Có những thánh kiếm mài hoài nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn đưa vào sử dụng. Nhưng thanh kiếm “Thuận Thiên” đã thành hình và đã được “rút khỏi vỏ” theo đúng lời hứa của “lò rèn” VinaGame. Sau 2 năm chờ đợi và nhiều lần trì hoãn, vào lúc 12g 8p ngày 12/8/2009, dự án bí mật T812 (Thuận Thiên Kiếm) - game nhập vai trực tuyến (MMORPG) đầu tiên do NPH VinaGame tự thiết kế theo nội dung dã sử Việt Nam đã chính thức có mặt trên thị trường game nội địa. Sự xuất hiện của Thuận Thiên Kiếm không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành sản xuất game trong nước mà còn giúp mở lối đi mới cho ngành công nghiệp nội dung số nói chung cũng như thị trường game Việt Nam nói riêng. Khó khăn lớn nhất mà nhóm làm game Thuận Thiên Kiếm luôn phải đối mặt chính là sự đòi hỏi của thị trường và sự kỳ vọng quá cao của cộng đồng game thủ. Chưa kể, cộng đồng luôn nghi ngờ ê-kíp làm game Việt. Bởi vậy mỗi lần VinaGame ra thông báo dời ngày phát hành game thì nhiều gamer lại đặt ra câu hỏi: “Liệu VinaGame có thực sự đang phát triển 1 game thuần Việt?” hay “VinaGame chỉ giỏi nói chứ không biết làm!”. Nhưng cuối cùng, Thuận Thiên Kiếm đã mở cửa thử nghiệm CB. Để có được ngày ra mắt đặc biệt trùng hợp (T812 – 12h 8 phút – ngày 12/8), nhóm thiết kế Thuận Thiên Kiếm từ… 2 người nay đã lên tới gần 70 người. Không thiếu những lời chê bai hoặc chí ít cũng là nghi ngờ khả năng thành công của Thuận Thiên Kiếm trong 2 năm qua. Nhưng đổi lại thì hạnh phúc đã tới với nhóm Thuận Thiên Kiếm khi hàng ngàn game thủ đăng nhập vào game hôm 12/8/2009. Đặng Hồng Quang Giám đốc Game Studio miền Nam (GSS), trưởng dự án T812 (game producer) Để rèn nên thanh gươm Thuận Thiên, VinaGame đã phải huy động nhiều “kỳ nhân, dị sĩ”. Tuy nhiên, dễ nhận thấy nhất là vai trò tích cực của 4 nhân vật sau đấy. Sau thời gian làm giám đốc sản phẩm game Cửu Long Tranh Bá, anh chuyển sang vai trò trưởng dự án kiêm giám đốc Game Studio miền Nam (GSS). Cũng như những thành viên khác trong nhóm nghiên cứu, Đặng Hồng Quang đến với Thuận Thiên Kiếm bởi lý do duy nhất: “thích chơi game và muốn làm game”. Và cũng “vì game” mà mọi người trong GSS hay trêu: “Mái tóc của anh ngày càng thưa dần đi theo năm tháng”. Là trưởng dự án, việc anh luôn phải đau đầu nhất chính là làm sao tạo tinh thần và niềm tin cho cả nhóm về một tương thành công khi Thuận Thiên Kiếm ra mắt. Bởi không chỉ có báo giới, cộng đồng mà ngay cả một số người trong ê-kíp – có những thời điểm cũng rất nao núng về sự thành công của game Thuận Thiên Kiếm. Quang cho biết: “Thuận Thiên Kiếm là game online Việt Nam đầu tiên được đầu tư nghiêm túc và có mục tiêu cụ thể; số tiền VinaGame đầu tư cũng gấp 3-4 lần so với việc mua game nước ngoài”. Ngoài ra, Thuận Thiên Kiếm không chỉ đơn thuần là một game để giải trí, nó còn chưa đựng rất nhiều các yếu tố về văn hóa, giáo dục… nên nhóm làm game cũng như bản thân Quang luôn tin rằng khi ra mắt Thuận Thiên Kiếm sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội. Phạm Trường Giang Tác giả nội dung game (lead content writer) Tiếp xúc với Phạm Trường Giang, không ai nghĩ rằng người đã từng có nhiều năm lăn lộn trong giới báo chí văn hoá nghệ thuật bỗng chốc chuyển nghề đi “làm game” và trở thành trưởng nhóm nội dung của Thuận Thiên Kiếm. Đối với anh, làm game Thuận Thiên Kiếm cũng giống như một thử thách mà trong đó anh có cơ hội được đào sâu những kiến thức mình đã biết và chưa biết trong quá trình tìm hiểu về lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam. Toàn bộ mạch truyện của game, bối cảnh, thời điểm, nội dung đều được thông qua khoảng 1000 nhiệm vụ trong game Thuận Thiên Kiếm. Trong mỗi nhiệm vụ lại bao gồm nhiều câu chuyện về văn hoá nghệ thuật, lịch sử có thật hoặc có phần hư cấu để tăng sự hấp dẫn của trò chơi. Bên cạnh đó nhóm nội dung còn có sự góp mặt của những chuyên gia văn hóa như: giáo sư Huỳnh Lứa (cố vấn về lịch sử), giáo sư âm nhạc dân tộc Tô Vũ (cố vấn âm nhạc), nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng (cố vấn trang phục) và nhạc sĩ Hoài An (viết bài hát chính và phối âm cho bài Chí Anh Hùng). Nguyễn Xuân Phú Giám sát thiết kế mỹ thuật (art director) Sinh năm 1983, anh hiện là giám sát thiết kế mỹ thuật chính của game Thuận Thiên Kiếm. Đối với một sản phẩm game mang yếu tố lịch sử Việt Nam, việc đưa “hồn Việt” vào game qua những nét vẽ, mảng màu, thiết kế trang phục, phong cảnh, v.v… đóng vai trò rất quan trọng. Xuân Phú cho rằng cảnh quan kiến trúc Việt Nam khá đặc trưng và thuận lợi là có tư liệu sách vở, thực tế để có thể nghiên cứu đưa vào game. Tuy nhiên nhóm mỹ thuật sẽ chỉ miêu tả 70% thực tế, 30% còn lại là sự sáng tạo để tạo ra sự khác biệt gây hấp dẫn cho game thủ. Chẳng hạn, đặc trưng cảnh quan Việt Nam là nhỏ, không “đồ sộ” như Trung Quốc; những game thủ nào quen với cảnh quan đồ sộ của Trung Quốc có thể “hụt hẫng” khi thấy thực tế cảnh quan “nhỏ bé” của Việt Nam nên nhóm mỹ thuật buộc phải thiết kế lại cho phù hợp. Về trang phục thuận lợi hơn bởi có khá nhiều tư liệu để tìm hiểu qua lịch sử, sách báo và tham khảo thêm ý kiến các nhà thiết kế để đưa ra một bộ khung về trang phục. Trong game người chơi sẽ thấy được những trang phục đậm chất dân tộc của các nhân vật NPC ở làng quê như: cô Tấm, ông quan, v.v… Nhiệm vụ trong Thuận Thiên Kiếm cũng được xây dựng khá gần gũi với tuổi thơ của Việt Nam với những vật phẩm được chi tiết hoá như: gói xôi, bó hương, oản, vàng mã. Có một điều đặc biệt được Phú tiết lộ, đó chính là nếu lấy chuẩn của người Việt Nam để tạo hình thì sẽ tạo ra những “dáng dấp” rất nhỏ. Nếu lấy đơn vị tính là “đầu” thì chiều cao của Việt Nam chỉ khoảng 6,5 tỉ lệ đầu người. Nếu áp dụng chuẩn này vào game thì nhân vật như “người lùn” vậy. Do vậy, nhóm kỹ thuật đã quyết định lấy một hình mẫu khá chuẩn của người Châu Á nói chung để làm hình mẫu cho nhân vật của mình. Gamer có thể nhận ra “dáng dấp” người Việt thông qua các chi tiết khác như đầu tóc, kiểu trang phục, cách đối thoại… Trương Danh Thanh Tú Thiết kế hoạt động, tương tác game (lead game designer) Có chuyên ngành kinh tế, từng du học và làm việc lâu năm ở Trung Quốc, sau khi gia nhập Vinagame, Trương Danh Thanh Tú trở thành biệt phái viên “thường trực” của VinaGame tại Kingsoft - hãng phát triển dòng game Võ Lâm Truyền Kỳ. Thời gian này anh cũng được VinaGame gửi qua nhiều studio để học cách làm game như studio Chu Hải - studio làm game Võ Lâm Truyền Kỳ 1, 2; studio Bắc Kinh của game Phong Thần…Sau thời gian biệt phái, Thanh Tú trở về lại việc Việt Nam với “núi” kinh nghiệm có được tại Trung Quốc. Đã từng kinh qua rất nhiều phòng ban của VinaGame như vận hành game (GO), diễn đàn (forum) rồi chuyển về GSS. Quá trình kinh qua nhiếu bộ phận này cho Thanh Tú rất nhiều kiến thức để làm game. Ngoài ra, ngành kinh tế học cũng giúp anh rất nhiều để áp dụng trong quá trình phát triển game như: xây dựng mô hình kinh tế, phúc lợi trong game; những quyết sách để giải quyết lạm phát trong game; hệ thống tiền tệ, buôn bán trong game v.v Kiếm vẫn cần mài Khi Thuận Thiên Kiếm “trình làng”, có người khen và có lời chê. Thế Giới Game mong VinaGame sẽ vẫn giữ vững ngọn lửa game và không ngừng cải tiến sản phẩm để không phụ lòng mong đợi của cộng đồng game thủ Việt. Tin từ:Khánh Văn/PC Word