Bạn sở hữu những cỗ máy tính thuộc hàng cổ đại. Liệu bạn có biết chúng ta cần làm những gì để nó có thể hoạt động tốt hơn 1 chút không? Bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn 9 vấn đề có thể khiến chiếc máy tính rùa già nhà bạn hoạt động nhanh hơn. 1. Tinh chỉnh BIOS BIOS quản lý trực tiếp quá trình khởi động của máy tính, do đó việc tinh chỉnh BIOS hợp lý sẽ giúp đẩy nhanh quá trình khởi động. Đầu tiên, bạn nên bật chế độ Quick Boot (nếu BIOS của bạn có hỗ trợ) để BIOS tự động bỏ qua các bước kiểm tra phần cứng bằng cách: Nhấn phím Delete hoặc F2 tại màn hình đầu tiên ngay khi mở máy, sau đó mở mục Advanced BIOS Features, chuyển con trỏ xuống mục Quick Boot, nhấn Enter, chọn Enable, nhấn Enter lần nữa. Tiếp đến, bạn nên ưu tiên khởi động từ ổ cứng (thay vì ổ mềm hay ổ CD như mặc định) bằng cách mở mục First Boot Device, chọn Hard Disk. Xong, bạn nhấn phím F10, chọn Yes để lưu lại toàn bộ các thiết lập và khởi động lại máy tính. 2. Chọn lọc các ứng dụng cho phép khởi động cùng Windows Chỉ nên giữ lại những ứng dụng thực sự cần thiết phải khởi động cùng Windows. Để loại bỏ bớt các ứng dụng không cần thiết, bạn vào menu Start > Run, gõ msconfig, nhấn Enter. Tiếp đến, bạn mở thẻ Startup, bỏ đánh dấu trước những ứng dụng không muốn khởi động cùng Windows, nhấn OK và khởi động lại máy tính. 3. Trì hoãn các dịch vụ khởi động cùng Windows Tương tự như ứng dụng, bạn cũng nên trì hoãn việc thực thi các dịch vụ khi khởi động cùng Windows bằng cách nhấn chuột phải lên biểu tượng My Computer, chọnManage > Services and Applications > Services, nhấn đôi chuột lên ứng dụng muốn trì hoãn, mở thẻ General, duyệt đến mục Startup type, chọn Automatic (Delayed Start) > Apply > OK. 4. Thiết lập thời gian chờ khởi động Windows Nếu máy tính của bạn cài đặt từ hai hệ điều hành trở lên thì trước mỗi lần khởi động, hệ thống sẽ đếm ngược 30 giây để chờ bạn chọn hệ điều hành muốn sử dụng. Nếu muốn khởi động trực tiếp vào một hệ điều hành nào đó, hoặc giảm thời gian chờ xuống, bạn chỉ việc nhấn chuột phải lên biểu tượng My Computer, chọn Properties, mở thẻ Advanced, nhấn nút Settings bên dưới mục Startup and Recovery, chọn hệ điều hành muốn khởi động mặc định tại mục Default operating system, đánh dấu trước tùy chọn Time to display list of operating systems, gõ thời gian chờ vào khung bên cạnh, nếu muốn khởi động thẳng vào hệ điều hành mặc định, bạn gõ 0. Xong, nhấn OK. 5. Vô hiệu hóa thiết bị không khởi động Để tăng tốc khởi động Windows hiệu quả, bạn cũng nên vô hiệu hóa một số thiết bị phần cứng không thường xuyên sử dụng đến, như: Bluetooth, Webcam, ổ đĩa mềm,… bằng cách mở Device Manager (nhấn Windows + Pause), nhấn chuột phải lên tên thiết bị muốn vô hiệu hóa, nhấn Disable. 6. Xóa bớt font chữ Mặc định mỗi khi khởi động, Windows sẽ tải toàn bộ font chữ hiện có trên hệ thống, điều này sẽ làm mất nhiều thời gian của bạn nếu có quá nhiều font chữ được cài đặt trước đó. Chưa kể khi bạn sử dụng các ứng dụng liên quan đến font chữ, như bộ Office, Photoshop,… chúng cũng sẽ trở nên ì ạch lúc khởi động. Do đó, hãy xóa bớt những font chữ không cần thiết, ít khi sử dụng đến bằng cách mở thư mục Fonts theo đường dẫn C:\Windows\Fonts, chọn font muốn xóa rồi nhấn Delete. 7. Nâng cấp RAM Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để tăng tốc máy tính là nâng cấp dung lượng RAM, bởi giá RAM hiện nay khá rẻ và cách nâng cấp lại cực kỳ dễ dàng, tự bạn cũng có thể làm được mà không cần phải mang ra thợ. 8. Thiết lập địa chỉ IP tĩnh cho máy tính trong mạng LAN Mỗi lần khởi động Windows, bạn phải chờ mạng LAN cấp cho một địa chỉ IP, điều này khiến tiến trình khởi động bị chậm lại. Để Windows không phải “chờ xin” IP, bạn có thể tự thiết lập IP cho máy của mình bằng cách nhấn chuột phải lên biểu tượng card mạng muốn thiết lập IP tĩnh, chọn Properties, nhấn đôi chuột lên dòng Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4), đánh dấu trước tùy chọn Use the following IP Address, sau đó điền địa chỉ IP mà bạn muốn thiết lập vào khung trống. Nhấn OK. 9. Thay ổ cứng thường bằng SSD So với ổ cứng thường thì ổ cứng SSD có tốc độ đọc/ghi cao gấp nhiều lần, chính vì thế mà Windows sẽ khởi động nhanh hơn, các ứng dụng chạy mượt hơn, tốc độ sao chép dữ liệu cao hơn,… Tuy nhiên, ổ cứng SSD có giá thành khá cao, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước tùy chọn tăng tốc này! Tham khảo: Bussiness Insider