ICTnews – Mặc dù phiên tòa xét xử bốn công dân Trung Quốc vì tội vi phạm bản quyền Microsoft đã khép lại, nhưng với nhiều người dân nước này, họ là “những kẻ tử vì đạo”. Hong Lei, người thành lập trang web “Tomato Garden” (Vườn cà chua) - một trang web khá nổi tiếng tại Trung Quốc chuyên cung cấp miễn phí các phiên bản hệ điều hành Windows XP đã bị xử phạt 3,5 năm tù giam với tội danh sản xuất phần mềm vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, kể từ khi bị bắt giữ vào năm ngoái, Hong Lei đã được người dân Trung Quốc tôn làm người hùng Internet. Những người sử dụng phần mềm của Hong đã lập ra một diễn đàn trực tuyến dành cho người hâm mộ Hong, đây là một nơi để họ trao đổi về sự hữu ích của phần mềm được bẻ khóa mà Hong và các thành viên khác tạo ra. Diễn đàn này có biểu tượng mặt quả cà chua cười đeo kính râm. Cổng Web Trung Quốc Sina.com đã tiến hành một cuộc thăm dò với câu hỏi bạn ủng hộ “Vườn cà chua” hay Microsoft, hơn 80% trong tổng số 184.000 phản hồi chọn ủng hộ “Vườn cà chua” và chỉ có 4,4% ủng hộ Microsoft. Liu Fengming, phó giám đốc Microsoft khu vực Trung Quốc cho biết, mọi người coi Hong Lei như một tài năng, một anh hùng dân tộc. Đây chỉ là một phần của vấn đề. Tuần trước, sau khi tòa án tỉnh Tô Châu xét xử Hong và ba người khác từ 2 đến 3,5 năm tù giam với tội danh vi phạm bản quyền, trên banner website của Hong xuất hiện dòng chữ: “Hong Lei đã bị xét xử. Tomato đã chết”. Hong chỉ đơn giản là một trong vô số người đã tham gia vào các phi vụ kinh doanh phần mềm lậu tại Trung Quốc. Những phiên bản Windows XP “Vườn cà chua” đã đem lại hàng trăm ngàn USD tiền quảng cáo cho Hong và đồng bọn. Hong đã tạo ra một khối lượng khách hàng trung thành lớn và rất nhiều người trong số này đã coi Hong như một người lãnh đạo chuẩn mực cho phong trào cải cách tại Trung Quốc. Nhiều người sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền không sống tại Trung Quốc đã nêu quan điểm rằng không có gì sai trong việc sử dụng sản phẩm công nghệ sao chép. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng trong trường hợp này, “cảm tính” đóng vai trò hoàn toàn khác. Theo Eric Priest, trợ lý giáo sư tại trường đại học Luật Oregon (Mỹ), người Trung Quốc luôn đặt chủ nghĩa dân tộc lên trên hết, chính vì vậy, trong vụ việc “Vườn cà chua”, “đại gia” phần mềm của Mỹ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các công dân Trung Quốc. Theo ý kiến của một số cá nhân liên quan đến vụ việc này, phần mềm trái phép và các doanh thu khác tại Trung Quốc chỉ ảnh hưởng rất nhỏ tới doanh thu toàn cầu hàng năm của Microsoft. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, mặc dù Trung Quốc có thị trường máy tính lớn thứ hai toàn cầu nhưng tính đến quý II/2009, doanh thu tại thị trường này chỉ chiếm 18% toàn cầu. Theo Wall Street Journal, các phần mềm được down miễn phí từ trang web Tomatolei.com của Hong; trong khi đó tại Trung Quốc, để mua một đĩa bản quyền Windows Vista, người ta phải mất 499 nhân dân tệ, tương đương với 73 USD. Hong và đồng bọn biện hộ rằng mình chỉ kiếm tiền từ các mục quảng cáo từ một số công ty như Công ty nghiên cứu Internet Baidu và công ty thương mại điện tử Alibaba Group, một công ty sở hữu 39% cổ phiếu của Yahoo. Baidu đã trả cho Tomatolei.com 936.000 Nhân dân tệ còn Alibaba đã trả 1,6 triệu Nhân dân tệ. Dựa vào doanh thu kiếm đươc bởi phần mềm trái phép, tòa án xử phạt Hong và Tomatolei.com 11 triệu Nhân dân tệ. Phát ngôn phía Baidu cho rằng công ty đã không dính dáng gì đến “Vườn cà chua” kể từ năm 2008. Trong khi đó, phát ngôn của Alibaba cho rằng mình là nạn nhân của vụ việc này bởi Tomatolei.com đã đảm bảo với Yahoo Trung Quốc rằng các sản phẩm bán trên website của họ đều là phần mềm có bản quyền. Luật sư của Hong, ông Mao Qinyong cho rằng bên nguyên đã tính toán số lần tải phần mềm từ “Vườn cà chua” quá cao so với thực tế và doanh thu kiếm được từ quảng cáo không thể coi là lợi nhuận kiếm được từ các phần mềm trái phép. Xử phạt thẳng tay đối với vụ việc Vườn cà chua có thể coi như sự khởi đầu trong chiến dịch truy quét tệ nạn vi phạm bản quyền của chính phủ Trung Quốc. Một ủy viên thuộc Viện quản lý bản quyền Quốc gia nhận định, vụ “Vườn cà chua” được chọn như một vụ xét xử điểm trong chiến dịch chống vi phạm bản quyền trực tuyến năm 2008 của Viện, ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại từ phía Microsoft. Microsfor và Liên minh phần mềm doanh nghiệp quốc tế (BSA) cũng coi vụ việc này như một cột mốc đánh dấu nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc chống phá nạn vi phạm bản quyền. Theo phó giám đốc Microsoft, Vườn cà chua là vụ việc lớn nhất mà Microsoft phải đương đầu từ trước tới nay và số tiền mà phía bị đơn chịu phạt là khá nặng. Dù phiên tòa xét xử Hong đã khép lại nhưng việc giam giữ và buộc tội Hong khiến nhiều người dân Trung Quốc coi anh như một “kẻ tử vì đạo” và cả nước đang dấy lên phong trào chống lại Microsoft. Lu Yuchao, một người thường xuyên sử dụng phần mềm Vườn cà chua phát biểu trên diễn đàn: “Hong quả là một thiên tài, tôi đã sử dụng các phần mềm này và chúng hoạt động rất tốt”. Lu đã mua phần mềm bẻ khóa chỉ với giá 10 Nhân dân tệ, khoảng 1,5 USD để cài cho máy tính của mình. :yyc16::yyc16: