So với LCD truyền thống trước đây, công nghệ màn hình di động ngày càng phong phú hơn với sự góp mặt của AMOLED, IPS, Super LCD. Những công nghệ màn hình phổ biến trên smartphone. Ngày nay, màn hình trở thành một trong những thành phần quan trọng của mọi chiếc di động mới. Với sự gia tăng của các mẫu điện thoại cảm ứng, người dùng có thể trực tiếp tương tác qua màn hình, ngoài ra, đây cũng là nơi hiển thị hình ảnh, các nội dung khác nhau, điều đó làm cho màn hình trở nên quan trọng hơn. Trong năm 2010 và bước vào 2011, các tên tuổi lớn như Samsung, Apple, HTC liên tục trình diễn các công nghệ màn hình mới, điều đó mở ra cuộc cạnh tranh mới, đem lại cho người dùng nhiều sự lựa chọn. Dưới đây là một số công nghệ màn hình phổ biến trên điện thoại hiện nay cho tạp chí Cnet tổng hợp. Các công nghệ màn hình TFT LCD - được gọi là ma trận transistor phiến mỏng, màn hình này rất phổ biến trên các mẫu smartphone hiện nay. Hiện tại, các nhà sản xuất đang mở ra các hướng đi khác nhau, cho phép khả năng xử lý, hiển thị tốt hơn. TFT LCD thường được sử dụng trên máy tính xách tay. AMOLED - là công nghệ màn hình diode phát quang hữu cơ ma trận động. Màn hình này cho nhiều màu sắc hơn so với TFT cũng như tiết kiệm pin hơn. AMOLED được Samsung, HTC, Nokia và Dell sử dụng trên các mẫu smartphone mới. Super AMOLED - công nghệ của Samsung dựa trên nền AMOLED, nhưng thêm một lớp kính cảm ứng bên ngoài. Đây được xem là công nghệ hiển thị tốt nhất hiện nay. Super LCD - đây là một biến thể của LCD, nhưng cho khả năng tương phản tốt, màu ấm hơn so với trước. Tuy nhiên, màn hình này tiêu thụ nhiều điện năng hơn so với AMOLED. IPS - Không rực rỡ như Super AMOLED, nhưng IPS cũng cho màu sắc đẹp, đặc biệt khả năng hiển thị ở mọi góc độ. IPS khá đắt, nhưng cho kết quả tốt, công nghệ này được Apple sử dụng dựa trên LCD cho iPad, iPhone. Năm 2011, LG bắt đầu tham gia sản xuất IPS cho Apple. Các công nghệ cảm ứng Công nghệ điện dung hỗ trợ nhập liệu nhanh. Có hai công nghệ màn hình chạm với các cách thức đi vào khác nhau, cảm ứng điện trở và điện dung. Cảm ứng điện dung - đây là công nghệ được sử dụng trên nhiều smartphone hiện nay, hỗ trợ nhập liệu đa điểm. Dựa vào ngón tay mang điện tương tác lên màn hình gương, kích hoạt lớp cảm ứng điện dung bên dưới, thiết bị này cho phép chạm nhẹ, tuy nhiên lại gây bất tiện trong việc sử dụng móng tay, tay đeo găng cũng như nhận dạng chữ viết không chính xác. Cảm ứng điện trở - dựa vào hai lớp rất mỏng, khi tác động một lực, chúng sẽ chạm vào nhau, xác định vị trí điều khiển. Đây là công nghệ cũ, phản ứng chậm và ngày càng được sử dụng ít hơn. Các độ phân giải màn hình phổ biến Độ phân giải quyết định điểm ảnh trên màn hình. Bên cạnh các công nghệ màn hình, thì độ phân giải cũng là yếu tố quan trọng, cung cấp các điểm ảnh nhiều hay ít, cho các chi tiết hiển thị đầy đủ hơn. Hiện VGA được xem là công nghệ cổ điển với 640 x 480 pixel, trong khi đó, độ phân giải chuẩn full HD cao nhất hiện là 1.920 x 1.080 pixel, dựa vào hai chuẩn đó, các nhà sản xuất có những tên gọi khác nhau. QVGA: Quarter VGA tức một phần tư VGA (240 x 320 pixel) HVGA: Half VGA tức một phần hai VGA (320 x 480 pixel) WVGA: Wide VGA chuẩn VGA rộng (480 x 800 pixel) FWVGA: Full wide VGA chuẩn VGA rộng đầy đủ (480 x 854 pixel) nHD: One-ninth high definition chuẩn một phần chín HD (360 x 640 pixel) qHD: One-quarter high definition tức một phần tư HD (540 x 960 pixel) Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận những độ phân giải này thực sự có ý nghĩa khi so sánh chúng trên cùng một kích thước. Vì dụ, một thiết bị 4 inch, dùng QVGA sẽ kém hấp dẫn hơn so với model 4 inch dùng WVGA, bởi số pixel trên một đơn vị diện tích sẽ xác định độ sắc nét cho màn hình. Theo Số hoá