Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”. Báo cáo gồm 7 chương và 2 phụ lục, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt nam trong năm qua. Đặc biệt, gần như toàn bộ nội dung của Báo cáo được dành để phân tích ba chương trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Để làm rõ tính cấp thiết của chương trình tái cơ cấu kinh tế, Báo cáo dành một chương để phân tích khuynh hướng suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều khuyến nghị chính sách được đưa ra với mong muốn thúc đẩy một quá trình cải cách thực sự nền kinh tế. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Công trình nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện vào năm 2009, và được công bố dưới dạng một chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết những thành tựu và khó khăn, cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn ở mức chuyên sâu. Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Đặc điểm của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 1. Cấu trúc: Mở đầu gồm một hoặc hai chương đánh giá tổng quan nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm nghiên cứu. Tiếp đó, các chương sau đi sâu vào từng chủ đề quan trọng của năm hoặc trong năm tới. Nội dung của mỗi chương mang tính độc lập tương đối, có đầy đủ các thành phần của một bài nghiên cứu hướng tới giải quyết vấn đề được nêu. Vì vậy, mỗi chương không chỉ đơn thuần mang tính thống kê hoặc phân tích hiện tại, mà còn cung cấp cơ sở lí luận, hệ thống hóa lí luận và kinh nghiệm lịch sử của vấn đề. Trên cơ sở đó, đưa ra những thảo luận và gợi ý chính sách trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Do các chủ đề được chọn sẽ thay đổi theo từng năm, tập hợp của Báo cáo qua các năm được kì vọng sẽ có ý nghĩa tham khảo mang tính hệ thống, và có ý nghĩa nhiều hơn một năm. 2. Tác giả: Nhóm tác giả được VEPR mời tham gia đều là các nhà kinh tế hoặc chuyên gia kinh tế có tư duy và tiếng nói độc lập. Thành phần nhóm tác giả có thể thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào các chủ đề chuyên sâu trong mỗi năm. Tuy nhiên, về tổng thể, toàn bộ các tác giả đều thuộc thế hệ các nhà kinh tế trẻ của Việt Nam, được đào tạo bài bản từ các nước phát triển, sử dụng công cụ nghiên cứu hiện đại, giàu kinh nghiệm với thực tiễn kinh tế Việt Nam, và tâm huyết với quá trình phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, nhóm tác giả cũng thực hiện các buổi toạ đàm chuyên sâu để lấy ý kiến đóng góp và phản biện từ các nhà kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước. 3. Ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, Báo cáo còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế. Nội dung chi tiết từng chương: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 bao gồm 7 chương và 2 phụ lục. Chương 1: “Nhìn lại kinh tế toàn cầu 2011: Một năm biến động và bất ổn”tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong năm 2011, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như vấn đề nợ công châu Âu, tương lai của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và những ảnh hưởng có thể của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Chương 2: Báo cáo với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2011” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2011, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế, ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán, và các chính sách kinh tế vĩ mô… làm cơ sở để thấu hiểu những diễn biến kinh tế trong năm 2012. Chương 3: “Sự suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam,” phân tích diễn biến của khuynh hướng suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam trong một thập niên qua, từ đó thử tìm hiểu những nguyên nhân căn bản cho hiện tượng đó. Nghiên cứu cho thấy, việc cải cách mạnh mẽ nền kinh tế là một nhu cầu cấp bách, trong đó ba chương trình tái cơ cấu là hướng đi đúng. Chương 4: “Những vấn đề về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại” mổ sẻ hiện trạng của hệ thống ngân hàng thương mại, đánh giá nội dung và phương pháp tái cơ cấu hiện nay, và nêu ra những thách thức mà quá trình tái cơ cấu còn phải đối mặt. Chương 5: “Hướng tới một lộ trình tái cơ cấu thực sự hệ thống doanh nghiệp nhà nước” đề xuất hệ thống quan điểm về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một cách thực chất, nhằm nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN, và cả toàn bộ nền kinh tế. Chương này vạch rõ một hệ thống các chính sách để thực thi quá trình tái cơ cấu này. Chương 6: Báo cáo nghiên cứu về vấn đề “Đầu tư công của Việt Nam, vì sao yếu kém?”, tìm hiểu một vấn đề cốt yếu nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công ở Việt Nam: đó là việc đầu tư công có giúp nâng đỡ cho khu vực tư nhân phát triển, hay lại chèn lấn sự phát triển của khu vưc đó. Kết quả cho thấy Việt Nam đang thực hiện đầu tư công một cách tràn lan và lãng phí. Trên cơ sở đó, chương này thử phân tích nguyên nhân của động cơ đầu tư công thiếu trách nhiệm, và đưa ra những khuyến nghị ban đầu để khắc phục hiện tượng này. Chương 7: Báo cáo về Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2012 và khuyến nghị chính sách đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2012, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2012 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác. Thông tin cuốn sách: -Tên sách : Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 - Kích thước: 15,5 x 24 - Nhà xuất bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và Thaihabooks - Giá: 152.000 đ - Chủ biên: TS. Nguyễn Đức Thành. Ấn phẩm đã xuất bản: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011, với chủ đề: Nền kinh tế trước ngã ba đường (NXB Đại học Quốc gia, 2011). Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010, với chủ đề: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững (NXB Tri Thức, 2010). Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2009, với chủ đề: Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới (NXB Tri Thức, 2009). Liên hệ đặt mua cuốn sách: Đặc biệt, Quý Khách hàng khi mua sách trực tiếp tại Nhà sách Bản quyền, 119C5 Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội; tại VP Thaihabooks TP. Hồ Chí Minh, 533/9, Huỳnh Văn Bánh, P. 14, Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh,