"Điều khó nhất trong kinh nghiệm làm người là khả năng nhìn sự việc theo quan điểm của người khác, thay vì của chính bạn. Hầu hết những người sắc sảo đều không thực hiện tốt điều đó. Thêm khả năng này vào một não bộ còn tươi mới giống như thêm thiếc vào đồng. Kết quả là đồng thiếc, một hợp kim cứng hơn đồng rất nhiều". Đó là một trong những điều mà Paul Graham - người sáng lập Công ty Y Combinator (YC) - thường nói với những thanh niên tuổi đôi mươi khi họ cần sự giúp đỡ của ông để khởi nghiệp với công ty riêng. YC vừa giống một qũy đầu tư mạo hiểm, vừa giống một trường dạy kinh doanh. Cho đến giữa năm 2009, có tất cả 144 công ty tại Mỹ đã ra đời nhờ sự "đỡ đầu" của YC. Những công ty như vậy thường có dòng chữ "Y Combinator" trên bảng hiệu của mình, tự hào rằng họ xuất thân từ "lò" YC. Jessica Livingston - đồng sáng lập YC, vợ của Paul Graham - giải thích về hoạt động của "trường khởi nghiệp" (startup school) YC: "Hai lần mỗi năm, từ những hồ sơ gửi đến, chúng tôi chọn ra từ 15 đến 20 nhóm người muốn thành lập công ty, mời họ chuyển đến ở cùng chúng tôi (tại Cambridge, bang Massachusetts vào mùa hè hoặc tại Silicon Valley, bang California vào mùa đông) trong ba tháng. Trong thời gian đó, chúng tôi hướng dẫn họ từng bước thủ tục thành lập công ty. Chúng tôi cấp cho họ đủ tiền để họ có thể ngưng công việc họ đang làm tại nơi nào đó và tập trung vào dự án thành lập công ty của riêng họ. Họ là những tài năng kỹ thuật nhưng chưa có kinh nghiệm về việc xây dựng mô hình kinh doanh, quản lý công ty và các vấn đề pháp lý. Chúng tôi giúp họ khởi nghiệp với chi phí thấp nhất". Sau ba tháng, YC tổ chức "Ngày trình diễn" (Demo Day), tại đó các nhóm sáng lập công ty thuyết trình về dự án của mình trước các nhà đầu tư. YC không thu tiền từ dịch vụ của mình. Bù lại, YC nắm giữ 6% giá trị của mỗi công ty được thành lập. YC thu lợi nhuận khi công ty mà họ đầu tư được mua lại với giá cao hoặc thu lợi nhuận từ số cổ phiếu mà họ nắm giữ (nếu sau này công ty đó được niêm yết ở sàn chứng khoán). Điều đó cũng có nghĩa là YC chấp nhận chờ đợi lợi nhuận sẽ đến trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Paul Graham đã từng khởi nghiệp và đã thành đạt. Năm 1995, với số vốn vay mượn 10.000 USD, Graham thành lập Công ty Viaweb, chuyên cung cấp phần mềm Viaweb Store (ở dạng ứng dụng Web) để xây dựng "cửa hàng trên mạng". Ba năm sau, Yahoo! mua lại Viaweb với giá 49 triệu USD! Viaweb Store trở thành Yahoo! Store. Như hầu hết những người từng thành lập công ty phần mềm, Graham làm quen với việc lập trình trên máy tính từ tuổi thiếu niên. Thế nhưng ước mơ của cậu học sinh trung học Graham là trở thành... nhà văn vì cậu rất thích sáng tác truyện ngắn. Vào Đại học Cornel, Graham lại chọn ngành triết học. Graham chỉ theo đuổi Khoa học Máy tính ở bậc sau đại học. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard, Graham nộp đơn vào trường mỹ thuật RISD (Rhode Island School of Design) để học làm... họa sĩ. Từ năm 1991 đến 1995, chàng "lãng tử" Graham dành phần lớn thời gian để sáng tác tranh và kiếm sống cầm chừng bằng việc lập trình. Sau khi lập gia đình và bắt đầu... nếm mùi túng bấn, Graham mới nghĩ đến giải pháp kiếm tiền một cách căn cơ: thành lập công ty phần mềm. Ở thời kỳ sơ khai của thương mại điện tử, Graham cùng hai người bạn cũ ở Harvard - Trevor Blackwell và Robert Morris (thủ phạm của việc phát tán sâu máy tính làm tê liệt Internet vào năm 1988) - quyết định thành lập Công ty Viaweb nhằm cung cấp giải pháp đột phá cho việc mua bán qua mạng. Paul Graham Khi Yahoo! mua lại Viaweb, Graham trở thành nhân viên của Yahoo!. Sau một năm rưỡi làm việc ở Yahoo!, Graham xin nghỉ việc vì "làm việc ở một công ty lớn thật ngột ngạt như bị trấn nước". Tuy vậy, Graham rất sợ khởi nghiệp lần nữa với một công ty phần mềm. Ông ví mình như người từng đi qua... chiến tranh, không muốn trở lại những tháng ngày "bầm dập" đầy âu lo. Đó là nỗi lo "thắt ruột" khi mọi việc đều mới mẻ nhưng không được phép phạm sai lầm, khi tiền bạc cứ cạn dần mà thành công không dễ đến như dự định. Công ty YC do vợ chồng Graham thành lập (cùng hai người bạn Blackwell và Morris) có mục tiêu hoàn toàn khác: "sản xuất" những công ty nhỏ. YC trợ giúp những người muốn thành lập công ty phần mềm hoặc công ty cung cấp dịch vụ qua mạng (tên gọi YC lấy từ khoa học máy tính, diễn đạt một hàm có khả năng tạo ra các hàm khác). Ý tưởng về YC đến với Graham trong lần ông được mời thuyết trình trước sinh viên Đại học Harvard với tư cách "một cựu sinh viên thành đạt". Graham khuyên những sinh viên muốn khởi nghiệp nên tìm đến những nhà đầu tư đã từng khởi nghiệp thành công với số vốn ban đầu ít ỏi. Trước những cặp mắt sáng ngời chăm chú nhìn mình, Graham vội đính chính: "Nhưng không phải tôi đâu nhé!". Từ trái qua: Jessica Livingston, Trevor Blackwell và Paul Graham Khi nghĩ lại về việc đó, Graham cảm thấy có lỗi với "đàn em". Trong tầm nhìn của mình, Graham thấy rõ thế hệ sau hoàn toàn có thể tránh được những va vấp mà ông đã gặp, hoàn toàn có thể khởi động một công ty với chi phí thấp hơn nhiều so với ông lúc trước nhờ sự phổ biến của Internet băng rộng, sự phát triển của phần mềm nguồn mở và công nghệ máy chủ ảo. Từ ý định "làm việc tốt", Graham triển khai kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh. Năm 2005, Graham khởi động YC với thông báo trên Web (http://ycombinator.com) hướng đến những sinh viên sau đại học: "Chúng tôi cho bạn đủ tiền để sống suốt mùa hè, tựa như một việc làm thêm mùa hè, nhưng thay vì làm việc cho một công ty nào đó, bạn làm việc cho công ty của riêng mình, thay vì nhận lương, bạn nhận được khoản tài trợ ban đầu để khởi nghiệp". Khoản tài trợ của YC không quá 25.000 USD cho mỗi dự án thành lập công ty. Graham bộc bạch: "Từ trường hợp Yahoo! và Google, tôi nghĩ rằng những sinh viên ở bậc sau đại học có đủ tư chất để khởi nghiệp thành công. Nhưng từ kinh nghiệm thực tế, tôi thấy rằng những sinh viên chưa tốt nghiệp đại học có tiềm năng không thua kém. Giới hạn tuổi cho những dự án thành lập công ty ở chỗ chúng tôi ngày càng thấp". YC chỉ có hai nhân viên làm việc toàn thời gian là Graham và Livingston vợ ông. Graham dùng nhà riêng làm trụ sở YC. Hầu hết hoạt động của YC diễn ra trong một gian phòng lớn, dùng làm lớp học. Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm thực tế, học viên ở YC còn học cách "đối nhân xử thế" do những người sáng lập YC truyền đạt. Một bữa ăn tối tại Y Combinator Với những học viên, Graham như người anh cả. Trong thời gian đầu, khi số người tham dự "trường khởi nghiệp" chưa nhiều, Graham cùng vợ đích thân chuẩn bị bữa ăn cho mọi người. Qua những bữa ăn đơn giản, ấm cúng, Graham mong muốn những học viên ở YC biết cách hạn chế nhu cầu chi tiêu, đồng thời tạo nên một cộng đồng doanh nhân có phong cách riêng. Thành công của YC phụ thuộc chủ yếu vào việc tuyển chọn "đúng đối tượng" trong những hồ sơ được gởi đến. Graham kể lại: "Lúc đầu, chúng tôi phân các dự án thành hai loại: dự án có triển vọng và không có triển vọng. Sau đó chúng tôi nhanh chóng thấy rằng cần bổ sung loại thứ ba: dự án không có triển vọng nhưng con người có triển vọng". Quá trình làm việc với những tài năng kỹ thuật khiến Graham nhận ra ở họ một nét chung: dự định khởi nghiệp thường dựa trên những việc mà họ thích làm hơn là phát hiện những nhu cầu mới từ thực tế, có khi rất đơn giản. YC nhận được không nhiều những ý tưởng đột phá. Phần lớn dự án hướng đến các loại hình dịch vụ quen thuộc: trò chơi trực tuyến, những dạng kết hợp khác nhau của blog, lịch cá nhân, giao tiếp nhóm bạn, môi giới hôn nhân,... Graham cùng những đồng sự của ông thường phải thảo luận với từng nhóm sáng lập công ty để tìm ra phân khúc thị trường mới. Graham nhận xét: "Vì sao quá ít dự án thực sự nghĩ đến nhu cầu của khách hàng? Tôi cho rằng vấn đề đối với những người ở tuổi đôi mươi là họ đã được dạy để nhảy múa trong vòng định sẵn. Họ đã tiêu tốn 15-20 năm để giải những bài toán mà người khác giao cho họ, không còn thời gian để tự đặt ra bài toán phải giải". Bảng hiệu của Anybots - một công ty xuất phát từ "lò" Y Combinator Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, hầu hết các công ty xuất phát từ YC đều thành công. Đã có những công ty được mua lại bởi các công ty lớn, đem đến cho YC nguồn lợi không nhỏ. Mô hình kinh doanh của YC bắt đầu được sao chép ở nhiều nơi tại Mỹ, Anh và Úc. Để có thể cho "ra lò" mỗi năm nhiều công ty hơn, Graham ra sức vận động các qũy đầu tư lớn vào cuộc. Đầu năm 2009, Graham hể hả thông báo cho giới báo chí: qũy đầu tư Sequoia (nguồn đầu tư của Google và YouTube khi khởi nghiệp) đã đồng ý sát cánh cùng YC. Khi một nhà báo hỏi Graham rằng vì sao cần nhiều công ty như thế, ông giải thích đơn giản: "Thử hình dung, thay vì sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin nhận việc làm ở một viện nghiên cứu nào đó. Có thể họ sẽ viết nên một hệ điều hành mà chẳng ai dùng đến hoặc những bài báo hàn lâm chán ngắt. Hãy nghĩ đến bao nhiêu điều họ đã làm cho thế giới từ khi họ thành lập công ty". Graham tin rằng việc cổ vũ cho ý chí kinh doanh có thể chỉnh sửa những nhược điểm của nền giáo dục, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề xã hội.