Khi những chuỗi hoa vàng rực rỡ xòa xuống mái hiên chung cư, từng sợi nắng lưu luyến lách mình qua kẽ lá, trong tôi thoáng hiện màu áo xanh xưa cũ. Những ngày cuối tháng ba lại dâng đầy cảm xúc... (nhà thơ Ông Văn Chiến) Khi xuân dần về những ngày cuối, hàng hoa bò cạp nước ở Chung cư Thanh niên rực rỡ hoa vàng. Từng chuỗi hoa đổ xuống như những sợi nắng còn luyến lưu rọi cả vào khuya. Những lúc đó, trong tôi thoáng hiện màu áo xanh xưa cũ, những ngày tháng còn tại ngũ Thanh niên xung phong. Nhớ ray rứt, lòng thường tự hỏi: "Hoa ơi, có gửi thông điệp gì không?". Khi mới về ẩn cư ở đây, cũng vào mùa tháng ba, tôi viết một chùm thơ, mở đầu là bài Tháng ba này ở chung cư Thanh niên. Mắt nhìn ra vườn xoài hàng xóm, nhìn ra bao lơn có những chùm hoa vợ mới trồng, và cứ thế mà viết, viết theo dòng hồi nhớ đồng đội xưa và nay. Thoảng hoặc nửa tháng hay ba tuần, anh Phạm Khiết (nhà thơ Phạm Trường Phục) ghé chơi, có khi ngủ qua đêm. Bữa cơm chỉ có cá cơm kho tiêu, rau muống xào tỏi, thịt băm xào sả ớt. Uống vài lon bia. Làm thơ, đọc thơ, sửa thơ. Nhắc nhớ người cũ, bàn chuyện mới. Lâu ngày mà anh không đến, cô Sâm, người giúp việc nhà, nhắc: "Đầy ngăn nước đá rồi mà chưa thấy anh Khiết qua chơi. Hôm nay nấu mấy món ăn quê mùa mà ảnh thích, lại không ghé". Cũng nơi đây, một vài anh em cựu trào ghé đến: "anh 6" Phạm Tuấn Khanh cho mấy ký gạo ngon ăn Tết, anh Nguyễn Quang Minh đến đàn hát bài Lửa vẫn cháy phổ thơ anh Khiết, anh Đoàn Ngọc Hùng tặng bản tin hàng tháng, nhà thơ - nhà báo Vạn Lý khề khà chuyện tập huấn kỹ năng viết cho anh em trẻ, anh Bùi Nguyễn Trường Kiên đến để giới thiệu trường ca về TNXP mà lúc ấy anh còn đặt tựa là Tháng ba - đồng đội. Thời gian thì trôi đi. Tâm thức còn đọng lại… Tháng ba này cũng vàng hoa trước cổng. Khác chăng là anh em bảo vệ, anh em tổ giữ xe - đều là TNXP tại ngũ - đã cùng tôi sớm nghe những nhạc khúc nóng hôi hổi về màu áo của đội ngũ mình. Đó là những bản demo ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp trong album "Cỏ hát". Nhạc sĩ gửi, gọi là bản "nháp" - nhờ tôi hai việc: trước là so lại giữa thơ và ca từ nhập liệu có bị sai sót gì không, sau nữa là nghe nhạc và cảm nhận thế nào. Tôi thành thực nói, mình "bù nhạc", nên chỉ góp sức vào một việc mà thôi. Đó là những đêm mà tôi gọi là "Đêm sâu Cỏ Hát". Khoảng hơn tuần sau đó, vào blog của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, tôi và vợ tôi - cũng là một cựu cán bộ đoàn - cùng nghe trực tuyến gần mười nhạc khúc mới phổ thơ. Vợ tôi nói: "Anh cho nghe lại bài Tháng ba về… - Quỳnh Hợp phổ từ bài thơ Tháng ba này ở chung cư Thanh Niên của tôi - bài đó nghe hay!". Từng chuỗi nhạc bay ra, dù đã về đêm, sao vẫn óng ánh và dịu dàng như những chùm hoa bò cạp nước dưới kia. Ca từ bám sát lời thơ, chuyển tải được hết tâm trạng ngùi nhớ về đồng đội: Tháng ba này không gặp đủ anh em, Những lứa trẻ thay dần vai cha chú, Người lìa trần mấp mé cõi nguôi quên Những đồng đội, dù đã mất hay còn sống, dù đã xuất ngũ, chuyển ngành hay còn đang tại ngũ, hình như vẫn thoáng hiện đâu đây trong giai điệu, cùng thủ thỉ cho nhau nghe ngàn muôn câu chuyện tâm tình của một thời tuổi trẻ áo xanh, những chuyện ngàn-thương-trăm-nhớ. Biết tương tư một bàn tay chai sạm Chăm luống rau từ độ lá khoe mầm Ai đã đọc truyện dài Ngọc trong đá của nhà văn Nguyễn Đông Thức (cựu TNXP) vẫn còn nhớ một chi tiết nhỏ: nhân vật nữ rớt nước mắt khi thu hoạch mấy trái ớt do chính tay mình trồng. Khi còn ở trong gia đình cha mẹ, chỉ cần cầm một mớ tiền lẻ trong tay, cô gái ấy mua được bao nhiêu là ớt. Khi sống trong môi trường TNXP, tự tay mình đổ mồ hôi làm xanh cuộc sống, làm xanh đời mình, cô đã cảm nhận được giá trị của lao động, cảm nhận được tấc lòng của mình đối với một chút sản phẩm giản dị, đời thường đó. Trái ớt trong Ngọc trong đá khắc vào tâm trí người đọc ấn tượng không kém gì hình ảnh những người đội viên TNXP đổ máu trên biên giới Tây Nam Tổ quốc trong một chương khác. Chàng trai TNXP cùng thời ấy, không thể không cảm, không thể không từ từ thấm cái "ánh mắt em tha thiết quá" (thơ Nguyễn Nhật Ánh), chuyển dần từ tình đồng đội đến tình yêu đôi lứa tuổi hai mươi. Để rồi: Ánh trăng rừng bẽn lẽn những môi hôn Hoa trái tình yêu của họ mang rất nhiều dấu ấn thời khai hoang mở đất: Thời ấy đẹp không chỉ vì gian khổ Thời ấy thắm không chỉ vì bạc áo Những đứa con mang tên "móc nôi" là Bo (Long An), Trung Kiên, Doãn Văn (Đăk Nông), thậm chí là Bim (tên con chó đóng vai chính trong tiểu thuyết và trong phim nhựa Con Bim trắng tai đen hết sức nhân văn thời Liên bang Xô Viết mà Đội Phim TNXP với những Trình, Khải, Ngọc Lan… lặn lội xuống chiếu tại từng cơ sở ở các hiện trường "khỉ ho cò gáy" của TNXP. Ca khúc vẫn tiếp tục réo rắt những lời thủ thỉ: Xuôi cuộc sống, đồng đội đi trăm hướng Nhớ thương đành thắc thõm vọng mùa xuân Ngày tháng vội như cùng mình tranh bước Những ai còn, ai mất nụ tình chung Ai còn, ai mất. Nụ tình chung! Hai vợ chồng - tuổi đã ngoài năm mươi - cùng nằm nghe nhạc khúc không thể không nhớ đến những lúc các nhóm cựu trào U-60 gặp nhau, cười nói mà giàn giụa nước mắt: "Tụi mình bây giờ chỉ gặp được nhau những lúc viếng - đưa tang tứ thân phụ mẫu; hoặc là khi gã cưới các con!". Nhạc đã chuyển được lời-thơ-tấc-lòng thành âm-thanh-biểu-cảm, nói lên trọn vẹn những điều không chỉ riêng mình tác giả thơ hay nhạc sĩ đã nghĩ đến. Cung bậc thăng trầm, ca khúc vẫn không để cho hoài niệm trĩu nặng. Trong nguyên tác thơ, tác giả mượn ngoại cảnh thiên nhiên để làm dịu tâm hồn mình: Tháng ba này ở chung cư Thanh Niên Tìm một chút màu xanh trên liếp cửa Khoác cái tên để ước mình còn trẻ Nhúng vào cảnh lắng im để tỉnh rủ bụi phù vân còn trong nhạc, với sức sống riêng của âm thanh bảy nốt, phối khí rộn ràng và giọng hát chuyên nghiệp của ca sĩ, ca từ chỉ lướt qua một câu: Tìm một chút màu xanh trên liếp cửa để dẫn tới tâm trạng tích cực hơn, năng động hơn theo kiếu rất TNXP: Chút dĩ vãng bao năm lại khuấy động. Ngoài bao lơn những chùm hoa ước vọng Hết xuân rồi quả đậu vẫn hồng thơm Chỉ với một ca khúc có độ dài bốn phút bốn mươi giây, nhạc sĩ đã chuyển tải một quá trình tâm cảm 35 năm của một cựu TNXP, bày tỏ tình yêu với tuổi trẻ, với cuộc đời - bất chấp những nhịp bước thời gian, khoảng cách không gian. Anh Khiết không ghé đến được chung cư thì tôi phải ghé đến thăm anh ấy. Đến căn hộ "Ca Hát" lầu 12 lô G chung cư Miếu Nổi, tôi tặng anh tạp chí Logistics số 41 (3/2011) có đăng một bài thơ cũ của tôi và bài giới thiệu album "Cỏ hát" của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Anh từ bệnh viện Nhân Dân Gia Định mới về sau nửa tháng "nhờ bác sĩ cứu". Nghe chị Ngọc Hân, "công chúa" của anh nói: "Lúc này ảnh ăn được, ngủ ít, nói đó quên đó", anh cãi liền: "Sao mà quên. Chủ nhật vừa rồi mới xem nhạc sĩ Quỳnh Hợp trả lời phỏng vấn trên tivi chứ đâu. Mỗi ca khúc của cô ấy đều có chứa tấm lòng!” __________________