[chú ý] Tài liệu ôn thi tư tưởng Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Tổ Xã Hội & Nhân Văn' bắt đầu bởi microsoft, 29 Tháng năm 2010.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. Offline

    microsoft

    • Windows NT

    Số bài viết:
    82
    Đã được thích:
    52
    Điểm thành tích:
    60
    Đây là tài liệu thầy Minh gửi các bạn sinh viên các lớp đuợc thầy dạy. Nguyên văn như bên dưới. Các bạn đọc xong copy về. Nếu có cảm ơn thì hãy cảm ơn thầy hoặc làm điều gì đó.... có nghĩa.. để thể hiện lòng biết ơn đối với thầy.
    Nguyên văn:


    Gửi các em sinh viên học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của Thầy


    Vậy là Thầy đã giảng xong cho các em, đã trao truyền cho các em kiến thức về môn học và tất cả tình cảm của một người Thầy đối với học trò. Thầy chúc các em luôn khỏe - “sức khỏe Phù Đổng” ấy! Thầy chỉ mong các em luôn tiến tới trên con đường học vấn và về sau này, khi đã ra trường, các em sẽ gặp thuận lợi trong công việc và may mắn trong cuộc sống.

    Vì có 2 nhóm đã học xong mà Thầy chưa biết chủ trương của Khoa sẽ ôn tập cho các em những trọng tâm nào, đến sáng thứ 7 (22/5) mới được nhóm 1 cho biết. Các em có hỏi Thầy về một số vấn đề trong phần ôn tập đó. Thầy nghĩ rằng, việc Khoa gửi những vấn đề ôn tập trực tiếp đến các em là muốn đánh giá khả năng tự luận cuả các em như thế nào nên Thầy không hướng dẫn tỷ mỷ. Vả lại, những vấn đề trong đó Thầy đã giảng cho các em qua các bài giảng rồi (các em căn cứ vào những ý chính Thầy đã nhấn mạnh trên slide và những điều Thầy đã phân tích, cùng với đọc thêm trong sách để có một bài viết thật tốt). Có những vấn đề không nằm trong một đề mục cụ thể của giáo trình, như tư tưởng “ lấy dân là gốc” của Bác chẳng hạn, thì Thầy cũng đã giảng cho các em trong bài giảng về đại đoàn kết và xây dựng nhà nước rồi. Chẳng hạn: - Quan niệm về dân và vai trò của nhân dân trong lịch sử thì thời chiếm hữu nô lệ ở phương Tây có xem tất cả mọi người (kể cả nô lệ) đều là dân không, hay chỉ xem là Dân đối với những người bình dân tự do? Nho giáo và các triều đại phong kiến có nói đến Dân với vị thế là công dân không, hay chỉ là thứ dân trong mối quan hệ với quân tử (Nho giáo) và là thần dân đối với vua? Nho giáo tuy có quan niệm Dân là quý (Dân vi quý), Dân là gốc (Dân vi bang bản), nhưng có nói cụ thể làm gì và làm thế nào để dân thực sự là gốc hay không? Cũng như vậy, các triều đại phong kiến có đánh giá cao vai trò của dân hay không, hay chỉ xem dân là “Dân đen con đỏ”, có chăng chỉ được sự quan tâm của Triều đình theo kiểu ban phát từ trên xuống chứ không có quyền hạn gì? Trong xã hội tư bản thì những người nghèo không có một lượng tiền của nhất định có được thực sự bình đẳng trong khối dân của xã hội hay không? Còn với Hồ Chí Minh, Bác xác định Dân bao gồm những ai? Dân có vị trí, vai trò như thế nào? Có phải do từ chỗ xác định vị trí, vai trò của Dân, và vì sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân nên Bác chủ trương “lấy dân làm gốc” hay không? Lấy dân làm gốc thì phải làm gì? Sự thể hiện cụ thể của “lấy dân làm gốc” trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác như thế nào?

    Cũng giống như vậy, về tinh thần yêu nước của Bác, từ chỗ nuôi chí đánh đuổi thực dân khi mới lên 13 tuổi, tham gia vào phong trào chống thuế tại Huế khi lên 18 tuổi, đến năm 21 tuổi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Vì yêu nước nên Bác mới đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với Quốc tế cộng sản, trở thành người cộng sản, khẳng định muốn cứu nước và giải phóng được dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Bác đã tập trung chuẩn bị mọi mặt và chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả đều nhằm mục đích cứu nước. Từ khi về nước cho đến cuối đời Bác không chỉ phát triển lý luận mà còn cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhằm “làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến lúc cuối đời Bác còn viết trong Di chúc lấy làm tiếc là không được phục vụ cho đất nước, cho nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

    Thầy chỉ nhắc lại những ý cơ bản mà Thầy đã giảng như trên thôi, còn khai triển cụ thể thì các em phải lo, để tự khẳng định năng lực của mình.

    Riêng về vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi dạy các em, thầy căn cứ vào cuốn giáo trình mới nhất (xuất bản năm 2009) nên trong đó chỉ kết cấu chương V: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế” chứ không có phần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại như giáo trình của những năm trước đó. Vì vậy, nay thầy gửi đến các em đề cương về vấn đề này để các em theo dõi (các em đọc thêm trong giáo trình in năm 2005 có bài này). Thầy cũng gửi kèm đến các em một bài viết ngắn của Thầy đã đăng ở tạp chí, xem như một bài đọc thêm cho các em vậy [Nhớ rằng đây chỉ là một tài liệu để các em tham khảo trong việc soạn bài, chứ không được bê nguyên xi vào bài làm đấy nhé!]
    Các em lớp TM02C và ĐH02B nhận được Email này nhớ coppy chuyển đến các bạn lớp TM02D, ĐH02A, MM02A, MM02B và LT02A, LT02B, KT02A, VT01A giúp Thầy nhé!
    Bác Hồ nói: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vì vậy, Thầy mong rằng các em luôn có hoài bão đẹp, có tín tâm và quết tâm thực hiện hoài bão đẹp của mình, để thật sự trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên” như Bác từng căn dặn!
    Thầy chúc tất cả những gì tốt đẹp nhất luôn đến với các em!
    Thầy Minh
    .
    TÀI LIỆU 1
    I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI

    1. Về bối cảnh thời đại
    như đã học ở bài Quá trình hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh.

    2. Quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh về về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
    :

    - Nhận thức của Hồ Chí Minh về sức mạnh thời đại được hình thành từng bước, thông qua hoạt động thực tiễn và tổng kết thành lý luận:
    + Nhận thấy trên thế giới chỉ có hai loại người. Đấy là cơ sở đầu tiên để hình thành nhận thức” Muốn giải phóng dân tộc mình phải đoàn kết với các dân tộc khác cùng chung cảnh ngộ.
    + Nhận thấy chủ nghĩa đế quốc là con đĩa hai vòi nên muốn tiêu diệt nó phải có sự kết hợp đấu tranh giữa nhân dân thuộc địa với nhân dân ở các nước tư bản, đế quốc.
    + Sau khi đọc được Sơ thảo luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, nhận thức của Bác được bổ sung thêm những thành tố mới. Đó là sức mạnh của giai cấp vô sản, cách mạng vô sản và đảng Cộng sản, sức mạnh của lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, của hệ thống xã hộ chủ nghĩa và sức mạnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Phát huy sức mạnh thời đại là phải biết huy động sức mạnh của các trào lưu cách mạng trên thế giới phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

    3. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về
    kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại:

    - Nắm bắt chính xác đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại, đặt cách mạng Việt Nam trong sự gắn bó với các mạng thế giới, đặc biệt là cách mạng vô sản trên thế giới


    + Nhận thấy học thuyết Mác-Lênin là học thuyết khoa học và Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu cho thời đại mới.
    + Xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, phải theo con đường của cách mạng tháng Mười Nga.
    + Xem khối liên minh của các dân tộc thuộc địa là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản.
    + Chỉ rõ đối tượng đoàn kết quốc tế là với tất cả những ai có thể đoàn kết được, tức là với những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
    à Không đặt cách mạng Việt Nam vào một nước khác mà đặt trong sự gắn bó với cách mạng thế giới là nét khác biệt giữa Hồ Chí Minh so với các nhà cách mạng tiền bối.

    - Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội


    - Muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải có tinh thần dân tộc chân chính chứ không được có chủ nghĩa vị kỷ, dân tộc hẹp hòi, hoặc tư tưởng nước lớn.
    - Sau khi đã giành độc lập về chính trị, con đường đi lên của các nước thuộc địa chỉ có thể là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Có như vậy mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

    - Giữ vững độc lập tự chủ, dựa vào sức mìn là chính, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, đồng thời không quên nghĩa vụ quốc tế của mình.


    - Phải giữ vững độc lập tự chủ trong việc định ra đường lối cách mạng của nước mình, tham khảo kinh nghiệm của các nước nhưng không được rập khuôn máy móc.

