Những lỗi liên quan đến driver thường gây ra những trở ngại khó chịu và khó hiểu cho người sử dụng máy tính và các thiết bị kèm theo. Bài viết sẽ giúp bạn nhận dạng và xử lý những lỗi này. Driver là phần trung gian giúp các phần mềm máy tính khai thác tính năng của thiết bị. Nếu dùng driver cũ hoặc cài driver không tương thích, tính năng hay “sức mạnh” của một thiết bị sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng những vậy, nó còn ảnh hưởng liên đới đến hệ điều hành, các phần mềm khác, hiện những thông báo ngớ ngẩn hoặc xảy tình trạng khác thường. Một khi nắm được một số lỗi có liên quan đến driver, bạn sẽ biết cách xử lý hoặc nhanh chóng loại trừ chúng để tập trung vào xử lý những lỗi khác. Mất âm thanh Đây là lỗi thường gặp nhất khi bạn cài lại Windows. Sở dĩ lỗi này xảy ra nhiều hơn những lỗi khác là do các phiên bản cài đặt hệ điều hành Windows chứa rất ít driver của card âm thanh nên nó không thể hoạt động được ngay khi cài Windows. Khi gặp phải tình trạng này, bạn hãy dùng đĩa driver kèm theo lúc mua mainboard hoặc card âm thanh (nếu dùng card âm thanh rời) để cài. Thỉnh thoảng, lỗi này cũng xảy ra khi update xong Windows. Lúc đó, bản update của Windows không còn tương thích (hay còn gọi là “đụng”) với một số loại driver, trong đó có driver của card âm thanh. Hiện nay, lỗi này xảy ra nhiều nhất khi update Windows XP lên bản service Pack 3 (SP3). Một khi lỗi này xảy ra, bạn truy cập vào trang web của nhà sản xuất mainboard hay card âm thanh để download phiên bản driver mới nhất (nếu có). Thường thì các nhà sản xuất không ghi rõ driver dùng cho bản SP nào của từng hệ điều hành Windows, nhưng có ghi ngày update phiên bản, hoặc có thể xem mô tả trong phần thông tin trên trang web hoặc trong file readme.txt trong file nén driver tải về. Riêng, đối với card âm thanh onboard, nếu nhà sản xuất mainboard chưa kịp phát hành phiên bản driver update phù hợp với SP của Windows, bạn hãy ghé vào trang web của nhà sản xuất chip card âm thanh. Nếu không được, bạn phải trở lại bản SP đã dùng trước đó. Ngoài ra, lỗi trên cũng xảy ra đột ngột ngay sau tắt máy ở lần sử dụng trước hoặc trong lúc đang sử dụng. Sự cố này thường xảy ra do một trong số các file driver bị lỗi vì máy tắt đột ngột khi cúp điện hoặc bị treo, hoặc bị virus làm hỏng. Mặc dù không nghe được âm thanh nhưng có thể biểu tượng hình chiếc loa trên khay đồng hồ vẫn còn nên dễ đánh lừa những người ít kinh nghiệm. Thậm chí vẫn không thấy có dấu hiệu lạ trong cửa sổ Device Manager. Tuy nhiên, khi đó, nếu mở mục Sounds and Audio Devices trong cửa sổ Control Panel thì bạn sẽ thấy các phần điều khiển bị mờ. Cách xử lý khi gặp tình trạng này là, update hoặc cài chương trình diệt virus rồi khởi động máy tính vào chế độ safe mode và quét toàn bộ đĩa cứng. Sau đó gỡ bỏ driver đang dùng và cài lại. Hình ảnh không sắc nét Được Microsoft ưu ái hơn nên phần lớn các loại GPU dùng trong card màn hình onboard hoặc card màn hình rời phổ biến đều được Windows nhận ra ngay khi cài xong Windows. Nhờ vậy, về mặt hình ảnh, bạn không thấy điều gì lạ so với trước khi cài lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, driver mặc định của Windows không đủ để các phần mềm đồ họa khai thác hết tính năng của card màn hình. Do vậy, thỉnh thoảng các thông báo lỗi kiểu “card màn hình không đáp ứng hoặc không hỗ trợ chương trình này, hoặc không có tính năng xử lý hình ảnh 3D...” sẽ hiện ra khi bạn chạy các trò chơi hoặc một số chương trình đồ họa. Khi đó, bạn phải dùng đĩa driver kèm theo lúc mua mainboard hoặc card màn hình để cài. Tốt nhất là bạn vào trang web của nhà sản xuất mainboard hoặc card màn hình để download driver mới nhất dành cho phiên bản hệ điều hành Windows đang dùng. Đối với những máy tính dùng card màn hình đời mới hoặc của những nhà sản xuất ít tên tuổi chưa được Windows hỗ trợ, màu sắc hiển thị trên màn hình sau khi cài xong Windows sẽ rất chán. Lúc đó, nếu bạn bấm chuột phải lên chỗ trống trên màn hình nền desktop, chọn Properties rồi bấm thẻ Settings thì sẽ thấy độ phân giải đang ở mức cao nhất nhưng lại dưới 800x600 pixel, đồng thời độ sâu màu sắc chỉ là 4 màu (4 color) hoặc 16 màu (16 color). Khi đó, cài driver cho card màn hình là một trong số những thao tác đầu tiên của bạn ngay sau cài xong Windows. Xung đột driver Máy tính của bạn vẫn hoạt động tốt và chưa thấy phát sinh lỗi nào. Tuy nhiên, khi mở cửa sổ Device Manager, bạn thấy có dấu chấm than (!) màu vàng nằm ngay tên của một hoặc một số thiết bị nào đó. Đây chính là hiện tượng xung đột driver, hoặc cài sai driver nhưng chưa ở mức nguy hiểm để máy không vào được Windows. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn cài ép driver lấy từ phiên bản hệ điều hành khác, hoặc driver của những thiết bị tương tự của một nhà sản xuất. Hoặc bản SP mới của Windows không còn tương thích với driver đang dùng như đã đề cập ở trên. Lúc đó, có thể xuất hiện màn hình thông báo màu xanh “chết chóc” chứa những dòng chữ màu trắng. Bạn phải gỡ driver đang dùng và phải biết chắc model của loại mainboard hay của từng thiết bị để tìm driver dành riêng cho hệ điều hành đang xài. Chưa được cài driver Trong cửa sổ Device Manager, nếu bạn thấy dấu chấm hỏi màu vàng (?) và dòng chữ Other Device hoặc dòng chữ khác thì chắc chắn rằng máy tính của bạn chưa cài hết driver. Khi đó, bạn bấm đúp chuột lên hàng chữ có dấu chấm hỏi màu vàng đó rồi bấm nút Next ở cửa sổ hiện ra sau đó là có thể biết được tên thiết bị chưa được cài driver. Ở máy tính laptop, tình trạng này thường bắt gặp ở những laptop có đầu đọc thẻ nhớ, cổng hồng ngoại, bluetooth. Còn ở máy tính để bàn, nó thường xuất hiện ở những máy tính chưa cài driver cho chipset. Tất nhiên, sau khi cài đúng driver, dấu chấm hỏi màu vàng này sẽ tự biến mất. Xác định model thiết bị và phiên bản driver đang dùng Để xác định model của thiết bị nhằm phục vụ cho việc tìm driver trên mạng Internet, bạn có thể dùng các phần mềm xem thông tin phần cứng máy tính như HWiNFO, Everest... Còn để biết phiên bản driver đang dùng, bạn mở cửa sổ Device Mangaer (bấm chuột phải lên biểu tượng My Computer, chọn Propeties; bấm thể Hardware, bấm nút Device Manager), bấm đúp chuột lên hàng chữ tên thiết bị rồi bấm thẻ Driver trong cửa sổ hiện ra để xem.