12 tuổi kiếm được đồng tiền đầu tiên, 16 tuổi thành lập công ty,... Trong khoá học Bản đồ tới tương lai tại Hạ Long vừa qua mình biết thêm được rất nhiều bạn bè, và thông qua những người bạn đó mình lại còn được biết thêm rất nhiều người thú vị nữa. Chuỗi zích zắc này chắc chẳng bao giờ hết thúc... Qua bác Phúc (người ít tóc nhất khoá học) mình làm quen được với một nhân vật sinh năm 89 cực kỳ thú vị. Đó là bạn Nguyễn Văn Dũng, một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, hiện đang quản lý một số công ty hoạt động trong lĩnh vực này và đầu tư với hàng chục nhân viên. Nguyễn Văn Dũng Đã được bác Phúc giới thiệu trước và mình có tìm hiểu về công ty của Dũng qua mạng Internet, biết sơ về quy mô một công ty do Dũng nắm 80% cổ phần, đó là Công ty Netlink, nên mình hoàn toàn bất ngờ khi ra tiếp mình là một gương mặt rất trẻ. Câu hỏi đầu tiên buột ra khỏi miệng mình là: Em trẻ quá, xin lỗi em bao nhiêu tuổi? Dũng cười không trả lời. Không nén được sự tò mò, sau vài phút nói chuyện, mình lại lặp lại câu hỏi về tuổi tác lần thứ 2. Lần này, thì Dũng hỏi lại mình, thế chị đoán em bao nhiêu tuổi? Mình rón rén: Chắc em thuộc thế hệ 8x, năm 81,82. Dũng cười cười, em không già thế đâu chị. (Mình nghĩ bụng, đúng trông cái mặt em thì không thể già đến thế!) Mình mạnh dạn: Em sinh năm 84,85. Dũng cười: Em đúng là thế hệ 8x, nhưng là đầu cuối, 89 chị ạ. Khủng không? Vào tuổi Dũng, chắc nhiều bạn vẫn còn ăn bám bố mẹ và chỉ quan tâm đến những chuyện nhăng nhít chứ chưa thể có được suy nghĩ và làm được những việc như Dũng đã làm. Sau đây là những điều mình biết về Dũng sau buổi nói chuyện khoảng 2h đồng hồ và cả những thông tin mình check được trên mạng nữa. Các bạn đọc, bình luận và suy ngẫm nhé! Kiếm được những đồng tiền đầu tiên khi còn là học sinh cấp II Dũng là người Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ, hiện là Hà Nội). Bố là công nhân viên chức nhà nước, mẹ là giáo viên dạy văn. Khi chưa tìm thấy niềm đam mê của mình là tin học, thì Dũng là một học sinh giỏi. Dũng biết đến tin học từ những năm đầu cấp II do được tiếp cận với chiếc máy tính ở trường của mẹ. Máy tính lập tức thu hút toàn bộ sự chú ý của Dũng. Tuy nhiên, không giống với các chú bé khác, đến với máy tính là đến với các trò chơi game, Dũng mày mò tự học về các chương trình ứng dụng. Nguồn kiến thức mà Dũng có thể tiếp cận được rất nghèo nàn, đó chỉ là những bài báo in trên các tạp chí về tin học. Đến năm Dũng học lớp 7, bố Dũng thấy con hay ngồi máy tính, nghĩ là con mình giỏi tin học lắm (theo lời của Dũng) nên đã đăng ký cho con tham dự cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của tỉnh Hà Tây. Cuộc thi có 2 phần: lập trình giải toán và lập trình sáng tạo. Đó toàn là những thứ mà Dũng... chưa hề biết và chỉ có 2 tuần để chuẩn bị. Kết quả Dũng đoạt giải khuyến khích. Năm Dũng học lớp 8, bố mẹ mua máy tính cho chị Dũng và tất nhiên Dũng cũng được dùng ké. Đến lúc đó Dũng mới bắt đầu được làm quen với Internet. Những năm 2002, 2003, chưa có ADSL, nối mạng đều phải thông qua đường điện thoại và cước phí Internet so với thu nhập của bố mẹ Dũng là không nhỏ. Dũng toàn phải lừa lúc không có bố mẹ để nối mạng trộm và đến cuối tháng khi có hoá đơn trả tiền điện thoại cứ giật mình thon thót, sợ tiền nhiều quá bị bố mẹ mắng. Khi những quán internet xuất hiện, Dũng thường đạp xe 4,5 km ra huyện để truy cập mạng. Thời gian này, Dũng đã mày mò làm được những trang web và blog riêng cho mình và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ những cá nhân và công ty ấn tượng với sản phẩm của Dũng nên thuê Dũng làm một trang web cho mình. Mọi sự liên lạc đều diễn ra trên mạng và tiền được trả qua bưu điện. Dũng phải nhờ bố đi nhận tiền hộ và giải thích rằng: mọi người nhờ con làm một số việc trên mạng nên trả tiền. Vốn là đứa trẻ ngoan, nên bố Dũng không ghi ngờ gì vào lời nói của con mình. Số tiền đó bố mẹ quản lý, khi cần Dũng có thể xin lại để chi tiêu cho công việc của mình. Đến năm lớp 9, Dũng lại một lần nữa đi thi cuộc thi Tin học trẻ không chuyên và đoạt giải nhất tỉnh Hà Tây và giải 3 quốc gia. Điểm thi tốt nghiệp cấp II của Dũng cao nhất trường và Dũng đỗ vào trường cấp III Lê Quý Đôn ở Hà Đông, bắt đầu thời gian rời gia đình, trọ học.... Mở công ty riêng khi là học sinh lớp 10 Lúc này không còn bị gia đình kiểm soát, Dũng dành rất nhiều thời gian cho đam mê của mình, việc học hành có phần chểnh mảng. Song song đó, Dũng có tham gia vào một số diễn đàn tin học ở trên mạng. Trong một buổi offline các thành viên diễn đàn tin học Dũng làm quen với một con nghiện Internet không chuyên khác hơn mình 10 tuổi. Anh này là cán bộ kiểm định xây dựng đang làm việc tại Sở Xây dựng tỉnh Hà Tây. Hoàn toàn bị thuyết phục bởi những việc mà Dũng đã làm được, bạn này quyết định bỏ công việc ổn định của mình (công việc phải trả một số tiền lo lót mới xin được) để cùng Dũng mở công ty, trước sự phải đối của gia đình và vợ. Và hiển nhiên quyết định này của Dũng cũng bị bố mẹ phản đối với luận điểm: tuổi này là tuổi học chứ không phải là tuổi đi làm (một ý kiến hoàn toàn chính xác, nếu không trừ đi một số trường hợp ngoại lệ). Hai người thành Công ty DTC, công ty chuyên chuyên về thiết kế, cod, vận hành web và một số công việc marketing online khác. Một ngày của Dũng tuần tự diễn ra như sau: sáng làm học sinh, chiều làm nhân viên công ty kiêm nhiệm từ A-Z, tối làm bảo vệ và ngủ tại trụ sở của công ty. Mặc dù cũng có một chút tiếng tăm trên thị trường, nhưng thời gian này công ty luôn phải vật lộn với các vấn đề tài chính, có những lúc Dũng không có cả tiền để ăn, nhưng không dám than vãn với ai... (mình làm mình chịu, còn kêu ai nữa)... Đây là khoảng thời gian, Dũng phải nghe nhiều bài thuyết giáo của gia đình và có nhiều trăn trở về nội tâm. Trong quan niệm của nhiều người Việt Nam mà bố mẹ Dũng cũng không phải là ngoại lệ, học là con đường duy nhất đúng đối lứa tuổi của Dũng. Mặc dù không nói ra nhưng Dũng cũng rất băn khoăn về con đường đi của mình, đặc biệt khi công việc vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Lo ở trong lòng, nhưng bề ngoài Dũng vẫn tỏ ra cứng cáp (đàn ông mà ), và suy nghĩ những việc mình không làm điều gì xấu cả đã trở thành động lực cho Dũng vững bước. Quyết định bước ngoặt Còn vài tháng nữa là thi đại học, Dũng được mời làm tư vấn về công nghệ thông tin cho việc triển khai đào tạo đại học theo hệ tín chỉ trong hội thảo do trường Đại học Dân lập Hải Phòng tổ chức. Đây là hội thảo dành cho khối đại học ngoài công lập, nhưng cũng có nhiều trường đại học dân lập tham gia, có tất cả 40 hiệu trưởng/hiệu phó các trường đại học công lập, dân lập đến dự. Trong suốt hội thảo không có lãnh đạo trường nào tò mò hỏi tuổi Dũng (không ai trơ trẽn như mình ), nhưng Dũng nhận định: các bác ấy đều nhận thấy em rất trẻ, nhưng chắc nghĩ em đã tốt nghiệp đại học. Được tư vấn cho các hiệu trưởng/hiệu phó các đại học danh giá của Việt Nam (ví như Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), Dũng chia sẻ: tự nhiên trong đầu em loé lên ý nghĩ, tại sao mình lại phải học đại học nhỉ? Liệu có phí thời gian quá không? Ý nghĩ càng ngày càng rõ nét và thế là mặc dù đăng ký thi vào Đại học Luật Hà Nội, nhưng đến ngày đi thi thì Dũng lẳng lặng ở nhà. Dũng nói, chính xác là phải dùng từ lẳng lặng ở nhà, vì mặc dù quyết định bỏ thi, nhưng Dũng chưa hẳn đã hoàn toàn tin vào con đường mình đi, thâm tâm cảm thấy lo và sợ. Trong lòng Dũng diễn ra những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, theo lời Dũng là em sợ sự giằng xé này hơn cả cái chết. Thậm chí, đôi lúc Dũng cảm thấy vô dụng, chán nản. Sau những cuộc đối thoại trực diện gay gắt, Dũng quyết định mình phải có những bước đi mang tính đột phá, không thể tiếp tục trì trệ như thế này nữa. Và quyết định của Dũng là rời công ty để đi làm thuê, ngó nghiêng xem thế giới bên ngoài thế nào. (Công ty DTC hiện giờ vẫn hoạt động nhưng chuyển hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn khác và người chủ công ty vẫn là người bạn hơn Dũng 10 tuổi từ dạo đấy) Quãng thời gian làm thuê ngắn ngủi... Dũng đi xin việc với một bản CV nghèo nàn, tuổi quá trẻ, không có trình độ đại học, chỉ có kinh nghiệm trong công việc và sự tự tin. Dũng được nhận vào làm nhân viên phòng công nghệ thông tin trong một công ty tổ chức sự kiện. Sau 4 tháng làm việc, nhờ vào năng lực bản thân và kinh nghiệm quản lý ở công ty cũ, Dũng trở thành trưởng phòng công nghệ thông tin có 8 nhân viên, có cả những người đã tốt nghiệp đại học. Sau 6 tháng, công ty sáp nhập với một công ty khác và chuyển trụ sở vào Nam, Dũng không muốn chuyển theo nên quyết định rời công ty. Có một số công ty mời Dũng về làm, nhưng Dũng sau khi tìm cơ hội cho mình trên Internet đã đầu quân cho Công ty Cổ phần Giải pháp Trực tuyến VietnamBiz, sau một thời gian ngắn, Dũng trở thành trưởng phòng quảng cáo của công ty này. Tại đây Dũng lần đầu có cơ hội làm việc với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài quá hấp dẫn nên Dũng không dừng chân lâu ở đây... Sau một năm làm việc, Dũng ra ngoài để được tự do nghiên cứu những gì mình thích. Dấn thân Thời gian đầu sau khi thôi việc, Dũng bắt đầu quan tâm đến các chương trình quảng cáo của Google và bắt đầu mày mò thử nghiệm công việc này. Thu nhập của Dũng tăng dần từ 40USD/1 tháng lên 60 USD rồi 100 USD/1 tháng. Đến lúc này, Dũng bắt đầu ý thức được rằng công việc này không phải là chỉ là công việc... vui vui mà nó có thể đem lại nhiều tiền. Với niềm tin sâu sắc rằng nếu có phương pháp đúng, thì việc gì cũng có thể làm tốt, vì vậy điểm mấu chốt chỉ là tìm cho ra được phương pháp thích hợp, Dũng đã mày mò và trở thành nhà phân phối của Google với mức thu nhập rất cao. Công việc đó vẫn được tiếp tục cho đến ngày hôm nay, nhưng đó hoàn toàn chỉ là công việc cá nhân. Dũng có cho mình biết con số thu nhập đó, nhưng không muốn public nó ra ngoài. Chỉ biết rằng, mình là một nhân viên có mức thu nhập không tồi ở VN nhưng tổng thu nhập/năm của mình còn nhỏ hơn vài lần mức thu nhập đó của Dũng /1 tháng. (Các bạn thoả sức tưởng tượng nhé!). Hiển nhiên là con số này không nhỏ, thì Dũng mới có vốn để thành lập công ty, mua công ty và các hoạt động đầu tư khác tiếp sau đây. Tháng 08/2008, Dũng lại một lần nữa thành lập công ty, Công ty Công ty cổ phần Truyền thông & Quảng cáo Trực tuyến PRI (http://www.pri.vn ), sau đó mua lại công ty Công ty Cổ phần Truyền thông Trực tuyến NetLink (http://www.netlink.vn/ ), hiện đang nắm giữ 80% cổ phần công ty này. Ngoài ra, Dũng còn tham gia đầu tư và là cổ đông của một số công ty khác. Riêng số nhân viên của Netlink đã lên tới 40 người. Mức thu nhập của các lãnh đạo chủ chốt của công ty đều là con số vài nghìn USD/tháng. Một điểm đặc biệt trong phong cách lãnh đạo của Dũng là rất thảnh thơi, hầu hết các công việc điều hành sau một thời gian nắm giữ Dũng đều có thể chuyển giao được cho người khác, Dũng chỉ giữ lại việc hoạch định chiến lược. Đó là điều mà rất nhiều chủ doanh nghiệp khác không làm được. Mình có hỏi bí quyết, Dũng trả