Giáo sư Cho nói về tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam - Hàn Quốc Giáo sư Cho Jae Hoon, Cố vấn hữu nghị thuộc tổ chức KOICA Hàn Quốc. GS bắt đầu làm việc tại Khoa Khoa học máy tính, Trường CĐ CNTT hữu nghị Việt - Hàn vào tháng 11/201, tính đến bây giờ cũng hơn 1 năm. Năm 2011, giáo sư đã tổ chức một số buổi hội thảo cho giảng viên và sinh viên trường. Các chủ đề như: Sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong giảng dạy, sự phát triển của hệ thống quản trị kinh doanh, điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc…. Giáo sư Cho Jae Hoon (bên phải) Các cán bộ giảng viên và sinh viên của trường đang nghe phần trình bày của GS Cho Tôi xin giới thiệu những chia sẻ với các bạn về những suy nghĩ và cảm nhận của Giáo sư Cho Jae Hoon khi đến Việt Nam. ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC GS.TS Cho Jae Hoon Cố vấn hữu nghị thuộc tổ chức KOICA Khoa Khoa học máy tính, Trường CĐ CNTT Hữu Nghị Việt - Hàn Hàn Quốc có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa hè thì thời tiết oi bức, mùa thu có lá phong đỏ, mùa đông rất lạnh- đây là những hình ảnh vô cùng thân quen mà tôi đã thấy và cảm nhận từ khi còn nhỏ mà không cần ai dạy hết. Tôi đã được học ở trường rằng ở Việt Nam có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Và thông qua chuyện kể của mọi người, thông qua báo chí tôi cũng biết được điều đó.Vì biết rằng vào mùa mưa ở Việt Nam trời mưa rất nhiều nên tôi đã đem một chiếc áo mưa từ Hàn Quốc qua đây. Đó là một chiếc áo mưa hơi đắt một chút và rất đẹp, chiếc áo mưa giống kiểu áo khoác và có một hàng khuy bấm ở phía trước. Khi nhìn thấy những người Việt Nam mặc chiếc áo mưa tiện lợi chỉ với giá 5000 đồng tôi đã nghĩ rằng tại sao mọi người lại mặc chiếc áo mưa trông kém chất lượng và dễ bị rách như vậy, có lẽ vì không có tiền nên mọi người mặc như vậy. Nhưng bây giờ tôi cũng mặc những chiếc áo mưa tiện lợi như vậy. Vì tôi đã nhận ra rằng chiếc áo mưa đem từ Hàn Quốc sang rất bất tiện và không phù hợp với thời tiết mưa nhiều ở Việt Nam. Đặc biệt khi đi xe máy thì áo mưa tiện lợi là tuyệt nhất. Thời gian trôi qua và tôi đã nhận ra những sự hiểu lầm của mình. Tôi đã biết được rằng chiếc áo mưa tiện lợi quả thật rất tiện lợi, giá cả phải chăng và rất phù hợp với kiểu thời tiết ở Việt Nam khi mà không biết lúc nào trời sẽ đổ mưa. Mọi người có thể sai khi chỉ phán đoán sự vật thông qua những suy nghĩ của mình. Cũng giống như việc tôi hiểu sai về chiếc áo mưa tiện lợi của Việt Nam khi chưa từng trải nghiệm cuộc sống tại đây, các bạn cũng có thể đưa ra những phán đoán sai đối với những việc mà các bạn chưa từng trải qua, đặc biệt là những việc mà các bạn chỉ nhìn thoáng qua hoặc nhìn theo một chiều hướng nào đó. Vì vậy tôi nghĩ rằng khi còn trẻ các bạn nên có nhiều trải nghiệm đa dạng và học hỏi thật nhiều. Sau đây tôi sẽ trình bày về những điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Vì đây chỉ là những cảm nhận của cá nhân tôi, tôi đã sắp xếp lại theo suy nghĩ của riêng mình chứ không phải là những nội dung đã được kiểm chứng hay đã được công nhận về mặt học vấn nên mong rằng các bạn sẽ cân nhắc nếu lỡ có những điều khác với sự thật. 1. Điểm tương đồng của Việt Nam và Hàn Quốc a. Điểm tương đồng đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc đó là “vết bớt”. Các bạn nhìn thấy một vết bớt lớn trên mông và lưng của em bé mới sinh đúng không? Sau này khi em bé lớn lên thì vết bớt này cũng tự động biến mất. Tôi nghĩ rằng chứng cứ mang tính quyết định chứng tỏ người Việt Nam và người Hàn Quốc có chung cội nguồn chính là vết bớt. Ở Hàn Quốc có dòng họ Lý Hoa Sơn. Tổ tiên của họ đã từng cư trú tại Việt Nam. Tổ tiên của họ chính là Hoàng tử Lý Long Tường- hoàng tử cuối cùng của vương triều nhà Lý- nước ĐẠI VIỆT vào đầu thế kỷ 13. Tôi được biết rằng bây giờ con cháu nhà Lý đã chuyển sang dùng họ Nguyễn. Trong các buổi họp mặt gia tộc của dòng họ Lý Hoa Sơn, họ vẫn đến Việt Nam để thờ cúng tổ tiên.Có 1 sản phụ người Hàn Quốc đã di trú tới Úc và sinh em bé trong khoa sản, bác sĩ người Úc nhìn thấy vết bớt to trên mông của đứa trẻ đã nghĩ rằng đó là một điều kì lạ và cần phải làm phẫu thuật. Nếu là bác sỹ người Việt Nam thì chắc chắn sẽ không có sự hiểu lầm như vậy rồi. Tôi nghĩ vết bớt chính là điểm giống nhau đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc. b. Điểm tương đồng thứ hai của Việt Nam và Hàn Quốc là „cả 2 nước đều sử dụng đũa‟. Bức ảnh ở trên là tay của tôi. Tay phải cầm đũa và tay trái ấn nút chụp ảnh, các bạn thấy tay tôi có đẹp không? Đặc biệt Hàn Quốc sử dụng đũa inox, việc sử dụng đũa inox cần sự chuyển động tinh tế của tay, ngày nay nhiều phụ nữ trên thế giới đến Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ, tôi nghĩ rằng đó là nhờ các bác sỹ Hàn Quốc từ khi nhỏ đã sử dụng đũa inox. Tiến sỹ Arnold Toynbee - học giả lịch sử của nước Anh đã nói rằng vào thế kỷ 21, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam sẽ điều khiển thế giới. Chúng ta hãy thử đợi xem. c. Điểm tương đồng thứ 3 của Việt Nam và Hàn Quốc là „đều yêu thích bóng đá‟. Trên đây là hình ảnh của ngôi sao bóng đá Park Ji Sung của Hàn Quốc khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia Cúp Giấc mơChâu Á vào tháng 6 vừa qua. Nếu bật TV thì chúng ta đều thấy rằng mỗi ngày ti vi đều phát sóng các trận bóng đá. Ở khu phố tôi đang sống hiện nay, vào mỗi tối trẻ con trong xóm lại tập trung lại và chơi đá bóng. Đặc biệt tôi thường thấy bọn nhỏ chia làm 2 đội, 1 đội mặc áo và một đội cởi trần và thi đấu với nhau. Tôi đã cười khi thấy cảnh ấy bởi vì nó rất giống với hình ảnh của tôi ngày nhỏ. Bức ảnh nhỏ ở phía bên phải là hình ảnh của Seoul trong World Cup 2002. Đây là bức ảnh cho ta thấy người dân Hàn Quốc đã yêu thích bóng đá như thế nào.Thật sự người dân Việt Nam và Hàn Quốc đều rất yêu thích bóng đá. d. Điểm tương đồng thứ tư của Việt Nam và Hàn Quốc là „người dân 2 nước đều yêu thích ca hát‟. Bức ảnh các bạn đang xem là hình ảnh của nhóm nhạc Girl’s Generation và Super Junior – những ngôi sao đại diện cho làn sóng Hàn Quốc. Girl’s Generation và Super Junior là những ngôi sao không chỉ được yêu thích ở Việt Nam mà còn được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu. Đương nhiên là Girl’s Generation và Super Junior đều đẹp, hát hay, tài năng nhưng sự nổi tiếng của họ một phần cũng là nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin, tiêu biểu là internet. Người Việt Nam và người Hàn Quốc đều thích hát và nghe nhạc, trong những buổi tụ họp với bạn đồng nghiệp hay bạn đồng trang lứa thì tăng 1 mọi người thường đi ăn nhậu, tăng 2 chủ yếu là đi hát Karaoke, tôi thấy điểm này khá giống nhau. Nhưng cũng có một điểm hơi khác một chút, đấy là người Việt Nam thường mở nhạc to để những nhà hàng xóm đều có thể nghe được. Người Việt Nam không nghe nhạc một mình mà họ thường mở nhạc lớn để nhiều người khác trong xóm có thể cùng nghe. Còn ở Hàn Quốc, các bạn có thể nhìn thấy hình ảnh những người trẻ tuổi thường nghe nhạc một mình, sử dụng tai phone, head phone để nghe nhạc trên tàu điện ngầm hay trên xe buýt. e. Điểm giống nhau thứ năm của Việt Nam và Hàn Quốc là „cả 2 nước đều thích uống rượu‟. Trong các cuộc tụ họp, đàn ông Việt Nam và Hàn Quốc thường hay uống rượu và chuốc rượu người khác. Đặc biệt, tôi không uống được rượu nên khi ở Hàn Quốc tôi rất sợ khi phải đến quán nhậu và ở Việt Nam cũng vậy, tôi cảm thấy mệt vì phải từ chối những lời mời rượu. Tôi thấy điểm khác biệt nhỏ đó là người Việt Nam thường uống bia và người Hàn Quốc thường uống rượu Soju. Và ở Hàn Quốc thường trộn 2, 3 loại rượu vào 1 ly và uống. Có lẽ đấy là do văn hóa của người Hàn Quốc - làm gì cũng muốn làm thật nhanh. Hình như họ nghĩ rằng phải uống nhanh thì mới nhanh say nên nếu chỉ uống mình bia thôi thì rất mất thời gian mà lại khó say nên họ mới trộn nhiều loại rượu vào để uống như vậy. Hình ảnh ở bên trái các bạn đang thấy là cảnh trộn bia với rượu tây.Và dường như phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Hàn Quốc đều ít uống rượu giống nhau. f. Điểm tương đồng thứ sáu của Việt Nam và Hàn Quốc là „ngày lễ Tết‟. Việt Nam và Hàn Quốc đều có chung ngày Tết vào mùng 1 tháng 1 âm lịch và ngày Tết trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ngày Tết ở Hàn Quốc cũng là ngày 1 tháng 1 âm lịch. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm và mọi người được nghỉ 3 ngày. Cả gia đình tụ họp ở nhà, cùng nhau thờ cúng ông bà tổ tiên và chúc Tết người lớn. Khi đấy người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ em. Hầu hết mọi người đều tìm về quê và tụ tập cùng bố mẹ và anh chị em. Thông thường nếu bố mẹ còn sống thì tập trung ở nhà bố mẹ, nếu bố mẹ đã mất thì tập trung tại nhà con trưởng. Ở Việt Nam thường được nghỉ Tết khoảng 2 tuần – đây là điểm hơi khác biệt so với Hàn Quốc. Vào dịp Tết vừa qua, lúc đấy tôi còn sống trong kí túc xá của trường. Thật sự vào ngày Tết không có ai ở trường cả, lúc đấy chỉ có chú bảo vệ và tôi mà thôi. Có lẽ là ở Việt Nam không có kì nghỉ đông mà thay vào đấy là kì nghỉ Tết. Ngoài ra vào ngày Tết trung thu, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi người trải qua ngày Tết trung thu thật đơn giản. Ở Hàn Quốc Tết trung thu và Ngày Tết âm lịch đều là những ngày lễ quan trọng ngang nhau. Còn ở Việt Nam thì Tết trung thu không phải là ngày nghỉ, mọi người vẫn đi làm bình thường và chỉ tổ chức những buổi tiệc nhỏ hay cuộc thi văn nghệ giống như ngày Tết thiếu nhi ở Hàn Quốc. g. Điểm tương đồng thứ bảy của Việt Nam và Hàn Quốc là „đều có 12 con giáp‟. Việc quyết định tuổi con gì tùy thuộc vào năm sinh cũng giống nhau. Ở Hàn Quốc có tuổi con thỏ và tuổi con cừu, còn Việt Nam thì có tuổi con mèo và tuổi con dê. Đây là khác biệt nho nhỏ. h. Điểm tương đồng thứ 8 của Việt Nam và Hàn Quốc đó là phụ nữ rất thông minh. “Phụ nữ có năng lực cạnh tranh hơn nam giới”. Ở nhà thì địa vị của nam giới cao hơn nhưng ra ngoài xã hội thì phụ nữ có năng lực cạnh tranh rất cao. Ví dụ: Ở Hàn Quốc trong top 100 vận động viên golf xuất sắc của thế giới may ra chỉ có 1 vận động viên nam nhưng các vận động viên nữ lại thường đứng nhất trên thế giới. Các vận động viên bóng rổ nam không tìm được chỗ đứng trên thế giới nhưng bóng rổ nữ thì thường xuyên đạt huy chương. Bóng đá nam chỉ đứng thứ 20 trên bảng xếp hạng thế giới nhưng bóng đá nữ thì thường đạt được huy chương. Phụ nữ Hàn Quốc luôn xếp hạng cao hơn nam giới Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật, học tập… Ở Việt Nam dường như cũng tương tự như vậy. Tôi nghĩ rằng phụ nữ Việt Nam sống và làm việc chăm chỉ, điều này giống với phụ nữ Hàn Quốc. Vì đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi nên có thể khác với sự thật. i. Điểm tương đồng thứ chín của Việt Nam và Hàn Quốc là “đều tôn trọng người lớn”. Tôi nghĩ rằng việc tôn trọng người lớn và tuân thủ các lễ nghi, phép tắc là điểm giống nhau của Việt Nam và Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, việc nhường chỗ và thứ tự cho người già và những người lớn tuổi là điều đương nhiên. Ở trên tàu điện ngầm và trên xe buýt thì phải nhường chỗ cho người già, nếu hút thuốc trước mặt những người lớn tuổi và ba mẹ thì sẽ bị đánh giá là vô giáo dục. Và khi nói chuyện với người lớn thì phải dùng kính ngữ, tôi nghĩ điều này cũng giống với Việt Nam. j. Điểm tương đồng thứ 10 của Việt Nam và Hàn Quốc là „việc thờ cúng‟. Ở Hàn Quốc vào ngày giỗ của ông bà hay bố mẹ thì cả gia đình tập trung lại, làm cơm cúng và thờ cúng. Tôi thấy rằng ở Việt Nam, hầu hết mọi nhà đều thờ cúng. Và tôi đã thấy vào một ngày nào đó, người Việt Nam quỳ lạy và thờ cúng. Việc thờ cúng và nhớ ơn tổ tiên là điều giống nhau giữa 2 nước.Tôi đã nói về 10 điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ngoài ra tôi còn thấy vài điểm giống nhau như: - Đàn ông Việt Nam và Hàn Quốc đều thích ăn thịt cày. - Những người trẻ tuổi không biết Hán tự. - Nhiệt huyết giáo dục cao. Và tôi thấy có vài hình ảnh sau của Việt Nam hiện nay rất giống với hình ảnh của Hàn Quốc cách đây 20-30 năm về trước. - Đi tiểu bậy ngoài đường (đặc biệt là nam giới). - Nếu bị cảnh sát giao thông bắt thì nộp tiền. - Không tuân thủ làn xe theo qui định. - Điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu. - Giáo viên kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm. - Bán lẻ thuốc lá. - Thờ cúng tại nhà. Có rất nhiều điểm giống nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc. 2. Điểm khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc Hiện nay các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và đang hoạt động tại Việt Nam, có nhiều người Việt Nam đang làm việc tại các công ty Hàn Quốc và cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cũng trở nên nhiều hơn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc phải nghiên cứu về pháp luật Việt Nam hoặc phong tục, văn hóa của Việt Nam, người Việt Nam phải học tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc. Giống như vậy thế giới đang hòa hợp với nhau và chúng ta sử dụng công nghệ thông tin như là một công cụ để thực hiện điều đó. Chúng ta phải quan tâm góp phần làm cho toàn thế giới được hòa nhập, thế giới trở nên thông minh hơn, con người trở nên hạnh phúc hơn và có cuộc sống tốt hơn. a. Điểm khác biệt thứ nhất của Việt Nam và Hàn Quốc là “xe máy”. Ở Hàn Quốc nếu nhắc tới Việt Nam thì mọi người đều kể tới xe máy. Tôi được biết rằng ở Việt Nam, nếu đủ 18 tuổi thì bất kì ai cũng có thể đi xe máy. Khi đến Việt Nam lần đầu tiên tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi tò mò không biết rằng 20, 30 năm sau, khi Việt Nam trở thành nước phát triển thì xe máy sẽ đóng vai trò gì và sẽ gây ra những ảnh hưởng gì.b. Điểm khác biệt thứ hai giữa Việt Nam và Hàn Quốc là “việc ngủ trưa”. Cú sốc văn hóa đầu tiên của tôi khi đến Việt Nam chính là việc ngủ trưa. Lúc đầu khi thấy người Việt Nam ngủ trưa thì tôi cảm thấy rất kỳ lạ. Tôi đã nghĩ rằng người Việt Nam lười biếng. Nhưng giờ thì tôi không nghĩ như vậy nữa. Bởi vì tôi sau khi trải qua mùa hè oi bức ở Việt Nam, tôi đã hiểu ra rằng việc hoạt động vào buổi sáng hoặc buổi tối mát mẻ và ngủ trưa vào giờ trưa oi bức thì tốt hơn. c. Điểm khác biệt thứ ba của Việt Nam và Hàn Quốc là “giờ tan sở”. Tôi điều tra về những điểm tương đồng và khác biệt của Việt Nam và Hàn Quốc và đã hỏi rất nhiều người. Câu chuyện về giờ tan sở là của một người Việt Nam đã kể cho tôi. Ở Việt Nam vào giờ tan sở thì tất cả mọi người đều trở về nhà nhưng ở Hàn Quốc thì dù quá giờ tan sở thì mọi người không đi về nhà mà vẫn tiếp tục làm việc. Ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, dù quá thời gian tan sở nhưng nếu có việc cần phải làm thì không được về nhà và phải tiếp tục làm việc. Tôi vẫn còn nhớ khi còn trẻ tôi đã từng thức đêm làm việc rất nhiều lần. Nghe nói rằng dạo này ở Hàn Quốc đang dần thay đổi, cũng có nhiều người trẻ tuổi nghỉ làm vào đúng giờ tan sở. d. Điểm khác biệt thứ tư của Việt Nam và Hàn Quốc đó chính là “kiểu nhà”. Thông thường nhà truyền thống của Hàn Quốc thường có cửa sổ ở 4 hướng và có hình dạng chữ nhật gần giống hình vuông. Nhưng tôi thấy nhà ở Việt Nam thì ở phía trước thường chật và ở phía sau thường dài nên luôn tự hỏi sao lại như vậy. Có người nói rằng đấy là vì Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp. Trải qua mùa hè nóng nực thì tôi đã biết được lý do, tôi đã biết được rằng nếu nhà Việt Nam cũng có cửa sổ ở 4 hướng giống như Hàn Quốc thì sẽ không thể chịu được cái nóng của khí hậu Việt Nam. Thế nhưng rời xa thành phố và đi về vùng quê thì tôi thấy phong cảnh, ruộng lúa, con bò, những con đường chật hẹp, cây cối và những ngôi nhà ở quê thật giống với Hàn Quốc, nó khiến tôi lầm tưởng rằng mình đang ở Hàn Quốc. e. Điểm khác biệt thứ 5 của Việt Nam và Hàn Quốc đó là “vị trí ngồi trong quán cà phê của người Việt Nam khác với người Hàn Quốc”. Khi 2 người đi uống cà phê hoặc ăn trong nhà hàng thì ở Việt Nam thường ngồi cạnh nhau nhưng ở Hàn Quốc thì thường ngồi đối diện. Ở Hàn Quốc nếu có một đôi thanh niên nam nữ ngồi cạnh nhau thì mọi người sẽ nghĩ rằng họ đang quen nhau, còn nếu 2 người nam mà ngồi cạnh nhau thì mọi người sẽ hoài nghi liệu có phải là 2 anh chàng này bị đồng tính hay không. Ngoài ra tôi thường thấy cảnh người Việt Nam khi đi xe máy hoặc xe đạp thường đi song song và dàn hàng 2, hàng 3. Ở Hàn Quốc thì trong trường hợp này họ thường đi trước, đi sau. f. Điểm khác biệt thứ sáu chính là “cách cắt trái cây của người Việt Nam và người Hàn Quốc” Đã có lúc tôi từng bật cười khi nhìn thấy cách cắt trái cây của người Việt Nam và tôi thấy nó rất khác với kiểu cắt của người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường cắt táo theo hướng từ phải sang trái nhưng người Việt Nam lại cắt táo theo hướng từ trái sang phải nên tôi thấy rất lạ khi nhìn thấy cảnh ấy. Tôi vẫn chưa biết được tại sao lại có sự khác biệt ấy. g. Điểm khác biệt thứ 7 của Việt Nam và Hàn Quốc chính là cà phê. Thật ra người Việt Nam và người Hàn Quốc đều thích uống cà phê, đây là điểm giống nhau giữa 2 nước. Nhưng người Hàn Quốc thường uống cà phê nhạt, còn người Việt Nam thì uống cà phê quá đậm nên tôi không thể uống được. Mỗi lần uống cà phê tôi phải châm thêm nước vào nên mọi người thường nhìn tôi thật khác lạ. h. Điểm khác biệt thứ 8 của Việt Nam và Hàn Quốc đó là việc đổ rác. Hình ảnh các bạn đang xem là cảnh phân loại rác của Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc khi đổ rác thì phải thu gom theo từng loại rác thải như giấy, thủy tinh, sắt, nhựa, rác thải thức ăn. Những loại rác khác thì phải bỏ vào túi đựng rác và người dân phải bỏ tiền ra mua túi đựng rác. Xe chở rác sẽ đến chở các loại rác đã được phân theo từng loại và đem đi tái sử dụng. Tôi thấy các nhân viên lao công ở Việt Nam làm việc rất chăm chỉ. Thật ra thì cách đây 20 năm, Hàn Quốc cũng đã từng bỏ tất cả các loại rác vào bao ni lông như Việt Nam bây giờ. i. Điểm khác biệt thứ chín giữa Việt Nam và Hàn Quốc đó là „bóng bi da” Khi chơi bida, ở Hàn Quốc thường chơi 4 bi, còn ở Việt Nam thường chơi 3 bi. Qủa bóng bida của Hàn Quốc thường lớn hơn bóng bida của Việt Nam một chút. Khi chơi bida, con trai thường gọi món ăn và hút thuốc… quả thật có rất nhiều điểm giống nhau. j. Điểm khác biệt thứ mười giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là “cách gọi món”. Khi đến nhà hàng ở Việt Nam nếu khách gọi bia thì nhân viên phục vụ sẽ đem cả thùng bia ra cho khách và sau khi khách ăn uống xong họ sẽ tính xem khách đã uống hết bao nhiêu chai. Và dù khách hàng không gọi khăn ướt thì nhân viên phục vụ vẫn đem khăn ướt ra cho khách và nếu khách không sử dụng thì cũng không phải tính tiền. Còn ở Hàn Quốc thì phải gọi trước tùy theo số lượng mình có thể uống được. Ví dụ nếu tôi gọi 5 chai bia thì tôi phải uống hết, giả sử uống không hết và còn lại vài chai thì tôi vẫn phải trả tiền cho phần bia đó. Theo viethanit.edu.vn
hihi đọc xong bài viết này em thấy "thích" giáo sư ghê ấy ^^, những điều giáo sư nói thật giản dị và thường nhật..càng đọc càng thấy đúng, mới được nhìn giáo sư mấy lần ngoài quán cf bà già thôi, ko dám nói chuyện với gs,tiếng anh dốt,tiếng hàn biết mỗi câu xin chào @@. hi vọng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng được nâng lên tầm cao mới.