Bên cạnh những ý kiến đồng tình, phản đối, có rất nhiều câu hỏi đặt ra với kế hoạch thu phí tải nhạc 1.000 đồng/bài của 6 website âm nhạc trực tuyến lớn, theo một thỏa thuận họ ký với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Những dấu hỏi của người dùng Ngay sau khi có thông tin các website Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac và go.vn sẽ thu phí tải nhạc từ ngày 1/11/2012, nhiều người tỏ ra đồng tình và cho biết sẽ sẵn sàng chi tiền để tải những bài nhạc hay. Ngược lại, cũng có rất nhiều người tỏ ý kiến không đồng tình hoặc thắc mắc. Một số cho rằng nếu các trang web thu phí phải đi kèm với chất lượng dịch vụ. Một số khác cho rằng chính các trang web nghe nhạc trực tuyến cũng cung cấp nhiều bản nhạc nước ngoài không có bản quyền. Điều này, theo một thành viên trên các diễn đàn trực tuyến, chẳng khác nào “ăn cắp đòi tiền ăn cắp”. Thời tải nhạc miễn phí có thể sắp qua. Ảnh: Vũ Nga Cũng có người dùng thắc mắc hình thức thu phí hiện có thể chưa mang lại sự tiện lợi cho người dùng khi có nhu cầu tải nhạc. Và quan trọng là, dù hình thức thu phí có tiện lợi hay không, mức phí đắt hay rẻ, thì chừng nào còn được tải miễn phí thì phần lớn người dùng sẽ không chịu trả phí. Theo thống kê gần đây của MV Corp, khoảng 20% số người nghe nhạc trực tuyến có nhu cầu tải nhạc (tỉ lệ này có thể sẽ thấp hơn nếu việc thu phí được tiến hành). Đơn cử một trang nhạc như nghenhac.info có khoảng 6 triệu lượt nghe/tháng, ước khoảng 120.000 lượt tải/tháng. Với mức giá dự kiến các trang web đưa ra là 1000 đồng/bài, lâu nay, người dùng đang được miễn phí một khoản tiền không nhỏ. Trong khi đó, ở các nước, việc thu phí nghe nhạc trực tuyến đã được thực hiện từ lâu với mức khoảng 15.000 đồng/bài. Chỉ cần một phép so sánh đơn giản. Việt Nam có khoảng 150 website cho nghe nhạc trực tuyến, đó là chưa kể các trang nghe nhạc từ nước ngoài của hải ngoại. Nhưng nếu chỉ có 5 trang web này thu phí tải nhạc, một điều rất đơn giản người dùng sẽ chuyển sang tải nhạc trên các trang web còn lại bởi họ còn rất nhiều lựa chọn. Trong trường hợp cơ quan quản lý có thể cho đóng cửa các trang web không thu phí thì vẫn còn vô khối các trang web nghe nhạc của hải ngoại với máy chủ đặt tại nước ngoài. Mà những thành phần này nằm “ngoài vòng kiểm soát” của cơ quan quản lý Việt Nam. Nhà cung cấp lúng túng Lâu nay, nhiều website cung cấp nhạc trực tuyến vẫn âm thầm trả phí bản quyền rồi lại cung cấp miễn phí tới người dùng như một cách để thu hút cộng đồng. Khi đã có cộng đồng, trang web đó có thể kinh doanh và thu lại từ các dịch vụ khác. Ông Hồ Minh Đức, đại diện trang Socbay khẳng định hầu hết các trang web nghe nhạc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay đều theo xu hướng này. Tuy nhiên, về chuyện thu phí, ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Naiscorp, đơn vị sở hữu Socbay thừa nhận tuy tham gia ký kết nhưng công ty này cũng chưa biết thu phí theo cách nào. Hiện chỉ có thông qua nhà mạng (tổng đài nhắn tin) nhưng nhà mạng thường đưa ra tỉ lệ ăn chia tối thiểu 50:50. Theo ông Tài, tỉ lệ này khiến thu về của công ty không đủ bù chi. Ông Cao Kim Ánh, đại diện Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), cho biết mục đích hoạt động của các tổ chức trung gian như VIETRRO hay RIAV chỉ là “quản lý tập thể” – đại diện trung gian cho người nắm quyền (tác giả hoặc sở hữu) và bên tiêu dùng (là các “hộ tiêu dùng lớn” như các nhà xuất bản, công ty đĩa hát và âm nhạc, website cung cấp nhạc…). Do đó, việc các “hộ" này kinh doanh theo phương thức nào, bán lẻ hay cung cấp như một dịch vụ cộng thêm tùy vào mục đích riêng của mỗi website âm nhạc. Lễ ký kết giữa 6 website âm nhạc với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) về việc thu phí bản quyền tải nhạc diễn ra ngày 15/8/2012. Công ty MV Corp là đơn vị được RIAV ủy quyền thu phí. Mức phí dự kiến đưa ra tại buổi ký kết là 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc hoặc thu phí theo thuê bao hàng tháng. Theo đại diện MV Corp thì mức phí 1.000 đồng này có thể sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành. Việc thu phí được RIAV đưa ra lý do nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Theo ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, sản lượng băng đĩa của hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ. . Là một trong số các doanh nghiệp tham gia ký kết nhưng hiện tại đại diện trang Socbay cũng băn khoăn về mức phí đưa ra. Ông Tài cho rằng “không thể có một mức phí chung cho tất cả các bài hát, các sản phẩm âm nhạc”. Ông Nguyễn Bá Đức, CEO Công ty Moore, đơn vị sở hữu nghenhac.info cũng chia sẻ, nhìn chung người dùng điện thoại di động có nhu cầu tải nhạc cao hơn và phương thức thanh toán cũng thuận tiện hơn nhưng với người dùng máy tính (PC), nhu cầu trả phí ngay lúc nghe là thấp và hình thức thanh toán cũng chưa hoàn toàn tiện lợi. Khi có thông tin về việc thu phí, một bộ phận người dùng cũng bày tỏ sẽ tải về rồi chia sẻ trên các phương tiện khác nhau như blog cá nhân, mạng xã hội, trang lưu trữ trực tuyến, ông Nguyễn Bá Đức cho rằng việc này cũng hòan toàn bình thường và cũng không ảnh hưởng nhiều đến thói quen tiêu dùng chung. Dù vậy, ông Đức cho biết dự kiến đến 1/11 này mọi việc mới chính thức được khởi động trong đó có việc chuẩn bị về hạ tầng, tích hợp hệ thống cho việc thu phí. Nhanh nhất cũng phải đến 1/1/2013 mới thu được phí. Ngoài ra, cũng cần sự tham gia đồng bộ của các bên từ các trang web về chất lượng dịch vụ, giải pháp thu phí tiện lợi; cơ quan quản lý trong việc giảm sát và có chế tài với các trang web không tuân thủ. Nguồn: PC WORLD VN