lời: đó chỉ là vấn đề tâm lý thôi, nếu bản thân chị nghĩ rằng không ai có thể làm thay được mình, thì hiển nhiên là chị không thể tìm người thay thế được. Đó cũng chính là rào cản tâm lý mà nhiều chủ doanh nghiệp không thể vượt qua được. Thứ hai, mình phải đưa ra được mô hình làm việc đúng đắn nhất, nếu chưa thể chuyển giao được có nghĩa là mô hình nghĩ ra chưa chuẩn, vậy việc còn lại chỉ là nghĩ tiếp. Dũng cũng chia sẻ là rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trẻ ngày nay sau khi tốt nghiệp đại học thất nghiệp rất nhiều và luôn than thở không biết phải làm gì. Dũng bình luận: nguyên nhân của việc này có lẽ tại hệ thống giáo dục Việt Nam bỏ hổng mất việc trang bị niềm tin và định hướng tương lai cho học sinh/sinh viên của mình. Mình có bật lại Dũng thế còn em nhận được những điều đó từ ai? Dũng cười: không từ ai cả mà chỉ từ chính những trăn trở nội tâm của riêng em thôi. (Các bạn chú ý nhé: Dũng bật mí những bạn nào với tâm thế như vậy đến xin vào làm việc ở công ty Dũng thì Dũng không bao giờ nhận !) Ở công ty, Dũng bao giờ cũng là người nhỏ tuổi nhất, trả lời cho câu hỏi: vậy khi lãnh đạo những người nhiều tuổi hơn em có khó khăn gì không? Dũng cười: lại là vấn đề tâm lý thôi chị. Mục tiêu cho tương lai Dũng cho biết sau một thời gian kinh doanh, Dũng phát hiện thấy CNTT chỉ là hobby, còn đam mê đích thực của Dũng là kinh doanh. Hiện tại các công ty mà Dũng đang nắm giữ và đầu tư đều đang hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, marketing online – các lĩnh vực khai thác môi trường internet - với định hướng khách hàng nước ngoài. Ngoài ra, một số công ty khác hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vào công nghệ và tài chính. Dũng có tham vọng, trong 5 năm tới sẽ biến Netlink thành công ty đứng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet hướng đến thị trường toàn cầu, vượt qua một số công ty tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực này hiện nay là Vina Game, FPT Online, VCCorp... “Để có thể kiếm được tiền, phải biết cách tiêu tiền - Dũng chia sẻ - và để thành công phải tiếp xúc và làm bạn với những người thành công”. Theo phương châm đó, thời gian gần đây Dũng tham gia những khoá học do các triệu phú trực tiếp giảng dạy tại Singapore. Mặc dù, Dũng nói quyết định bỏ thi đại học ngày nào là không sai, nhưng cũng khẳng định: chắc chắn em sẽ có bằng đại học, chỉ có điều chưa biết bằng cách nào thôi (cười). Mình có hỏi trước khi kết thúc buổi nói chuyện, về phản ứng của bố mẹ Dũng có thay đổi sau khi Dũng có được những thành công nhất định như ngày nay không? Dũng trả lời: “Bố mẹ em tự hào về em, em có thể xây được nhà cho bố mẹ rồi chị ạ”. Nguồn Diễm Hương http://www.hoclamgiau.vn/Clubs/ClubContentDetail.aspx?id=20052&clubid=151&catid=9 thật đáng khâm phục đúng không mọi người
Đọc phần đầu cảm thấy phục thật, nhưng đoạn sau này những sự thay đổi của anh ấy có gì đó khó ưa quá. Hình như thay đổi nhiều quá, chẳng thấy theo đuổi đam mê gì hết.
mình không nghĩ như bạn vì mình nghĩ thấy đam mê mà bạn nói đó cũng có thể thay đổi mà, nếu thay đổi đam mê và tiếp tục một hành trình theo đuổi đam mê mới thì cũng đâu sao, đúng không?miễn là mình nhiệt huyết là được rồi. còn nếu bạn nói thay đam mê này liệu có bỏ dở đam mê này nữa không thì có lẽ đó là điều mỗi người tự quyết định và xác định lại đường đi của họ mà thôi.
Nói đúng ra thì a ấy là một con người đặc biệt thật sự có tài năng,tuổi nhỏ mà đã làm biết bao nhiêu là việc,mình rất ngưỡng mộ a ấy,thành công của a ấy thật đáng cho chúng ta khâm phục phải ko?Nếu một ai đó thành công thì họ cũng rất tự hào và tự tin về chính bản thân mình như a Dũng vậy ha!!!