Vô địch thế giới về gian lận click trong quảng cáo, “trùm” phát tán thư rác và rủi ro về gia công phần mềm…là những điểm yếu của CNTT Việt Nam được quốc tế “ghi nhận”. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 10 nghiên cứu quốc tế về CNTT được công bố. Trong các nghiên cứu này, CNTT Việt Nam có được một số thành quả tích cực như TP.HCM xếp thứ 4 trong 10 thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về gia công phần mềm (báo cáo của hãng Tholons đầu tháng 2), chỉ số phát triển ICT (CNTT và truyền thông) tăng 15 bậc (báo cáo của Liên minh viễn thông thế giới – ITU). Nhưng bên cạnh niềm vui về những thành tích đó, CNTT Việt Nam cũng liên tục chứng kiến những thành tích buồn. 1. Vô địch thế giới về gian lận click quảng cáo Vào ngày 23/7 vừa qua, hãng phân tích quảng cáo mạng Anchor Intelligence cho biết Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud). Với 48% toàn bộ số click chuột quảng cáo là gian lận, Việt Nam bỏ xa các nước đứng sau, như Canada đứng thứ hai với 27,7%, Mỹ thứ ba với 25,6% hay Ả rập Xê-út với 21,2% xếp thứ 4. Click Fraud là thuật ngữ để chỉ hành động dùng các phần mềm chuyên dụng hay nhân công giá rẻ nhấn liên tục vào một hay các thanh quảng cáo (banner, logo, link...) trên mạng nhằm tạo ra thành công giả tạo của chiến dịch quảng cáo. Nói cách khác, các cú click chuột đó không tạo giá trị về kinh tế cho nhà quảng cáo mà chỉ phục vụ cho mục đích xấu của người nhấp chuột. Theo Anchor Intelligence, tỷ lệ gian lận quảng cáo mạng của Việt Nam cao chủ yếu là “dân số online” đang tăng trong khi môi trường bảo mật lỏng lẻo. Điều đó khiến cho máy tính ở Việt Nam dễ bị các tổ chức tội phạm quốc tế lợi dụng biến chúng thành các “cỗ máy” (zombies) gian lận quảng cáo. 2. Xếp trong top 12 thế giới về phát tán thư rác Cuối tháng 7 vừa qua, hãng bảo mật Sophos (Anh) công bố báo cáo xếp hạng Việt Nam đứng cuối bảng trong top 12 quốc gia phát tán thư rác (spam) nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam chiếm 2,3% tổng số thư rác gửi đi trên toàn cầu, gần bằng “thành tích” của những quốc gia như Argentina (2,55%), Italy (2,8%), Nga (3,2%) và Tây Ban Nha. Đặc biệt, trong các báo cáo của các hãng bảo mật danh tiếng Symmantec và Panda Security công bố trước đó, Việt Nam cũng có mặt trong top những nước phát tán thư rác nhiều trên thế giới. Cũng tương tự như “thành tích” vô địch thế giới về gian lận click chuột trong quảng cáo trực tuyến, lý do Việt Nam đứng trong top 12 về phát tán thư rác xuất phát từ tình trạng bảo mật máy tính lỏng lẻo nên bị tội phạm lợi dụng làm “cỗ máy” phát tán thư rác. Thông tin từ các công ty bảo mật trong nước như Công ty an ninh an toàn thông CMC (CMC Infosec) và Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (Bkis) đã ủng hộ nhận định trên. Theo CMC Infosec, khoảng 80% thư rác phát tán từ Việt Nam là do hacker sử dụng mạng máy tính ma (botnet). Tức là những kẻ phát tán thư rác đã sử dụng các máy tính bị lây nhiễm mã độc, được gọi là máy tính ma, để thực hiện hành vi gửi thư rác mà người sở hữu máy tính đó ở Việt Nam không hề hay biết. Còn theo thống kê của Bkis trong tháng 7/2009, 98,4% thư rác ở Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, còn lại chỉ có 1,6% là được gửi từ các máy tính trong nước. Trong số 1,6% thư rác gửi từ trong nước, có tới 77% được gửi từ mạng máy tính ma. 3. Hai “đầu tàu” của Việt Nam xếp trong top 25 địa điểm gia công rủi ro nhất Cuối tháng 2 năm nay, hãng nghiên cứu Mỹ Brown&Wilson công bố báo cáo 25 thành phố có mức độ rủi ro nhất toàn cầu về gia công phần mềm. Điều đáng nói là cả hai thành phố đầu tàu về xuất khẩu của Việt Nam đều góp mặt trong danh sách này, TP.HCM đứng thứ 17, còn Hà Nội đứng thứ 22. Trong số 10 tiêu chí chính đánh giá về an toàn liên quan đến gia công phần mềm, có tới 7 tiêu chí TP.HCM bị đánh giá thiếu an toàn ở mức cao, ví dụ như hạ tầng mạng viễn thông thiếu ổn định, ô nhiễm môi trường, hệ thống pháp lý lỏng lẻo, tỷ lệ cảnh sát/số dân thấp... So với TP.HCM, Hà Nội được đánh giá tích cực hơn, chỉ có 5/10 tiêu chí bị đánh giá thiếu an toàn ở mức cao, trong đó hai điểm yếu điểm đặc biệt của thủ đô là hạ tầng viễn thông thiếu an toàn và tỷ lệ cảnh sát/dân số thấp. 4. Gia công phần mềm thua xa các nước láng giềng Trong tháng 2/2009, hãng nghiên cứu Gartner công bố báo cáo 10 quốc gia có dịch vụ gia công phần mềm đứng đầu khu vực châu Á – TBD, trong đó có Việt Nam. Báo cáo này của Gartner không xếp thứ hạng giữa các quốc gia mà đánh giá theo 10 tiêu chí liên quan đến GCPM, gồm kỹ năng ngoại ngữ, hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục, chi phí, sự ổn định kinh tế và chính trị, tương đồng văn hóa, khả năng toàn cầu hóa, an ninh và bảo vệ quyền riêng tư. Các tiêu chí này được đánh giá theo năm mức, gồm: yếu, trung bình, tốt, rất tốt và tuyệt vời. Trong số 10 tiêu chí đó, Việt Nam chỉ duy nhất có thế mạnh nổi bật: giá gia công phần mềm rẻ nhất. các tiêu chí còn lại của Việt Nam đều ở mức yếu và trung bình. Trong đó, có tới 4 tiêu chí bị đánh giá ở mức thấp nhất (yếu – poor) là kỹ năng ngoại ngữ, hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng, an ninh và bảo vệ quyền riêng tư. Các tiêu chí nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục, sự ổn định chính trị và kinh tế, tương đồng văn hóa, khả năng toàn cầu hóa cũng chỉ được đánh giá ở mức trung bình. Như vậy, xét tổng thể trên các tiêu chí của Gartner, Việt Nam là quốc gia được đánh giá thấp nhất, sau cả những quốc gia “chiếu dưới” trong bảng xếp hạng này như Philippines, Thái Lan và Pakistan. 5. Sức cạnh tranh IT Việt Nam giậm chân tại chỗ Cuối tháng 2/2009, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố bảng chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu năm 2008, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 61/66 quốc gia được đánh giá. Không chỉ thứ hạng không tăng, điều đáng nói là trong tổng số 6 nhóm tiêu chí của Việt Nam, có tới 4 nhóm tiêu chí tụt hạng, một nhóm tiêu chí giữ nguyên và chỉ có một tiêu chí tăng hạng (nguồn nhân lực). Một thực tế phải nhìn nhận trong bảng chỉ số này là có sự tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người (GDP) và khả năng cạnh tranh CNTT quốc gia. Khi so Việt Nam với các nước xếp hạng cao trong chỉ số này có sự chênh lệch rất lớn về GDP. Trong số 20 nước đứng đầu chỉ số này, đa số là những quốc gia phát triển của châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á có kinh tế và ngành công nghiệp CNTT rất phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều con số đáng lo với Việt Nam trong nghiên cứu này, như tỷ lệ băng rộng (chỉ đạt 0,8 điểm trong thang điểm 100); tỷ lệ máy tính 1,4/100 dân; chất lượng nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của các công ty, 10 ứng viên xin việc chỉ tuyển được 1 người; tiêu chí về nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ đạt 0,1 điểm trong thang điểm 100. :y22::y22::y22:
Hy vọng cntt của Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực, chứ cái đà thế này chúng ta sẽ mau chóng tụt hậu và chẳng có chỗ đứng nào trên trường quốc tế hết!