Chùa Thiếu Lâm trước cơn lốc thị trường

Thảo luận trong 'Phỏng vấn - Tán gẫu' bắt đầu bởi integer, 7 Tháng một 2010.

  1. Offline

    integer

    • Tiếu Ngạo Giang Hồ

    • :-?
    Số bài viết:
    1.695
    Đã được thích:
    1.313
    Điểm thành tích:
    900
    Vốn là nơi tu hành và luyện võ nổi tiếng của Trung Quốc, chùa Thiếu Lâm dần cũng bị cuốn theo dòng chảy thị trường.

    Theo nhật báo Đông Phương (Trung Quốc), người dân thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đang xôn xao bởi thông tin chùa Thiếu Lâm ở đây sẽ được đưa vào kinh doanh từ năm 2011. Nhiều mạng Trung Quốc còn đăng tải cả hợp đồng hợp tác giữa chính quyền tỉnh Hà Nam với một tập đoàn du lịch Hồng Kông trong việc kinh doanh chùa Thiếu Lâm ký ngày 21.10.2009.

    Theo hợp đồng, hai bên sẽ đầu tư 100 triệu tệ (khoảng 270,4 tỉ đồng) để thành lập một Công ty TNHH du lịch văn hóa Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ. Trong đó, Cảng Trung Lữ sẽ nắm 51% cổ phần, chính quyền thành phố Đăng Phong giữ 49% cổ phần, cùng kinh doanh và chia lợi nhuận về số tài sản thuộc khu vực chùa Thiếu Lâm. Cảng Trung Lữ cam kết không tăng giá vé vào thăm chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, trong số tiền 100 tệ/vé vào cửa, chùa Thiếu Lâm sẽ chỉ được lấy 40 tệ, còn lại thuộc về Cảng Trung Lữ. Ước tính chỉ riêng doanh thu bán vé vào cửa chùa Thiếu Lâm đã lên tới 150 triệu tệ/năm. Hợp đồng này cũng cho thấy rõ thời gian hợp tác hai bên kéo dài 40 năm, bắt đầu chính thức từ 2011.

    Sửng sốt

    Nhiều người dân đã rất bất bình khi đọc được thông tin trên vì cho rằng chùa Thiếu Lâm thuộc tài sản chung của quốc gia, là di sản văn hóa, không thể để chính quyền thành phố tự định đoạt giá cả và kinh doanh như vậy. Ngay cả phương trượng Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm cũng rất bất ngờ trước thông tin trên và cho biết ông cùng tất cả môn đệ trong chùa hoàn toàn không biết tí gì về kế hoạch kinh doanh, cũng như không hề được hỏi ý kiến. Ông cũng cho rằng việc giao dịch kinh doanh mạo hiểm như vậy sẽ làm tổn hại tới tinh thần võ thuật.

    Ông Tiền Đại Lương - Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản vô hình và quyền tri thức, tài sản của Thiếu Lâm Tự - đã phẫn nộ khi trả lời báo chí: “Tài sản chùa Thiếu Lâm không thuộc về chùa Thiếu Lâm và thành phố Đăng Phong. Chùa Thiếu Lâm thuộc tài sản chung của cả nước”. Nhiều người lo ngại rằng nếu để mặc việc chính quyền Đăng Phong tự ý kinh doanh chùa Thiếu Lâm sẽ dễ dẫn đến phong trào chính quyền các thành phố khác cũng tự ý kinh doanh các tài sản quốc gia bừa bãi. Ông Thôi Thế Anh - Trưởng cơ quan tuyên truyền thuộc Ủy ban thành phố Đăng Phong - thừa nhận có sự tồn tại của bản hợp đồng dự tính kinh doanh chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, ông lại giải thích không mấy thuyết phục về nguyên nhân bưng bít thông tin trên đối với chính các sư phụ và đệ tử trong chùa là chưa chính thức hợp tác với bên ngoài, tất cả mới chỉ là bàn thảo và kế hoạch xa vời. Ông này cũng từ chối cung cấp thời gian vận hành cụ thể của Công ty Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ.

    Chưa hết, mọi người lại xôn xao thêm khi có tin chùa Thiếu Lâm sắp lên sàn chứng khoán. Có nguồn tin còn chỉ ra rằng đây là một kế hoạch dài hơi được chính phương trượng Thích Vĩnh Tín ấp ủ từ nhiều năm trước. Ông được coi là nhân tài của chùa Thiếu Lâm và từng đảm nhận chức phương trượng, quản lý chùa khi mới 26 tuổi, trở thành phương trượng trẻ nhất, khiến nhiều người kính phục. Với học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh, phương trượng Thích Vĩnh Tín được dự đoán sẽ trở thành CEO của chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận lại toàn bộ thông tin trên.

    Nhiều mâu thuẫn

    Mặc cho những phủ nhận và nỗ lực phản đối của phương trượng Thích Vĩnh Tín, Công ty TNHH du lịch văn hóa Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ vẫn chính thức ra mắt ngày 26.12.2009, đặt trụ sở tại Trịnh Châu. Suốt buổi lễ ra mắt, người ta không hề thấy phương trượng Thích Vĩnh Tín, cũng không thấy vị trí ngồi nào đề tên ông. Tuy nhiên, ngày 29.12.2009, ông Trịnh Thư Dân - Chủ nhiệm phòng đối ngoại chùa Thiếu Lâm - lại trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của chính quyền. Hy vọng cá nhân và các cơ quan có liên quan đừng nên hiểu sai ý của chính quyền, không nên tư lợi và chôn vùi Thiếu Lâm”.

    Như vậy rõ ràng nội bộ chùa Thiếu Lâm cũng có rất nhiều mâu thuẫn và lục đục. Một nhân viên tham gia tổ chức lễ ra mắt cho biết lẽ ra lễ ra mắt công ty được tổ chức vào ngày 27.12.2009 tại khu vực chùa Thiếu Lâm, song họ lại đột ngột được thông báo chuyển vội sang ngày 26 và địa điểm là Trịnh Châu mà không nói rõ lý do. Nhiều nhà báo nghi ngờ rằng việc gấp rút thành lập công ty “hợp tác” trên rõ ràng là một quyết định có tính toán của chính quyền. Và việc chùa Thiếu Lâm liên tục tham gia các hoạt động thương mại như cho thuê địa điểm làm phim trường, cho võ sư trong chùa đi đóng phim, bán vé vào tham quan khu vực chùa... đã khẳng định chùa không còn giữ được bản sắc và tinh thần võ thuật thuần túy như trước kia. Đặc biệt, chùa Thiếu Lâm càng nổi tiếng hơn và thu hút nhiều du khách hơn khi bộ phim Thiếu Lâm Tự có Lý Liên Kiệt đóng được công chiếu. Nhiều người cho rằng việc chùa Thiếu Lâm bị cuốn theo dòng chảy thị trường quá dễ dàng như vậy là bởi có sự hậu thuẫn của quan chức và chính quyền từ địa phương tới trung ương.

    Ông Lý Phổ Lôi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Võ thuật xã hội thuộc Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc - từng khẳng định: “Việc thương mại hóa thể thao giờ đây là một xu hướng không thể tránh khỏi. Chúng ta phải nhìn thấy rằng thương mại hóa chùa Thiếu Lâm và kung-fu Thiếu Lâm sau này sẽ có tác dụng thúc đẩy kung-fu Thiếu Lâm, chẳng hạn như tổ chức trường Đại học Võ thuật”. Ông cũng bật mí rằng Công ty Cảng Trung Lữ sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và càng quảng bá, đem lại danh tiếng cho kung-fu Thiếu Lâm. Với sự hậu thuẫn bật đèn xanh này, chắc chắn rằng chùa Thiếu Lâm không thể tránh bị cuốn vào guồng chảy kinh doanh của thị trường.

    Nguyễn Lệ Chi
    (theo Yahoo)

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí