"Rừng ma" sau những bản làng của người Ca Dong, Xê Đăng Đường lên khu “rừng ma” của người Vân Kiều tại xã Mò Ò (Đăkrông, Quảng Trị) phải qua một quả đồi dựng đứng với hình hài kỳ dị. Dù không mấy tin vào chuyện ma quái nhưng ông Hồ Văn Thương - Chủ tịch MTTQ xã quả quyết: “Đã hai lần mình đi qua đây. Đi miết, đi miết nhưng cuối cùng vẫn gặp ba tảng đá này như bị ma ám vậy. Đến giờ có chết mình cũng không dám qua nữa”. Ma rừng giữ rừng Theo già làng Hồ Văn Hiền, 76 tuổi, ở bản Phú Thiền: Khu đồi kì dị ấy chẳng biết có từ bao giờ. Tại khu này quanh năm sạch sẽ, có tảng đá ba chân chụm vào nhau, bên cạnh có bảy tảng đá hình cái bếp. Người dân đồ rằng ma quỷ ra đây để đun nấu... Già Hiền bảo: Mỗi xâu (dòng họ) có khu rừng ma riêng, nôm na là khu nghĩa trang. Theo quy ước, người của xâu nào chết phải chôn ở phần đất của xâu đó. Chỉ tay về phía khu rừng ma của bản um tùm lùm cây, thỉnh thoảng cao vút lên những cây cổ thụ vài người ôm không xuể, già Hiền bảo: “Đã là lệ làng rồi, không ai dám đụng vào khu rừng ma của dòng họ mình đâu. Vì sợ rừng phạt, xâu phạt. Ngay đến rừng ma của các xâu khác mọi người cũng đều có ý thức bảo vệ”. Những đứa trẻ bản Tăk Ngo này có lớn lên cùng với nỗi ám ảnh về “ma rừng - rừng ma”? Chúng tôi đi dọc dãy Trường Sơn thăm thẳm, đến với các bản làng vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), miền biên giới Quảng Bình, Quảng Trị... Không khó để tìm gặp những khu “rừng ma” của đồng bào dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Vân Kiều, Ma Coong tồn tại bao đời. Ở những “nghĩa trang rừng” này, do ít chịu tác động của bàn tay con người nên vẫn còn nhiều cây gỗ thuộc loại quý hiếm, cổ thụ... Theo thiếu tá Hồ Hải Hùng - Trưởng trạm biên phòng A Dơi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), địa bàn biên giới rộng, dân cư thưa thớt, nếu không có ý thức tự giữ rừng của người dân thì công tác bảo vệ rừng, chống lâm tặc chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ đồn biên phòng A Dơi bên khu rừng ma của bản Pa Roi“Nhờ uy tín của già làng, luật lệ nghiêm khắc của các xâu kết hợp công tác tuyên truyền, vận động nên rừng được bảo vệ tốt. Những dãy rừng cổ thụ dọc dòng Se Pon là bằng chứng”, anh Hùng nói. Còn đó những hủ tục “Rừng ma” vẫn là thế giới riêng với đầy hủ tục của đồng bào Xê Đăng, Ca Doong, Ma Coong… Những câu chuyện về nỗi ám ảnh của ma rừng chúng tôi nghe được vừa hư hư thực thực nhưng với dân bản, đó là niềm tin cố hữu. Theo ông Đinh Mươk, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nguyên bí thư huyện ủy Nam Trà My, chính vì cách chôn cất hời hợt này mà thú rừng dễ vào đào bới, từ đó nảy sinh ra những chuyện ma quái rùng rợn, làm gia tăng nỗi ám ảnh của người dân về “ma rừng”. Không riêng chuyện chôn sống con theo mẹ tại các khu “rừng ma” của tộc Mày, Ma Coong mà nhiều hủ tục khác vẫn tồn tại dai dẳng. Một đồng nghiệp công tác tại Nam Trà My (Quảng Nam) kể lại rằng anh đã chứng kiến việc người dân Ca Dong, Xê Đăng đặt thai nhi bị chết sau khi sinh trong các hốc cây mà không hề chôn cất. Bao đời nay, bên những khu “rừng ma”, những đứa trẻ sơ sinh nếu không bị chôn sống cùng xác mẹ thì cũng bị đối xử như thế khi chết yểu! “Rừng ma” có mặt ở khắp các làng bản ở vùng Nam Trà My, nơi có đến hơn 97% dân số là người dân tộc Ca Dong và Xê Đăng. Già Đinh Văn Cường, ở bản Tăk Ngô (Trà Mai, Nam Trà My) nói: Người Ca Dong, Xê Đăng quan niệm chết là hết, phải cắt đứt mọi mối quan hệ giữa người chết và người sống nên khi nhà có người qua đời, việc làm đầu tiên là chia tài sản trong nhà để “khẳng định” với người chết rằng của nả đã được chia đồng đều, nên cứ vậy mà đi, không còn liên quan gì với gia đình, không được tìm về nhà để đòi tài sản nữa. Điều đáng nói, thủ tục chôn cất người chết tại khu “rừng ma” quá sơ sài. Người ta chỉ đào hố chôn người chết rồi nhanh chóng bỏ chạy để “con ma rừng” không theo về bản hoành hành. Theo ông Đinh Mươk - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nguyên bí thư Huyện ủy Nam Trà My, chính vì cách chôn cất hời hợt này mà thú rừng dễ vào đào bới, từ đó nảy sinh ra những chuyện ma quái rùng rợn, làm gia tăng nỗi ám ảnh của người dân về “ma rừng”.Mới đây, cũng tại huyện Nam Trà My, một lãnh đạo xã Trà Cang trên đường trở về xã bị nước cuốn trôi, chết tại con suối cách làng hai dãy núi. Ngành chức năng đến tuyên truyền, vận động để mang xác về chôn. Người nhà thì chịu nhưng dân bản nhất định không nghe vì theo luật tục, nếu không phải chết trong làng, trong nóc, chết ở đâu thì phải chôn ngay tại đó, dù là lãnh đạo xã cũng không ngoại lệ. “Vào những mùa mưa lũ hay xảy ra tình trạng sạt lở, lũ quét làm chết người, đồng bào dân tộc vẫn còn làm theo hủ tục này dù chính quyền các cấp đã cố tuyên truyền” - một cán bộ huyện cho hay. Bao giờ hết ám ảnh “ma rừng”? Theo thiếu tá Hồ Thanh Sơn - Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Binh): Đơn vị cùng chính quyền tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu nhưng không hiểu sao hủ tục chôn mẹ theo con đã bỏ cách đây gần 40 năm nay lại tái diễn. Cũng theo thiếu tá Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đời sống đồng bào vẫn còn khó khăn, dân trí thấp. Ông Đinh Mươk nói: Do tập tục của đồng bào vùng cao đã ăn sâu và truyền đời từ hàng trăm năm nên việc vận động xóa bỏ hủ tục không thể thành công trong một sớm, một chiều mà cần có cách làm kiên trì, bám sát đời sống dân bản, hiểu tập tục của họ để từ đó chỉ cho họ thấy những điều đúng sai. Tuy nhiên, ông Mươk cho biết thêm, lớp trẻ hiện nay đã bắt đầu có nhiều thay đổi, họ không còn nhất nhất tuân theo các hủ tục. Tại các bản làng, nhiều trường hợp đã xây mồ mả cho người chết, chôn ở những khu riêng biệt. TAGS: rung ma, hu tuc, chong song con, cung te, mua ray, luat tuc, chet yeu, tin tuc 24h