(QT) - Giáo sư - Tiến sĩ - Viện trưởng Viện Toán Trần Đức Vân đã đột ngột ra đi vào sáng ngày 16/7/2011. Nhân lễ chung thất- 49 ngày của anh, tôi có đôi dòng về cuộc đời anh để giới thiệu với bạn đọc gần xa, coi đó như một nén hương thắp lên để tưởng nhớ về anh. Giáo sư Trần Đức Vân sinh ngày 27/4/1951 tại làng Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cũng như các bạn bè cùng thời, cuộc sống lam lũ nơi đồng đất nghèo khó, vừa đi học vừa chăn trâu, cắt cỏ. Sau tết Ất Tỵ (1965), giặc Mỹ ném bom ác liệt vào thị trấn Hố Xá và Trường cấp 3 Vĩnh Linh. Vì vậy khoá học cấp 3 đầu tiên của anh phải học trong hầm đất, nửa chìm nửa nổi ở phân hiệu 2, Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh. Tháng 8/1967, trường phải sơ tán ra Tân Kỳ, Nghệ An (theo chiến dịch K8). Năm 1968 anh được cử đi học tại Trường Đại học tổng hợp Minsk của Belarus. Đằng đẵng hơn 10 năm sau, khi về chịu tang mẹ, anh mới có dịp về lại quê hương yêu dấu. Dẫu vậy, tấm lòng nhà khoa học trẻ Trần Đức Vân luôn đau đáu về quê hương Quảng Trị. Sự nghiệp học tập và nghiên cứu Toán học đã lôi cuốn anh, với một ý chí phải học thật giỏi để sau này trở về xây dựng quê hương đất nước. Ở trường đại học danh tiếng Minsk, anh là sinh viên xuất sắc nhất. Luận văn tốt nghiệp đại học của anh đã được Bộ Đại học Liên Xô (lúc bấy giờ) tặng huy chương vàng vì “Công trình khoa học sinh viên tốt nhất”. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Sau một năm rưỡi, anh đã hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ, sau đó anh lại được đề nghị tiếp tục ở lại Liên Xô làm luận án Tiến sĩ khoa học. Anh chuyển từ Đại học Tổng hợp Minsk lên Matxcơva. Tại đây, anh được gặp gỡ và làm việc trực tiếp với nhiều nhà Toán học hàng đầu của Liên Xô. Chỉ sau 4 năm anh lại lập kỷ lục mới. Năm 1980 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Nôvôsibirsk nổi tiếng thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Anh trở thành một trong những người trẻ nhất bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở tuổi 29. Luận án của anh được in thành sách, mở ra một trường phái Toán học mới: Hệ phương trình vi phân cấp vô hạn. Năm 1981, Trần Đức Vân về nhận công tác ở Viện Toán học, giáo sư Hoàng Tuỵ giao cho anh xây dựng phòng nghiên cứu mới - Phòng Phương trình đạo hàm riêng. Từ đó, phương trình đạo hàm riêng đã trở thành một hướng nghiên cứu mạnh trong Viện Toán học và trong cả nước. Nhờ thành công trong việc xây dựng Phòng Phương trình đạo hàm riêng và với uy tín khoa học, từ năm 1990 đến năm 1995 anh được cử làm Phó Viện trưởng Viện Toán. Trong giai đoạn này anh đã cùng Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Trọng Thi tham dự hội nghị quốc tế các nhà Toán học trẻ tổ chức ở Mỹ. Cuối tháng 8/1993 anh đã cùng lãnh đạo viện tổ chức thành công Hội nghị Toán học quốc tế về “Toán học - giải tích ứng dụng” tại Hà Nội. Từ năm 1996 đến năm 2000 anh giữ cương vị Viện trưởng Viện Toán học. “Nhờ công lao của anh, Viện Toán học vượt qua được khó khăn của thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường trở thành một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước” (Điếu văn của Viện toán học trong lễ truy điệu ngày 17/7/2011) Viện Hàn lâm thế giới thứ 3 (có trụ sở tại Trieste, Italia) cũng đánh giá Viện Toán học Việt Nam là một trong mười trung tâm khoa học xuất sắc của các nước đang phát triển. Giữa lúc tài năng đang nở rộ, vào cuối những năm 90 anh gặp phải một cơn bệnh quái ác - nhược cơ. Vậy là vừa làm việc quản lý, vừa nghiên cứu khoa học, anh lại phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Đầu năm 2001, do điều kiện sức khoẻ anh không tiếp tục làm Viện trưởng mà chỉ tập trung cho việc nghiên cứu, viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Mặc dù phải chiến đấu dai dẳng với bệnh tật, thành quả khoa học mà anh để lại thật đồ sộ. Anh đã hướng dẫn thành công 10 tiến sĩ, công bố hơn 80 bài báo quốc tế, viết và in 6 quyển sách chuyên khảo (trong đó có 3 quyển bằng tiếng nước ngoài). Anh được phong hàm Giáo sư năm 1991 khi mới 40 tuổi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 năm 2003. Trần Đức Vân không chỉ nêu tấm gương lao động nghiêm túc và sáng tạo trong khoa học, dũng cảm chống chọi với bệnh tật, mà anh còn là người con luôn nặng lòng với quê hương Quảng Trị yêu dấu. Ngay việc đặt tên cho các con cũng nói lên điều đó. Con gái đầu: Hiền Lương, con trai: Vĩnh Linh, hai địa danh của quê anh. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Bích Lài chắc cũng vì chiều anh hay bị “lây” tội “yêu quê chồng” mà bằng lòng với tên gọi của hai con? Sẽ thật là khiếm khuyết nếu khi nhắc đến những cống hiến, những thành công trong sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Vân mà không nhắc đến chị Nguyễn Thị Bích Lài. Câu nói “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” chắc không thể đủ khi nói về chị. Nguyễn Thị Bích Lài quê ở Diễn Châu, Nghệ An, anh chị gặp nhau vào những năm cuối khi học đại học ở Liên Xô (cũ). Về nước, anh chị làm lễ cưới, chị ở lại nhận công tác ở Viện Hoá, còn anh trở sang nước bạn làm luận án Tiến sĩ. Những ngày anh làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một mình chị xoay xở nuôi con. Với bản tính cần cù, tảo tần của người con gái xứ Nghệ, chị đảm đang mọi việc cho anh yên tâm làm khoa học và hoàn thành trọng trách nhà quản lý một viện khoa học lớn của đất nước. Nhưng điều đáng trân trọng và kính nể hơn cả là sự tận tuỵ và hi sinh đến mức khó tin, đến mức quá sức chịu đựng ở một người vợ. Đằng đẵng 15 năm chăm sóc chồng, khi anh lâm bạo bệnh không thể tự chăm sóc cho mình. Từ việc đi lại, ăn uống, bài tiết... tất cả một mình chị lo toan. Khoảng 5 năm trở lại đây, anh Vân luôn trong tình trạng hôn mê, chị phải học làm hộ lý, làm y tá để tự điều trị tại nhà. Mười lăm năm, không có một đêm đầy giấc, không có một ngày rời anh bên giường bệnh. Chị đã chăm sóc tận tuỵ, chu đáo, lắng nghe từng nhịp tim, từng hơi thở của anh, bón cho anh từng giọt sữa, theo dõi các thiết bị trợ tim, bình truyền, không bao giờ để ngắt nhịp, cho đến khi anh “trốn” chị và đột ngột ra đi. Cũng vì nặng lòng với quê hương nên anh đã truyền lại cho chị tất cả, chị Nguyễn Thị Bích Lài đã thay anh dành tình cảm yêu thương đầy đặn, trọn vẹn ấy với quê hương Quảng Trị. Tháng 9/2009, Trường THPT Vĩnh Linh tổ chức kỷ niệm 50 năm truyền thống nhà trường 15/9 (1959 - 2009). Khi biết tin này, mặc dù đang chăm sóc chồng ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, chị Lài vẫn viết thư gửi về trường với những tình cảm hết sức chân tình và xúc động: “Khi đã trở thành nhà Toán học của đất nước, nhà tôi (tức Vân) vẫn luôn nhắc đến ngôi trường cấp 3 Vĩnh Linh và thời kỳ sơ tán ở Tân Kỳ (Nghệ An), vẫn nhớ đến tấm áo mà thầy Lai nhường cho nhà tôi mặc trong những đêm đông giá rét. Ngày còn ở Liên Xô và cả khi về làm việc ở Hà Nội, lúc nào nhà tôi vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, vẫn nặng nợ và chịu ơn với ngôi trường của mình đã theo học. Những năm 1990, khi nhà tôi còn khoẻ, năm nào anh cũng vào thăm lại trường cũ, tổ chức trao quỹ học bổng cho Trường cấp 3 Vĩnh Linh và Trường cấp 2 Vĩnh Sơn quê anh. Năm nay, anh lo sẽ còn rất ít cơ hội để gặp lại thầy cô, bạn bè vì vậy anh nhắc tôi viết thư này gửi về trường. Tôi viết thư này thay anh, xin được tri ân tới các thầy, các cô đã dạy dỗ anh khi còn ở trường, tri ân các bạn đồng môn, các anh chị quen biết đã luôn sẻ chia, động viên vợ chồng tôi và hai cháu khi anh lâm bệnh...”. Chị Lài đã có những ngày hạnh phúc bên người chồng - người bạn đời Trần Đức Vân. Anh chị đã có các con học giỏi và thành đạt, có đủ cháu nội, cháu ngoại. Nhưng sự ra đi của anh là một mất mát vô cùng to lớn không gì bù đắp được. Những tình cảm mà Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Vân và cả người vợ thuỷ chung, tận tuỵ của anh - chị Nguyễn Thị Bích Lài dành cho quê hương sẽ còn lại mãi mãi, là nguồn động viên rất lớn cho những thế hệ học sinh, sinh viên, các thế hệ đi sau noi theo và tiếp bước. THÁI VĨNH KHÁNG Baoquangtri.