Phần I 1- QUẢNG CÁO TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY Như bạn đã biết, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam khởi sắc từ đầu thập niên 90. Khi có nền kinh tế thị trường tức là có cạnh tranh. Có cạnh tranh thì việc phải quảng cáo và tiếp thị là điều bắt buộc. Tổng chi phí cho quảng cáo tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm vừa qua với tốc độ trên dưới 25% mỗi năm. Trong năm 2005, doanh số quảng cáo báo, đài và tivi là khoảng 320 triệu USD (theo TNS Việt Nam). Nếu tính cả các loại quảng cáo ngoài trời sẽ đạt trên dưới 400 triệu USD. Tổng chi phí cho ngành truyền thông tiếp thị tại Việt Nam – bao gồm cả quảng cáo, khuyến mãi, quan hệ công chúng, tiếp thị trực tiếp,... - hiện đã vượt con số 1 tỷ USD. Có lẽ các bạn cũng biết rằng hơn 80% ngân sách quảng cáo tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện bởi khoảng 30 công ty quảng cáo đa quốc gia. Phần còn lại được chia cho khoảng hơn 3.000 công ty quảng cáo Việt Nam (Theo số liệu của Hiệp hội QC Việt Nam). Lãnh đạo của các doanh nghiệp làm quảng cáo và cả lãnh đạo của Hiệp Hội Quảng Cáo Việt Nam đều bức xúc tìm cách thay đổi tỷ lệ trên, nhưng cho tới nay vẫn chưa có được một giải pháp khả thi. Thông thường bất cứ công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia nào khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam đều có các công ty quảng cáo đa quốc gia đi kèm, thường được gọi là Đại lý quảng cáo song hành - Aligned advertising agency. Mặt khác, kể từ ngày luật doanh nghiệp tư nhân đi vào hiệu lực năm 1995, đến nay nền kinh tế thị trường tại Việt Nam mới phát triển được hơn 11 năm. Do đó, các doanh nghiệp quảng cáo của Việt Nam đều hoạt động một cách tự phát, không đủ tầm về năng lực lẫn tiềm lực để cạnh tranh với các hãng quảng cáo đa quốc gia chuyên nghiệp và hùng mạnh. Không chỉ ở Việt Nam, tình hình tương tự đang xảy ra ở tất cả các nước tại Châu Á. Vào thời điểm khởi đầu của ngành quảng cáo ở Việt Nam, quảng cáo ngoài trời là loại hình đầu tiên được thực hiện và đã phát triển rất nhanh chóng. Do nhu cầu bắt buộc phải làm quảng cáo của các tập đoàn đa quốc gia, hàng loạt các bảng quảng cáo ngoài trời mọc lên khắp nơi. Chính điều này tạo nên hiện tượng loạn bảng quảng cáo một thời, và sau đó đã bị chính quyền các địa phương chấn chỉnh. Cùng với quảng cáo ngoài trời, các loại hình quảng cáo khác như báo, đài phát thanh và quảng cáo truyền hình cũng phát triển rất nhanh chóng. Các doanh nghiệp làm quảng cáo Việt Nam rất nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, công cụ, máy móc tạo mẫu chế bản. Chẳng bao lâu, chúng ta đã có thể dễ dàng tạo ra những mẫu quảng cáo đẹp và bắt mắt. Hiện nay, một số hãng quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam hoạt động rất yếu kém và không hiệu quả. Do bế tắc về ý tưởng, họ thường nhờ công ty quảng cáo Việt Nam nghĩ giúp và thực hiện mẫu quảng cáo cho khách hàng của họ. Khi mẫu quảng cáo được duyệt, đương nhiên là công ty QC nước ngoài được hưởng phần lớn lợi nhuận. Các công ty quảng cáo Việt Nam - là nhà cung ứng dịch vụ thực sự - thì chỉ được hưởng số lẻ của lợi nhuận thu được. Cho tới nay, giá thực hiện một mẫu quảng cáo báo, do các công ty quảng cáo Việt Nam thực hiện, thường nằm ở mức khoảng 5 triệu đồng, trong khi tại các hãng quảng cáo đa quốc gia, giá trung bình cho một ý tưởng quảng cáo có định hướng chiến lược sẽ vào khoảng từ 1500 đến 3000 USD. Vậy đâu là sự khác biệt giữa chất lượng dịch vụ của một công ty quảng cáo đa quốc gia và của một công ty quảng cáo của Việt Nam? Đâu là sự khác biệt giữa một ý tưởng quảng cáo 5 triệu đồng (khoảng 300USD) của công ty QC Việt Nam và một ý tưởng quảng cáo 50 triệu đồng (khoảng hơn 3,000USD) của một công ty quảng cáo đa quốc gia? Sự khác biệt về giá cả thực hiện mẫu quảng cáo không phải vì mẫu quảng cáo đẹp hay xấu, độc đáo hay tầm thường, mà nằm ở chỗ hiệu quả của quảng cáo - mẫu quảng cáo làm được những gì cho doanh nghiệp và cho thương hiệu được quảng cáo. Hầu hết các công ty QC Việt Nam đều được hình thành bắt đầu từ một phòng thiết kế tạo mẫu nhỏ. Chỉ cần vài ba cái máy tính, một căn phòng và vài người là đã có thể thành lập một công ty quảng cáo. Do vậy, những công ty QC Việt Nam thường chỉ tiếp cận được các khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam, hoặc trở thành nhà cung ứng DVQC cho các công ty liên doanh thông qua những mối quan hệ cá nhân. Có một bức tường vô hình mà các công ty quảng cáo Việt Nam khó vượt qua được – đó chính là cách nghĩ và cách làm theo kiểu dựa trên các quan hệ cá nhân, qui mô nhỏ và hoàn toàn không theo các qui trình chuyên nghiệp. Ở hầu hết các công ty quảng cáo của Việt Nam, dựa trên đơn đặt hàng của bạn, thường các nhân viên thiết kế sẽ chúi đầu vào tìm trong thư viện ảnh lưu trữ một hình nào đó hay hay, có vẻ phù hợp rồi gắn sản phẩm của bạn vào đấy. Nếu mẫu thiết kế đó đẹp đẽ, chỉn chu thì bạn có thể phải trả đến vài triệu đồng cho công thiết kế tạo mẫu. Tại công ty quảng cáo đa quốc gia, những ý tưởng sáng tạo luôn là kết quả của cả một qui trình làm việc chuyên nghiệp dựa trên những phân tích, nghiên cứu và xử lý thông tin rất khoa học, mà đôi khi rất-rất tốn kém, nhằm bảo đảm tạo ra được những quảng cáo mang lại hiệu quả bán hàng thực sự, chứ không chỉ đơn giản là các mẫu quảng cáo đẹp. Sự khác biệt lớn giữa một mẫu quảng cáo đẹp và một mẫu quảng cáo hiệu quả chính là qui trình sáng tạo – tức cách thức áp dụng để sáng tạo ra mẫu quảng cáo. Một mẫu quảng cáo hiệu quả được thực hiện theo một qui trình chuyên nghiệp và phức tạp hơn rất nhiều. Bắt đầu từ nghiên cứu phân tích các số liệu về thị trường, người tiêu dùng, nhóm khách hàng mục tiêu, các nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, phân tích điểm mạnh yếu của sản phẩm, v.v…, công ty quảng cáo phải vạch ra được định hướng chiến lược nhằm đáp ứng các yêu cầu mà chương trình quảng cáo cần đạt được. Tất cả các bước thực hiện đều có những tiêu chí, những chỉ tiêu rất cụ thể và rõ ràng. Việc chọn lọc ý tưởng được thực hiện qua nghiên cứu thị trường và lấy ý kiến của người tiêu dùng (tức nhóm khách hàng mục tiêu). Sau khi chọn được mẫu quảng cáo, công đoạn thực hiện mẫu quảng cáo cũng phải chuyên nghiệp. Việc chụp hình hay quay phim, nếu có, cũng phải được các chuyên gia thực hiện (Có những mẫu quảng cáo mà chỉ riêng chi phí thuê người mẫu và quay phim chụp ảnh đã lên tới hàng chục ngàn USD). Người thực hiện mẫu quảng cáo phải tạo được những lý do thuyết phục tác động đến người xem quảng cáo để mang lại hiệu quả bán hàng. Điểm yếu của các công ty quảng cáo Việt Nam trong việc tạo ra các quảng cáo giá trị cao là thiếu những người làm quảng cáo chuyên nghiệp và thiếu các qui trình chuyên nghiệp. Hiện chỉ có một số rất ít công ty quảng cáo có được những chuyên viên quảng cáo giỏi. Đa số họ là nhân viên cũ của những công ty, những tập đoàn quảng cáo đa quốc gia, nay đã nghỉ việc và ra mở công ty riêng. Trong chừng mực nào đó, họ có được những kỹ năng của một người làm quảng cáo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ không thể bù đắp được vào lỗ hổng lớn mà các công ty quảng cáo của Việt Nam luôn thiếu: Một “Hệ thống Quản lý” chuẩn mực với các qui trình làm quảng cáo chuyên nghiệp. Lối thoát hẹp cho ngành quảng cáo Việt Nam hiện nay chính là sự liên kết và hợp tác với các tập đoàn quảng cáo nước ngoài, thuê mướn những nhân viên quảng cáo giỏi người nước ngoài vào làm trong công ty, tìm cách xây dựng hệ thống quản lý và áp dụng các phương pháp quản lý, các qui trình làm quảng cáo chuyên nghiệp. Theo xu hướng hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, bất cứ một ai có tâm huyết với ngành quảng cáo và mong muốn vượt lên phía trước đều có cơ hội rất lớn. Tất cả những thông tin, những kiến thức cần thiết để tạo nên, phát triển và điều hành một công ty quảng cáo chuyên nghiệp đều sẵn có trong sách vở. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều sách có giá trị về ngành quảng cáo tiếp thị tại cửa hàng sách Mbook – địa chỉ 490/11 Nguyễn Đình Chiểu, góc đường Vườn Chuối (Website www.mbookvn.com), bạn cũng có thể đặt mua bằng credit card qua www.amazon.com hay www.b&n.com, hoặc tìm trên internet - kênh thông tin chung của thế giới. Điều cản trở lớn nhất cho các doanh nghiệp Quảng Cáo Việt Nam chính là tầm nhìn hạn hẹp, không dám nghĩ, không dám làm và không có một khát vọng đủ lớn. 2- ĐỊNH NGHĨA LẠI QUẢNG CÁO Vào thời kỳ quảng cáo bắt đầu nở rộ vào giữa thế kỷ XIX, quảng cáo được thực hiện chủ yếu qua những bảng hiệu ngoài trời, trên những phương tiện giao thông, qua các tờ in và qua các tạp chí và báo. Do tạo được hiệu quả bán hàng ở mức độ cao và rộng khắp, các dạng quảng cáo qua báo và tạp chí trở nên phát triển nhanh chóng, mang lại lợi nhuận rất lớn cho các chủ báo. Số lượng và lọai hình báo chí tăng lên nhanh như nấm mọc sau cơn mưa. Các công ty quảng cáo vào thời kỳ này hoạt động vớ tư cách là các đại lý bán chỗ trống trên trang báo cho những ai cần đăng quảng cáo. Do vậy các công ty này được gọi là Advertising Agency – tức Đại lý Quảng cáo – là từ ngữ mà cho tới nay vẫn được dùng trong ngành quảng cáo. Công ty quảng cáo tạo thu nhập từ số tiền huê hồng do các báo trích lại. Do áp lực cạnh tranh, các công ty quảng cáo phải nỗ lực tạo mọi điều kiện hỗ trợ Nhà quảng cáo - tức người bỏ tiền ra mua chỗ quảng cáo. Các công ty quảng cáo cạnh tranh bằng cách giúp Nhà quảng cáo thực hiện các mẫu quảng cáo sao cho thật ấn tượng và mang lại hiệu quả bán hàng từ các mẫu quảng cáo. Theo thời gian, các nhà quảng cáo nhận ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc quảng cáo trên báo nào, mà lại phụ thuộc rất nhiều vào nội dung và kỹ thuật quảng cáo, tức là các hình ảnh và thông điệp được thể hiện trong mẫu quảng cáo. Do vậy, những đại lý quảng cáo nào có khả năng làm được các mẫu quảng cáo thật độc đáo, tạo được ấn tượng, giúp bán được nhiều hàng hoá thì sẽ có được nhiều khách hàng. Cũng vào thời kỳ đầu này, thu nhập của các đại lý quảng cáo sẽ được tính bằng phần trăm trên tổng chi phí mua chỗ quảng cáo. Để tránh xảy ra tình trạng giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh, Hiệp Hội Quảng Cáo của Mỹ đã thống nhất đưa ra mức huê hồng dành cho các công ty quảng cáo là 17,65% (thường gọi là commission fee) trên ngân sách quảng cáo báo và khoảng 20% (được gọi là mark-up) trên các chi phí để sản xuất ra mẫu quảng cáo. Theo thời gian, do sự phát triển đa dạng của các kênh truyền thông cùng với mức độ chuyên môn hoá trở nên rất cao, không thể gói gọn các hoạt động quảng cáo trong thể loại in ấn (tức báo và tạp chí). Các loại hình quảng cáo ngày nay trải rộng từ quảng cáo in ấn (print ads) sang quảng cáo ngoài trời (outdoor ads), từ quảng cáo truyền hình (TVCs – tivi commercials) tới quảng cáo trực tuyến trên internet (web-banners), tới các dạng quảng cáo tại điểm bán (POSM- point of sales materials hay còn gọi là POP- point of purchases) hoặc thông qua dạng tài trợ cho những chương trình giải trí hoặc nhiều dạng quảng cáo khác. Quảng cáo (Advertising) ngày nay phải được hiểu là Truyền Thông (Communication). Nói là “quảng cáo” những chúng ta cần phải hiểu ở một tầm rộng hơn, không chỉ giới hạn ở các loại hình quảng cáo báo, đài hay tivi. Một chương trình quảng cáo ngày nay chính là cả một chương trình truyền thông tiếp thị tích hợp (IMC – Integrated Marketing Communication). Chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn về IMC ở những phần sau của tập sách. 3- CÁC LOẠI CÔNG TY THỰC HIỆN QUẢNG CÁO Trên thực tế, hiện nay có thể phân các công ty thực hiện công việc quảng cáo tại Việt Nam ra thành 3 nhóm, theo các đặc tính và chức năng riêng: Nhóm 1: Nhà Quảng Cáo Nhóm 2: Các công ty cung ứng Dịch Vụ Quảng Cáo Nhóm 3: Các công ty Tư Vấn Quảng Cáo IF I KNOW ,YOU WILL KNOW