Bạn nghĩ xóa file đơn giản là ấn Shift + Del rồi Enter? Đó là một suy nghĩ sai lầm. Bạn đã từng có những dữ liệu nhạy cảm như: tài liệu mật của công ty, các video hay bức ảnh cần xóa? Bạn muốn không cho ai biết hay sử dụng dữ liệu của mình? Bạn nghĩ chỉ với một thao tác đơn giản Shift + Del rồi Enter là bạn đã hoàn thành công việc đó? Nếu vậy, bạn đã sai lầm. Xóa dữ liệu không phải việc dễ dàng Mỗi khi chúng ta ghi thông tin vào ổ đĩa, các ô nhớ sẽ được lấp đầy bởi dữ liệu nạp vào. Khi chúng ta xóa, hệ thống hoàn toàn không loại bỏ dữ liệu khỏi ô nhớ đó mà chúng chỉ xóa đường dẫn tới các file đã bị loại bỏ khỏi hệ thống. Dễ hiểu hơn một chút, việc xóa file của Windows và các hệ điều hành nói chung đơn giản là xóa đi cách thức chúng ta tiếp cận và sử dụng file chứ không xóa đi dữ liệu của file đó đã ghi trên đĩa cứng. Trong trường hợp xóa dữ liệu, các ô nhớ hoàn toàn không bị "làm sạch" mà chúng chỉ trong trạng thái chờ đợi các dữ liệu khác được nạp đầy. Như vậy, người ta hoàn toàn có thể khôi phục bất cứ dữ liệu nào đã từng xuất hiện trên đĩa cứng bằng cách "ép" các ô nhớ trả lại các dữ liệu mà chúng ta tưởng như đã xóa. Đồng thời chúng khôi phục đường dẫn tới các file để chúng ta có thể truy xuất các file đó một cách dễ dàng. Muốn tránh bị khôi phục, hãy ghi đè Như đã nói ở trên, dữ liệu đã được ghi vào ổ cứng hoàn toàn không bị xóa cho dù bạn có sử dụng tính năng nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, có cách khá dễ dàng để các bạn có thể tránh việc khôi phục dữ liệu nhạy cảm của mình. Phương pháp đó là hãy ghi đè bất cứ dữ liệu nào lên phần lưu trữ dữ liệu mà bạn không muốn người khác nhòm ngó. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện bằng tay nhưng tương đối phức tạp và không chính xác. Bạn có thể thực hiện việc ghi đè dữ liệu bằng các phần mềm chuyên dụng được viết ra bởi các hãng thứ 3. Các phần mềm này có thể tìm kiếm trên mạng. Việc này thực hiện trên nguyên tắc chính là khi bất cứ ai muốn khôi phục dữ liệu của bạn là họ sẽ tìm được dữ liệu mà bạn cố tình ghi lên chứ không phải dữ liệu bạn đã xóa. Khá đơn giản nhưng hiệu quả. Ghi đè không phải hoàn hảo, muốn xóa file chỉ có "phá" ổ cứng Có một sự thật khá phũ phàng rằng xóa file bằng biện pháp ghi đè không phải hiệu quả tuyệt đối. Về lý thuyết, luôn có cách khôi phục dữ liệu từ một ổ cứng đã từng lưu chúng. Cụ thể, bất cứ ai muốn khôi phục dữ liệu đã ghi trên đĩa từ có thể nghiên cứu từ tính của các ô nhớ và dựa vào đó họ có thể truy ra toàn bộ dữ liệu của bạn. Đây là điều hoàn toàn có thật nếu bạn có đủ công nghệ, trình độ và thời gian. Do đó, đây không phải chuyện viễn tưởng trên film ảnh hay các câu truyện trinh thám. Tuy nhiên, tin vui là có những chuẩn mực nhất định về việc dữ liệu hoàn toàn. Nói một cách vui vẻ thì đến việc xóa hoàn toàn một dữ liệu khó tương tự việc tìm ra chính xác 100% số Pi trong hệ thập phân (số Pi là số vô tỷ), tuy nhiên, người ta chấp nhận một giới hạn nào đó trong sai số của số Pi. Sai số này khác nhau ở mỗi ngành, mỗi nghề và mỗi dự án. Ví dụ như học sinh tiểu học chỉ cần biết số Pi vào khoảng 3,14; hơn một chút nữa, lên cấp 3 trong một số bài tập Vật Lý nhất định số Pi được lấy là 3,1416 hay 3,14159; đến với các ngành khoa học chính xác như sản xuất ống kính thì số Pi được tính toán chính xác đến số thứ 20 sau dấu phẩy... Việc xóa dữ liệu hoàn toàn cũng vậy: Với mỗi nhu cầu chúng ta có một "hạn mức" nhất định. Nếu như "đối thủ" của bạn chỉ thuộc hàng Google ra cách khôi phục thì 1 ghi đè là quá đủ. Nếu đối phương giỏi hơn 1 chút thì 5 ~ 7 lần là coi như miễn khôi phục. Trong quân sự và các tài liệu có tính bảo mật cực cao (tài liệu sản xuất tên lửa xuyên lục địa chẳng hạn) thì nguyên tắc hầu hết là xóa và ghi đè khoảng 20 lần.Theo các chuyên gia bảo mật, hiện tại chưa có bất cứ thiết bị nào có thể khôi phục dữ liệu bị ghi đè trên 20 lần (tất nhiên là đúng tiêu chuẩn). (Cá nhân tôi thì nghĩ muốn thiêu hủy những dữ liệu quan trọng như trên thì các tổ chức cũng chả tiếc một cái ổ cứng). Như vậy, đừng quá chủ quan nhưng cũng đừng quá lo khi muốn bảo vệ dữ liệu mật của mình. Nếu vẫn sợ, các tốt nhất là giữ ổ cứng luôn ở bên mình. Theo genk.vn