Đam mê, kỳ vọng và cả mơ ước vào nghề lập trình viên, nhưng rồi sau 15 năm hoài bão, nhiều sinh viên CNTT ngày ấy bây giờ đã phải nghĩ khác. Nghề lập trình viên phần mềm ngày một ít được quan tâm vì lý do thu nhập. Bỏ code đi sale Được biết đến như một trong những 8x thế hệ đầu đam mê coding (lập trình phần mềm), sau vài năm gặp lại, thật bất ngờ khi bỗng dưng thấy Hoàng nhảy sang vai trò kinh doanh thực phẩm - vốn chẳng ăn nhập với những gì anh được học. Hoàng cho biết: "Những năm 98-99 là thời kỳ bùng nổ Internet, và vì thế nghề lập trình cũng lên nhanh, lên cao. Ai cũng nhìn vào Yahoo, Microsoft để định hướng nghề nghiệp cho mình và lao vào học code để mong đổi đời nhờ công nghệ. Nhưng sự thật nào đã hẳn như vậy". Những người thuộc "thế hệ phần mềm" như Hoàng không phải hiếm, bởi thời điểm đó, hàng loạt cơ hội về việc lập trình, bán phần mềm, xuất khẩu mã nguồn với mức lương vài trăm USD/tháng quả là đáng mơ ước, khi mà thu nhập thực lĩnh tại các đơn vị khối nhà nước lúc đó chỉ vài trăm ngàn. Vậy mà giờ đây, thứ duy nhất Hoàng còn giữ được cho mình sau quãng thời gian làm lập trình viên chính là khả năng tư duy logic để áp dụng vào việc điều phối kinh doanh cửa hàng thực phẩm của gia đình. Không như Hoàng, Quang Dũng, sinh năm 1983, từng có 5 năm tu nghiệp tại Hà Lan, sau khi về nước đã được vào ngay một tập đoàn làm đúng nghề IT, phụ trách lập trình mạng core. Vậy nhưng, chưa đến 2 năm, Dũng đã phải "lướt" khỏi công ty sau khi hoàn thành thêm 1 bằng MBA theo diện liên kết đào tạo trong nước để rồi giờ làm việc cho một công ty chuyên về hoá mỹ phẩm dưới vai trò quản lý marketing. Dũng chia sẻ: "Cái tuổi 20 vào những năm 2002 nhìn thị trường phần mềm thì màu mỡ lắm. Nào lập trình cho các dự án tin học hoá chính phủ, xuất khẩu phần mềm hay mở các công ty gia công tư nhân là đủ sống. Nhưng thực tế nào phải vậy khi vào công ty nhà nước làm với những tư duy nặng nề khiến rất khó để triển khai một dự án phần mềm nội bộ chứ đừng nói lập trình để đem bán. Thu nhập một tháng của kỹ sư phần mềm cố lắm mới được gần 6-7 triệu, đấy là bao gồm cả làm thêm ngoài thì sống sao nổi". Học hành chuyên ngành, đào tạo bài bản như Dũng, Hoàng đã khó bám nghề, thì với những tay ngang học lập trình từ các trung tâm đào tạo chứng chỉ lại càng khó khăn hơn. Duy Anh, học viên một trung tâm đào tạo có tiếng ở Yết Kiêu cho biết: "Ở trung tâm em được đào tạo toàn kiến thức thời thượng, với ngôn ngữ lập trình mới, hệ thống cập nhật. Tuy nhiên, giữa việc học và việc đem ra ứng dụng lại khác xa nhau, và nếu học xong cũng chỉ kiếm được công việc đủ sống bằng nghề code, chứ nếu muốn giàu thì quả là viễn tưởng". Anh Dương Hoàng Anh, giám đốc một công ty có nhu cầu xây dựng phần mềm website thông tin điện tử cho biết: "Nếu thuê một công ty có tiếng thiết kế từ CMS đến giao diện sẽ tốn chi phí lần đầu cả trăm triệu, thậm chí hơn, và chưa kể phí bảo trì, nâng cấp hàng năm. Trong khi nhu cầu cần đánh nhanh thắng nhanh, và qua khảo giá tôi thấy nhiều nơi rao bán các phần mềm CMS, crawler tin tức tự động chỉ... 10 triệu bao luôn thiết kế giao diện". Việc phá giá, giành khách của các dân coder phát sinh khá nhiều trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây, nhất là tại các thời điểm suy thoái, lạm phát. Công tác ở các công ty phần mềm khó sống, nhiều lập trình viên "bứng" mã nguồn mình có ra ngoài làm riêng để rồi phá giá thị trường và dẫm lên nhau như tình trạng trên. Từ đó, tạo nên một bộ mặt khá nhộn nhạo của nghề lập trình viên và lĩnh vực kinh doanh phần mềm nói chung, khiến nhiều doanh nghiệp Việt khi muốn chọn giải pháp lại loay hoay mua của... nước ngoài. Gỡ mãi không ra Một điều dễ nhận thấy, các cơ sở đại học trong nước hiện nay khi đào tạo ngành nghề CNTT thường chỉ chung chung và phân mảng với đủ thứ từ coding cho đến cả networking, khiến sinh viên nếu muốn vững nghề phải học thêm tại các trung tâm bên ngoài như Aptech, Cisco, Oracle. Lập trình ứng dụng di động đang là mảnh đất màu mỡ nhưng vẫn bị bỏ ngỏ tại Việt Nam. Mặt khác, chính việc đánh giá không đúng vai trò của lập trình viên trong một bộ máy công ty khiến nhiều kỹ sư phần mềm khi ra trường vào làm được vài ba tháng là rơi vào tình trạng bất mãn, chán nghề. Trung Anh, kỹ sư phần mềm tại một công ty nhà nước cho biết: "Em may mắn gia đình có quan hệ nên gá được vào công ty làm ở phòng IT, vị trí lập trình. Vậy mà đang ngồi code thì bị gọi sang phòng hành chính cài lại Windows, lúc thì bị điều lên phòng kế toán quét virus. Đám lập trình em cứ như chân sai vặt khắp công ty, trong khi dự án về Văn phòng điện tử em đang phát triển thì sếp bảo dừng vì không có kinh phí triển khai". Trong một diễn biến khác, nhiều công ty phần mềm cũng đang trong tình trạng sống dở, sống khó giữa cơn bão suy thoái mặc dù chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Từ đó tạo nên một thực trạng yếu kém về cơ chế dành cho các lập trình viên với mức thu nhập thấp, ít đãi ngộ và không tạo điều kiện để đào tạo và nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức mới - vốn là yếu tố tối quan trọng đối với nghề code. Tại diễn đàn VietNam ICT Summit 2011, khi một câu hỏi từ phía doanh nghiệp đặt ra với các diễn giả về việc các đơn vị phần mềm thì không có vốn, không có tài sản thế chấp, chỉ có chất xám thì khi muốn đầu tư, mở rộng kinh doanh để xuất khẩu phần mềm vay tiền được ở đâu đã thành một câu hỏi khó và không có lời giải. Từng giành được nhiều giải thưởng lập trình Tin học trẻ cho đến Trí tuệ Việt Nam 2002 từ năm lớp 7, lập trình viên Bùi Xuân Dũng hiện đang công tác ở Nhật cũng cho biết chưa có dự định về Việt Nam bởi để sống với nghề lập trình trong nước là rất khó. Đối với các lập trình viên trong nước, bên cạnh việc tự học hoặc tham gia vào các khoá đào tạo chứng chỉ thì mục tiêu xin việc tại các công ty phần mềm khá mơ hồ vì lý do thu nhập. Vì vậy, số đông đều chọn giải pháp là vào các công ty phần mềm nước ngoài, chấp nhận mức lương vừa đủ sống và tham gia coding các dự án được giao thay, chấp nhận cày cuốc ngày đêm với những mã lệnh chứ không kỳ vọng gì hơn ở nghề lập trình vốn một thời là nghề "hot".
Vừa đọc bên sinhvienit xong. Thực ra đã quyết định đâm lao thì phải theo lao thôi. Hiện giờ mình học lập trình nhưng cũng đang mon men theo kinh doanh. hajzz, nhiều lúc thấy lo về cái viễn cảnh khi mình là lập trình viên tuổi >40
Nhân sự nghề lập trình ở Việt nam như hình tam giác. Phần giỏi phía trên rất ít, càng xuống dưới chân hình tam giác càng nhiều nhân sự nhưng chất lượng lại giảm đi, nên đa phần là không làm việc được. Lập trình là một nghề dành cho đam mê và thành công không đến một cách vội vã, nó là công việc cần sự tích lũy kinh nghiệm qua năm tháng, trừ khi là thần đồng tuổi teen viết phần mềm trong phòng ngủ. Vì nhiều người chọn nó theo xu hướng nhưng không đủ đam mê mới dẫn đến những gì báo chí đang nói hôm nay.
nghe đáng buồn, mình học thương mại điện tử nhưng mấy công ty thiết kế website lại không nhận sinh viên mới ra trường
Bây giờ 1 là bạn có cả đống bằng và chứng chỉ về thiết kế website trên tay hoặc bạn đưa cho người ta xem vài mẫu website mà bạn thiết kế (lạ, độc đáo, có sức hút,..) thì chắc có thể nhận vào được
Ui... độc, lạ, có sức hút mà không phù hợp vs hình ảnh công ty họ củng coi như chịu rồi. Họ luôn đòi hỏi phải thật đẹp, nổi trội, bắt mắt, độc đáo.... song phải mang đậm hình ảnh công ty họ. Thiết kế web củng như vẽ bức tranh, gò bó quá thì sáng tạo ko thể bay cao cho đc
thôi thế là thôi, năm nay tình hình mamy bảo ở nhà phụ mamy, vừa ở nhà vừa học tiếng anh không chịu nổi nữa, lớn rồi mà trời
sự thật đắng lòng phải không!!! mình mong muốn trường mình có 1 việc làm gì đó giúp tui mình khi ra trường
Thiết kế website ko đơn giản là thỏa mãn sức sáng tạo của bạn. Như mình đang làm hiện nay, muốn lấy tiền của khách hàng thì phải chiều lòng khách hàng. Muốn được người ta tuyển dụng thì phải chiều lòng nhà tuyển dụng. Nói chung việc làm thực tế sẽ không như những gì bạn mơ đâu. Sự thật phủ phàng là đam mê + cần cù và biết khôn khéo thì mới theo nghề và nuôi thân nổi.
Các bạn cứ bi quan thế, thời nay thế nhưng chắc gì đến thời bọn mình là thế. Học một đường ra làm một nẻo cũng là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên trang bị cho mình một "cái mạnh" để phòng thân
Cái đó bạn nói rất đúng. Nhưng mọi cái củng có giới hạn thôi, ko thể cứ chiều lòng khách với những yêu cầu khó chấp nhận được. Sáng tạo là cơ hội mang bạn đến với những khách hàng tiềm năng khác đấy
Mình hiểu ý bạn, nhưng cứ vào công việc bạn sẽ thấy khác. Cứ đặt khách hàng là thượng đế đi còn đánh giá của khách hàng thì còn phụ thuộc vào portfolio của mình mà . Bạn cứ so sánh 2 trường hợp là bạn mất khách khi người ta còn chưa biết đến portfolio của bạn vì bạn bị mang tiếng là "ko làm được" theo ý khách còn bạn tự tin vào khả năng sáng tạo của mình thì chỉ cần không mang tiếng xấu thì bạn vẫn có những khách hàng tiềm năng từ portfolio của mình.