Nếu là người yêu thích Vật lý học, có lẽ bạn từng đọc bộ sách kinh điển Những bài giảng của Feynman về Vật lý (The Feynman lectures on Physics) và cảm thấy thú vị vì nội dung minh triết lạ thường. Giờ đây, bạn có thể tham dự giờ giảng của thầy Feynman trên mạng (http://research.microsoft.com/apps/tools/tuva/index.html) như mọi sinh viên ở Đại học Cornell (Mỹ) của 45 năm trước! Đó là những bài giảng "hay không thể tưởng tượng được", theo nhận xét của Bill Gates - người sáng lập Microsoft. Việc đưa lên mạng những đoạn phim ghi lại loạt bài giảng của Richard Feynman (giải Nobel Vật lý 1965) tại Đại học Cornell vào năm 1964 là nhiệm vụ khởi đầu của dự án Tuva do Trung tâm Nghiên cứu Microsoft (Microsoft Research) thực hiện. Loạt bài giảng mang tên "Đặc trưng của quy luật Vật lý" (The Character of Physical Law) được hiển thị trong trình duyệt dưới dạng ứng dụng Silverlight, cho phép người xem có thể ghi chú ở từng thời điểm trong buổi giảng, đồng thời cung cấp liên tục nhiều tư liệu bên lề liên quan đến nội dung đang được trình bày (người xem có thể dừng bài giảng để tham khảo tư liệu). Dự án Tuva có thể sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí những đoạn phim ghi lại các bài giảng của những nhà khoa học danh tiếng trong quá khứ. Bill Gates có ý định mua lại quyền sử dụng các phim tư liệu như vậy (bằng tiền của chính ông, không phải của Microsoft) và phổ biến trên mạng nhằm các mục tiêu: "kích thích việc cải cách giáo dục, cổ vũ giới trẻ chọn con đường nghiên cứu khoa học ở mức chuyên sâu và thu hút sự quan tâm của xã hội đối với khoa học". Đối với Gates, những bài giảng của Feynman là phương tiện tiêu biểu để thực hiện các mục tiêu đó. Gates cho biết: tuy loạt bài giảng "Đặc trưng của quy luật Vật lý" dành cho sinh viên năm thứ nhất nhưng con trai mười tuổi của ông vẫn lĩnh hội được. Trang chủ của dự án Tuva với chân dung Bill Gates và Richard Feynman (1964) Bất ngờ ở Đại học Cornell Khi trả lời giới báo chí về dự án Tuva, Gates luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học: "Ngày nay chúng ta cần đến kiến thức khoa học cơ bản nhiều hơn bao giờ hết. Nếu phần lớn xã hội không có hiểu biết tối thiểu về khoa học và các công cụ của khoa học, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Chỉ khoa học mới có thể giúp chúng ta có được những vật liệu mới, những loại pin mới, biết cách tạo ra năng lượng từ mặt trời, tạo ra năng lượng hạt nhân mà không gây nên các vấn đề môi trường". Là người yêu thích Vật lý, từ hai mươi năm trước, ngoài công việc điều hành Microsoft, Gates thường tìm tòi tại kho phim tư liệu của các đại học, nơi lưu trữ những cuộn phim ghi các bài giảng. Gates kể lại: "Tôi thường tham khảo danh mục các phim tư liệu để lựa chọn. Những cuộn phim tư liệu trong kho lưu trữ rất to, đựng trong các thùng kim loại. Tôi cùng một người bạn xem các phim như vậy bằng loại máy chiếu phim cũ trong phòng tối. Có nhiều bài giảng thú vị nhưng các bài giảng của Feynman ở Cornell là thú vị nhất. Sau khi xem xong các bài giảng đó, tôi được quyền sao chép phim trên một vài cuộn băng từ. Vào lúc đó, băng từ VHS rất phổ biến. Tôi gửi các cuộn băng đó cho vài người bạn mà tôi nghĩ rằng họ sẽ thấy thú vị. Ngay từ lúc đó, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ có lỗi nếu không phổ biến những bài giảng như vậy, đặc biệt cho lớp trẻ đang hướng đến khoa học. Với ý định phổ biến các bài giảng của Feynman, tôi bắt đầu tìm hiểu xem ai đang nắm giữ quyền sử dụng các cuộn phim tư liệu để có thể tiến hành thương lượng. Thế mà cũng phải mất hai mươi năm mới có đủ các điều kiện để phổ biến tư liệu: sự phát triển của Internet và quyền sử dụng các cuộn phim. Tôi được xem các cuộn phim đó khi đã ngoài ba mươi tuổi. Tôi rất vui nếu giới trẻ ngày nay xem các đoạn phim đó, cảm nhận được những điều thú vị của khoa học, hiểu được khoa học vận hành ra sao. Tôi mong có