Trong một tháng trở lại đây, các tín đồ Facebook Việt chắc hẳn không khỏi khó chịu khi mỗi lần đăng nhập vào tài khoản lại thấy hàng tá request ứng dụng. Không những thế, trang chủ của người dùng cũng tràn ngập vô số tin cập nhật về những ứng dụng “rác” như Bói – Số điện thoại của bạn nói lên điều gì?, Tên tiếng Anh của bạn và ý nghĩa của nó, ngày sinh của bạn nói gì về bạn… Dẫu bạn có tìm cách chặn ứng dụng và xóa request, ngày mai ứng dụng ấy sẽ tiếp tục xuất hiện trước mặt bạn với nội dung thay đổi đi chút ít. Đơn giản bởi vì không phải chỉ một mà là rất nhiều người đang tìm cách "mua bán" bạn trên Facebook. Thực chất, Facebook Việt dạo gần đây xuất hiện vô số ứng dụng nhảm nhí đến vậy phần nhiều do loại hình kinh doanh “mua fan, bán like” của một số cá nhân và fanpage đang bùng nổ mạnh mẽ. Nhớ lại thời kì những năm 2009 - 2010, các fanpage đình đám trên Facebook như Những câu nói bất hủ, Tạp chí chim lợn…đã phải chật vật tìm kiếm từng nội dung, từng hình ảnh để đạt được số lượng người like vào khoảng 350.000 như hiện nay. Vậy mà chỉ trong vòng một đến hai tháng, các fanpage ít tiếng tăm nhưNhịp Sống Trẻ, Siêu hài hước, Đẹp+ đã huy động được lượng fan cực “khủng” hàng trăm ngàn người, thậm chí fanpage Siêu hài hước từ lúc ra mắt tới nay chưa có nổi 10 post đã sở hữu khoảng 724.000 fan, gấp đôi so với công sức mà Những câu nói bất hủ đã dày công gây dựng suốt mấy năm trời. Siêu hài hước đạt 724.000 fan chỉ trong vòng hai tháng. Làm thế nào một fanpage không tên tuổi có được hơn 700.000 lượt like chỉ trong vòng hai tháng? Sở dĩ các fanpage trên có được lượng người like đông đảo trong một thời gian ngắn như vậy là nhờ một loại hình kinh doanh (tạm gọi ngắn gọn là “mua fan, bán like”) mới rộ lên tại cộng đồng Facebook Việt trong thời gian gần đây. Thực chất, việc chào bán lượng like trên Facebook đã xuất hiện từ năm 2010, nhưng chỉ hoạt động âm thầm chứ không bùng nổ mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Đẹp+ sử dụng tới 10 ứng dụng để đẩy lượng like lên tới 574.000. Một cách dễ hiểu nhất, bên mua là các admin của fanpage trên Facebook, họ sẽ trả một số tiền nhất định để mua lượng người hâm mộ (với 5.000 người, 10.000 người hay 100.000 người đều có mức giá nhất định). Bên bán là những nhà lập trình web (hoặc bất cứ ai có khả năng tạo App - ứng dụng trên Facebook), sẽ tạo cho fanpage một hoặc nhiều ứng dụng nhằm “câu like”. Muốn sử dụng App phải like page, nên vô hình chung App sẽ giúp lượng người hâm mộ của một fanpage tăng vọt hàng trăm ngàn lượt like chỉ trong thời gian ngắn một cách hợp pháp. [h=4]Người hâm mộ được bán với mức giá 200 đồng/người[/h]Tại một nhóm mở thảo luận về chủ đề “mua fan, bán like” mang trên Facebook, các bài post về hoạt động mua bán này được thảo luận rất sôi nổi. Tư vấn cho một khách hàng, thành viên Hung… khẳng định: “Xài apps thì trong vòng 1 – 3 ngày, lượng fan tăng cả trăm ngàn là chuyện bình thường”. Theo tìm hiểu, tùy mức độ yêu cầu của khách hàng, giá cả thỏa thuận sẽ khác nhau. Chẳng hạn, một khách hàng muốn fanpage của mình có 700.000 like sẽ phải chạy nhiều ứng dụng song song trong khoảng thời gian 2 tháng, và khoản tiền phải trả vào khoảng trên 80 triệu đồng. Một người bán khác thì đưa ra mức giá 2 triệu đồng cho khoảng 10.000 like, và 10 triệu đồng nếu muốn fanpage có 50.000 like. Tính sơ sơ ra thì mỗi người dùng Facebook sẽ được “bán” với giá dao động từ 100 – 200đồng/người. Nói cho vui thì mỗi lần sử dụng một ứng dụng “rác” trên Facebook, bạn đã bị người khác bán đi và thu về 200 đồng. Một bảng báo giá dịch vụ có từ năm 2010. Về cơ bản, việc tăng fan bằng những ứng dụng đi liền với page có thể không vi phạm quy định của Facebook, nhưng chắc chắn cách này sẽ không nhận được sự ủng hộ của các tín đồ Facebook Việt chân chính. Không biết liệu trong tương lai loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận này có thể tồn tại được không, nhưng thực sự nó đang khiến cho người dùng Facebook cực kì khó chịu vì bị “bỏ bom” notification. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, hãy chia sẻ các bài viết về tác hại của loại hình kinh doanh này tới bạn bè để họ hiểu rõ. Đôi khi bạn bè của bạn chỉ vì ham vui, thấy ứng dụng hay hay nên kích vào mà không biết rõ họ đang âm thầm trao bản thân cho các ông trùm "mua fan, bán like" và "xả rác" trên tường cũng như notification của người quen. Theo GenK