    - Muốn tranh thủ sức mạnh thời đại phải có đường lối đúng đắn, kết hợp được mục tiêu độc lập dân tộc, phát triển đất nước của mình với mục tiêu của thời đại là hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

    - Phải “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

    - Mở rộng tối đa quan hệ hữu nghị hợp tác, sẵn sàng “làm bạn với tất cả các nước dân chủ”.


    - Chủ trương chính sách ngoại giao thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới.

    - Về hoạt động thực tiễn: Từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước cho đến khi nhân dân Việt
    Nam đã giành được chính quyền, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh luôn chăm lo vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác và đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”.

    II. Ý NGHĨA TƯ TƯỞNG KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VƠI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI HIỆN NAY


    1. Ý nghĩa:

    Tư tưởng trên của Bác đã trở thành một bộ phận trong đường lối chiến lược của Đảng trong cách mạng DTDC cũng như trong cách mạng xhcn.

    2. Vận dụng


    - Sức mạnh dân tộc, sức mạnh trong nước hiện nay gồm: những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những yếu tố tinh thần và vật chất vốn có được nhân dân ta, đảng ta nhân lên, phát triển trong quá trìn cách mạng. Hiện nay, sức mạnh dân tộc còn là chính quyền về tay nhân dân, dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt, nhân dân ta đã xây dựng được những cơ sở ban đầu, tài nguyên thiên nhiên phong phú...

    - Sức mạnh thời đại hiện nay gồm: trước mắt là sức mạnh của tính quy luật, xu thế phát triển của lịch sử đi lên cnxh; sức mạnh của các lực lượng cách mạng trên thế giới; sức mạnh của cách mạng khoa học công nghệ và quá trình quốc tế hoá nền kinh tế thế giới.
    Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay, mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đón bắt những thời cơ do điều kiện quốc tế đưa đến, mở rộng quan hệ đối ngoại trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tức tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”.

    - Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là, trong khi tranh thủ sự viện trợ quốc tế phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, xem sức mạnh cách mạng trước hết phụ thuộc vào những yếu tố bên trong, sự nỗ lực của nhân dân, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
    à Nhờ có chủ trương kết hợp nội lực với ngoại lực như vậy mà Việt Nam đã hình thành được sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa đến những thành tựu kinh tế to lớn, giữ vững, củng cố được độ lập tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao được vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

    TÀI LIỆU 2
    BÁC HỒ NÓI VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA
    CÁN BỘ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NHÂN DÂN

    Tin dân, dựa vào dân, vì hạnh phúc của nhân dân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Dân trong quan niệm của Người là quốc dân - là tất cả những người Việt Nam yêu nước không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, quý tiện. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Như vậy, Nước là nước của Dân còn Dân là chủ nhân của Nước. Đã là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì quyền lực chính trị cao nhất là của nhân dân. Nó thể hiện ở chỗ nhân dân có quyền tham gia bầu cử và ứng cử vào bộ máy nhà nước; có quyền quyết định trực tiếp đối với những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; có quyền giám sát đối với các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng quyền lực do dân uỷ thác; nhân dân được hưởng mọi quyền dân chủ, có quyền làm bất cứ những gì pháp luật không cấm.

    Trong mối quan hệ với nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ nhà nước chỉ là công bộc của dân. Đạo đức cao nhất của người cán bộ là tận tâm phục vụ nhân dân. Cuộc đời của Hồ Chí Minh là cuộc đời của một con người suốt đời hy sinh phấn đấu vì tự do độc lập của đất nước mình, hạnh phúc của nhân dân mình. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, uỷ thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó”. Mặc dù cả cuộc đời đã tận tụy như vậy, nhưng cho đến lúc cuối đời Người vẫn còn viết trong Di chúc để lại, lấy làm tiếc là “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

    Hồ Chí Minh xem được phục vụ cho dân cho nước là hạnh phúc của người cán bộ, bởi vì người cán bộ nhà nước cũng từ trong dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng. Chính vì thế mà người cán bộ phải biết đền ơn xứng đáng cho dân. Người nhắc nhở: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân”.

    Với Hồ Chí Minh, để đền ơn xứng đáng cho nhân dân, người cán bộ cần thực hiện những yêu cầu sau đây:

    - Trước hết, phải yêu dân, kính dân, học dân, tin vào sức mạnh của dân. Bác dạy: “Ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Phải tin vào dân vì dân là gốc rễ của nước, là đối tượng; lực lượng của cách mạng; là chỗ dựa của hệ thống chính trị; có dân là có tất cả, mà mất dân là mất tất cả. Cán bộ phải biết huy động nhân tài vật lực “lấy tài dân, sức dân mà làm lợi cho dân”. Nói về sức mạnh của dân, Người viết: “có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được, không có, thì việc gì làm cũng không xong”. Nói về tài trí của dân, Người khẳng định: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Do dân có vị trí, vai trò quan trọng như vậy nên cán bộ phải biết học dân, có học dân mới có thể làm lãnh đạo được. Muốn vậy thì cán bộ phải biết cùng bàn bạc công việc với dân đến nơi đến chốn, nhằm một mặt đảm bảo quyền dân chủ của dân, mặt khác lại học hỏi được ở dân những sáng kiến, kinh nghiệm. Người nói: “Có biết làm học trò dân thì mới làm được thầy dạy dân” là nhằm vào ý nghĩa này.

    - Hai là, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Những việc làm tổn hại sức dân mà Người từng chỉ ra là: làm việc không có kế hoạch, không tính toán để lãng phí nhân lực, tiền của của dân, hoặc động viên tận lực “vét đến tài sản sinh kế gốc của dân như ruộng đất, trâu bò, vốn liếng”. Yêu cầu đặt ra là, khi cần phải huy động sức dân thì “nên huy động vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống của nhân dân”. Biểu hiện thứ hai của việc làm tổn hại sức dân là tham nhũng. Đồng thời cán bộ cũng không được làm những việc quá trình độ của dân mà không giải thích cho dân thông suốt. Nếu mắc phải khuyết điểm này sẽ dẫn đến việc dân không đồng tình ủng hộ, thậm chí còn bị dân phản đối và chủ trương, chính sách sẽ đi đến thất bại. Như thế “chính sách thì đúng, cách làm thì sai”. Theo Bác, “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp với trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế mới có thể kéo được quần chúng. Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình rồi đem cột vào quần chúng thì khác nào “khoét chân cho vừa giày”. Chân là quần chúng, giày là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giày theo chân, không ai đóng chân theo giày”. Người còn căn dặn, cán bộ nhà nước phải biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân; phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân” rồi tìm mọi cách giải thích cho dân hiểu việc đó có lợi cho họ và là trách nhiệm của họ, “cùng với dân đặt kế hoạch thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên tổ chức toàn dân thi hành”, lại dựa vào dân để kiểm tra trở lại công việc.
    - Ba là, trong quan hệ đối với nhân dân cán bộ không được quan liêu hách dịch, cậy quyền, ỷ thế lên mặt “quan cách mạng” với dân. Bác căn dặn: “Chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”. Với quan liêu, Bác chỉ ra đó là căn bệnh gốc đẻ ra các căn bệnh khác như lãng phí, tham ô. Một khi cán bộ đã mắc phải bệnh quan liêu thì “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”.

    - Bốn là, cán bộ phải bảo vệ nhân dân, chống lại những tệ vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Bác căn dặn: “Đồng bào có oan ức, thắc mắc mới khiếu nại. Cán bộ có giải quyết tốt các việc khiếu nại, có quan tâm lo lắng đến quần chúng thì mới được quần chúng tin tưởng, gắn bó”. cán bộ nhà nước lại phải “làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói dám làm”. Bên cạnh việc thực hiện tốt cơ chế dân chủ, còn phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, bồi dưỡng năng lực làm chủ cho nhân dân để kết nối quyền làm chủ và năng lực làm chủ cho dân. Muốn làm được điều này, phải có kế hoạch nâng cao dân trí để dân có năng lực làm chủ, đồng thời phải bồi dưỡng dân khí để dân thực sự dám nói, dám làm.

    - Năm là, cũng bao gồm tất cả những điều “Phải” vừa nêu trên, để trở thành công bộc của dân, cán bộ phải thực sự Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, không được miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”, miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng lại làm trái với lợi ích của quần chúng.

    Quán triệt tư tưởng trên của Bác, hiện nay chúng ta cần thể hiện tốt 5 phong cách của người cán bộ công chức cách mạng mà Đảng đã nêu ra là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, và 3 phương châm: “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

    Để thiết thực học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thiết nghĩ, mỗi ngành, mỗi cơ quan cũng nên tiêu chí hoá một cách cụ thể một số cái “không” và cái “phải” cho riêng đội ngũ cán bộ công chức của mình trong công việc và trong mối quan hệ đối với nhân dân.
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí