Google Books: Phản đối hay ủng hộ?

Thảo luận trong 'Thông tin công nghệ' bắt đầu bởi Seshoumaru, 7 Tháng chín 2009.

  1. Offline

    Seshoumaru

    • Friends

    Số bài viết:
    379
    Đã được thích:
    180
    Điểm thành tích:
    0
    Sự thiếu thông tin, sự thờ ơ của cơ quan chức năng có thể khiến cho quyền lợi của nhiều tác giả, NXB Việt Nam trong vụ Google số hóa hàng nghìn cuốn sách chỉ là số không.

    Ngỡ ngàng

    Ngày 4/9 dự kiến là hạn chót một tòa án ở Mỹ đưa ra để các bên ủng hộ hoặc phản đối thỏa thuận thu xếp giữa Google và Hội các tác giả, Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ về việc Google quét trái phép sách của họ. Tuy nhiên, tòa án Nam New York đã quyết định gia hạn đến ngày 8/9, tức thứ Ba tuần này) do phải bảo trì máy tính. Ngày 7/10, tòa án sẽ mở phiên điều trần và ra phán quyết cuối cùng.

    GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, một cây đại thụ ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, ngạc nhiên khi biết tin Google đã số hóa trái phép cuốn sách “Lược sử Việt ngữ học” của ông viết chung với tác giả Nguyễn Huy Cẩn. Ông bối rối trước quyết định phải làm gì; lợi gì, hại gì nếu ủng hộ hay phản đối Google. GS. Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa XII cũng lần đầu tiên biết tin về việc cuốn sách “Nghĩ và viết” của ông bị Google số hóa trộm.

    Cũng như vậy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục không biết cuốn tiểu thuyết “Thành phố đứng đầu gió” và “Thăng Long ký” bị Google quét mặc dù ông nói đã ủy thác cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tác phẩm của ông.

    VLCC hiện thay mặt hơn 1.000 thành viên là tác giả, nhà xuất bản Việt Nam để đòi tiền bồi thường từ Google. Ông Nguyễn Vũ Phương, Trợ lý Giám đốc VLCC nói VLCC không ủng hộ hay phản đối mà chỉ đơn giản tham gia vào thỏa thuận dàn xếp của Google. Theo công bố của VLCC, có khoảng 4.400 cuốn sách của Việt Nam đã bị Google số hóa trái phép.



    Ủng hộ hay phản đối đều gian nan

    Google đã số hóa hơn 10 triệu cuốn sách bằng hơn 100 ngôn ngữ mà không xin phép tác giả hoặc người nắm giữ quyền đối với các cuốn sách đó. Để tránh vụ kiện kéo dài, tốn kém, Google đưa ra một đề xuất Thỏa thuận thu xếp với Hội các tác giả Mỹ và Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ là trả cho mỗi cuốn sách họ quét 60 USD và 63% doanh thu mỗi lần bán được một cuốn sách số. Đối tượng sách nhận đền bù là sách bị số hóa trước ngày 5/5/09.

    Trả lời câu hỏi tại sao VLCC lại chấp thuận mức đền bù như thỏa thuận giữa Google và Hội các tác giả Mỹ - tổ chức không đại diện cho các tác giả Việt Nam, ông Phương cũng thừa nhận thực tế, có nhiều ý kiến khác nhau về mức bồi thường này: người cho là ít, người lại cho là nhiều. Tuy nhiên, Google đã thừa nhận sai và trả tiền bồi thường, chứ không phải mua bản quyền. Ngoài ra, số 63% doanh thu trả lại cho tác giả cho mỗi lần cuốn sách số được bán đã là quá bán, “nên cũng là điều hợp lý”, ông Phương nói.

    Vấn đề là Google không cung cấp danh sách sách bị số hóa cho tác giả hay bất kỳ tổ chức đại diện cho quyền tác giả, quyền liên quan nào. VLCC có được danh sách này là do VLCC tự giám sát và có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền hợp pháp liên quan đến sách.

    Nhưng kể cả tham gia vào Thỏa thuận thu xếp, VLCC thừa nhận lấy được tiền từ Google cũng phức tạp và tốn kém thời gian, khoảng 1-2 năm sau khi được tòa án Mỹ chấp thuận. Ông Phương cho biết đến nay con số sách Google đã số hóa trái phép còn dao động vì có những cuốn được nhiều nhà xuất bản in nhưng Google chỉ chịu đền bù một lần hoặc phải dò lại tên chính xác của tác giả, nhà xuất bản, tựa sách do những thông tin này bằng tiếng Việt trên trang web của Google chuyên về xử lý vấn đề này là www.googlebooksettlement.com rất lộn xộn.

    Trường hợp phản đối Thỏa thuận thu xếp của Google, tác giả, nhà xuất bản hoặc người nắm giữ quyền thừa kế sách phải nộp đơn phản đối cho tòa án Mỹ trước ngày 8/9 qua đường bưu điện. Nếu không phản đối, mặc nhiên Google hiểu rằng các bên liên quan đồng ý tham gia Thỏa thuận. Nhưng nếu tác giả không đòi tiền, thì họ cũng không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào.

    Tất nhiên, tác giả có quyền kiện Google số hóa sách trái phép nhưng Google khuyến cáo việc kiện tụng sẽ rất tốn kém, mất thời gian. Người bị hại cũng còn có sự lựa chọn khác là đến trước ngày 5/4/2011, họ có thể yêu cầu Google loại bỏ sách của mình khỏi thư viện sách số Google.

    [IMG]
    Trang chủ của Google Books tiếng Việt có thêm dòng "thỏa thuận mang tính đột phá với các tác giả và nhà xuất bản".

    Không là chuyện giữa Google và tác giả, nhà xuất bản

    Cho đến nay, VLCC mới chỉ đại diện quyền lợi hợp pháp của các nhà văn là thành viên của mình. Trong khi đó, nạn nhân của Google trong vụ số hóa trái phép này còn là các nhà khoa học, nhà xuất bản, những người nắm quyền thừa kế và cả những cuốn sách cho đến nay chưa rõ ai sở hữu các quyền đối với nó – được gọi là sách “mồ côi”. Tìm kiếm tại website googlebooksettlement.com, có thể tìm thấy nhiều cuốn sách tiếng Việt loại này.

    Trên nguyên tắc, các cá nhân, tổ chức có quyền đối với sách có các sự lựa chọn của mình tham gia nhận tiền đền bù, từ chối hay kiện Google. Tuy nhiên, nếu họ không biết thông tin, không tự tìm kiếm thì không đòi hỏi quyền lợi của mình được. Chưa kể, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho các tác phẩm “mồ côi” bị Google số hóa trái phép?

    Trả lời qua điện thoại, ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) – cơ quan được chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bản quyền – nói “không có ý kiến gì”! “[Vấn đề này] các báo nói đầy rồi, báo Bưu điện hết chuyện nói à?”, ông Chu hỏi lại phóng viên.

    Người đại diện cao nhất Cục Bản quyền “không có ý kiến gì”, vậy nhà chức trách nào của Việt Nam sẽ lên tiếng bảo vệ quyền lợi chung cho các công dân, tác giả, nhà xuất bản Việt Nam, hướng dẫn họ nên làm gì trước thực tế Google số hóa sách trái phép rõ mười mươi này?

    Tham vọng xây dựng một thư viện sách số trực tuyến toàn cầu của Google đang gặp phải những phản ứng gay gắt từ các hiệp hội bảo vệ tác quyền, các doanh nghiệp và thậm chí cả các chính phủ.

    Chính phủ Đức vừa gửi đơn đến tòa án Mỹ phản đối thỏa thuận đạt được giữa Google với các hiệp hội tác giả và xuất bản Mỹ vì đã số hóa sách của các tác giả và nhà xuất bản Đức mà không xin phép. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền Đức đồng thời quan ngại thỏa thuận của Google “sẽ tạo ra một cơ chế bản quyền mới có hiệu lực toàn cầu mà không có bất kỳ sự can dự nào của những người sẽ bị tác động mạnh mẽ là các tác giả, NXB và các thư viện số.”

    Một số nhà văn Canada đã phát động chiến dịch trực tuyến phản đối hòa giải với Google. Họ miêu tả hành động số hóa sách của Google là ăn cắp trắng trợn và coi thường luật bản quyền của Canada.

    Các đối thủ của Google gồm Amazon, Microsoft và Yahoo cũng đã lên tiếng phản đối, đồng thời cùng với các hiệp hội thư viện, hiệp hội tác giả và nhà báo Mỹ… hình thành nhóm chống Google, gọi là Liên minh sách mở.


    (Nguồn: ICTNews)


Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí