Thực sự Facebook cũng chưa được lòng nhiều người lắm đâu nhé. Cứ tưởng rằng Facebook đang “bành trướng” trên khắp hành tinh, nhưng vẫn còn hàng triệu người thẳng thừng nói “không” với mạng xã hội đình đám. Hàng tháng có hơn 900 triệu thành viên kiểm tra tài khoản Facebook ít nhất 1 lần. Song cũng có hàng triệu người chẳng buồn quan tâm đến việc có hay không có Facebook. Họ nghĩ rằng mình chẳng cần Facebook để cuộc sống thú vị hơn. Với nhóm người này, họ cảm thấy cuộc sống thực đủ tốt và đứng ngoài mạng xã hội khổng lồ Facebook. Những người ngoài cuộc “Tôi hoàn toàn có thể giữ liên lạc với tất cả mọi người mà tôi muốn. Và tôi cũng chẳng muốn phải chia sẻ những thông tin của mình với những người mới chỉ quen biết vài tháng từ cách đấy nhiều năm” - Arwood - một người bỏ qua Facebook chia sẻ. Nếu không có những người như Arwood, Facebook vẫn là một câu chuyện kinh doanh thành công. Trang web của CEO Mark Zuckerberg đạt 1 thành viên dùng vào cuối năm 2004. Hai năm sau, con số tăng lên thành 12 triệu. Mùa hè năm 2010, mạng xã hội ghi nhận 500 triệu người dùng và đạt thành tích 901 triệu vào ngày 31/3. Điều này cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc và ngày càng khiến Facebook nổi tiếng hơn. Sau khi chào bán cổ phiếu ra công chúng, giá trị vốn hóa thị trường của Facebook đang vượt ngưỡng 100 tỷ USD (khoảng 2,1 triệu tỷ đồng), đứng trên nhiều tên tuổi lừng lẫy như Kraft Foods, Ford hay Disney. Facebook còn nhiều cơ hội để mở rộng mạng lưới ra toàn thế giới, nhất là tại những nước đang phát triển khi người dân mới đang tiếp cận Internet. Theo nghiên cứu của CNBC tại thị trường Mỹ, cứ 5 người trưởng thành thì có 2 người không sử dụng Facebook. Bên cạnh những người không bao giờ động đến Facebook, khoảng 1/3 trong số đó không mấy hứng thú hoặc cảm thấy trang mạng cần thiết. Lee Rainie, Giám đốc dự án “Internet và xã hội nước Mỹ” cho biết, các kênh truyền thông mới, từ điện thoại, đài phát thanh, tivi và máy tính cá nhân là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, với những phương tiện truyền thông mới nổi thì phải mất một khoảng thời gian để mọi người kịp thích nghi. Len Kleinrock, 77 tuổi, nói rằng Facebook tốt cho cháu mình nhưng không thích hợp với người lớn tuổi như bác ấy. “Tôi không muốn gặp phiền nhiễu thêm. Nếu sử dụng chúng, chắc tôi sẽ ngập trong đống email của bạn bè và đồng nghiệp. Và tôi chẳng muốn sử dụng một dịch vụ mà mình phải kiểm tra thường xuyên như thế đâu”. Công nghệ không phải vấn đề mà có thể do khác biệt tuổi tác và thế hệ. Bởi lẽ, vị giáo sư này là thành viên của nhóm phát minh ra Internet. Phòng thí nghiệm của Len Kleinrock là nơi tiến hành các thử nghiệm gửi dữ liệu đầu tiên giữa những chiếc máy tính cồng kềnh (Arpanet, tiền thân của Internet bây giờ). Nhiều người không tham gia mạng xã hội bởi họ không có máy tính hoặc mạng Internet, lo lắng về quyền riêng tư hay đơn giản là không thích Facebook. Đặc biệt, nghiên cứu khẳng định khoảng 3/4 người cao niên không sử dụng Facebook. Ngược lại, hơn một nửa người dưới 35 tuổi đang ghé thăm Facebook mỗi ngày. Steve Jones, Giáo sư nghiên cứu truyền thông trực tuyến tại trường Đại học Illinois, Chicago phân tích, không ít người quay lưng với Facebook vì nghĩ chúng quá lặt vặt và mất thời gian. “Thêm mạng xã hội vào cuộc sống chẳng mang lại cho bạn thêm một tiếng đồng hồ nào tại đời thật. Thậm chí nếu quyết định online Facebook, bạn còn bỏ lỡ nhiều điều ý nghĩa bên ngoài”. Kariann Goldschmitt, 32 tuổi, Giáo sư âm nhạc tại Florida, tham gia vào Facebook từ năm 2004, nhưng đã dừng cuộc chơi vào năm 2010. Cô cho biết từ khi đóng Facebook, công việc sản xuất âm nhạc của mình trở nên hiệu quả hơn. “Tôi từng là một con nghiện Facebook chính hiệu, nhưng sau đó chúng dường như trở thành một nghĩa vụ và khiến tôi cảm thấy không còn vui nữa”. Bên cạnh đó, một số người quá bận rộn đang ít quan tâm hoặc bỏ hẳn Facebook. Song họ cũng thừa nhận khi thiếu Facebook, bạn sẽ gặp khó khăn hơn bình thường. Chẳng hạn nhiều người thường cập nhật thông tin trên Facebook, với đối tượng có tài khoản Facebook thì chẳng sao, nhưng nếu không có Facebook thì bạn sẽ bỏ qua tin "hot" đấy. Kênh 14