- Hàng ngày mỗi người chúng ta thường có thói quen ngắm nhìn diện mạo của mình, vậy mà không mấy ai ngày ngày ngắm nhìn xem sự đổi thay của cảnh quan đô thị. Bạn hãy thử một lần làm du khách nghênh ngó khắp phố phường, chắc chắn sẽ tìm thấy một cái thú nực cười trong nỗi buồn trăn trở! Những gì gọi là mốt ắt sẽ lỗi mốt. Mốt quần áo, mốt nữ trang, mốt điện thoại, mốt xe máy, mốt đồ gia dụng... Những tài sản giá trị không lớn lắm lỗi mốt ta có thể vứt bỏ, nhưng còn ngôi nhà thì sao đây? Từ thực tế cho thấy hình thái kiến trúc và vật liệu xây dựng công trình cũng thay đổi mốt theo năm tháng. Từ những ngôi nhà quét vôi đơn sơ đến các công trình đủ loại hoạ tiết. Vật liệu hoàn thiện từ trát đá mài, đá rửa, ốp gạch gốm, ốp men kính, ốp đá hoa cương, lăn sơn nước đủ màu sắc, kéo theo nó là đủ loại hoạ tiết mô phỏng theo các hình thái kiến trúc khác nhau trên thế giới. Các ngôi nhà này đang cố ganh đua đối chọi trên mặt phố, đối chọi cả về hình thái kiến trúc, đối chọi cả về vật liệu xây dựng lẫn màu sắc... Tóm lại, gần như nền kiến trúc đương đại đang ở vào giai đoạn bế tắc và khủng hoảng về phong cách. Đây không phải là trăn trở của nhiều người Việt Nam trước cảnh tượng hiện đại hoá vô lối của nền kiến trúc đương đại. Các kiến trúc sư, các nhà xây dựng đang cố vùng vẫy tìm kiếm phong cách cho riêng mình, nhưng không mấy ai để ý rằng kiến trúc còn đẹp ở sự hài hoà với cảnh quan để tạo ra một bộ mặt chung cho đô thị. Các kiến trúc sư, các chủ nhân công trình đang cố tìm kiếm ý tưởng bằng cách vay mượn phong cách, cóp nhặt hoạ tiết từ kiến trúc nước ngoài, mà sao lại không nghĩ tới việc nghiên cứu hiện đại hoá kiến trúc dân tộc để khẳng định phong cách và bản lĩnh sáng tạo cho riêng mình. Tôi cho rằng các kiến trúc sư nên nghiên cứu kỹ kiến trúc cổ VN và hiện đại hoá nó, làm sao để khi nhìn vào một đô thị, kiến trúc dù hiện đại nhưng vẫn mang phong cách và đường nét độc đáo của kiến trúc dân tộc (ví dụ: Các công trình kiến trúc hiện đại của Nhật Bản, nhất là các công trình của KTS Kenzotan - dù rất hiện đại, nhưng phong cách rất Nhật Bản, ta không thể nhầm nó với bất kỳ kiến trúc một quốc gia nào khác). Nhìn vào các đô thị VN, nhất là những khu phố mới, một quần thể kiến trúc ganh đua, đối chọi, chen chúc, chút Âu, chút Á, chút cổ, chút kim, người ta không thể nhận biết được đó là đô thị của quốc gia nào, phải chăng vì từ phương hướng đào tạo kiến trúc sư ta đã không nghiêm khắc và quan tâm nhiều đến vấn đề bản sắc dân tộc trong thiết kế kiến trúc? Ta có nên buồn không khi các tạp chí thuộc ngành kiến trúc xây dựng in bài, ảnh nhà cửa có lẽ 70% đến 90% là kiến trúc nhà tây, nhà hộp, nhà hiện đại! Ước mong sao các tạp chí này đưa độc giả đến nhiều hơn với nền kiến trúc dân tộc, vì cứ ngắm nhìn mãi các công trình kiến trúc cổ rồi ta sẽ cảm nhận được cái hồn Việt trong kiến trúc, sẽ tìm thấy cái duyên của mái đình, cổng làng, sẽ tìm thấy sự tinh tế từ các hoạ tiết chạm khắc. Xét thấy ở nước ta (trừ những công trình di tích), tất cả những công trình kiến trúc độc đáo mang bản sắc của các dân tộc Việt Nam được đánh giá là công trình tầm cỡ như Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Tây Nguyên, Toà Giám mục Buôn Ma Thuột... thì đều do người nước ngoài thiết kế. Điều đó chứng tỏ kiến trúc Việt Nam độc đáo và rất đẹp, nó có khả năng thu phục người xứ lạ, chỉ tiếc chúng ta sống quá quen với nó nên không cảm nhận được cái đẹp độc đáo và cái duyên tinh tế của nó mà thôi! Tôi đã nhiều lần đến, nhưng chưa vào thăm được ngôi nhà 160 Bạch Đằng - ở khu phố cổ Gia Hội (thành phố Huế) - vì không gặp được chủ nhân. Ngôi nhà được đầu tư cải tạo vào năm 1994, trong khi những ngôi nhà được xây dựng cùng thời trát đá mài, đá rửa thì đã quá lạc hậu, nhưng ngôi nhà này, với ý tưởng hiện đại hoá ngôi nhà rường cổ thì vẫn còn đẹp và chắc chắn hàng trăm năm sau nó cũng vẫn còn rất đẹp. Dù chưa biết bên trong ngôi nhà đã cải tạo ra sao để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng thật đáng trân trọng ý tưởng bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và tôn tạo chúng cho phù hợp với thời đại của chủ nhân ngôi nhà. Nếu tất cả mọi người dân Việt Nam đều có ý thức trân trọng đối với nền văn hoá dân tộc như vậy thì cảnh quan đô thị của nước ta đâu có rơi vào tình trạng hỗn độn như hiện nay. Mới đây có dịp trở lại Huế, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước những đổi thay bất ngờ của cảnh quan đô thị trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Điều đầu tiên phải kể đến là hàng loạt các công trình mới được xây dựng hoặc cải tạo trong vài ba năm qua mang đậm nét kiến trúc truyền thống. Ngoài ra còn hàng loạt nhà dân mới cải tạo hoặc mới dựng cũng được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống... Huế đã đẹp lại càng đẹp hơn trước những đổi thay của cảnh quan đô thị. Khác với những lĩnh vực nghệ thuật khác, kiến trúc là sản phẩm của sự hài hoà giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình, kết hợp với thiên nhiên, kiến trúc tạo nên những cảnh quan kỳ thú cho loài người, cho trái đất. Nhưng nếu không khéo thì chính chúng ta - các kiến trúc sư, các nhà xây dựng và nhất là chủ nhân của các ngôi nhà - sẽ là tác nhân tàn phá cảnh quan dữ dội nhất nếu sản sinh ra những công trình không hoàn mỹ. thảo ú : sưu tầm.:y1::y1::y1: