Hôm qua, gần 100 trẻ babylift đã đến viếng nơi chuyến bay định mệnh trong chiến dịch babylift rơi đúng 35 năm trước. Và gương mặt của những đứa trẻ ngày nào cứ nức nở, ngằn ngặt nhiều nỗi niềm khôn nguôi... Ba đứa trẻ trong chiến dịch babylift 35 năm trước bật khóc nức nở khi đến viếng địa điểm chiếc máy bay C5A rơi ngày 4-4-1975. Hai cô gái (từ trái sang) Safi Thi-Kim Dub và Emma McCrudden đã may mắn sống sót trong chuyến bay này - Ảnh: My Lăng (Tuổi Trẻ) Khi thửa ruộng dài xanh ngắt, tĩnh lặng ở P.An Phú Đông (Q.12, TP.HCM) hiện ra, Joakim Krongvist (người Phần Lan gốc Việt) khuỵu xuống đất khóc nức nở. Anh là một trong 78 trẻ babylift may mắn thoát chết trong tai nạn máy bay thảm khốc 35 năm về trước. Nước mắt đã tuôn như mưa trong ngày Joakim cùng gần 100 trẻ babylift đến thăm nơi mà chiếc máy bay Lockheed C5A Galaxy (C5A) - chuyến bay chở 154 babylift đầu tiên rời Việt Nam - rơi tan tành thành ba mảnh. Họ đã trở lại đó vào ngày 4-4, đúng 35 năm sau ngày xảy ra thảm kịch. Khi chiếc C5A chở 154 trẻ babylift rơi, Joakim mới 2 tuổi rưỡi. “Tôi không thể nhớ gì về sự kiện này. Nhưng khi trưởng thành, tôi đã tìm kiếm thông tin trên mạng về quá khứ của mình và biết được thảm kịch khủng khiếp đó” - Joakim nói. Đây là lần đầu tiên anh về Việt Nam và đến thăm địa điểm máy bay rơi, nơi anh đã thoát chết một cách kỳ diệu cùng 78 trẻ babylift khác. “Khi xe buýt dừng lại, tôi vô cùng căng thẳng và không hề muốn bước xuống. Tôi không biết mình sẽ cảm thấy thế nào khi đối diện với quá khứ. Nhưng tôi tự nhủ rằng mình phải quyết tâm đến một lần để sau này không phải hối tiếc. Tôi khóc mà không hiểu tại sao. Có lẽ là do nỗi buồn của một trẻ mồ côi lớn lên không phải ở quê hương mình. Nhưng cũng lúc đó tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn những người khác khi đã sống sót, để có thể trở lại nơi đây ngày hôm nay” - Joakim tâm sự. Joakim khuỵu xuống khóc nức nở khi đến thăm địa điểm máy bay rơi - Ảnh: M.LĂNG Khi được đưa ba nén nhang, một xấp mỏng quần áo hàng mã để đốt tưởng nhớ người đã khuất theo truyền thống Việt Nam, nhiều trẻ babylift đã quay mặt đi lau những giọt nước mắt. Sự trang nghiêm và thành kính bao trùm trong không gian, trên những gương mặt căng thẳng và xúc động. Giữa cánh đồng lộng gió và vắng vẻ, cuộc tưởng niệm diễn ra theo nghi thức Phật giáo và Thiên Chúa giáo. “Có lẽ họ cũng đang có mặt cùng chúng ta ở đây trong ngày hôm nay. Hãy tưởng nhớ và dành tình cảm cho họ”, khi giọng nói run run đầy xúc cảm của xơ Susan Carol McDonald - nữ y tá đưa 200 trẻ em babylift trong một chuyến bay khác qua Mỹ - vang lên, nhiều babylift không kìm được nước mắt. Giọng xơ Susan lạc hẳn khi đọc phần kinh cầu nguyện của mình. Những giọt nước mắt lăn dài. Rồi lần lượt xơ Susan cùng một số y tá nước ngoài từng chăm sóc trẻ mồ côi Việt Nam, các y tá Việt Nam và ông Phillip Romonwise (kỹ thuật viên y tế trên chuyến bay bị nạn) thay nhau đọc tên những người đã khuất trong vụ tai nạn máy bay. Safi Thi-Kim Dub, Joakim, Emma McCrudden... mắt đỏ hoe. Họ ôm nhau khóc. Nhiều babylift khác lặng lẽ đến đặt bàn tay lên vai Safi, Emma và Joakim... như một sự chia sẻ. Đừng đứng trước mộ tôi và khóc... Khi đọc đến đây, Safi bặm môi cố kìm những giọt nước mắt. Giọng Safi nghẹn ngào, lạc trong gió. Chị phải ngừng lại rất lâu mới có thể đọc hết phần kinh cầu nguyện của mình: “Tôi không ở đó, tôi không ngủ/ Tôi bay trong ngàn ngọn gió/ Tôi là bông tuyết rơi nhẹ nhàng/ Tôi là những giọt mưa thầm thì/Tôi là những cánh đồng lúa chín...”. Safi sinh ngày 6-5-1974. Chị đã kết hôn và hiện đang sống tại Northampton (Anh). Phải rất lâu Safi mới đủ bình tĩnh và nói: “Suốt đêm qua tôi không tài nào chợp mắt vì cứ nghĩ đến cuộc tưởng niệm hết sức thiêng liêng và ý nghĩa này. Tôi đã thầm mong mình sẽ thật tỉnh táo và đủ tự tin, không phải rơi nước mắt để trở lại nơi này và hoàn thành thật tốt phần diễn văn của mình trong lễ tưởng niệm trang nghiêm này. Nhưng tôi đã thất bại. Tôi đã nghẹn ngào, đã bật khóc nức nở trong vòng tay của các anh chị em babylift của mình. Đây là lần thứ hai tôi trở lại Việt Nam, cũng là lần thứ hai tôi đến thăm nơi này, nơi mà suýt chút nữa tôi đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời này đi mãi. Đúng 35 năm sau ngày tôi bị đưa đi khỏi đất nước, 35 năm sau một hành trình, nó như một giấc mộng”. Theo Tuổi Trẻ Chuyến bay định mệnh Ngày 4-4-1975, những đứa bé Việt Nam khỏe mạnh nhất từ các trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn được đưa lên máy bay C5A. Tại thời điểm đó, C5A là máy bay vận tải cỡ lớn nhất thế giới (có thể vận chuyển xe tăng và cầu quân sự nặng 70 tấn) được Mỹ chuyên dùng để chở hàng hóa chiến tranh đến Việt Nam. Tuy nhiên, C5A là một máy bay chở hàng và không phải là một máy bay phản lực chở khách. Nó không có chỗ ngồi và rất ít mặt nạ dưỡng khí. Hành trình 20 giờ đến San Francisco của 328 người (gồm 154 trẻ em Việt Nam, y tá nước ngoài, các thành viên trong phi hành đoàn và một số công dân Mỹ) đã trở thành thảm kịch chỉ sau 15 phút cất cánh. Máy bay bắt đầu bốc cháy sau một tiếng nổ lớn. Các cánh cửa sau bị bật tung khi máy bay đang ở độ cao 7.000m! Ngay lập tức, một số thành viên của phi hành đoàn đứng gần cửa ra vào đã bị hút bay ra ngoài không trung. Một số mảnh vỡ của máy bay đã cắt đứt một dây cáp điều khiển. Dù máy bay chỉ còn một bên động cơ hoạt động, viên phi công đã đưa chiếc C5A quay trở lại sân bay. Nhưng ông không thể kiểm soát tốc độ của nó. Khi cách sân bay Tân Sơn Nhất vài kilômet, chiếc C5A bắt đầu rơi và lao xuống đất với tốc độ hơn 560 km/giờ. Chiếc máy bay vỡ làm ba mảnh. 180 người trên chuyến bay, trong đó có 76 trẻ em Việt Nam thiệt mạng. Sự sống kỳ diệu đã đến với 78 trẻ mồ côi may mắn. nguồn tienphong