Kinh nghiệm ứng tuyển vào vị trí nhân viên tổ chức sự kiện

Thảo luận trong 'QC và quan hệ cộng đồng' bắt đầu bởi piglet7602, 31 Tháng mười 2011.

  1. Offline

    piglet7602

    • Nữ Tướng

    Số bài viết:
    803
    Đã được thích:
    1.126
    Điểm thành tích:
    900
    Trở thành một chuyên gia tổ chức sự kiện là mong muốn của nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường hiện nay. Nhưng vì chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp cũng như không có nhiều cơ hội va chạm thực tế thường làm các bạn kém tự tin trong việc ứng tuyển cho vị trí nhân viên tổ chức sự kiện, hoặc có thì không được nhà tuyển dụng đánh giá cao, dẫn đến việc mặc dù có đam mê, năng khiếu nhưng không được đánh giá đúng và thể hiện hết khả năng của bản thân.
    Vậy nhà tuyển dụng cần thấy những gì ở bạn? Và bạn phải thể hiện điều đó như thế nào? Xem một số lưu ý dưới đây để tự tin tiến gần hơn đến với công việc mình yêu thích.

    1. Phong cách
    Một người tổ chức sự kiện không thể có phong thái uể oải, chậm chạp, đi như không thể nhấc chân lên nổi được. Hãy tưởng tượng trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng, bạn phải làm việc với một người cứ đủng đỉnh, lề mề thì sẽ như thế nào? Người làm sự kiện, họ phải nhanh nhẹn, tự tin, nói năng to, rõ ràng. Bạn nên cố gắng tập cho mình phong cách này hoặc ít nhất cũng thể hiện được điều này khi được phỏng vấn. Để được như vậy, bạn nên tập luyện một vài lần dáng đi sao cho dứt khoát, nói năng gãy gọn trước khi gặp người tuyển dụng. Lưu ý khi phỏng vấn nên mặc những trang phục thể hiện tính năng động và dễ di chuyển, tránh mặc váy, đầm rườm rà sẽ gây vướng víu và hạn chế trong việc đi lại, lên xuống cầu thang dẫn đến hình ảnh lúng túng, thiếu năng động. Cái nhìn đầu tiên rất quan trọng, vì thế bạn nên tạo một ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.

    [IMG]
    Phong thái tự tin, nhanh nhẹn cần thiết với một người làm
    tổ chức sự kiện
    2. Kiến thức
    Bạn nên chuẩn bị kiến thức càng nhiều càng tốt. Nếu có điều kiện tham gia vài khóa học về event thì thật tốt, nếu không, bạn có thể tham khảo những kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ những trang web dành cho người làm event hoặc hỏi han, trao đổi với những người đi trước để hiểu về nghề này. Kiến thức mà bạn thể hiện rất quan trọng vì ngoài kinh nghiệm thì kiến thức là nền tảng cho mọi hoạt động của bạn trong công việc sau này. Kiến thức tốt giúp bạn nắm bắt công việc nhanh hơn và tiếp thu được nhiều hơn trong quá trình làm việc.

    3. Kinh nghiệm
    Như đã nói ở trên, nếu như kiến thức là nền tảng quan trọng thì kinh nghiệm lại là những kỹ năng bạn cần phải trang bị trước khi bắt đầu công việc. Kinh nghiệm không đòi hỏi phải chuyên sâu hay phức tạp mà có thể chỉ đơn giản là bạn đã tham gia một vài event trước đó. Với bất cứ vai trò nào, dù là helper, hay chỉ đơn giản là PG, PB thì bạn cũng cần nêu kinh nghiệm của mình, bên cạnh đó, bạn cũng nên cho nhà tuyển dụng biết về công việc của bạn trong sự kiện đó bao gồm những gì, những việc này bạn cần trung thực vì bạn sẽ không thể qua mắt nhà tuyển dụng nếu như không có mà bạn lại có. Dù là kinh nghiệm ở vị trí nào thì nó cũng đều giúp ích được cho công việc sau này của bạn, ví dụ như bạn được giao quản lý PB thì bạn sẽ hiểu rất rõ công việc của các PB là gì và quản lý họ thế nào cho hiệu quả.
    4. Thể hiện
    Việc thể hiện mình cũng rất quan trọng. Thể hiện không có nghĩa là khoe khoang bản thân mà cần cho nhà tuyển dụng thấy được những tố chất tích cực của mình và mình phù hợp với công việc này. Nếu như nhà tuyển dụng đòi hỏi một người có đầu óc sắp xếp và tổ chức, và bạn có những tố chất này thì hãy chia sẻ với họ. Một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp sẽ biết cách khơi gợi để bạn có thể chứng tỏ khả năng, ngược lại, nếu họ không làm như vậy bạn hãy chủ động hỏi họ để có cơ hội giới thiệu thêm về bản thân. Ví dụ như, bạn có thể hỏi về các sự kiện công ty thường làm thì làm với những suppliers nào? Qua đó, bạn có thể kể 1 vài suppliers giá tốt mà bạn có quan hệ và kinh nghiệm làm việc với họ. Tương tự như vậy, bạn có nhiều cách để thể hiện kiến thức và kinh nghiệm, không nhất thiết phải ngồi im như phỗng chờ người tuyển dụng hỏi. Qua cách bạn tương tác, họ còn đánh giá được rằng bạn rất quan tâm đến công việc mà bạn ứng tuyển nữa.
    [IMG]
    Thể hiện tốt giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao về bạn
    5. Tinh thần
    Khi bạn đã chuẩn bị tốt về tất cả mọi thứ thì bạn sẽ có một tinh thần thoải mái và tự tin. Tuy nhiên, nếu như bạn không có được nhiều kinh nghiệm thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Hãy để cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự mong muốn được làm việc ở vị trí này và cộng tác cùng công ty của họ. Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao tinh thần ham học hỏi và nhiệt tình với công việc, và họ sẽ đào tạo thêm cho bạn trong công việc. Những người có đam mê thì sẽ gắn bó với công việc và sẽ cố gắng để làm tốt công việc, vì vậy, hãy để tinh thần thoải mái và chia sẻ một cách thẳng thắn nhất mà bạn có thể.

    PÉ MIU - eventchannel.vn

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí