1. Cách đây chừng mười năm, một đoàn chuyên gia của nước ngoài tới thẩm định một khách sạn lớn của họ ở Hà Nội. Quá trình thẩm định diễn ra suôn sẻ, mọi nội dung đều tốt. Tuy nhiên khi kiểm tra thùng nước gạo, một thành viên trong đoàn phát hiện thấy những núm cà chua. Kết quả là khách sạn không được gắn thêm sao, bởi các núm cà chua ấy hoàn toàn… có thể tận dụng để nấu súp. Chuyện kể ngày khánh thành nhà hát ở Hà Đông thế kỷ trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự. Khi người ta hỏi ý kiến ông vạt đất phía trước nhà hát nên trồng loại hoa gì - hồng, cúc, cẩm chướng hay thu hải đường, vi-ô-lét…? Câu trả lời là nên trồng… hoa cải, hoa rau muống! Xem thế, lúc hàn vi đói kém cũng như khi giàu sang no đủ, ý thức tiết kiệm, trân trọng những vật phẩm phục vụ cho sự sống luôn được một bộ phận nhân loại nhận thức sâu sắc. Dĩ thực vi tiên - từ ngàn xưa tiền nhân đã đặt cái ăn vào vị trí hàng đầu, bởi Có thực mới vực được đạo! Lúc bình thường đã thế, thời giá cả mọi thứ đều ngất ngưởng nên thế. 2. Người Việt là tộc người khai thác cái ăn cực giỏi. Không có gì có thể ăn được mà người Việt không sử dụng để làm phong phú thêm bữa ăn của mình. Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon - tâm thế trong bữa ăn, tình vợ tình chồng đã làm ngon ngay cả thứ… chẳng ai ăn. Trong nghệ thuật ẩm thực, tinh thần, khung cảnh, những người cùng bàn… luôn ảnh hưởng tới bữa ăn. Nem công chả phượng nhưng lòng dạ bực bội thì cái nem, cái chả ấy chả khác giẻ rách. Ăn có nghĩa là thưởng thức, là tận hưởng, trái ngược với tình cảnh ăn là một nhiệm vụ, là một điều bắt buộc!... Rau muống, rau bí, rau cải, rau ngót, rau mồng tơi, rau má, khổ qua, bí đao, bí đỏ, bầu, mướp, su su, bắp cải, su hào… mỗi bữa một thứ rau, trưa luộc thì chiều xào, trưa nấu canh thì chiều ăn sống. Mớ lá giang nấu tôm, đĩa dưa leo chấm mắm ruốc, đĩa rau cần ta muối xổi, đĩa kim chi củ cải… Ai dám bảo rau không ngon, không lạ miệng? Kỹ thuật chế biến của các bà nội trợ Việt tinh tế tài hoa hết mực, xứng đáng được vinh danh. Và rau là thứ các bà các cô “phải lòng”, khiến bạn bè quốc tế thích thú. Hầu như không món ăn nào của người Việt không gia giảm rau. Phở nhất thiết phải điểm hành hoa, mì Quảng không thể không có rau. Bánh cuốn tuyệt ngon khi kèm đĩa rau diếp xắt sợi. Bánh tráng cuốn thịt heo là cuốn với rau… Sau rau là cá. Mớ “cá vụn” - cá cơm, cá ve, cá lòng tong… mười nghìn đồng nửa ký kho nghệ. Không có gì rẻ hơn mà cũng chẳng có gì ngon hơn thế với một chén cơm nóng. Đĩa tép xào khế, quê mùa dân dã mà ăn một lần mình muốn suốt đời “quê” như thế. Miếng đậu phụ mịn màng bữa nay trụng sơ nước sôi rồi chấm mắm tôm tiến, bữa mai đậm đà trong món sốt cà chua, bữa kia thấm thía trong nồi ốc nấu chuối xanh… Bà nhà tôi, như những người phụ nữ Việt giỏi biến báo, luôn biết làm cho một bữa cơm trở nên hương vị dù thực phẩm chỉ là những thứ không mấy đồng tiền. Người ta nhận xét người Việt giỏi thích nghi với hoàn cảnh. Còn hơn thế, trong nghệ thuật ẩm thực, người Việt còn biết cách vượt lên hoàn cảnh, làm cho những thứ rẻ tiền trở thành đặc sản! sưu tầm.