Gần 50% cho chuyện quan hệ trước hôn nhân là bình thường, 30% không chấp nhận, 20% lửng lơ “giữ được đến bao giờ thì giữ”. Phải chăng “cái ngàn vàng” không còn được đặt lên hàng đầu. Trong trào lưu sống thử, giới trẻ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, họ chấp nhận quan hệ trước hôn nhân, như những cuộc kiểm nghiệm “độ bền” tâm sinh lý của bạn đời, để xác định có nên tiến tới hôn nhân không? Sống thử làm thật Cùng với sự du nhập của lối sống phương Tây, ảnh hưởng của phim ảnh, việc nhìn nhận về quan hệ trước hôn nhân của giới trẻ đã thay đổi khá nhiều. Nếu như trước đây, trinh tiết của người phụ nữ được coi trọng, quyết định hạnh phúc cả đời của họ thì đến ngày nay đã khác. Thanh Vy (22 tuổi), đang là sinh viên năm thứ 2. Do cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, cô đã về sống chung với người yêu từ kỳ thứ hai của năm thứ nhất. Ban đầu cả hai thống nhất là chỉ góp gạo thổi cơm chung, còn giường ai người nấy ngủ nhưng nam và nữ vốn là cục nam châm trái dấu. Con người đâu phải gỗ đá, thế là sau hai tháng thực hiện đúng cam kết cả hai đã “vượt rào”. Hiện tượng sống chung trước hôn nhân không phải là quá hiếm trong xã hội, nhiều người còn không giấu diếm hay sợ hãi Từ khi đã là của nhau, cả hai bình thản công khai mối quan hệ và cũng chẳng ngại bày tỏ sự quan tâm đến nhau giữa chốn đông người. Nhiều bạn học nhìn Vy với ánh mắt khinh thường: “Con gái gì mà dễ dãi thế?” nhưng Vy chẳng mấy quan tâm. Cô bảo: “Quan trọng là hai đứa yêu nhau. Xã hội bây giờ đâu còn cổ hủ như trước. Sống thử trước yêu nếu thấy hợp thì tiếp tục, không thì chấm dứt, còn hơn lấy về xong, không hợp phải chịu khổ cả đời”. Đó là suy nghĩ, lý giải của rất nhiều người khi “ăn cơm trước kẻng”. Một nghiên cứu của một nhóm tác giả thuộc Viện phát triển bền vững Nam bộ cho thấy, 80% thanh niên sống chung trước hôn nhân là vì tình yêu. Tất nhiên ban đầu xuất phát từ tình yêu nhưng tuổi trẻ bồng bột, chưa có sự chuẩn bị tâm lý về cuộc sống gia đình thì sự rạn nứt về cuộc sống là khó tránh khỏi. Đôi bạn Minh Anh và Hoàng Tuấn yêu nhau từ ngày hai đứa mới từ quê vào, lóc cóc trở nhau đi học, đi chơi bằng chiếc xe đạp cũ. Tình yêu êm đềm cứ thế đến ngày họ ra trường, đi làm. Để tiết kiệm chi phí nhà cửa, sinh hoạt và dễ phần kiểm soát nhau, họ dọn về sống chung. Đầu tiên, Minh Anh cũng nhận được nhiều lời bàn tán, cái bĩu môi, ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm của vài người hàng xóm. Bạn bè khuyên cô không nên làm thế nhưng cô gạt phắt đi: “Sống chung với không sống chung nhưng đã làm chuyện vợ chồng thì cũng có khác gì nhau. Tôi được biết những cô gái ngoan lấy chồng đâu được sung sướng hơn các cô từng yêu và hết mình với nhiều người. Đời người sướng khổ có số. Với lại, phải thử xem hai người có hợp nhau chuyện ấy không”. Xa thì nhớ, gần thì gây lộn là tình trạng của họ. Minh Anh say mê công việc, ngại bếp núc giặt giũ vì thế việc gia đình vào cả tay Tuấn. Ban đầu Tuấn còn thông cảm cho người yêu, làm hết nhưng dần dần anh bất mãn, đình công không làm nữa. Anh tự nhủ, mình là đàn ông, cũng đi làm như ai vậy sao phải chịu cảnh về nhà ôm bếp núc thế này? Nhiều khi đi nhậu, bị bạn bè khích bác anh lại nổi máu tự ái. Anh không chịu làm việc nhà, chị cũng không động tay vì thế sau một ngày làm việc mệt nhọc cả hai về nhà hằn học nhìn nhau với con mắt hình viên đạn. Không khí nặng nề của hai người không biết kéo dài đến bao giờ nhưng trong khoảng 1 năm sống chung cả hai đều ngán ngẩm và muốn chia tay. Đây dường như là việc xảy ra tất yếu của nhiều cặp yêu đương mặn nồng sau thời gian về sống chung. Liệu có đem lại hạnh phúc? Không may mắn như Minh Anh, Thu Minh sau thời gian sống chung mặc dù xảy ra nhiều mâu thuẫn nhưng vì có bầu, vì không muốn tai tiếng cả hai đã phải làm đám cưới vội. Hai gia đình cũng ủng hộ đôi trẻ nhưng mẹ cô dâu thì chẳng thể vui vẻ, tự hào về con gái được. Ngày cưới của con, bà ngồi lặng lẽ, khuôn mặt đầy suy tư. Tưởng làm đám cưới cho con đã xong chuyện, nào ngờ bão giông lại kéo đến với bà khi sau khi sinh con chưa đầy ba tháng, con gái bà đã li dị. Nghe con gái kể tội chồng, nào là không quan tâm đến vợ con, coi bạn bè, vui chơi hơn gia đình, tối ngày nhậu nhẹt. Chưa kể đến tiêu tiền như phá đồi, không đưa cho vợ được xu nào. Đã vậy ra ngoài còn bồ bịch. Khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì dù đã là vợ chồng mới cưới cũng chẳng thể mặn nồng được. Bà không thể ngăn cấm con. Rất nhiều đàn ông vì cái lợi trước mắt nên ủng hộ quan niệm sống thoáng. Họ thoải mái quan hệ với nhiều người nhưng lại chẳng thể chấp nhận bạn gái mình ăn cơm trước kẻng như thế. Trong giới trẻ, còn có phong trào thể hiện mình hay chứng tỏ bản thân không thua kém ai để vô tư làm chuyện vợ chồng. Hiện tượng sống chung trước hôn nhân không phải là quá hiếm trong xã hội, nhiều người còn không giấu diếm hay sợ hãi. Vấn đề này cũng nhận được nhiều luồng ý kiến, dư luận khác nhau. Dù đồng tình hay phản đối thì hiện tượng này vẫn tiếp tục và ngày càng nhiều hơn. Vì thế, vấn đề không còn ở chỗ ngăn cấm hay cổ vũ mà là nâng cao ý thức, nhận thức của giới trẻ. Họ sống thử khi họ đủ bản lĩnh, có trách nhiệm với bản thân và những gì mình làm. Theo Megafun Trung tâm tham vấn Hoàng Nhân http://tuvantamly.vn