Khai thác MSConfig để "vọc" Windows (Phần I) MSConfig là gì? Công dụng của nó như thế nào? Đó đều là những thắc mắc thường gặp đối với những người sử dụng máy tính. Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu một chút lịch sử của MSConfig. MSConfig, hay còn được gọi là Microsoft System Configuration Utility là một ứng dụng được Microsoft đính kèm cùng hệ điều hành Windows nhằm mục đích điều chỉnh cấu hình cho hệ điều hành của hãng. Cùng với đó, MSConfig cũng là một phần của tiến trình cài đặt trong Windows. Vì MSConfig không được liên kết với trong Start Menu hay Control Panel nên bạn có thể truy cập vào MSConfig bằng cách vào thanh Start, chọn Run (hoặc Search tùy phiên bản Windows) và gõ msconfig. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu tổng quan nhất về MSConfig, những thẻ lựa chọn cũng như tính năng chung nhất của MSConfig. Trong các bài viết tiếp theo sẽ là những "mẹo vặt" và kỹ thuật sử dụng MSConfig để đạt hiệu năng sử dụng cao nhất với Windows. Đầu tiên, chúng ta hãy đến với thẻ General. Trong thẻ General có 3 sự lựa chọn và trước hết, là Normal startup. Đúng như tên gọi, lựa chọn mặc định này sẽ thiết lập đầy đủ các yêu cầu cần thiết dành cho Windows. Về sau, nếu bạn cần quay về lại các thiết lập ban đầu cho hệ điều hành thì đây là lựa chọn tối ưu nhất. Thứ hai, là lựa chọn Diagnostic startup. Nếu lựa chọn chế độ này, máy tính của bạn sẽ chạy như trong chế độ Safe Mode. Lúc này Windows chỉ tải các thiết bị cơ bản như: ổ đĩa, bàn phím, chuột,.. đây sự lựa chọn phù hợp mỗi khi máy tính gặp phải những trục trặc không biết được nguyên nhân. Cuối cùng là lựa chọn Selective Startup. Trong lựa chọn này còn có ba thiết lập khác. Tuy nhiên, bạn phải nắm rõ các thông tin cơ bản của hệ điều hành trước khi đưa ra quyết định bật/tắt một chức năng nào đó.Ví dụ như nếu bạn bỏ chọn Load System Services thì đồng nghĩa với việc dịch vụ Microsoft (ví dụ như Plug and Play, Networking and Error Reporting) sẽ bị vô hiệu hóa, đồng thời sẽ xóa tất cả các điểm khôi phục của tiện ích System Restore. Vì vậy, lời khuyên là bạn không được bỏ chọn nó. Tiếp đến là WIN.INI. Đây là thẻ lưu trữ các thông tin cơ bản như font chữ, thiết lập thời gian, thiết lập ngôn ngữ… Còn SYSTEM.INI nhằm mục đích giúp bạn tải các trình điều khiển như driver và một số thiết lập khác. Bây giờ ta hãy nhìn qua thẻ Boot (Hoặc Boot.ini). Tại đây, bạn hoàn toàn có thể thay đổi những thông số thiết lập mỗi khi khởi động Windows. Đồng thời, Boot cũng sẽ ghi nhận quá trình khởi động máy tính của bạn, đảm bảo đưa ra những thông tin cần kíp mỗi khi máy gặp trục trặc mà không rõ nguyên do. Thẻ thứ ba, Services, chính là một trong những thẻ khá quan trọng trong MSConfig. Đây là nơi bạn sẽ phát hiện ra những thứ khiến Windows gặp trục trặc hoặc những chương trình chạy nền nặng nề gây chậm máy. Một mẹo khá hay đó là kiểm tra các dịch vụ không gần cần thiết. Bạn hãy thử bỏ chọn ½ dịch vụ và chỉ chọn ½ còn lại. Sau đó, khởi động lại máy tính, thử chạy những ứng dụng mà bạn nghi ngờ có thể gây ra lỗi để kiểm tra. Nếu tiếp tục tồn tại những lỗi khó chịu, thì chắc chắn là sự xung đột là do các dịch vụ đang được kích hoạt. Ngược lại, sự xung đột hoàn toàn có thể nằm trong cách dịch vụ mà bạn đã bỏ kích hoạt. Việc này thoạt nghe có vẻ phức tạp và nhọc công, nhưng bạn chỉ cần dành ít thời gian để thực hiện là sẽ có được một chiếc máy tính khỏe mạnh và hoạt động tốt. Tương tự như thẻ Service, thẻ Startup cũng có chức năng liệt kê những chương trình được chạy cùng lúc khi Windows khởi động. Đây là một thẻ khá hữu ích nếu bạn muốn kiểm tra những phần mềm độc hại được cài vào máy. Thường thì, những phần mềm như malware, trojan sẽ tự động được kích hoạt chạy khi Windows khởi động. Do đó, hãy xem có tiến trình nào lạ đang chạy không nhé! Cuối cùng, thẻ Tools giới thiệu cho bạn những công cụ hữu ích mà Microsoft đã trang bị cho Windows như Task Manager, Registry Editor hay Network Diagnostics. Bởi vậy, hãy tận dụng tối đa khả năng của MSConfig để có một chiếc máy tính mạnh khỏe và hoạt động trơn tru nhất có thể. (Còn tiếp) nguồn www.gamek.vn