Sinh viên trước trách nhiệm công dân, đất nước trong bầu cử quốc hội & hội đồng nhân dân

Thảo luận trong 'Hội sinh viên' bắt đầu bởi xuanyeuthuong, 18 Tháng năm 2011.

  1. Offline

    xuanyeuthuong

    • Thành Viên Mới

    Số bài viết:
    1
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    SINH VIÊN TRƯỚC TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN, ĐẤT NƯỚC
    TRONG BẦU CỬ QUỐC HỘI & HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN


    Khóa 8 nhiệm kỳ 2011-2016 (22/5/2011)
    Ứng cử viên Nguyễn Thị Anh Đào
    Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á
    Các bạn sinh viên thân mến,

    Cách đây mấy mươi năm, chúng ta đã có thế hệ sinh viên thật sự lớn.
    Tuổi hai mươi miền Nam đầy nhiệt huyết lúc ấy sẵn sàng dấn thân cho phong trào tranh đấu hào hùng, siết chặt tay nhau xuống đường dậy mà đi, say sưa hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào!
    Tuổi hai mươi miền Bắc cũng hàng hàng lớp lớp náo nức xếp bút nghiên lên đường xẻ dọc Trường Sơn, bao sinh viên Hà Nội trẻ măng vượt Bến Hải để sống chết với cổ thành Quảng Trị.

    Trước đấy nữa, thời kháng Pháp nhiều sinh viên học sinh cũng đã bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa, nhiều anh chị em đã ngã xuống, rờn rợn câu thơ các bạn hôm nay thuộc lòng: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành …
    Tôi đọc lại trang sử sinh viên học sinh một thời, lòng không khỏi nghĩ ngợi. Có phải khói lửa chiến tranh đã làm tuổi trẻ lớn nhanh và hòa bình làm chúng ta nhỏ bé lại, chậm trưởng thành ?
    Tôi không tin đó là quy luật, chẳng có quy luật nào như thế cả, dù hiện tượng bên ngoài có vẻ đó là sự thật, sự thật khá phổ biến.
    Tôi nghiệm ra rõ ràng rằng, khi con người sống có trách nhiệm, ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình và nhận lãnh trách nhiệm ấy, con người ấy đã lớn. Ở vùng quê nghèo của tôi nhiều em bé gái mười mấy tuổi đầu đã biết cáng đáng việc nhà, biết chăm sóc em út như người mẹ, biết lo toan cần kiệm như người chủ gia đình. Các em ấy nhỏ tuổi nhưng không nhỏ, trách nhiệm đã làm các em lớn lên!

    Và điều khác nữa không kém phần quan trọng là do người lớn, nói chính xác là những người nhiều tuổi hơn tự cho mình là lớn. Trong con mắt của những người lớn này, những người trẻ là những người còn nhỏ. Trẻ không nhất thiết là nhỏ, càng không phải là trẻ nhỏ, nhưng dưới ánh mắt thôi miên vô lý ấy, nhiều người trẻ không lớn lên được, lâu ngày hóa ra nhỏ thật.
    Giáo dục mà thiếu khuyến khích tranh luận, đối thoại cởi mở, không coi trọng và phát huy sự tự học cũng là cách thức làm nhỏ con người. Thầy giáo là rất quan trọng, ơn thầy là rất sâu nặng, nhưng đâu cần phải “hách” đến độ “không thầy đố mày làm nên” như ngày xửa, ngày xưa.

    Dạy và học là quá trình đòi hỏi nghệ thuật hợp tác, phối hợp nhuần nhuyễn hoạt động của người thầy với hoạt động khám phá do tâm trí người học tạo ra. Tri thức không phải là thứ chất lỏng, cứ thế mà đổ đầy từ thầy sang trò. Học gạo để làm gì khi kiến thức chỉ là những gì còn lại sau khi đã mất, đã quên?

    Thầy quan trọng ở chỗ khơi gợi và định hướng, nhờ thầy dẫn đường là tất yếu nhưng không nên quá lệ thuộc, nhất thiết phải nhờ thầy “cõng” sang sông.
    “Hãy tự đốt đuốc” và can đảm tự đi tìm chân lý!

    Các bạn sinh viên thân mến,

    Cách đây mấy năm một tờ báo đã mở diễn đàn “nước Việt lớn hay nhỏ” lôi cuốn nhiều người tham gia, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích.
    Khơi dư luận, hướng xã hội suy tư vào vấn đề như vậy là rất cần thiết.
    Tôi không muốn phân tích dông dài các khía cạnh địa lý, tài nguyên, dân số, truyền thống, lịch sử. Những số liệu ấy đều có ở sách vở, không thích giở sách vở thì các bạn tra Google. Tôi muốn chúng ta nhìn lại dân tộc ta qua từng con người, mỗi con người.
    Đất nước này lớn hay không lớn, dân tộc này lớn hay không lớn, tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Dân tộc này không thể lớn nếu từng người trong đó ngủ yên trong sự bé nhỏ, không chịu lớn.

    Các bạn là tương lai của đất nước này. Câu hỏi đất nước này lớn hay không tùy thuộc ở các bạn. Nếu các bạn khát khao lớn và thực sự lớn, tôi quả quyết rằng đất nước này, dân tộc này rồi nhất định sẽ lớn.
    Để lớn được việc đầu tiên là phải thức tỉnh. Sau đó là quyết tâm kiên trì, cần mẫn mỗi ngày chắt chiu một ít. Ngủ dậy vươn vai lớn ngay như Phù Đổng chỉ là ước mơ bay bổng, trưởng thành bao giờ cũng là kết quả của quá trình khổ luyện,vận dụng và khám phá, không kiên gan khổ luyện rất khó có ngày thành công.

    Các bạn thân mến,

    Ở tuổi hai mươi tôi cũng đã là sinh viên. Cũng tuổi hai mươi tôi được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Sau đó tôi rời bục giảng thử sức với cuộc đời rộng lớn, nếm trải mọi thăng trầm, thất bại lẫn thành công.
    Và hai mươi năm sau tôi quay lại với giáo dục, đem tâm huyết gắn trọn với lĩnh vực mình yêu thích. Tôi luôn tin tưởng vào khả năng khám phá ở các bạn, có ít nhất là 6 vùng thông minh được khảm phá từ não bộ, các bạn sẽ giỏi ít nhất một vùng nào đó hoặc nhiều vùng: có bạn giỏi toán, có bạn giỏi văn, có bạn giỏi ngoại ngữ, có bạn giỏi vẽ... mỗi bạn đều có một sở thích về một môn học nào đó, đúng không?! Đó chính là cơ sở để phát huy ít nhất một vùng thông minh. Các bạn thấy đấy, có nhiều người học gạo nên điểm học tập rất cao, có nhiều người học theo cách vận dụng nên điểm cao không nhiều, nhưng rõ ràng những người biết vận dụng đã thành công nhiều hơn những người học gạo.
    Không có gì quan trọng bằng giáo dục, học để làm người trách nhiệm, học để thay đổi chính mình, học để biến đổi xã hội và thế giới. Hành trình từ hồng hoang mông muội đến văn hóa, văn minh của nhân loại gắn chặt với ngọn đèn và trang sách.
    Tôi ước mong cùng nhiều người góp phần làm hết sức mình để thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm giáo dục lớn của khu vực và cả nước. Giáo dục của Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới trong một ngày gần nhất. Một trăm năm trước các sĩ phu đất này đã xướng xuất phong trào Duy Tân, tại sao trăm năm sau chúng ta không dám thử đi đầu ?

    Quyết tâm tranh đấu cho điều này. Giáo dục phải là dấu son thể hiện sự năng động, táo bạo trong chính sách của thành phố Đà Nẵng, của đất nước chúng ta.

    Các bạn sinh viên thân mến,

    Các bạn không còn nhỏ. Các bạn đã là công dân.
    Tôi gọi các bạn là những công dân đi học.
    Tất cả các bạn đã có quyền bầu cử, số lớn trong các bạn đã đủ tuổi có quyền tự ứng cử, nếu các bạn tự ứng cử càng thể hiện sự năng động dám nghĩ dám làm của người trẻ, những người không nhỏ. Quyền bầu cử và ứng cử mà các bạn đang có hoàn toàn bình đẳng với bất kỳ ai, không phân biệt cương vị, tuổi tác.
    Với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên hành xử quyền ấy. Dù bỡ ngỡ, nhưng là những công dân ưu tú, tôi tin tất cả các bạn sẽ sử dụng lá phiếu của mình cẩn trọng và đúng đắn.
    Lá phiếu ấy chứa đựng ưu tư trước thời cuộc và kỳ vọng của các bạn về đất nước, về thành phố chúng ta. Đó cũng là cách các bạn bầu chọn tương lai.

    Với tất cả tin yêu, thân chào các bạn.

    Các bạn có thể xem bài phát biẻu tại đường link này:

    http://www.youtube.com/watch?v=-F7A5Ahj2eY
    lyvinhr00m thích bài này.

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí