Những bộ phim dưới 90 phút đầy đặc sắc

Thảo luận trong 'Hình ảnh - Clip - Phim ảnh' bắt đầu bởi thutrang129x, 29 Tháng bảy 2015.

  1. Offline

    thutrang129x

    • Thành Viên Mới

    Số bài viết:
    113
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    1. Locke
    [IMG]
    Ra mắt năm ngoái, phim của đạo diễn Steven Knight là nơi để khán giả cảm nhận một cách chân thực nhất về ngôn ngữ điện ảnh tối giản. Phim tối giản đến mức cảnh ngoại duy nhất là lúc nhân vật chính Ivan chuẩn bị bước vào xe của mình ở công trường xây dựng, chưa đến một phút. Là phim lạ và kén người xem, Locke chỉ có một nhân vật, một chiếc ô tô và chuyến hành trình trong đêm tối. Toàn bộ phim là những cuộc nói chuyện điện thoại giữa Ivan Locke và những nhân vật khác nhau.
    Trong suốt chiều dài 85 phút, nhân vật chính phải liên tục đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến gia đình, sự nghiệp cũng như trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành. Chính những khó khăn, xung đột, mâu thuẫn đó làm nên sự cuốn hút cho phim. Hóa thân xuất sắc của tài tử Tom Hardy trong vai Ivan Locke cũng là điểm sáng của bộ phim.
    2. Ida
    Tác phẩm của đạo diễn Pawel Pawlikowski được dựng với hai màu đen trắng, lấy bối cảnh Ba Lan năm 1962 và xoay quanh cô gái Ida, 18 tuổi, sắp được thụ phong làm nữ tu. Cùng người dì cá tính, Ida bước vào hành trình day dứt tìm về quá khứ gia đình Do Thái và khám phá chính bản thể.
    Ida có cốt truyện thú vị, thể hiện cả bề dày lịch sử châu Âu trong vỏn vẹn 82 phút. Mang tinh thần nhẹ nhàng với hàng loạt khung hình nên thơ đậm tính điện ảnh, phim được Viện Hàn lâm châu Âu bình chọn là "Phim hay nhất châu Âu" năm 2014. Bộ phim đã giành giải Oscar cho "Phim nước ngoài hay nhất" hồi tháng 2. Đây cũng là phim đầu tiên của Ba Lan được Viện Hàn lâm Mỹ vinh danh, giúp gây tiếng vang toàn cầu. Ngoài ra, Idacũng giành được 67 giải thưởng và hơn 60 đề cử từ các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới.
    3. Run Lola Run
    [IMG]
    Run Lola Run – Cuộc đua với thời gian – được đánh giá là một trong những tác phẩm rất đáng chú ý của điện ảnh Đức. Run Lola Run là một bộ phim hay cả về diễn viên, hình thức, và nội dung do Tom Tykwer làm đạo diễnvà Stefan Arndt là nhà sản xuất phim.
    Tác phẩm hành động giật gân kể về số phận của cô gái Lola trong 81 phút. Cuộc sống của cô đang bình yên bỗng một ngày nhận được cú điện thoại từ bạn trai Manni, thông báo anh ta để mất túi tiền trên tàu điện ngầm. Lola có 20 phút để chạy hết tốc lực và phải tìm ra 100.000 Mark Đức để cứu người yêu. Mỗi lần bị thất bại, Lola lại được phép quay ngược thời gian 20 phút để thử một giải pháp khác. Cô chỉ có ba giải pháp.
    Run Lola Run ít thoại, nhân vật Lola cứ chạy từ một khởi đầu tới ba kết thúc trên nền nhạc Techno dồn dập. Cả phim hiếm có phút nào không có âm nhạc bởi đó chính là yếu tố làm tăng tốc độ của phim, thể hiện trọn vẹn sự gấp gáp của tình huống. Đến khi bộ phim kết thúc, người xem mới như choàng tỉnh sau cuộc phiêu lưu hồi hộp cùng Lola. Một trong những thông điệp của tác phẩm là: "Sự khác biệt giữa sự sống và cái chết có thể được định đoạt chỉ trong một giây".​
    4. Before Sunset
    [IMG]
    Before Sunset nằm trong bộ ba phim của đạo diễn Richard Linklater. Bằng ngôn ngữ điện ảnh tối giản tinh tế, Trước lúc hoàng hôn đưa người xem đi tới Paris rực rỡ trong một câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc dồn nén, vỏn vẹn trong 80 phút. Những day dứt tình cảm của hai nhân vật Jesse và Celine được thể hiện xuất sắc bởi hai ngôi sao Ethan Hawke và Julie Delpy.
    Bộ phim độc lập được ghi hình chỉ trong 15 ngày, nối tiếp vào phần kết phim Before Sunrise với bối cảnh 10 năm sau cuộc chia tay ở Vienna giữa Jesse - một anh chàng người Mỹ và Celine - cô gái người Pháp. Lúc này, Jesse và Celine gặp lại nhau tại Paris khi cả hai rất thành công trong lĩnh vực riêng của mình. Tuy nhiên họ đều thất bại trong chuyện tình cảm. Ở lần gặp gỡ thứ hai này, Jesse chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn trước lúc hoàng hôn để gặp gỡ và trò chuyện với Celine.
    5 This is Not a Film
    Đây là bộ phim được ấp ủ và thực hiện trong thời gian đặc biệt của nhà làm phim xuất chúng Iran - Jafar Panahi. Từ năm 2010, Jafar Panahi bị nhà cầm quyền quốc gia Hồi giáo Trung Đông bắt giữ và giam lỏng, cấm làm những phim khắc họa hiện thực trần trụi về đất nước nhiều cấm đoán.
    This is Not a Film ra đời năm 2011, được ông nhờ bạn bè đến nhà ghi hình một ngày sống trong bốn bức tường và xung quanh nhà. Tác phẩm dài chỉ 76 phút như một ẩn dụ chỉ trích tình trạng kiểm duyệt gắt gao ở Iran. Phim sau đó được lén đưa ra nước ngoài, công chiếu ở Liên hoan phim Cannes và được giới phê bình ca ngợi nhiệt liệt. This is Not A Film lọt vào danh sách rút gọn 15 đề cử Oscar "Phim tài liệu xuất sắc". Sau phim này, Jafar Panahi làm hai phim khác gồm Closed Curtain và Taxi - giành giải Gấu Vàng ở Liên hoan Berlin 2015.
    6. Following
    [IMG]
    Bộ phim dài đầu tay của Christopher Nolan được làm năm 1996. Với kinh phí gần như bằng không, đạo diễn kiêm luôn vai trò quay phim còn các diễn viên đều là bạn bè quen biết. Tuy vậy, nhờ kịch bản sâu sắc khai thác tâm lý nhân vật chân thực, Following được giới phê bình khen ngợi ngay sau khi công chiếu.
    Bộ phim mở ra cánh cửa sự nghiệp cho Christopher Nolan, hé lộ hầu hết những gì đặc trưng cho phong cách làm phim của anh sau này. Dài 70 phút, phim kể về một nhà văn trẻ chuyên bám theo những người lạ để lấy chất liệu viết lách. Một ngày, ông bị một tên trộm lừa sa bẫy rồi gặp chuyện khôn lường.
    7. The Color of Pomegranates
    Phim dài 78 phút của đạo diễn Nga - Sergei Parajanov - là một trải nghiệm độc đáo với hầu hết khán giả từng xem. Tác phẩm thuật lại cuộc đời nhà thơ người Armenia - Sayat-Nova - bằng trùng điệp khung hình mang tính thị giác cao và ấn tượng. Phim đi sâu mô tả thế giới nội tâm quyến rũ của một nhà thơ.
    Tác phẩm từng lọt vào Top 10 phim vĩ đại của tạp chí Cahiers du cinéma và Top 100 phim hay nhất mọi thời đại của Time Out. Nhà làm phim Mikhail Vartanov từng nhận định: "Ngoài ngôn ngữ điện ảnh độc đáo trong tác phẩm của các nhà làm phim lớn như D. W. Griffith và Sergei Eisenstein, điện ảnh thế giới chưa tìm thấy cuộc cách mạng nào mới mẻ như The Color of Pomegranates". Đạo diễn Italy - Michelangelo Antonioni - bày tỏ: "The Color of Pomegranates là tuyệt phẩm về vẻ đẹp gây chấn động. Parajanov là một trong những đạo diễn lớn nhất thế giới".
    8. Rashomon
    [IMG]
    Dựa trên hai truyện ngắn Rashomon (Cổng đền Rashomon) và In a Grove(Trong rừng trúc) của nhà văn Akutagawa Ryunosuke, phim 88 phút đề cập tới vụ án giết người và cưỡng bức qua lời khai của người trong cuộc và lời kể của nhân chứng. Nhờ lối thuật chuyện đa diện cùng triết lý sâu sắc,Rashomon đoạt Sư Tử Vàng tại LHP Venice năm 1951. Sau đó, phim giành giải Oscar cho "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc".
    Bộ phim của Kurosawa Akira mở cánh cửa cho điện ảnh Nhật Bản ra thế giới, gây ảnh hưởng tới nhiều tác phẩm của thế hệ hậu sinh, từ cách kể chuyện đến cách quay… Lối kể thông qua góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau được hàng loạt nhà làm phim sử dụng lại, như The Usual Suspects của Bryan Singer, Hero của Trương Nghệ Mưu… Nữ nhà văn - đạo diễn Đoàn Minh Phượng (Việt Nam) từng khẳng định bản thân là người ảnh hưởng lớn lối kể này qua phim Hạt mưa rơi bao lâu và truyện Và khi tro bụi.
    9. Persona
    Kiệt tác của đạo diễn Thụy Điển - Ingmar Bergman - là một bộ phim có những khung hình nhiều chất thơ nhưng ám ảnh, khó xem và gây tranh cãi về mặt kiểm duyệt. Sáu phút đầu của tác phẩm dài 84 phút trình chiếu một loạt hình ảnh thánh giá bên cạnh bộ phận nhạy cảm của nam giới đang trong trạng thái hưng phấn, sau đó là một con nhện nước và một cậu bé tỉnh khỏi giấc mơ. Cốt truyện chính của phim xoay quanh mối quan hệ của một nữ diễn viên và một y tá. Với nhiều hình ảnh mang tính luận đề cao, phim được giới chuyên môn coi là động chạm tới những chủ đề mang tính triết học như bệnh tật, sự đau ốm, sự tồn tại, cái chết và sự phi lý của cuộc sống.
    Persona được giới phê bình khẳng định là một trong những tác phẩm lớn của thế kỷ 20. Trong cuộc bầu chọn của tạp chí Sight & Sound năm 2012, phim đứng thứ 17 trong danh sách phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
    10. Modern Times
    [IMG]
    Dài 87 phút, Modern Times ra mắt năm 1936 là cuốn phim câm cuối cùng của Charlie Chaplin cũng như lịch sử điện ảnh. Cốt truyện xoay quanh anh chàng lang thang. Để kiếm ăn, anh phải làm việc trong một cơ xưởng máy móc tối tân và quần quật xiết hết con ốc này đến con ốc khác tới mức phát khùng. Là một trong những cuốn phim thành công nhất của Chaplin, phim lột tả bối cảnh xã hội Mỹ thập niên 1920 - 1930: kinh tế suy sụp, thất nghiệp, nghèo đói. Trong khi các hãng xưởng máy móc mọc lên ngày càng nhiều, các cơ hội việc làm khiến nhân cách con người bị biến dạng.
    Khi mới ra mắt, phim bị giới phê bình Mỹ đánh giá thấp, trượt đề cử Oscar trước các phim The Great Ziegfeld, San Francisco và The Story of Louis Pasteur. Sau hơn 70 năm, Modern Times được xem là câu chuyện cười về đô thị xuất sắc. Phim được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia vì "chứa đựng ý nghĩa văn hóa".
    Nguồn: Recmedia.vn

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí