Đó là nhận xét của ông Phạm Thiện Nghệ - Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM trong buổi tọa đàm góp ý cho “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” của các nhà báo và hội viên Hội tin học TP.HCM ngày 5/10. Cũng theo ông Nghệ, các chỉ tiêu của Đề án cần phải cụ thể hơn và bản dự thảo này lại không đề cập gì đến biện pháp phát triển CNTT. “Nước ta hiện đang có cơn khát về nguồn nhân lực thì cần bao nhiêu kỹ sư CNTT? Phải có số liệu rõ ràng, kế hoạch rõ ràng. CNTT là một ngành kinh tế mũi nhọn thì nhọn ở chỗ nào?”, ông Nghệ nói. Phát biểu về mục tiêu dự thảo đã nêu, ông Phạm Văn Bảy-nguyên Chủ tịch Hội tin học Tp.HCM cho rằng dự thảo đề cập đến mục tiêu đến năm 2015 sẽ có tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17-20% GDP là quá cao. Theo ông Bảy, đây là mục tiêu khó có thể đạt được, và cũng chưa có căn cứ và cơ sở thực tiễn rõ ràng nào để đưa ra dự đoán này. Ngoài ra, dự thảo không thấy đề cập đến bất cứ biện pháp hay kế hoạch gì để tăng GDP. Đồng thời, đề án cũng chưa chỉ ra được cái mạnh, cái yếu của CNTT hiện nay để điều chỉnh, còn những điểm tựa đi lên không có cơ sở thực tiễn. Tại buổi tọa đàm ông Phạm Văn Phùng-Phó Chủ tịch Hội nhà báo Tp.HCM nhận xét đề án đã định nghĩa rất rõ ràng nhất là các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng trong xây dựng hạ tầng viễn thông, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT,… đúng đắn và chính xác. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn về CNTT-VT thì trong đề án lại đề cập khá mờ nhạt. Về chỉ tiêu, ông Phùng cho rằng không hợp lý, khó đạt về mặt doanh số và cần phải có định nghĩa thỏa đáng hơn về quốc gia mạnh CNTT. “Làm CNTT chúng ta phải biết chúng ta làm được cái gì, bán được cái gì, và sản xuất được cái gì?”, ông Phùng phát biểu. Ông Ngô Văn Vị-Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình góp ý, mục tiêu dự án chưa thể hiện được mạnh về CNTT như thế nào? Tuy là có kế hoạch nhưng chưa có phần kiểm tra, kiểm soát, tổ chức chương trình thực hiện. Cùng với ý kiến của ông Vị thì ông Lê Bá Quang -Giám đốc công ty Khả Thi cho rằng, tính khả thi của dự án chưa đủ mạnh, nhiệm vụ nói đến đẩy mạnh phần mềm và dịch vụ chứ chưa thấy nói đến hiệu quả kinh tế, tính minh bạch hóa, thủ tục hành chính. Dự án yêu cầu cần chi tiết hơn nữa. Về nhân lực, đại diện của trường Đại học Hoa Sen và Đại học Khoa học Tự nhiên cùng cho rằng trong khi cơn khát nhân lực CNTT đang trong tình trạng báo động thì dự thảo không đề cập đến chương trình đào tạo và phương hướng đầu tư cho nhân lực CNTT, nhất là nhân lực giỏi tiếng Anh - ngôn ngữ rất quan trọng trong lĩnh vực CNTT. Vì nếu có đội ngũ nhân lực đủ khả năng về chuyên môn và ngoại ngữ mới có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Trong mục III, nhiệm vụ 5 về phát triển nguồn nhân lực CNTT không có đề cập đến việc tăng cường dạy tiếng Anh và dạy CNTT bằng tiếng Anh. Bà Nguyễn Thị Phương-hội viên Hội tin học kiêm Giám đốc công ty Thăng Thiên góp ý kiến, dự án nên kết hợp chặt chẽ giữa phần mềm, phần cứng với giáo dục đào tạo về CNTT, nhất là bằng tiếng Anh. Còn đại diện Hội Tin học Tp.HCM cho rằng phần mềm và dịch vụ phần mềm đang được xem là một ngành kinh tế chiến lược, nhưng trong bản dự thảo không có đề cập đến chi tiết vai trò chiến lược của ngành phần mềm và dịch vụ phần mềm Việt Nam cũng như những kế hoạch, nhiệm vụ chi tiết để phát triển ngành dịch vụ này. Tóm lược dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” Dự thảo đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải đứng thứ 60 trở lên trong bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20-30% GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Dự thảo đề ra 6 nhiệm vụ chính: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông; Đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn, máy tính đến hộ gia đình; Phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội của người dân; Phát triển công nghiệp CNTT; Phát triển nguồn nhân lực CNTT và Xây dựng các Tập đoàn CNTT làm chủ quốc gia vươn ra thế giới. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ TT&TT đề nghị 4 giải pháp: Tích cực xã hội hóa đầu tư cho CNTT, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông; Đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm; Xây dựng và hoàn thiện các thể chế; Một số cơ chế đặc thù vá chính sách đột phá.