được nhiều bài giảng tốt như vậy cả trong Sinh học, Hóa học và Tin học. Feynman có biệt tài làm cho những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản. Với những vấn đề phức tạp thực sự, không thể đơn giản hóa, ông làm cho sự phức tạp trở nên thú vị. Bản thân Feynman luôn quan tâm đến việc phổ biến kiến thức khoa học. Tôi tin rằng nếu còn sống, ông sẽ rất vui khi thấy các bài giảng của mình được phổ biến rộng rãi như vậy". Dự án Tuva cung cấp loạt bài giảng "Đặc trưng của quy luật vật lý" (gồm năm bài) của Richard Feynman Bóng dáng người thầy kiệt xuất Tuy Feynman từng một thời là "người của công chúng", chỉ những nhà vật lý, sinh viên ngành vật lý mới biết đến những công trình có tính đột phá của ông đối với nền tảng của lý thuyết trường lượng tử (khái niệm tích phân lộ trình, phương pháp giản đồ Feynman), của vật lý hạt cơ bản (mô hình parton) và vật lý các chất siêu chảy. Feynman có những đóng góp quan trọng cho nền tảng của công nghệ nano và khái niệm máy tính lượng tử (được dự đoán rằng sẽ thay thế máy tính điện tử hiện nay trong vài thập niên tới). Ông cũng có những nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi sinh học và di truyền học ("vì tôi luôn cảm thấy tò mò với mọi thứ"). Giới sinh viên gọi Feynman là "người giảng giải tuyệt vời" (The Great Explainer) vì ông có sức thu hút tự nhiên khi diễn thuyết, luôn luôn làm cho những vấn đề tưởng như khô khan trở nên hấp dẫn bằng khiếu khôi hài của mình. Feynman vẫn rất cẩn trọng khi soạn thảo bài giảng. Những người gần gũi Feynman đều biết ông thậm chí tỏ ra hơi căng thẳng khi chuẩn bị cho từng buổi giảng ("vì người ta chờ đợi tôi giảng ngày càng hay hơn"). Feynman có nhiều biệt tài ngoài khoa học. Ông tham gia nhiều cuộc trình diễn âm nhạc với tư cách nhạc công chuyên nghiệp (người chơi trống bongo). Ông cũng thích vẽ tranh, thích thực hiện những trò xiếc tung hứng. Feynman là bậc thầy trong việc... mở trộm két sắt. Ông nghiên cứu "nghệ thuật" này như một cách giải trí khi phải làm việc với nhiều két sắt đựng tài liệu tối mật trong thời gian sống biệt lập ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc Gia Los Alamos (bang New Mexico, Mỹ). Sau Thế chiến II, giới báo chí chú ý đến Feynman vì ông là một thành viên của dự án Manhattan - dự án chế tạo bom nguyên tử. Bìa sách "Những bài giảng của Feynman về Vật lý" Cũng như Albert Einstein, Feynman có những hồi tưởng đau buồn về việc tham gia vào dự án Manhattan. Feynman đã làm việc cật lực cho dự án với ý nghĩ rằng đóng góp của ông giúp nước Mỹ vượt lên trước nước Đức phát xít trong cuộc đua vũ khí nguyên tử. Feynman thừa nhận đó là công việc hấp dẫn về mặt khoa học nhưng vô cùng hối tiếc rằng đã không thể dừng lại mọi việc ngay khi phát xít Đức bị đánh bại. Là người thích bông đùa và thích di chuyển, có lần Feynman bịa chuyện với một người bạn trong ban nhạc của ông về chuyến viếng thăm một quốc gia mang tên Tuva. Khi biết thực sự có một nước cộng hòa nhỏ bé ở vùng Trung Á mang tên Tuva (thuộc Liên Xô trước đây), Feynman cùng người bạn ông quyết định thực hiện chuyến du lịch đến Tuva. Tuy nhiên, thủ tục dành cho người Mỹ muốn viếng thăm Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh hoàn toàn không dễ dàng, phải kéo dài nhiều năm. Vài tháng sau khi Feynman mất vì bệnh ung thư (năm 1988), những giấy tờ cần thiết cho chuyến dụ lịch của ông đến Tuva mới được cấp. Dự án Tuva của Microsoft Research có ý nghĩa như sự tiếp nối cuộc hành trình của Feynman. Xã hội tiến bộ không ngừng nhưng với mỗi đời người, kiến thức khoa học (và nền tảng văn hóa nói chung) chỉ có thể hình thành trong cuộc hành trình ngược về quá khứ để tìm lại những giá trị bất hủ. Tuva tựa như một "cỗ máy thời gian" trên mạng (có lẽ sẽ còn kéo theo nhiều "cỗ máy thời gian" khác) dành cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong cuộc hành trình vô cùng quan trọng ấy.