TTO - Tình hình an ninh mạng vẫn trên đà bất ổn và tiếp tục được coi là năm “báo động đỏ” của an ninh mạng Việt Nam và thế giới khi có nhiều lỗ hổng an ninh nghiêm trọng được phát hiện, hình thức tấn công thay đổi và có rất nhiều cuộc tấn công của giới tội phạm công nghệ cao vào các hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp và Chính phủ. Trong ba tháng đầu năm 2009, có 42 website bị tấn công các lỗ hổng bảo mật, trong đó có nhiều website có tên miền gov.vn và edu.vn. Đáng chú ý đã xuất hiện tình trạng mất cắp các thông tin bảo mật khách hàng. Việt Nam đã phát hiện tin tặc tống tiền ngân hàng bằng thư điện tử, theo đó, yêu cầu lãnh đạo ngân hàng phải trả một khoản tiền chuộc lại thông tin cá nhân của khách hàng, trong đó liên quan đến tài khoản, mật khẩu thẻ ATM và các giao dịch khác. Những thông tin trên đã được thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Công an đưa ra tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật 2009 được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 24 và 25-3. Đánh giá về thực trạng an ninh bảo mật tại Việt Nam, ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc BKIS cho rằng tội phạm tin học tại VN đang có dấu hiệu quay trở lại, thể hiện qua các vụ tấn công DdoS và tội phạm xảy ra với công ty PA VietNam, Techcombank... Ông Quảng cũng nhận định động cơ của hacker khi viết virus đã thay đổi rất nhiều, thể hiện rõ mưu đồ vụ lợi, kiếm tiền bất chính. Do đó, cần đẩy mạnh các biện pháp nâng cao hiệu quả an ninh bảo mật, đấu tranh với các loại tội phạm CNC trong thời gian tới. Thiệt hại do tội phạm CNC gây ra trong năm 2008 tại Việt Nam khoảng 30.000 tỉ, gấp 10 lần so với năm 2007. Theo ông Nguyễn Viết Thế, phải xây dựng được một chuẩn về chính sách an ninh an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng hoàn thành tiêu chuẩn mã dữ liệu quốc gia; các cơ quan tổ chức có hệ thống mạng, website phải phối hơp với các cơ quan chuyên môn (E15, VNCERT, BKIS,..) để có giải pháp đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống. Ngoài ra, cần nhanh chóng hình thành một cơ quan chuyên trách cấp Quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để điều phối chung đủ sức đối phó với các cuộc chiến tranh trên mạng, trong đó các cơ quan chuyên trách của Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... phải là các đơn vị nòng cốt đối phó với loại tội phạm này.