Ảo tưởng "Pinocchio", mù thoáng qua, ảo giác về nụ cười của nàng Mona Lisa. Con người được cho là sinh vật tiến hóa bậc cao nhất trong giới động vật với một hệ thần kinh trung ương cực kì phát triển. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, bộ não của chúng ta đôi khi cũng bị đánh lừa bởi chính những gì nó tạo ra, khiến con người bị ảo giác. Chúng ta cùng tìm hiểu và khám phá một số những minh chứng cụ thể sau để kiểm nghiệm nhận định trên. 1. Ảo tưởng "Pinocchio" Chú bé Pinocchio với chiếc mũi dài ra mỗi khi nói dối đã quá quen thuộc đối với tuổi thơ của nhiều em nhỏ. Thật kì lạ khi nó không chỉ có trong truyện cổ tích mà còn xuất hiện trong thực tế. Thực chất, nó là một thí nghiệm đơn giản do James R. Lackner của Đại học Brandeis phát hiện năm 1988. Để có được cảm giác này bạn cần 2 cái ghế và 1 miếng vải che mắt. Người bị bịt mắt ngồi sau, người còn lại ngồi phía trước. Người ngồi sau lấy một tay sờ vào mũi người phía trước, còn tay kia thì sờ mũi mình. Và họ bắt đầu xoa xoa 2 cái mũi. Khoảng 1 phút sau. người ngồi sau sẽ cảm thấy mũi của mình dài ra một cách khác thường. Thực ra, đây là hội chứng có tên khoa học là "Anarchic-hand syndrome". Khi tiến hành thí nghiệm này, cơ bắp tay của người ngồi sau sẽ được kích thích, tạo ra một điểm dối lừa với não bộ, cụ thể ở đây là khu vực tích hợp thông tin từ các bộ phận trên cơ thể ở thùy đỉnh của não. Các ngón tay tiếp xúc với mũi của hai người và truyền cảm giác về chiếc mũi cùng một lúc tới trung ương thần kinh, khiến não bối rối, không phân biệt được đâu là mũi mình thật và đâu là mũi người khác. Chính điều này đã khiến chúng mình có ảo tưởng chiếc mũi dài ra đến không ngờ. Tác dụng của việc bịt mắt trong thí nghiệm cũng là để ngăn chặn thị giác phát hiện ra sự lừa đảo này, dễ dàng đạt được cảm giác là lạ ấy. Xác suất đạt được cảm giác này lên tới trên 50%, tuy nhiên nó dễ xảy ra hơn ở những người mắc chứng bệnh thần kinh phân liệt hay tổn thương não. Những người này thậm chí họ còn có ảo giác rằng, bác sĩ và y tá mới là vợ chồng, con cái và người thân là những người xa lạ. 2. Hiện tượng “mù thoáng qua” Thoạt nghe chúng ta tưởng chừng như có vẻ hơi vô lý khi hiện tượng này xảy ra ở những người có thị lực bình thường. Tuy nhiên, nhà khoa học Daniel Simons đã tiến hành một thí nghiệm với 40 người đàn ông trưởng thành. Họ được mời tới xem một trận bóng rổ và bị yêu cầu đếm tất cả số đường chuyền có trong trận đấu. Nhà khoa học đã bố trí sẵn một con vượn chạy qua trước mắt họ trong vòng 5s. Kết quả thí nghiệm cho thấy, tất cả 40 người đàn ông đã tập trung cao độ vào đề bài đếm đường chuyền mà không hề nhận thấy có sự hiện diện của con vượn. Lý giải về ảo giác trên, Simons nói rằng: “Thường thì người ta không bao giờ nhìn thấy rừng xanh giữa đám cây cối rậm rạp”. Có nghĩa là, chúng ta luôn sống trong ảo giác do sự tập trung gây ra. Nếu bạn quan sát một khung cảnh với những hiện tượng xảy ra trong đó, chỉ một số chi tiết nhất định lọt được vào não bạn. Mắt đóng vai trò như một ống kính phản xạ, lưu giữ hình ảnh cực nhanh, song chỉ ghi nhớ được những thông tin quan trọng mà não đề ra, còn lại sẽ bị đào thải, loại bỏ. Điều đó đôi khi rất nguy hiểm. Các chuyên gia nghiên cứu giao thông cho biết, phần lớn các tai nạn ô tô đều có liên quan tới hiên tượng "mù thoáng qua". Trong thí nghiệm trên, những người đàn ông “chúi mắt” vào các quả bóng có thể so sánh với người tài xế đang lái xe chạy trên đường và đang mải mê nghĩ về một chuyện gì đó, còn con vượn đóng vai người qua đường. Thế là xảy ra tai nạn. Ảo tưởng trên được nghiên cứu từ những năm 90 và gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội rằng, cái chúng ta thực sự nhìn thấy nhiều hơn rất nhiều những cái mà chúng ta tin rằng chúng ta nhìn thấy. 3. Ảo giác nụ cười nàng Mona Lisa Nụ cười bí ẩn của "nàng La Gioconda" là điều hẳn không còn xa lạ với rất nhiều người. Thế nhưng, câu hỏi vì sao nó ”bí ẩn” thì không hề dễ trả lời chút nào. Thiên tài hội họa Léonard de Vinci đã lợi dụng hiện tượng “mù chớp nhoáng” và đánh lừa sự kết hợp giữa não bộ với thị giác để tạo ra ảo tưởng trên. Càng nhìn lâu vào khuôn mặt nàng, bạn càng thấy đôi mắt ấy đang cười, rất kiêu sa và mãn nguyện. Nhưng chỉ cần nhìn xuống khóe miệng một chút, bạn sẽ thấy khuôn mặt người thiếu nữ nghiêm nghị kỳ lạ. Đột nhiên, bạn không hiểu nàng đang vui hay buồn, thanh thản hay lo lắng. Người xem luôn có cảm xúc rất trái ngược khi đứng trước bức tranh nàng Mona Lisa này. Theo giả thiết của nhà khoa học thần kinh Margaret Livingstone (Mỹ), bạn chỉ “chộp” được một khu vực rất nhỏ bên lông mày và gò má khi chăm chú nhìn vào đôi mắt của Mona Lisa. Tức là bạn chỉ có thể nhìn thấy một phần rất nhỏ mà không thể quan sát toàn bộ khung cảnh đằng sau xung quanh bức tranh. Khi đó, các nét mờ trên gò má Mona Lisa sẽ hiện lên khá rõ, khiến bạn có cảm giác khóe môi của người phụ nữ cũng được kéo nhếch lên, tô đậm hơn và Mona Lisa mỉm cười. Trái lại, khi bạn nhìn vào miệng nàng thì hiệu ứng này cũng lập tức biến mất cùng với nụ cười ấy, hóa ra, nụ cười này vừa thật, vừa ảo. Người thưởng tranh Léonard de Vinci rất khó nhận thấy khi nào nàng cười thật và khi nào nàng cười ảo. Đây chính là bí mật lớn nhất về Mona Lisa, nó giải thích vì sao mấy trăm năm nay, người xem luôn có cảm xúc rất trái ngược khi đứng trước bức tranh này. Nguồn: kenh14.vn