Hồng hạc, một trong những loài chim bạc tình nhất - Ảnh: AFP Một chuyên gia sinh vật học Canada đã có phát hiện thú vị về quan hệ tình cảm của loài chim. Từ trước đến nay, người ta vẫn nghĩ chim là loài cực kỳ chung thủy. Nhưng, nghiên cứu gần đây cho thấy cũng như con người, loài vật biết bay này có khuynh hướng bỏ quên bạn đời lâu năm, rũ bỏ trách nhiệm nuôi con để đi tìm "đối tác" mới trẻ trung và xinh đẹp hơn. Sau hơn 20 năm nghiên cứu loài chim, sử dụng kỹ thuật theo dõi bằng sóng vô tuyến và xét nghiệm DNA, giáo sư sinh vật học Bridget Stutchbury thuộc Đại học York (Canada), đã thu hoạch được nhiều điều thú vị về loài lông vũ này trong một cuốn sách có tựa đề The Bird Detective (tạm dịch là Thám tử chim) sắp được xuất bản. Theo bà Stutchbury, sự chung thủy chỉ thực sự tồn tại ở một số loài chim. Còn lại đa phần đều chung sống với bạn tình chỉ vài tháng hoặc cao lắm là vài năm. Đặc biệt, những loài biết hót ở khu vực Bắc Mỹ (như chim giẽ quạt) thuộc loại bạc tình nhất. Tỷ lệ "ly dị" hằng năm ở loài hồng hạc lên đến 99% trong khi ở loài hải âu là 0%. Theo giả thuyết của giáo sư Stutchbury, những cặp chim không hòa hợp về mặt di truyền và hành vi sẽ sớm "đôi ngả chia ly" nếu tìm thấy bạn tình mới hợp tính hơn. Một giả thuyết khác là các "nàng" chim dễ bị quyến rũ bởi những "chàng" có giọng hót hay và có bộ lông sặc sỡ hơn, hoặc muốn tìm đến những nơi an toàn và dồi dào thức ăn. Trong trường hợp tồi tệ nhất, chim có thể bỏ rơi con để bắt đầu lại với đối tác mới. Giáo sư Stutchbury - người đã nghiên cứu không ít loài chim biết hót ở Canada, Mỹ, Panama - cho biết vào mùa hè, chim trống thường phải nuôi con do chim mái bỏ đói con thơ để đi tìm bạn tình mới. Tuy nhiên, chim trống cũng chẳng phải tay vừa. Chúng tìm sang những cô bạn láng giềng để chứng tỏ "bản lĩnh đàn ông" của mình. Sách của giáo sư Stutchbury, do HarperCollins xuất bản, sẽ được giới thiệu tại Vườn Bách thảo Toronto (Canada) vào cuối tháng này nguồn tuoitre