Chuyện lạ của Lợi Một chàng sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM đang làm chuyện lạ: làm thêm ngoài giờ học, thuê nhà để cưu mang, nuôi nấng các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ... (Trần Phước Lợi và hai em Phát, Phúc - Ảnh: Ngọc Hà) Qua rất nhiều con đường ngoằn ngoèo bụi đất, tôi đến nhà số 675/39 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM gặp Trần Phước Lợi, sinh năm 1988, bí thư chi đoàn lớp C8QT11 khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Lợi sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, trúng tuyển đại học chuyển vào TP.HCM học, tháng 6-2011 Lợi sẽ tốt nghiệp. Nếu chỉ có thế thì Lợi cũng như bao sinh viên khác tại TP này. Nhưng không, Lợi khác mọi người vì anh đang cưu mang nhiều em nhỏ mồ côi, bị gia đình ruồng bỏ, không đủ chuẩn vào các mái ấm trên địa bàn TP. Trong một lần đi ngoại khóa, lớp của Lợi đến thăm mái ấm Sơn Kỳ (Q.Tân Phú, TP.HCM) gần cầu Tham Lương. Chứng kiến cảnh đời bất hạnh của những em bé không được mái ấm chấp nhận (vì trên danh nghĩa vẫn còn đủ cha mẹ), Lợi đã thuê nhà và đưa những em đó về nuôi. Lợi nói: “Tôi mất cha từ lúc 4 tuổi. Mẹ rất yêu thương và lo lắng cho tôi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi khổ của một đứa con không đầy đủ cha mẹ. Dù sao tôi vẫn hạnh phúc hơn các em nhiều, và muốn chia sẻ tình thương đó cùng các em”. Lợi tâm sự với mẹ, có ý đưa các em về Gia Lai, nhưng người mẹ lại tự nguyện vào Sài Gòn chăm sóc các cháu cơ nhỡ phụ con trai vì: “Phải để các cháu ở TP để có điều kiện học hành”. Được mẹ ủng hộ, Lợi bắt tay vào kế hoạch của mình. Hai “vị khách” đầu tiên là anh em Phát (7 tuổi), Phúc (9 tuổi), quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ba mẹ ly hôn và bỏ rơi hai em. Rồi đến Cường, quê Nghệ An, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không tá túc đâu được vì đã 15 tuổi. Gia đình chị Hồng thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở huyện Hóc Môn, có hai con Nhật Phát (4 tuổi), Thành Danh (3 tuổi) sống chen chúc trong ngôi nhà nhỏ xíu. Đã vậy, bé Phát lại bị chứng lõm lồng ngực bẩm sinh, thường đau đớn. Thấy vậy, Lợi bảo chị Hồng gửi hai bé tại nhà Lợi, cuối tuần đến thăm các con để hai vợ chồng rảnh tay làm việc, có tiền phẫu thuật cho con... Khi nghe tôi hỏi làm thế nào Lợi có đủ 2 triệu đồng tiền thuê nhà để cưu mang từng ấy mảnh đời, Lợi cười: “Tôi cũng là thợ đụng, đụng gì làm nấy. Ngoài dạy kèm, tôi cùng các em làm dây nón bảo hiểm Thùy Dương để tăng thu nhập. Cứ 1.000 cái được 35.000 đồng. Tiền tôi làm để chi tiêu. Còn tiền các em làm sẽ được chuyển vào tài khoản của từng em. Sau này các em lớn lên, với văn hóa học được từ các lớp tình thương ban đêm, rồi tôi dạy thêm vi tính, tiếng Anh... hi vọng các em sẽ có được một việc làm khiêm tốn trong xã hội”. Quanh nhà, Lợi để tên những vật dụng bằng hai thứ tiếng Việt - Anh để các em dễ nhớ, dễ ghi vào đầu. Bên cạnh lớp buổi tối, Lợi còn kèm các em học thêm toán... Căn nhà Lợi thuê ngang 4m, dài 10m gồm phòng khách trống không để Lợi và các em làm dây nón bảo hiểm, phía sau là phòng ăn, nhà bếp... Trên gác chia hai phòng. Phòng vi tính gồm ba chiếc máy cũ, thêm góc học tập cho các em - cũng là ba chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Phòng ngoài để ngủ gồm những tấm nệm cũng cũ nhưng sạch sẽ. Thật cảm động khi nghe chàng bí thư Đoàn này kể chuyện tuổi thơ của mình. Lợi được kết nạp Đoàn lúc học lớp 8, lên lớp 9 đã là bí thư Đoàn. Lợi từng là thanh niên xung kích thuộc chi bộ xã. Hỏi về tình yêu, Lợi cười: “Ai dám để ý một người chưa có vợ mà phải cưu mang từng này đứa con!”. Mẹ Lợi chỉ cười khi nói về con trai mình: “Con mình làm việc tốt, làm sao ngăn cấm được!”. Giờ mới thấy những gì mình làm sao nhỏ pé đến vậy, cũng là sinh viên nhưng anh ấy làm được còn mình thì thật kém cỏi. Xã hội này cần nhiều hơn những tấm lòng như vậy...!
Cảm ơn bạn... nhưng chuyện này thì không phải là chuyện chưa từng thấy... vì cũng có những người như thế này rồi đó...
vừa là sv,kinh tế khó khăn rồi mà còn cưu mang các em nhỏ. anh ấy có một tấm lòng không phải ai cũng có. thank! c đã post bài. p/s: sống trong đời sông,cần có một tấm lòng
Sinh viên chúng ta ngay chính mình còn lo chưa nổi, chưa đến ngày nhận lương là cứ nôn nao. Có ba, mẹ chăm lo nhưng có bao giừo là đầy đủ đâu, thế mà chỉ vì tình thương, lòng nhân ái anh Lợi có thể làm tất cả. Thật đáng khâm phục và đáng học hỏi phải không các bạn!
Trên đời này kiếm ra những người như vậy thật khó. Mong rằng nhà nước sẽ có chính sách hổ trợ hơn nữa để các trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa sẽ đc sống tốt và ko cù bất cù bơ nữa.