:y66: Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tụng (theo báo Văn nghệ trẻ) Là một dân tộc có lịch sử lâu đời và địa bàn cư trú khá rộng rãi, ngay từ thiên kỷ II trước công nguyên, tổ tiên người Việt (Lạc Việt) đã đi vào thời đại đồng và trở thành xã hội có giai cấp, có Nhà nước với nhiều ngành nghề khá phát triển đặc biệt là nghề nông và nghề đánh cá. Ngoài ra, các nghề thủ công khác cũng đạt được nhiều thành tựu. Tất cả những điều đó phần nào biểu hiện thông qua ngôi nhà, đơn vị sinh hoạt nhỏ nhất, và sau đó là xóm làng cùng các đơn vị hành chính cao hơn nữa. Làng xóm của người Việt xưa được gây dựng ở những vị trí tiện nước sinh hoạt và sản xuất, đồng thời phải là nơi cao ráo có khả năng chống thú dữ, giặc giã. Về sau này, tiêu chí đó còn được mở rộng thêm, đó là tiện lợi về giao thông, khi phương thức sản xuất đã vượt qua khỏi phương thức tự cung tự cấp hai loại nhà chủ yếu là nhà sàn và nhà đất, tùy thuộc vào địa hình cũng như nhu cầu sử dụng về mặt không gian. Về sau này, khái niệm khuôn viên xuất hiện làm hoàn chỉnh thêm quy mô của mỗi ngôi nhà. Bao gồm trong mỗi khuôn viên là một tổ hợp nhà gồm có nhà chính, nhà phụ và các công trình phục vụ sinh hoạt khác như vườn, ao, nhà bếp, nhà kho... Cách bố trí trong khuôn viên gia đình không chỉ khác nhau bởi mức độ giàu nghèo, mà còn khác nhau ở mỗi địa phương. ở miền bắc thường có các loại tổ hợp nhà như nhà chữ môn; nhà chữ công; nhà chữ nhị; nhà thước thợ... ở miền nam lại có các loại tổ hợp nhà như: nhà chữ đinh; nhà nối đọi (còn gọi là xếp đọi, sắp đọi hay sóc đọi) cùng một số biến thể trên cơ sở của các loại nhà này. Cũng như nhiều dân tộc khác, nhà ở của người Việt thường sử dụng các loại thảo mộc kết hợp với đất đá. Càng về sau này, tỷ lệ đất đá càng nhiều hơn thay thế cho chất liệu thảo mộc. Ngôi nhà nhờ đó mà cũng vững chãi, ổn định hơn. Tuy nhiên, một số quy cách trong việc xây dựng thì vẫn được bảo đảm. Các quy cách này được ghi trên một chiếc sào tre gọi là thước tầm. Tùy theo từng địa phương cũng như quy ước của từng nhóm thợ, các ký hiệu trên thước tầm có thể khác nhau, song đây thực sự là một "bản vẽ" vô cùng chính xác mà cũng vô cùng bí ẩn của những ngôi nhà Việt. Nói đến một ngôi nhà, điều cơ bản nhất vẫn là mặt bằng sinh hoạt được tạo ra từ những kết cấu của ngôi nhà đó. Khái niệm xây dựng nhà không chỉ là dựng lên những bức tường, mà chính là không gian được tạo ra bởi những bức tường đó là hoàn toàn chính xác. Tùy theo điều kiện và tập quán ở mỗi nơi, mặt bằng sinh hoạt của mỗi ngôi nhà cũng có nhiều điểm khác nhau. Cùng trên một diện tích, nhưng mặt bằng sinh hoạt của một ngôi nhà sàn có thể gấp từ 2 đến 2,5 lần một ngôi nhà gỗ hoặc nhà gạch khác. Nhà ở của cư dân ven biển khác nhiều so với nhà ở của cư dân vùng đồng bằng; nhà đô thị khác với nhà nông thôn, ở miền bắc, miền trung và miền nam, cách bố trí tạo ra mặt bằng sinh hoạt của mỗi ngôi nhà đều khác nhau. Đây chính là nét phong phú, đa dạng của những ngôi nhà Việt, gắn với tập quán và tín ngưỡng của từng vùng. Ngôi nhà với tín ngưỡng dân gian Tuy chỉ là một tế bào rất nhỏ trong đời sống cộng đồng, nhưng với mỗi cá nhân, ngôi nhà lại là cả một vấn đề lớn. Nó không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, sinh hoạt của gia đình mà hướng nhà, thế đất còn ảnh hưởng đến cả tương lai con cháu sau này theo quan điểm của người xưa. Chính vì thế mà dựng nhà được coi là một trong những việc lớn của đời người, phải được chọn lựa rất kỹ càng với nhiều thủ tục không hề đơn giản. Muốn có được địa điểm "đắc địa" chủ nhà phải nhờ đến thầy "địa lý" hay các vị khoa bảng hiểu biết thuyết phong thủy và khoa phối hợp âm dương, ngũ hành để xem giúp. Người ta phải quan sát hình thế các mạch đất, hướng di chuyển của nước trong mạch đất để tìm ra nơi có chứa tụ khí của mảnh đất ấy. Chỗ đó gọi là đất "kết dương cơ" và sẽ được chọn để dựng nhà. Thế đất đẹp nhất phải là: "Minh đường thủy tụ" tức là trước nhà có nước tụ trong sáng như gương để nuôi dưỡng khí mạch của đất. Trước nhà mà có mặt nước rộng như thế thì gia chủ sẽ làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn. Còn trái lại, nếu thủy tụ bất thường, khi có, khi không, nước lại đục là không tốt. Cũng vì lý do này mà nếu trường hợp không có "thủy tụ" tự nhiên, người ta thường đào ao trước nhà hoặc xây hòn non bộ để tượng trưng cho yếu tố đó. Ngoài ra còn cần đến thế đất hai bên tả, hữu. Thế đất bên trái được gọi là "Thanh long", bên phải là "Bạch hổ". Nếu nhà có thế đất hai bên là thanh long và bạch hổ, như vậy là cân xứng "Tả phù hữu bật" làm ăn sẽ phát tài, nhiều lộc, con trai, con gái đầy nhà. Người Nam Bộ có câu: Không "long" như người không chân Không "hổ" như đứa ở trận không tay. Như vậy là bên trái phải có sông nước (thanh long: âm). Bên phải có đất cao (bạch hổ: dương). Nếu không có đất cao thì thay bằng vườn cây. Không những thế, mảnh đất để cất nhà còn phải phù hợp với hướng tuổi của gia chủ, nhà phải xa đình chùa, miếu mạo, cây cổ thụ. Nếu bắt buộc phải làm nhà gần đình chùa mà cùng trên một đường thẳng thì phải làm thụt lùi về phía sau một chút. Nhà không được làm trên mộ vì nhà là dương, mộ là âm. Tối kỵ là con đường, con nước (sông, ngòi, khe, suối hoặc đòn dông nhà người khác đâm thẳng vào mặt nhà mình. Hướng nhà cũng là điều rất quan trọng nên phải lựa chọn vô cùng cẩn thận. Trước hết phải là "hướng thuận tuổi" với tuổi chủ nhân. Nếu muốn có hướng nhà "đại lợi" thi căn cứ vào bát quái. Tỷ như: gia chủ tuổi Tuất, Hợi, thì không được làm nhà theo hướng tây - bắc. Hướng nhà còn được ấn định của năm làm nhà. Năm Giáp Tuất thì nhà không được quay về hướng bắc. Năm Giáp Tý, nhà không nên nhìn về hướng nam hoặc bắc... Ngoài ra còn phải để ý đến hướng nước chảy của các dòng nước gọi là "cuộc". Nước chảy về hướng tây là "kim cuộc", hướng đông là "mộc cuộc", hướng bắc là "thủy cuộc" và hướng nam là "hỏa cuộc". Nếu tuổi của gia chủ hợp với "mộc" thì nhà phải hợp với "mộc cuộc" tức hướng đông. Nếu nhà ở vị trí có dòng nước chảy quanh thì đó là địa điểm tốt vì được nhiều cuộc đất hợp lại. Xem thế đất và hướng nhà theo thuyết phong thủy thì rất phức tạp và không phải nơi nào cũng có người am hiểu thuyết này, cho nên hướng nhà thường được thực hiện theo kinh nghiệm của cha ông để lại: "Nam phương quý đường Bắc phương quý án Tứ thời bất hạn" Hay: "Ăn quả cành lạ, làm nhà hướng nam " Hoặc: - "Cất nhà quay cửa vô nam Quay lưng về chướng không làm mà cũng có ăn " - "Cất nhà quay mặt hướng đông Con gái không chồng mà lại chửa hoang" Nhà hướng nam phổ biến ở miền bắc vì đối với miền bắc hướng nam là hướng mát mẻ nhất. Còn ở nhiều vùng khác, nhất là miền trung trở vào Nam Bộ lại tùy thuộc vào hướng gió thịnh hành trong năm mà có hướng nhà khác nhau. Tuy vậy phổ biến nhất vẫn là hướng nam, đông, đông-nam hay tây-nam. :y55::y55::y55: