản ảnh trong cái I 20 của bạn (Mỹ) và Visa Letter (Anh). Tùy học phí của bạn và tùy theo vùng bạn ở mà cần chứng minh tài chính bao nhiêu, theo kinh nghiệm của mình thì phải nhỉnh hơn chút đỉnh. Ví dụ như đi Mỹ cần 23 ngàn USD thì bạn nên chứng minh 30 ngàn hay hơn tùy theo học bạ của bạn nữa - 6,0 khác với 7,0 hay 8,0… Đi Australia thì từ 800 triệu cho tới 1,5 tỷ tùy theo trường, đi Singapore thì không cần khoản này, đi Anh thì chỉ cần 600 triệu mở trước 28 ngày là an toàn. Mỗi nước sẽ có cách xem xét vấn đề này khác nhau, Canada, Australia, New Zealand, Mỹ thì tương đối giống nhau, có nghĩa là bạn mở trước 3 tháng hoặc 6 tháng vẫn đẹp hơn là mở xong đi nộp hồ sơ liền. Còn riêng Anh thì chỉ cần trước khi nộp hồ sơ 28 ngày là hợp lệ. Đi Singapore thì không cần chứng minh tài chính.

    b/ Chứng minh nguồn thu nhập:

    Sẽ không có con số cụ thể mà phải theo sát từng bộ hồ sơ, nhưng ví dụ, cần từ 40 triệu cho tới 80 triệu để người bảo trợ là ba mẹ bạn cần có mỗi tháng. Điều này thể hiện trên các giấy thuế, vì đa số người Việt trốn thuế khai thu nhập thấp nên đóng thuế ít. Hệ lụy là rất ít ai chứng minh được các khoản này đủ để thuyết phục các đại sứ quán, cho nên người ta sẽ bổ sung thêm là có nhà hay đất hay xe cho thuê để đủ đảm bảo nguồn thu nhập mà cung cấp cho bạn tài chính khi bạn ở nước ngoài, một phần để người ta hiểu là nguồn tài chính trong ngân hàng mà ba mẹ của bạn có từ đâu ra. Mấy cái này tùy luật lệ của mỗi nước cho nên chúng ta không bàn cãi mà phải làm đúng theo ý họ mình mới được đi. Riêng Canada thì khó hơn, họ có nhân viên đi xuống tới nơi xác minh cụ thể, cho nên bạn khai không đúng sự thật thì hồ sơ sẽ bị loại và gần như bị loại tiếp theo. Mỹ thì hên xui vì có lúc họ coi hồ sơ có lúc không, còn Australia hay New Zealand thì họ xem rất kĩ hoặc là gọi điện thoại xác minh. Đối với Singapore hay Anh (hoặc châu Âu không cần chứng minh nguồn thu nhập).

    3. Nhân thân:

    Tùy theo nước nhưng chung chung là: Các bằng cấp bạn có, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy giới thiệu của trường (nếu như học thạc sĩ), giấy giới thiệu của cơ quan (có một số trường cho học bổng thạc sĩ nếu bạn có thâm niên công tác trên ba năm).

    4. Linh tinh:

    a/ Anh thì họ xét theo quan điểm, tiền ngân hàng mang tên bạn mở trước 28 ngày (chưa tới 28 ngày là bị rớt visa bạn nhé) nếu mang tên bố hoặc mẹ thì phải có cái giấy bố mẹ đứng ra bảo trợ cho bạn, chỉ cần kí tên vô là đủ (mình có sẵn form này bạn nào cần thì mình gởi). Sau khi đóng tiền cho trường bạn được trường gởi về cái Visa Letter cung cấp cho bạn cái Cas (tạm hiểu là thư chấp nhận cuối cùng) - cái này bạn được 30 điểm, đối với Anh thì bạn được 40 điểm là đã đậu visa. Nếu bạn nộp vô những trường công hay là có đi những nước lớn như Mỹ hay các nước châu Âu thì nộp hồ sơ tại TP HCM, còn học những trường liên kết hoặc những khóa dưới đại học thì các bạn trong Nam phải bay ra Bắc nộp hồ sơ (lăn dấu vân tay và chụp hình ngoài đó). Sau đó hồ sơ của bạn được gửi sang Thái Lan, nếu Thái Lan ổn định thì họ xét bên đó, trường hợp bên đó biểu tình hay bạo động thì hồ sơ của bạn gửi qua Malaysia để xét, trong vòng 2-4 tuần bạn sẽ có hồ sơ.

    Một số bạn phàn nàn là nhân viên đại sứ quán tại Hà Nội rất khó chịu và hay quát nạt, cái này chịu thôi. Mình cũng biết là quá nhiều bạn điện ra Hà Nội la làng lên là mất hồ sơ, hoặc điện qua bên Thái, bên Thái gọi lại cho Hà Nội, cuối cùng hồ sơ đó nó nằm ngay... nhà các bạn. Không chịu kiểm tra kĩ nên làm phiền họ, họ tiếp điện thoại và bực bội cũng phải rồi. Mỗi ngày vài chục cuộc như thế ai mà không bực. Một số tỉnh phía bắc nằm vô diện nghi vấn vì có tì vết là số lượng người đi du học bỏ trốn nhiều quá nên hồ sơ các tỉnh đó sẽ xét khó hơn.

    Trong quá trình xem hồ sơ, nhân viên đại sứ quán sẽ điện hỏi bạn thêm vài điều nếu như họ chưa rõ, hay lúc ra Hà Nội nộp hồ sơ, có khi họ thấy bạn rồi kêu bạn đếm từ 20 đến 30 hoặc đọc các ngày trong tuần các tháng trong năm...

    b/ Mỹ: Đây là một nước có tỉ lệ rớt visa rất cao. Ngoài chuyện bạn chuẩn bị kỹ hồ sơ ra, kỹ năng tiếng Anh và hiểu biết từng câu hỏi của họ để trả lời là rất quan trọng. Một số cô chú vô đó nói chuyện nhiều hay quá lớn họ kêu vô cho rớt thẳng thừng mà không cần phỏng vấn. Khi trả lời phỏng vấn bạn run hay biểu lộ ánh mắt như thế nào đó bạn cũng rớt từ lúc đó. Khung cảnh trong đó dễ làm bạn khó chịu và căng thẳng với những ô phỏng vấn xéo xéo. Trước khi phỏng vấn bạn cũng phải đi qua dãy “tạm giam” với dòng chữ “nơi này dành cho bạn nếu bạn có sự gian dối". Dĩ nhiên là một số bạn đậu visa lần đầu thì bảo dễ dàng lắm, chả có gì cả, nhưng số lượng rớt khổng lồ còn lại thì mới đau thương. Nếu như bạn trả lời lưu loát và đúng ý họ thì có thể họ cho bạn đậu visa mà khỏi coi giấy tờ, có khi họ xem giấy tờ của bạn rồi cho đậu hay rớt tùy theo mức độ hợp lý như thế nào…

    Khi đậu hay rớt bạn cũng ko nên tỏ thái độ gì mà nên trầm tĩnh cám ơn, mặc dầu bạn có giấy báo đậu để nhận visa nhưng bạn vui mừng quá trớn hay ra an ủi mấy người bạn rớt, thì có thể bảo vệ sẽ kêu bạn trở lại để tịch thu phiếu đó và tặng bạn tờ giấy A4 rớt. Hoặc là bạn về nhà nhưng họ vẫn kêu bạn lên để báo là bạn rớt visa…

    c/ Australia, New Zealand, Canada: Thì nộp hồ sơ rồi họ sẽ xem xét rất kỹ về học lực và tài chính.

    d/ Singapore thì dễ dàng rồi, không cần chứng minh tài chính, không cần chứng minh thu nhập, nói chung đi Singapore dễ như đi chợ nếu bạn có tiền… Nhưng bên Bến Thành Singapore bạn lưu ý vụ này, có quá nhiều trường học chỉ ba buổi một tuần cho nên kiến thức không có bao nhiêu nếu như bạn không tự học mà bỏ đi chơi và học phí không bao gồm lệ phí thi, có nghĩa là khi thi học kì bạn phải đóng 1.000 đô Sing. Singapore tiện cái là gần Việt Nam và khí hậu gần như tương đồng, nhưng chính phủ không cho phép du học sinh làm thêm, mà nếu có cho bạn cũng sẽ không tìm được việc làm vì không ai mướn, đất nước Singapore chỉ nhỏ bằng đảo Phú Quốc của Việt Nam.

    5. Ăn ở:

    Nếu nói chung chung, chi phí một sinh viên quốc tế đến nước họ học tập thì là 1.200 USD, cho bạn ở kí túc xá hay là homestay… Nhưng nếu bạn ra ngoài ở riêng thì có thể là 500 (USD, bảng…). Nhưng tới trường có xa hay không là do vị trí nhà bạn tìm, có nơi đi bộ ra trạm xe bus là 1 km, sau khi xuống xe bus lên xe lửa là 1 km nữa, từ trạm xe lửa đến trường là 500 mét hay 1 km… là chuyện rất thường bên đó, rồi bạn quay về nhà cũng trải qua con đường y chang vậy. Có khi chọn những nơi rẻ tiền hơn thì có thể đi bộ xa hơn, hoặc là nơi phức tạp hơn (xì ke ma túy chẳng hạn). Thông thường ít có chuyện đi bộ tà tà như bên mình mà là chạy bộ, cho nên chuẩn bị những đôi giầy tốt có độ đàn hồi ở các lót đệm để sau thời gian dài bạn không bị đau khớp đầu gối. Tệ hơn hoặc tốt hơn những điều mình nói là phải có vị trí trường, vùng, nhà... cụ thể nhé.

    Thức ăn thì tương đối rẻ so với Việt Nam. Bên Anh một chai dầu gội đầu cùng hiệu ở Việt Nam nhưng bên này chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, chỉ có 2,1 bảng tức là khoảng hơn 60 ngàn trong khi ở Việt Nam thì 180 ngàn. 6 trái bắp lớn thì 1 bảng, một rổ táo, lê… hơn 4 kg đồng giá là 2 bảng tức là một kg hơn 10 ngàn… Mắc nhất là phương tiện vận chuyển, nhưng đối với du học sinh thì có thể giảm giá bao nguyên tháng, 50 bảng, 80 bảng, 118 bảng thì theo loại. Phòng thì 200 bảng/tháng cho một người, rẻ hơn hoặc mắc hơn tùy mình chọn đẹp xấu, xa gần, ở chung hay một mình…

    Vào chơi một cái bar lớn thật đẹp ở bên Texas, một chai Heineken chỉ có 5 USD, còn thức ăn thì bao la và miễn phí. Ở Australia thì một phần ăn trưa trong trường có thể 5 hoặc 10 đô Australia tùy theo bạn ở đâu. Ở Singapore thì thức ăn cũng mắc hơn Việt Nam chút đỉnh. Nói chung là ở đâu bạn cũng chọn được chỗ rẻ hay mắc để phù hợp với túi tiền của bạn.

    6. Việc làm:

    Singapore thì không cho làm thêm thì không nói, còn các nước khác thì cơ bản 20 tiếng/tuần, nhưng đa số các bạn làm lố giờ, có bạn làm 40 giờ/tuần. Mình chỉ biết một lần duy nhất là một bạn bên Australia bị đuổi về Việt Nam, quán phở bạn làm cách quán khác 50 m, đều là người Việt nên họ ganh tỵ nhau, thế là nhà hàng kia điện cho cảnh sát mách là bên này thuê sinh viên làm lố giờ, thế là bạn này bị đuổi về nước và nhà hàng đó bị phạt một số tiền đáng kể. Kể chuyện này cho nhiều bạn du học sinh nghe họ bảo không có sao đâu ai mà chả làm lố giờ.


    Trở lại vấn đề việc làm, rất khó nói trước vì muôn hình vạn trạng, ở nước nào cũng khó tìm việc nếu như bạn không cố gắng tìm kiếm, và việc học của bạn nặng hay nhẹ, nhưng phần lớn thì các bạn mình đều tìm được việc làm thêm. Bên Anh thì mình thấy dễ có việc làm hơn nếu như bạn ở trung tâm London. Nói chung bên Anh có thể bạn làm từ 400 bảng tới 800 bảng/tháng không khó, đảm bảo dư tiền ăn ở.

    7. Học vấn:

    Bên Australia, New Zealand, Canada, Mỹ…, trung bình 3 năm rưỡi tới 4 năm đại học với học phí khoảng 16.000/năm (tùy theo trường nha) cứ nhân cho số năm học bạn sẽ ra học phí mà bạn phải đóng. Còn bên Anh thì 2 năm hoặc 3 năm rưỡi tùy theo ngành. Một số bạn chọn trường liên kết thì chỉ có 2 năm đại học với 10 ngàn bảng hoặc 12 ngàn bảng cho hai năm đại học, thạc sĩ thì 1 năm hoặc 16 tháng. Nếu các bạn chọn trường liên kết thì sẽ rẻ hơn, so với Mỹ, Australia, New Zealand, Canada… học phí chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4. Dĩ nhiên tiền nào của nấy, bạn sẽ không được hưởng được các dịch vụ như phòng gym, hồ bơi, phòng thí nghiệm... Nhưng cái bằng cuối cùng được cấp là cái bằng trường công mà trường tư thục liên kết, cho nên nó có giá trị toàn cầu.

    8. Sinh hoạt:

    Bạn sẽ được hít thở không khí trong lành hơn, đường sá sạch đẹp, môi trường thực tập tiếng Anh lý tưởng nhất… nhưng bù lại bạn phải tự lập mọi thứ và cố gắng rất nhiều, nếu bạn vừa học vừa làm thì còn cực hơn nữa. Tô phở bên này rất bự, bạn chạy bàn mà bưng hai tô là nặng rồi, có thể bạn sẽ bị phân biệt chủng tộc, bị buồn chán và nhớ Việt Nam, hoặc có thể không hòa hợp được cái vùng sâu vùng xa mà bạn tới đó học tập… Nói chung là cái nào cũng có cái giá của nói. Chọn trường học là một chuyện, cái quan trọng là coi bản thân mình cố gắng tới đâu, nếu vô một trường tốt quá mà lực học không nổi thì bạn bị rớt một số môn coi như phải đóng tiền học lại, chi phí lại phát sinh...

    9. Định cư:

    Theo lý thuyết thì những ngành như kế toán, đầu bếp, xây dựng... sẽ có thang điểm cụ thể, tuổi, bằng cấp, người bảo lãnh, trình độ tiếng Anh, vùng sâu vùng xa.... Cộng lại trên 120 điểm bạn sẽ được định cư, nhưng thật tế rất khó. Australia thay đổi luật nhanh như chong chóng nên không biết đường mà lần. New Zealand và Canada thì dễ thở hơn một chút, bên Anh thì cũng có chính sách định cư sau 7 năm làm việc... Cái này tùy vào khả năng mỗi người rất lớn chứ không phải dễ cũng không phải khó.

    Mình viết quá dài nhưng vẫn còn một số điều muốn nói, nhất là vấn đề về trường của các nước và các ngành học, có gì cần hỏi cụ thể hơn thì cứ liên hệ với mình. Mình không phải là nhân viên tư vấn du học nhưng mình tìm hiểu rất kỹ và đọc tài liệu rất nhiều. Mình đã đi nhiều nơi và có rất nhiều bạn ở các nước nên thông tin rất chi tiết. Nếu có ý định du học một cách nghiêm túc mà các bạn lười hay không chịu khó tìm hiểu thông tin thì mình nghĩ nên ở Việt Nam hay hơn. Thân ái.
    pedautayMoon thích bài này.

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí