Thương Gia - Người Tạo ra Thị trường hay Kẻ Ăn bám Xã hội?

Thảo luận trong 'Khoa Thương Mại Điện Tử' bắt đầu bởi hoang_b7, 14 Tháng tám 2011.

  1. Offline

    hoang_b7

    • Windows Vista

    Số bài viết:
    910
    Đã được thích:
    998
    Điểm thành tích:
    900
    Michael Munger*

    Người "trung gian" mua rẻ, bán mắc, và trong khoảng thời gian này y chẳng làm gì cả để cải thiện sản phẩm. Những người trung gian ở khắp mọi nơi và có lẽ đã có mặt từ cái thuở đầu tiên con người sơ khai trao đổi hàng hóa với nhau để cải thiện đời sống. Marco Polo và gia đình của ông là những người trung gian. eBay cũng vậy. Kể từ thời của Marco Polo tới eBay là một khoảng thời gian dài đầy dẫy những rắc rối và phức tạp của xã hội, trong khoảng thời gian này đã có hàng triệu triệu những hoạt động kinh tế và giao dịch vừa có tính chuyên môn vừa mang lại lợi nhuận cao độ. Nhưng những người "trung gian" này có giúp ích cho hệ thống thị trường hay không, hay họ chỉ là những kẻ ăn bám xã hội?

    Tìm ở đâu xa
    Chẳng cần tìm đâu xa, thương nhân chính là cái họ của tôi. "Munger" xuất phát từ chữ "monger," có nghĩa là lái buôn, thường ám chỉ những người buôn đồ lậu. Cái tên này có nguồn gốc rất xưa từ mãi thế kỷ thứ 11: trong những văn tự dùng tiếng Saxon,[3] từ ngữ này được viết là "mancgere." Theo Bộ Từ điển Từ nguyên, danh từ Latinh của từ này là "Mangonis," có nghĩa là người hành nghề trao đổi hàng hóa hay thương nhân (thường được dùng, buồn thay, trong việc buôn bán nô lệ). Và từ "mangonis," lại có gốc từ tiếng Hy lạp là "manganon," nghĩa là bộ máy chiến tranh hay mưu mẹo dùng để lừa kẻ thù. Con ngựa thành Troia là một "manganon." Với những cái nghĩa có gốc tích như vậy, chẳng trách gì người thương nhân vẫn bị xem là những kẻ lừa đảo, trộm cắp, hay ăn bám xã hội. Thành ra, xét về ngữ nghĩa thì, cái từ thương nhân này chẳng có tí ý nghĩa tích cực nào cả mãi cho đến có lẽ năm 1100 sau Công nguyên.
    Đến khoảng năm 1100, con sông từ ngữ đã bắt đầu chia nhánh: Đã có những máy móc dùng trong chiến tranh (như máy bắn đá, còn gọi là "mangonel"), và những thương nhân trong thị trường (còn được gọi là "mancgere"). Trong kiệt tác Lịch sử Dân Anglo-Saxons (1836), một bộ sử dày ba cuốn, tác giả Sharon Turner đã trích một chứng cớ có từ thế kỷ 11 như sau:
    Trong cách nói chuyện của người Saxon, thương nhân được giới thiệu như sau: "Tôi nói rằng tôi là người giúp ích cho nhà vua, nhà quý tộc, và những người giàu có, và cho tất cả mọi người. Tôi chất hàng hóa lên đầy chiếc tàu của tôi, rồi giong buồm đi khắp bốn bể năm châu để bán những sản vật của tôi, rồi mua những thứ quý giá mà ở đây không có, rồi đem chúng về đây vừa trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm trên biển cả, có khi tàu bị đắm mất sạch hết tài sản, còn xuýt nữa mất mạng."

    "Thế anh mang được những gì về cho chúng tôi đây?"
    "Da thú, lụa là, châu báu, vàng bạc, vải vóc đủ loại, bột màu, rượu, dầu, ngà voi, đồng, thau, kẽm, bạc, pha lê, và những thứ như thế."
    "Thế anh có bán những thứ này ở đây bằng giá anh mua về không?"
    "Chắc chắn là không rồi. Vì như thế ai trả công cho tôi đây? Tôi phải bán với giá mắc hơn khi tôi mua, để còn có chút lời nuôi vợ nuôi con chứ." (trang. 115-6)
    Thiệt là ngoạn mục đầy kịch tính: mạo hiểm, rủi ro, lòng tham, lợi lộc. Nhưng người thương nhân của năm 1050 không phải là kẻ ăn bám, ít ra thì anh ta cũng không nghĩ về chính mình như vậy. Thực ra, anh ta còn cho là mình "có ích" cho người khác nữa mà. Hãy xem anh ta lập luận có đúng không. Người thương nhân công nhận là anh ta chẳng làm gi hết để thay đổi hay cải tiến cái sản vật mà anh ta bán. Anh ta chỉ làm có mỗi việc là chuyên chở những sản vật này và bán lại những sản vật này giới cái giá cao nhất mà anh có thể đòi được. Nếu thế thì chẳng phải là dẹp quách anh ta đi còn tốt hơn không? Chẳng phải thương nhân chỉ là kẻ rình xem người khác cần những gì rồi bán cho họ những món hàng đó, còn chính anh ta thì chẳng đem lại được chút giá trị thực tế nào cả hay sao?

    Không. Không hoàn toàn như vậy. Không có những người trung gian, ta sẽ không có được thị trường tối tân như ngày hôm nay. Và lý do tại sao đây là một điều quan trọng bậc nhất mà cũng bị hiểu lầm bậc nhất, trong môn kinh tế học? Tôi sẽ dùng hai thí dụ cổ điển về người trung gian, một của R.A. Radford, và một của F. Bastiat, để minh họa sự vận hành của thị trường qua những thương nhân.

    Màn I: Hoạt động của Thương nhân trong trại tù binh Đệ nhị Thế chiến (xem phụ lục A ở cuối bài)
    Trong Đệ nhị Thế chiến, nhà kinh tế người Anh tên là R.A. Radford bị bắt làm tù binh trong trại giam của quân Đức. Radford ghi nhận một điều rất phổ biến trong những trại tù ông bị giam giữ là sự trao đổi hàng hóa giữa những tù nhân với nhau. Là một kinh tế gia, Radford biết rằng sự trao đổi, khi cả hai bên có đầy đủ thông tin về mặt hàng và không bị cưỡng ép hay lừa đảo, luôn luôn giúp cho hai bên cùng trở nên khấm khá hơn. Điều thú vị ở trong bối cảnh của trại tù là mỗi một tù nhân đều có cùng một số lượng "tài sản" như nhau. Mỗi tù nhân nhận được (a) khẩu phần hàng ngày; cái mà Radford đã tế nhị gọi là "sinh tử phù;" và (b) thỉnh thoảng nhận được gói quà từ Hồng Thập tự, gồm có: sữa hộp, hộp mứt trái cây, bơ, bánh quy, thịt bò đóng hộp, cà-rốt đóng hộp, kẹo xô-cô-la, đường, mật, và thuốc lá.

    Câu nói "Cả hai bên đều khấm khá hơn" có nghĩa là: Nếu tôi thích hai củ cà-rốt hơn một hộp sữa, thí dụ như vậy, và bạn thích một hộp sữa hơn hai củ cà-rốt, thì chúng ta có thể trao đổi với nhau. Đây là điểm đặc biệt quan trọng: Không có sự gia tăng số lượng thực phẩm nào hết, nhưng phúc lợi của cả nhóm được cải thiện. Điều này giống như một phép thần thông, bởi vì nó tạo ra một ảnh hưởng lớn, nhưng hình như ta chẳng bao giờ để ý đến. Khi ta có những ý thích khác nhau, nhưng lại chỉ có cùng một nguồn tài nguyên, thì sự tình nguyện trao đổi có thể giúp cho tình trạng kinh tế của mọi người khá hơn. Trong trường hợp này, vì những gói quà của Hồng Thập tự là nguồn hàng trao đổi chính yếu, nên những món hàng hoàn toàn giống nhau. Cho nên, đổi chác hàng hóa làm cho mọi người đều vui vẻ và sung sướng hơn.

    Người ta cũng chẳng cần nhờ đến ai chỉ cho điều này. Họ biết ngay lập tức. Như Radford nói: "Ngay sau khi bị bắt, người ta đã nhận ngay ra rằng với điều kiện vật chất hạn hẹp, ai cũng như ai, thì việc biếu quà cho nhau hay cho không là chuyện không ai muốn làm mà cũng chẳng cần thiết nữa...'Lòng từ thiện' tự nhiên biến thành sự trao đổi hàng hóa vì đó là phương cách vô tư và công bằng hơn nhằm gia tăng tối đa sự thỏa mãn của mỗi cá nhân." Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói: Mậu dịch thì luôn luôn công bằng hơn là chỉ dựa vào lòng từ thiện hay quà cáp người khác cho mình, vì sự trao đổi tự nguyện luôn luôn giúp cho cả hai bên cải thiện đời sống tốt hơn.
    Cho nên, hãy chấp nhận rằng mậu dịch và trao đổi hàng hóa là điều tốt. Nhưng thế còn người trung gian thì sao? Chẳng phải chính họ là vấn nạn đấy ư? Những tù nhân nghĩ như vậy. Radford nhắc đến một ông Cha có một đôi mắt tinh đời trong sự trao đổi sản vật (có lẽ đây là chuyện Radford hư cấu). "Người ta đồn rằng có một linh mục đi một vòng quanh trại, lúc đi chỉ có một hộp phó-mát và năm điếu thuốc lá, nhưng khi về lại lán của ổng thì đã có được cả một gói quà của Hồng Thập tự cộng thêm những vật ông có từ ban đầu."

    Còn có điểm thứ hai, còn quan trọng hơn, và thực sự được xem như một nghịch lý cơ bản: người trung gian (thương nhân) kiếm được lời vì làm cho người khác khá giả hơn. Vị linh mục chưa bao giờ nói sai hay trình bày sai về những món hàng mà ông đem trao đổi. Mọi món hàng đều được tiêu chuẩn hóa và giống hệt như nhau (một hộp phó-mát thì cũng giống y như những hộp phó-mát khác; thuốc lá do máy sản xuất và điếu nào cũng giống như điếu nấy; một hộp mứt trái cây cũng vậy). Tại mỗi một nơi, sự trao đổi với ông cha đều giúp cho đối tác khấm khá hơn. Thế nhưng, ông cha lại "có lời" bằng cả một gói quà của Hồng Thập tự, lớn bằng cả một gia tài trong trại tù binh.

    Dường như cái ông cha đi lang thang này chỉ biết thu lấy giá trị, mua rẻ, bán đắt, và trong quá trình đó chẳng làm thay đổi hay cải thiện giá trị của những món hàng ông đem trao đổi. Nhưng cũng giống như những thương nhân "mancgere" người Saxon trong năm 1050, vị linh mục sáng tạo ra giá trị trong mỗi bước của tiến trình trao đổi. Ông làm được việc này bằng cách tìm một anh A, người sẵn sàng đổi sáu điếu thuốc lá (hay ít hơn) để lấy một hộp thịt bò, và tìm một anh B, người sẵn sàng bán hộp thịt bò với giá là ba hay bốn điếu thuốc lá. Dĩ nhiên, nếu hai anh A và B gặp nhau, thì họ sẽ trao đổi trực tiếp với nhau. Nhưng tìm được đúng người vào đúng lúc để giao dịch với nhau thì mất rất nhiều thì giờ và còn đòi hỏi có chút may mắn nữa. Vị linh mục/thương nhân, nhờ đã mất thì giờ tìm kiếm khắp "thương trường," đã giải quyết được sự khác biệt. Ông bán hộp thịt bò cho A với giá năm điếu thuốc sau khi đã mua hộp thịt này của B với giá là 4 điếu. Thành thử cả A và B đều khấm khá hơn vì dư được một điếu thuốc và ông cha thì "kiếm lời" được một điếu thuốc nhờ vào tìm được cơ hội mậu dịch cho A và B.

    Dù tôi không muốn cường điệu hóa tầm quan trọng của một thí dụ, vai trò tích cực của thương nhân là điều ai cũng chấp nhận. Câu chuyện ngụ ngôn về vị linh mục lang thang là một minh chứng rõ rệt nhất, từ trước cho đến giờ, cho lập luận này. Xin nhớ rằng, vấn đề nằm ở chỗ này: Nếu mọi giao dịch đều khiến cho những đối tác khá hơn, thì làm thế nào mà ông cha lại có lời được?Chẳng phải lợi nhuận luôn luôn là dấu hiệu của sự bóc lột, nhất là trong tình huống không có một điều gì mới được sản xuất ra hết, như ở trong tù ?

    Màn II: Thương nhân, Bastiat và cái bụng đói (xem phụ lục B ở cuối bài)
    Để giải quyết sự nghịch lý này, hãy xem một thí dụ nữa trong tác phẩm của Frederic Bastiat, được xuất bản lần đầu năm 1850. Bài luận văn mang tựa đề "Những điều trông thấy và Những điều không trông thấy" có rất nhiều điều sâu sắc, nhưng tôi chỉ muốn tập trung vào Phần 6, nói về Thương nhân.

    Dù đoạn trích dẫn này khá dài dòng, ta cũng nắm bắt được ý chính trong lập luận của Bastiat khá dễ dàng: Có ba cách đưa lương thực từ nông thôn tới thị trường. Cách thứ nhất là mỗi người tiêu thụ tự mình đẩy xe đi xuống nông thôn mua lương thực. Cách này thực là quá thiếu hiệu quả mà lại chậm nữa không đối phó được với cơn đói (như David R. Henderson trình bày trong phần thảo luận về kiểm soát giá cả sau Đệ nhị Thế chiến trong tác phẩm Kỳ tích Kinh tế của Đức quốc). Cách thứ hai là thương nhân có thể đi mua, vận chuyển, và bán lại sản phẩm. Cách thứ ba là nhà nước mua, vận chuyển và bán lại sản phẩm, hoặc đem cho không người dân.

    Bastiat cũng ghi nhận là có nhiều người cho rằng nhà nước luôn luôn làm nhiệm vụ cùa thương nhân một cách hữu hiệu hơn vì viên chức nhà nước được tinh thần phục vụ công ích thúc đẩy làm việc, chứ không vì lợi nhuận. Nhưng điều này sai lầm một cách khủng khiếp. Bởi vì trước hết, những nhân viên nhà nước, trong thực tế, không được khích lệ làm việc vì quyền lợi chung. Họ cũng chẳng khác gì chúng ta và hoạt động để kiếm lợi cho chính họ. Thứ hai, không có những dấu hiệu của giá cả và lợi nhuận do thương nhân cung cấp, thì không có ai biết được là món hàng nào nên được chở đi bán ở đâu và vào lúc nào. Nói tóm lại, không có thương nhân, nhà nước sẽ phải làm việc chậm hơn, kém chính xác hơn, và trật lất về thời gian [Chế độ kinh tế bao cấp và trung ương hoạch định là một thí dụ điển hình].

    Một lần nữa, điểm này có vẻ mâu thuẫn. Chính nhờ vào lợi nhuận mà thương nhân tạo ra giá trị. Và chuyện kiếm lời của thương nhân, mua rẻ bán mắc, bảo đảm rằng, như Bastiat đã nói, "lúa gạo đến được bao tử người tiêu thụ" nhanh hơn, rẻ hơn, và chắc ăn hơn bất cứ dịch vụ nào do nhà nước cung cấp. Hệ thống thương nhân đã thực hiện được điều mà Bastiat và cả tôi nữa, cho là kỳ tích: "Được chỉ đạo bằng sự so sánh giá cả, hệ thống này đã phân phối thực phẩm đi khắp nước, khởi đầu luôn luôn là giá cao nhất, nghĩa là nơi nào có nhu cầu cao nhất. Thật khó lòng để có thể nghĩ ra được một tổ chức nào mà lại có thể tính toán đầy đủ chi li hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của những người đang cần..."

    Vài Suy nghĩ cuối
    Thương nhân, người trung gian. Nhiều người có khuynh hướng nghĩ về họ như là một điều xấu xa nhưng cần thiết, tăng giá lên và lợi dụng hầu như tất cả mọi người. Nhưng điều này thật hết sức sai lầm, và lại là điều sai lầm cơ bản khiến cho ta phải tự hỏi tại sao đa số người ta dường như chẳng có tí khái niệm gì về sự vận hành thực tế của nền kinh tế hết cả.

    Sự thật là những thương nhân là phương tiện giúp cho thị trường trở nên "hoàn hảo," hay ít ra là cũng tiến gần đến chỗ hoàn hảo; sự hoàn hảo ở đây có nghĩa là chỉ có một giá cho một món hàng và chất lượng của món hàng được bảo đảm. Sự thương lượng giá cả của thương nhân làm giảm đi sự khác biệt về giá cả, cung cấp những tín hiệu chính xác về sự kham hiếm của hàng hóa và tạo ra những dòng chuyển tài nguyên và nhân lực đến những nơi mà giá trị của chúng được sử dụng cao nhất.
    Bây giờ, khi nghĩ lại về những vấn đề này, tôi phải nói là tôi hãnh diện về cái họ của tôi. Tôi hãnh diện là một Thương Nhân!



    * Michael Munger là Giáo sư Trưởng Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Duke.


    Tham khảo tại: http://icevn.org/vi/node/1300

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí