Khi biết đoàn chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến Kon Tum, một người bạn là dân địa phương tư vấn: “Đến Kon Tum phải ghé thăm ba địa điểm, nếu không coi như bạn chưa biết gì về Kon Tum”. Nói xong anh tình nguyện hướng dẫn chúng tôi. Sự nhiệt tình của anh khiến chúng tôi cảm thấy Kon Tum - miền đất cao nguyên lần đầu ghé thăm trở nên thân thiện và ấm áp… Nơi đầu tiên anh đưa chúng tôi đến là nhà thờ gỗ. Lúc gần đến nơi anh cho biết, đây là niềm tự hào, là báu vật của người Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Nhà thờ gỗ hiển hiện trước mắt chúng tôi với lối kiến trúc cổ xưa của người Pháp. Đúng là một kiệt tác. Nhà thờ được làm toàn bằng gỗ, ngay cả sàn lát cũng bằng gỗ cà chít (hay còn gọi là gỗ chiu liu). Trải qua gần 100 năm, nhà thờ đã được trùng tu vài lần, tuy nhiên vẫn được giữ nguyên bản từ khi khởi công vào năm 1913 bởi một linh mục người Pháp. Thánh đường được trang trí bằng các loại hoa văn của đồng bào Dân tộc Tây nguyên, rất tinh tế và tỉ mỉ. Những ô cửa sổ nhỏ nối liền nhau, ánh sáng bên ngoài lọt qua các khe nhỏ chỉ đủ làm cho khán phòng của thánh đường sáng nhẹ huyền hoặc. Dãy bàn, ghế bằng gỗ dài hun hút, mùi gỗ quyện với mùi hoa rừng, tạo cảm giác linh thiêng… Nhà thờ gỗ - di sản độc đáo ở Kon Tum. Phía sau khuôn viên nhà thờ là một cô nhi viện, nơi đang nuôi dạy các cháu bé bị cha mẹ bỏ rơi. Phần đông các cháu là người dân tộc. Khi thấy chúng tôi đến, các cháu đồng thanh: “Thưa cô, thưa chú” và tỏ ra rất thân thiện với khách. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh bạn giải thích: “Mỗi tháng có nhiều đoàn SVKTSVKT khách đến thăm, nên các cháu không có cảm giác lạ lẫm. Hơn nữa, ở đây các cháu được các sơ dạy dỗ rất tốt nên cháu nào cũng rất ngoan”. “Bye bye, chào cô, chú” - những tiếng chào với theo tiễn chân chúng tôi đến tận cửa lớn của nhà thờ… Điểm dừng chân thứ hai là Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng vào năm 1938. Hai hàng sứ với hàng chục niên tuổi tỏa mùi hương ngào ngạt đưa chúng tôi vào thánh thất chính của chủng viện. Chủng viện cũng được làm bằng gỗ và đặc biệt khối kiến trúc đồ sộ ấy không phải sử dụng đến một cây đinh ốc. Tất cả được gắn kết với nhau bởi các mộng gỗ. Theo thời gian, nhà thờ gỗ cũng như chủng viện đều bị xuống cấp, tuy nhiên sự hấp dẫn kỳ lạ của nó vẫn khiến SVKTSVKT khách khắp nơi trên thế giới tìm đến. Chưa hết xuýt xoa với hai công trình vĩ đại được các nghệ nhân miền Trung và miền Bắc xây dựng lên gần 100 năm qua, chúng tôi đã đến xã ĐakRoWa, nơi có cây cầu dây văng nối xã ĐakRoWa và thành phố Kon Tum. Cầu được xây dựng vào năm 1993, tuy nhiên đến năm 1994, do một cơn bão lớn ập đến nên cầu bị hư hỏng nặng. Cuối năm 1994 đầu năm 1995, cầu được sửa chữa lại vững chắc và kiên cố hơn. Thật ra, đối với nhiều người thì cây cầu dây văng ở thành phố Kon Tum không có gì mới lạ, nhưng đối với người dân ở đây thì từ khi có cây cầu dây văng này, mọi sinh hoạt, đời sống của cư dân hai bên sông đã có nhiều thay đổi. Do đó, đối với họ, cầu dây văng cũng được cho là một điểm dừng chân khó quên khi đến Kon Tum. Lưu luyến chia tay anh bạn hướng dẫn viên bất đắc dĩ, chúng tôi hẹn ngày sau đi vào các làng, bản vùng sâu để thưởng thức rượu cần…