Liệu mạng xã hội ảo có phải là phát kiến lớn cuối cùng của Internet? Và nó sẽ thay đổi với mức độ nào? Một hội thảo tại Đại học Oxford (Anh) đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn này. Biz Stone, CEO Twitter nói công khai là điều quan trọng sống còn của Twitter Đối với truyền thông kỹ thuật số, thì cũng như lĩnh vực bói toán vậy, tương lai cũng được xem xét như là một phần của hiện tại. “Đâu sẽ là phát hiện quan trọng sắp tới?” là một câu hỏi mà mỗi người có liên quan tới Internet thường xuyên nhắc đi nhắc lại. Nhưng sau vài năm bùng nổ, thì câu hỏi rằng điều gì sẽ đến sau các mạng xã hội không còn quá xa vời. Rất may, một số chuyên gia hàng đầu đã cho chúng ta câu trả lời. Vào trung tuần tháng 11/09, Trường kinh doanh Said tại Đại học Oxford đã mời một số nhà doanh nghiệp thành đạt và sáng giá từ thung lũng Silicon (Mỹ) tới Oxford để nói chuyện với các sinh viên trong sự kiện hàng năm lần thứ 9. Sự kiện do hiệu trưởng Frances Cairncross nhiệt tình và quyết đoán của Trường Exeter chủ tọa. Chuyên gia đầu tiên đề cập đến câu trả lời cho chúng ta là Peter Thiel, người đồng sáng lập ra dịch vụ thanh toán PayPal và cũng là người đi tiên phong trong việc đầu tư vào Facebook và LinkedIn. Ông lưu ý chúng ta rằng việc đầu tiên hãy đánh giá xem chúng ta đang ở giai đoạn nào với các mạng xã hội. “Với công nghệ kỹ thuật số, có một xu thế đánh giá thấp khi điều gì đó đang trở nên hoàn thiện, nhưng việc hiểu rõ tình hình tài chính và công nghệ mới thực sự là quan trọng”, ông giải thích. “Nếu bạn nhìn lại từ hôm nay, rõ ràng năm 2002, thậm chí có những chuyên gia vẫn tiếc rằng ở thời điểm đó Google đã trở thành cỗ máy tìm kiếm chủ yếu. Nếu mọi người lúc đó mà hiểu rằng gần như không còn cơ hội nào để vượt qua Google nữa, thì một số khoản đầu tư có lẽ đã khác. Nhưng ở thời điểm đó, chúng ta đã không nói tới Google theo cách thế này”. Ông nói với cử tọa: “Vậy đối với lịch sử của mạng xã hội, thì chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang ở giai đoạn đầu, và hầu hết các công ty sẽ chưa thực sự nổi bật trong vòng vài năm tới? Hay chúng ta đang ở giai đoạn sau, khi mà các công ty như Facebook, LinkedIn hay Twitter đã thực sự hoàn chỉnh và sẽ tập trung vào công việc kinh doanh để tồn tại?” Sau đó ông đã nêu ra một khả năng táo bạo và quan trọng hơn nữa – rằng giai đoạn phát triển của Internet tự nó đã tới giai đoạn cuối cùng: “Liệu có phải chúng ta đang ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển mạng xã hội ảo? Và có phải mạng xã hội là phát kiến cuối cùng của Internet?” “Hãy xem, chúng ta đi từ sự phát triển của viễn thông tới Internet và từ Internet tới mạng xã hội. Có lẽ sẽ không có thêm phát kiến nào thêm nữa, và chúng ta phải tìm kiếm theo một hướng hoàn toàn khác, có lẽ chúng ta phải trở lại với những tiểu thuyết viễn tưởng về khoa học và vũ trụ”. Là CEO của Twitter, dịch vụ tiểu blog đang nổi lên như cồn ở Mỹ và châu Âu, Biz Stone lại khá chắc chắn rằng điều đó không thể như thế. Trước đó ông đã nói với các nhà báo rằng hiện tại ông không nghĩ đến bán công ty mà thay vào đó có thể sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán nếu cần, ông bắt đầu làm dịu đi bầu không khí, và đã nói đùa như là mình tự nhiên ở đâu rơi xuống diễn đàn vậy: “Mạng xã hội? Là cái quái gì thế?” CEO LinkedIn, ông Reid Hoffman Biz Stone, CEO Twitter tự đặt mình ra ngoài trách nhiệm phải trả lời câu hỏi đó, và tuyên bố rằng Twitter thậm chí không phải là một mạng xã hội. “Twitter không bao giờ yêu cầu ai đó phải có quan hệ lâu dài lẫn nhau. Thực tế, tuần trước, chúng tôi thậm chí còn thay đổi câu hỏi mà chúng tôi sử dụng trên Twitter ‘What are you doing?’ (Bạn đang làm gì?) trong ‘What’s happening?’ (điều gì đang xảy ra?) bởi vì mọi người thường bỏ qua nó”. “Tôi thích gọi Twitter là một mạng thông tin hơn là một mạng xã hội. Và ở đây, tôi tin vào xu hướng của sự cởi mở. Sử dụng một công nghệ mở, tạo ra một nền tảng cởi mở và trở nên minh bạch hơn là điểm đến mà chúng tôi đang hướng tới”. Ông Stone tin rằng công nghệ có một hiệu ứng chính trị mà chúng ta không nên đánh giá thấp. Ông nói: “Trên diện rộng, sự trao đổi thông tin cởi mở sẽ dẫn tới những tác động toàn cầu mang tính tích cực. Nếu người dân được thông tin nhiều hơn, họ sẽ tham gia nhiều hơn, và khi người dân tham gia nhiều hơn, thì họ cũng sẽ đồng cảm nhiều hơn. Họ là những công dân toàn cầu, chứ không chỉ là công dân của mỗi một quốc gia”. Ram Shriram, một trong số những thành viên đầu tiên của ban quản trị Google và cũng là một trong số những nhà đầu tư đầu tiên của người khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm, lại đưa cuộc thảo luận đi theo một hướng khác. “Kết hợp giữa tính xã hội và di động – sẽ có một làn sóng các cơ hội mới đến, một sự phát triển về số người sử dụng, vì thế mobile Internet gần như là một chu kỳ quan trọng nữa của ngành máy tính. Và lần này nó đã không bắt nguồn từ Mỹ, mà từ châu Á, châu Âu rồi mới lan tỏa tới nước Mỹ”, ông nói. "Tại Trung Quốc và Ấn Độ, người dân thường xuyên dùng điện thoại di động của họ như là PC; và đó là cách mà họ truy cập dữ liệu. Chúng ta đang chứng kiến những làn sóng phát hành mới với YouTube, Facebook và Twitter, và xã hội được đặt ở vị trí trung tâm. Sẽ có sự sáng tạo và sản xuất thông tin. Và cũng sẽ có những mô hình tiêu thụ và phân phối thông tin mà làm ảnh hưởng tới xã hội. Điều đó thậm chí cũng sẽ làm giảm đi vai trò của các tờ báo”. Sau đó, ông đưa ra một số các dự đoán: “Facebook sẽ thay thế email cho một thế hệ mới. Các ứng dụng chat sẽ chuyển sang định dạng đa phương tiện. Trò chơi sẽ chuyển từ các thiết bị sang trực tiếp từ Internet. Và Apple sẽ có một tương lai sáng lạn bởi vì họ tập trung khá nhiều vào điện thoại di động”. Ngoài ra, các cơ hội kinh doanh liên quan đến lĩnh vực mới mẻ của điện thoại di động cũng sẽ được nắm bắt bởi các công ty nhỏ còn non trẻ, bởi vì không quá khó khăn hay đòi hỏi nhiều chi phí để xây dựng những ứng dụng này, những ứng dụng mà có thể thành công hay thất bại ngay tức thời. Shriram cũng tin rằng quảng cáo sẽ ít trở nên quan trọng hơn: “Người dùng sẽ có xu hướng trả tiền cho các dịch vụ trọn gói của mobile Internet”. Reid Hoffman, sáng lập viên của LinkedIn, người từng tốt nghiệp Đại học Stanford và lấy bằng thạc sỹ triết học ở Oxford, đã phản bác lại học thuyết “mạng xã hội là điểm cuối” mà Thiel đang hướng tới. “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta mới chỉ đang bắt đầu nhìn xem mọi người dần mang mạng xã hội vào cuộc sống của họ như thế nào”, ông nói, và nhắc lại với cử tọa cái cách mà điện thoại di động đã phát triển từ một dụng cụ cho ngành ngân hàng tới một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. “Tôi nghĩ rằng hiện tượng các mối liên hệ trực tuyến đã làm giàu thêm cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta. Bạn có thể nghĩ ‘Ai mà thèm tiêu thụ tất cả mớ thông tin vô dụng này?’ nhưng với một vài thông tin bạn thích, thì đó lại là món kem yêu thích của bạn. Có thể nó chẳng bổ dưỡng, nhưng mọi người vẫn cứ sử dụng nó đều đặn. Và để hiểu được điều gì sẽ tới, bạn sẽ phải chuyển sang các mô hình kinh doanh”. Đối với các ứng dụng Faceook, Last.fm, ông tranh luận, việc sử dụng dữ liệu thời gian thực sẽ trở nên quan trọng hơn. “Ngày nay mọi người đều có thể tạo ra dữ liệu. Tôi nghĩ rằng lượng dữ liệu lớn sẽ là điều kiện hoàn hảo cho các ứng dụng mới. Sẽ có nhiều những ứng dụng mới xuất hiện. Những ứng dụng thực tế nhất, cũng giống như người mà bạn nên gặp trong công việc, và cũng có điều mà chúng ta thậm chí chẳng hề nghĩ tới. Ví dụ như sẽ có một sự kết hợp đầy thú vị giữa LinkedIn và Twitter”. Tiến sỹ Kate Blackmon, giảng viên của Đại học Oxford chỉ đưa ra ý tưởng của mình một cách ngắn gọn khi cho rằng tương lai không phải là nguồn lực đông đảo mà là sự chọn lọc của tập hợp đó. Vậy có phải truyền thông xã hội đã hết thời? Đã có đủ các mạng xã hội để lấp đầy khoảng trống, nhưng việc sử dụng hiệu quả các dòng thông tin được đưa lên các mạng xã hội đó thì là điều mà chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu.