HDMI 1.4 thôn tính đường truyền

Thảo luận trong 'Thông tin công nghệ' bắt đầu bởi congthangitvn, 1 Tháng chín 2009.

  1. Offline

    congthangitvn

    • Thành viên sáng lập

    • Liên thông đại học 2012...!
    Số bài viết:
    2.232
    Đã được thích:
    1.550
    Điểm thành tích:
    1.450
    Rõ ràng HDMI đã hạ "knock-out" DisplayPort (ID: A0802_98) vì nhiều nhà sản xuất nghiêng sang HDMI khi ngày càng nhiều sản phẩm hỗ trợ chuẩn này. Trong thời gian sắp tới, "vương triều" HDMI lại càng được củng cố khi hiệp hội HDMI Licensing (LLC) vừa công bố những tính năng mới trong đặc tả HDMI 1.4 sắp đến.

    [IMG]
    Hình 1.

    Mục tiêu chính của HDMI là truyền âm thanh, hình ảnh ở mức chất lượng cao nhất có thể, không nén. Và điều này, HDMI 1.3 trở về trước đã làm được. Nhưng có thể xem HDMI 1.4 mở rộng hơn nữa khả năng của HDMI, nhắm đến 2 mục tiêu phụ: đơn giản hóa kết nối và khả năng tương tác 2 chiều.


    HDMI 1.4 - những điểm mới


    1. Thêm 1 kênh ethernet:
    Có thể nói HDMI sẽ "nuốt trọn" dây cáp ethernet, càng làm cho chiếc TV tương lai gọn gàng hơn nữa. Kênh ethernet được chèn thêm vào cáp HDMI cho phép các thiết bị có ngõ HDMI hỗ trợ chuẩn 1.4 có thể chia sẻ nội dung qua mạng ethernet với nhau.

    2. Thêm 1 kênh phản hồi audio: Có tên là Audio Return Channel, kênh này giúp giảm số lượng cáp cần để truyền âm thanh tới thiết bị (như A/V receiver) để xử lý và phát. Còn trong trường hợp HDTV nhận tín hiệu trực tiếp từ đầu phát, kênh Audio Return này có thể gửi tiếp tín hiệu âm thanh đến đầu A/V receiver mà không cần nối thêm cáp khác. Tóm lại, kênh này sẽ giúp bạn giảm bớt 1 cáp truyền âm thanh trong hệ thống nghe nhìn (xem hình 3).

    [IMG]
    Hình 2.

    3. 3D over HDMI: Đặc tả của phiên bản 1.4 sẽ định nghĩa các định dạng 3D phổ biến và độ phân giải cho các thiết bị hỗ trợ HDMI. Tính năng này giúp chuẩn hóa mọi thiết bị nhập/xuất tín hiệu độ nét cao trong hệ thống 3D và có thể xử lý song song 2 luồng tín hiệu 1080p.

    4. Hỗ trợ độ phân giải đến 4K x 2K: 1080p chưa phải là mức cao nhất khi mà HDMI 1.4 có thể hỗ trợ độ phân giải gấp 4 lần độ nét này (tương đương với các định dạng của rạp chiếu bóng). Hai độ phân giải mà HDMI 1.4 hỗ trợ là: 3840x2160 ở 24Hz/25Hz/30Hz và 4096x2160 ở 24Hz.

    5. Tăng độ sâu màu: Công nghệ HDMI mới giờ đây hỗ trợ thêm cả dải màu dành cho máy ảnh số. Hỗ trợ dải màu sYCC601, Adobe RGB và AdobeYCC601, màn hình hỗ trợ HDMI 1.4 có thể tái hiện màu sắc chính xác hơn khi kết nối với máy ảnh số.


    [IMG]
    Hình 3.

    6. Đầu cáp nhỏ hơn: Đầu cáp HDMI trước đây LLC gọi là Type C và nay vẫn thế. Nhưng LLC vừa đưa ra một đầu cáp HDMI mới dành cho thiết bị di động gọi là Type D, nhỏ gọn hơn 50%, có 19 chân, hỗ trợ đến độ nét 1080p, gần giống với đầu cáp USB dạng nhỏ (micro USB).

    7. Kết nối cho xe hơi: Mang tên Automotive Connection System, đây là đặc tả về cáp được thiết kế chuyên dùng để truyền HD trong xe hơi, do đó có những đặc tính chống nhiệt, rung và tiếng ồn; có thể xem đây là giải pháp đúng lúc dành cho các hãng sản xuất xe hơi.

    HDMI 1.4 hướng nhu cầu

    Không phải bạn cứ tìm thiết bị hay cáp hỗ trợ HDMI 1.4 thì đều có được hết 7 tính năng kể trên và các nhà sản xuất cũng không muốn bạn phải nhớ số phiên bản HDMI nào (từ 1.0 đến 1.4) thì hỗ trợ tính năng nào. Về cáp, LLC đưa ra 2 chọn lựa: cáp HDMI chuẩn và cáp HDMI tốc độ cao. Trong đó, cáp HDMI chuẩn chia làm 2 loại: loại hỗ trợ tới độ nét 1080i 60Hz và loại có kết nối ethernet. Cáp HDMI tốc độ cao cũng chia làm 2 loại: loại hỗ trợ độ nét trên 1080p với tính năng Deep Color, định dạng 3D (theo chuẩn 1.4); và loại có hỗ trợ ethernet. Ngoài ra, LLC cũng đưa ra loại cáp Automotive HDMI để kết nối thiết bị gắn ngoài với thiết bị HDMI trong xe hơi.


    [IMG]
    Hình 4.

    Vậy khi nào cần HDMI chuẩn và khi nào cần HDMI tốc độ cao? Băng thông tối đa của HDMI là 10,2Gb/s, tuy vậy, với những sản phẩm hỗ trợ độ nét 720p, 1080i như truyền hình vệ tinh, các dịch vụ truyền hình cáp độ nét cao... thì bạn chỉ cần đến cáp HDMI chuẩn. Còn với những sản phẩm 1080p như đầu đọc Blu-ray, video độ nét cao theo nhu cầu thì mới cần đến cáp HDMI tốc độ cao. Quay lại với lợi ích có thể xem là "cộng thêm" của đặc tả HDMI 1.4 là: đơn giản hóa kết nối và khả năng tương tác 2 chiều. Có thể nói việc "nhúng" ethernet vào HDMI là hướng đi rất hợp của LLC khi mà dòng TV có chức năng Internet ngày một xuất hiện nhiều (ID: A0905_91). Cáp HDMI 1.4 có thể giao tiếp 2 chiều tốc độ cao, giúp 2 thiết bị truyền/nhận dữ liệu với chuẩn ethernet tốc độ 100Mb/giây và có thể áp dụng cho các ứng dụng nền IP, bỏ bớt được 1 sợi cáp ethernet. Bên cạnh đó, tính năng tương tác 2 chiều đã từng được các hãng sản xuất thiết bị nghe nhìn áp dụng trước đây, như công nghệ Anynet của Samsung, Aquos Link của Sharp, CE-Link, Regza Link của Toshiba, Viera Link của Panasonic,... giúp bạn chỉ cần nhấn một nút "Play" trên bộ điều khiển từ xa để bật cả 1 hệ thống giải trí gia đình gồm đầu đọc đĩa, đầu A/V receiver và HDTV. Tuy vậy, những công nghệ này buộc bạn phải sử dụng đồng bộ cho cả hệ thống, nghĩa là cả 3 thiết bị trong hệ thống ít nhất cũng của cùng 1 nhà sản xuất và phải hỗ trợ công nghệ liên kết nào đó. Khả năng này do mạch điều khiển CEC (Consumer Electronics Control) xử lý, giao tiếp qua chân số 13 trong 19 chân giao tiếp của đầu cáp HDMI. Tuy vậy, các công nghệ này giống như chỉ truyền 1 chiều.


    [IMG]
    Hình 5.

    Với HDMI 1.4, các thiết bị có thể "bắt tay nhau" tốt hơn nữa mà không cần phải theo một công nghệ riêng của hãng nào, không trói buộc người dùng phải "khoanh vùng" sản phẩm để có được 1 tính năng nào đó như Regza Link chẳng hạn. Điều thú vị là nhờ có khả năng này mà người dùng không phải tinh chỉnh gì nhiều trên hệ thống, vì cả 3 thiết bị sẽ có khả năng tự động nhận diện lẫn nhau và xuất ra màn hình thiết lập chung (tốt nhất có thể) mà cả 3 thiết bị đều hỗ trợ. Ví dụ, bạn có 3 thiết bị và bạn kết nối theo thứ tự: đầu đọc Blu-ray, đầu A/V receiver 720p và HDTV 1080p. Nếu cả 3 thiết bị này và cáp HDMI hỗ trợ đặc tả 1.4 thì hệ thống sẽ tự động nhận diện và xuất lên màn hình video độ nét chỉ ở mức 720p. Còn nếu bạn kết nối: đầu đọc Blu-ray – HDTV – A/V Receiver thì lúc này HDTV sẽ hiển thị 1080p.

    Vậy khi kết nối 2 thiết bị với nhau thì chúng "nói chuyện gì”? Có 2 chuyện: cả 2 sẽ cùng tìm ra những tính năng gì mà cả 2 đều có và sẽ trao đổi với nhau về khóa bảo mật HDCP (High-bandwidth Digital Content Protection). Quá trình này mất khoảng 2 giây và đều là nhiệm vụ của phần mềm nhúng.

    Những phiên bản

    Chuẩn HDMI (High-Definition Multimedia Interface) do 7 công ty đồng phát triển gồm: Hitachi, Matsushita Electric Industrial (Panasonic/National/Quasar), Philips, Silicon Image, Sony, Thomson và Toshiba. HDMI 1.0 xuất hiện từ giữa năm 2003 và đến nay là phiên bản 1.4. Trong giai đoạn này, đáng chú ý nhất là cột mốc tháng 6/2006, khi LLC đưa ra bản HDMI 1.3 và áp dụng cơ chế bảo mật HDCP (ID: A0511_18), và khoảng 6 tháng sau, sản phẩm thương mại đầu tiên áp dụng HDMI 1.3 là chiếc PlayStation 3 của Sony kèm đầu đọc Blu-ray. Trong thời gian đó, nhiều sản phẩm cũ không hỗ trợ HDCP nên nhiều người dùng ca thán về cơ chế bảo mật HDCP. Tuy vậy, đến nay hầu hết các hãng sản xuất thiết bị đều hỗ trợ cơ chế bảo mật HDCP. LLC cũng phát triển đưa cơ chế bảo mật HDCP (do Intel phát triển) vào đặc tả HDMI.

    Một sản phẩm được chứng nhận chuẩn HDMI phải được 1 trong 7 công ty đồng phát triển HDMI nêu trên kiểm nghiệm và thông qua. Thiết bị được chứng nhận sẽ được dán logo HDMI. Hiện nay, có 7 phòng kiểm nghiệm sản phẩm HDMI (HDMI Authorized Test Center): 2 tại Nhật, 2 tại Trung Quốc, 1 tại Mỹ, 1 tại châu Âu và 1 tại Ấn Độ.

    Theo một chuyên gia, bạn không nên chú ý nhiều đến phiên bản HDMI nào mà nên chú ý đến tính năng của thiết bị hiện có. Ví dụ, bạn muốn hệ thống hiển thị được Deep Color thì các thiết bị như HDTV, A/V receiver, đầu Blu-ray... phải hỗ trợ tính năng này, và thường được nhà sản xuất quảng cáo rất kỹ lưỡng trên bao bì sản phẩm. Điều này cũng lý giải cho nhiều sản phẩm mới xem qua tương tự nhau nhưng lại có giá chênh lệnh nhau nhiều, ví dụ: HDTV chỉ hỗ trợ 1080p và HDTV vừa hỗ trợ 1080p, vừa hỗ trợ Deep Color và tần số 120Hz cho dù cả 2 HDTV này đều có đặc tả HDMI 1.3. Hơn nữa, các phiên bản HDMI cao hơn đều tương thích ngược với các phiên bản cũ.


    [IMG]
    Hình 6.

    Một vấn đề khác mà LLC từng đặt ra là truyền tín hiệu độ nét cao không dây, liệu có một đặc tả HDMI không dây nào không? Thực tế, LLC thử nghiệm truyền dữ liệu không dây ở tần số cao 60GHz thì tín hiệu gần bằng với chất lượng HDMI. Tuy nhiên, truyền độ nét cao không dây gặp phải 2 vấn đề chưa "thỏa" được nhu cầu thực tế. Một là do truyền trên tần số cao nên rất dễ ảnh hưởng đến các thiết bị không dây khác như sóng điện thoại, truyền hình, Wi-Fi... trong nhà. Hai là với nhu cầu thưởng thức video độ nét cao trong phòng khách, người dùng sẽ rất khó chịu nếu hình ảnh thỉnh thoảng bị giật hình, méo tiếng chỉ do đường truyền bị "tắc" một chút, so với lướt web Wi-Fi, bạn có thể dễ dàng bỏ qua nếu đôi lúc đường truyền bị chập chờn.

    Độc đạo

    Cho dù HDMI phiên bản nào đi nữa thì cũng đều đem lại nhiều ích lợi cho người dùng so với các kết nối khác nếu ta muốn bước vào thế giới độ nét cao. HDMI chỉ có một chút cạnh tranh với DisplayPort về phía các nhà sản xuất là phí bản quyền cho mỗi sản phẩm xuất xưởng (714 đồng/thiết bị; hoặc 178,57 triệu đồng/năm với hợp đồng sản xuất lớn) trong khi DisplayPort hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, với hơn 850 công ty sản xuất đang đưa đặc tả HDMI vào sản phẩm điện tử tiêu dùng và thiết bị PC của họ trên toàn cầu và theo công ty nghiên cứu thị trường InStat, trong năm 2009 sẽ có trên 394 triệu thiết bị hỗ trợ HDMI ra đời cộng với trên 1 tỉ thiết bị cũ trước đây nữa thì rõ ràng người dùng không còn chọn lựa nào khác. Cũng như khoảng 6 tháng sau khi HDMI 1.3 ra đời thì chiếc PS3 mới xuất hiện, có thể 6 tháng nữa chúng ta sẽ thấy những sản phẩm HDMI 1.4 đầu tiên có trên kệ bày hàng.


    Theo: PcWorld
    Ronaldo thích bài này.

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí