Mẫu thiết bị nhìn xuyên tường của các nhà khoa học Anh đã xác định thành công các đối tượng chuyển động bên kia một bức tường gạch. Nhưng thiết bị này chỉ làm việc khi ở gần điểm truy cập Wi-Fi. Các tác giả của sáng chế khác thường này là Karl Woodbridge và Kevin Cetto từ Đại học London. Ý tưởng của họ là sử dụng hiệu ứng Doppler đối với các điểm phát Internet không dây. Kết quả là, công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng chuyển động đằng sau vật cản không nhìn qua được. Theo Engadget, các sóng radio khi vấp phải các vật thể di chuyển thì sẽ thay đổi tần số (hiệu ứng Dopper). Vì hiệu ứng này hoàn toàn phổ biến với sóng Wi-Fi, hai nhà khoa học Anh chỉ còn việc thu thập sơ đồ nguyên lý vận hành của thiết bị dò tương ứng. Mô phỏng một vụ giải cứu con tin bằng cách dùng hệ thống nhìn xuyên tường "Wi-Spy". Ảnh: Gabatek Kết quả là họ có một thiết bị dò kích thước to bằng chiếc cặp ngoại giao thông thường. Trong đó có 2 anten và thiết bị xử lý tín hiệu. Mặc dù rất đơn giản nhưng thiết bị dễ dàng bắt sóng chuyển động của một người cách 30 cm bên kia tường gạch. Hơn nữa, trên màn hình của thiết bị còn phản chiếu vị trí hiện thời của đối tượng bị theo dõi cũng như hướng di chuyển và tốc độ của đối tượng. Đặc biệt lý thú là thiết bị dò không phát ra bất kỳ sóng gì nên không thể phát hiện sự có mặt của nó. Các nhà sáng chế hy vọng thiết bị của họ sẽ phù hợp với các lực lượng quân đội hay cảnh sát thực hiện chiến dịch chống khủng bố. Những thiết bị có tính năng như vậy trước đây cũng đã được các nhà khoa học Mỹ sáng chế. Hồi đầu năm ngoái, công ty TiaLinx giới thiệu robot tình báo có khả năng phát hiện người bên kia tường bê tông cốt thép dựa vào hơi thở hay các chỉ dấu sinh học khác của người ấy. Khi đó, thiết bị đã được Lầu Năm góc và một số cơ quan đặc nhiệm Mỹ quan tâm. Nguồn: PC WORLD VN